Tác giả

Chuyên mục

Trang

Trao đổi lại với ông Thomas A. Bass về phần biên tập ban đầu cuốn sách của ông mà tôi tham gia

Th11 12, 2014

Nguyễn Việt Long

Bài liên quan:

Cuốn sách về một điệp viên không hoàn hảo
Những chỗ bị kiểm duyệt sửa đổi và cắt bỏ trong bản dịch cuốn “Điệp viên Z21. Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” của Thomas A. Bass
Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (1)
Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (2)
Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (3)
Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (4)
Bản dịch trọn vẹn: Thomas A. Bass – Điệp viên yêu chúng ta. Chiến tranh Việt Nam và trò chơi nguy hiểm của Phạm Xuân Ẩn
Nhà báo và nhà kiểm duyệt (1)

Mới đây, trang pro&contra có đăng một bản dịch tiếng Việt bài “Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam” của GS Thomas Bass, tác giả cuốn Điệp viên Z.21, kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ (tên nguyên tác: The Spy Who Loved Us) viết về quá trình biên tập và xin giấy phép xuất bản tại Việt Nam.

Tôi hiểu được nỗi niềm và sự bực bội của tác giả khi tác phẩm của ông bị cắt xén và chỉnh sửa một số đoạn. Tuy nhiên, bài viết của ông có thể khiến cho người đọc hiểu không đúng một số sự việc liên quan đến tôi, người được ông Bass nhắc đến.

Qua ngòi bút sinh động nhưng có chỗ lấp lửng của ông Bass, người đọc chưa kịp đánh giá “sự quan tâm đến từng chi tiết” của một ông Long nào đó đại diện cho Nhã Nam thì đã có ác cảm ngay lập tức vì “giọng điệu gây gổ” của ông này, cùng với việc khuấy lên “những “chi tiết rối mù”, cốt để các học giả chỉ xoay quanh tiểu tiết mà quên đi điểm chính.” Bạn đọc có cảm tưởng như “trận giáp lá cà tại hàng rào văn chương” mà tác giả mô tả, mở đầu bằng câu nói của biên tập viên Nhã Nam: “Tác giả nhầm”, đã kết thúc với phần thắng chung cuộc có vẻ nghiêng về phía tác giả qua chiến dịch chứng minh rằng: “Biên tập viên nhầm”. Tôi chưa kịp cảm động khi thấy ông Bass “cảm thấy lương tâm cắn rứt” vì sợ rằng ông có thể là nguyên nhân gây nên những phiền toái nào đó cho biên tập viên Nhã Nam thì đã thấy mình biến thành “một con chuột bị kẹt giữa một tác giả khó tính và các nhà kiểm duyệt khắt khe” (chắc ông Bass ám chỉ đây là hai con mèo to!). Dưới ngòi bút giàu tưởng tượng của tác giả, tôi đã thoát thế kẹt giữa hai con mèo bằng cách chọn con mèo có quyền sinh quyền sát với tôi hơn, nghĩa là “sẽ cho… [bản dịch cuốn sách của Bass] cú đấm thôi sơn đầu tiên, và càng cắt gọt hữu hiệu thì… [tôi] càng được các quan chức nhà nước đánh giá cao”(!).

Vì vậy, tôi viết bài này với tư cách cá nhân (không thay mặt cho Nhã Nam) để kể lại một số “góc khuất” trong công việc biên tập cuốn sách này mà tác giả không nói đến, phần liên quan đến tôi, cho tới khi tôi rời Nhã Nam.

“GIÁP LÁ CÀ” VỀ NGÔN NGỮ

Đúng như lời Thomas Bass nói, dường như ông “đã hiểu sai chức năng của các biên tập viên Việt Nam”, khi ông đã lẫn lộn giữa một bên là vấn đề học thuật và tính chính xác của dữ kiện lịch sử với bên kia là những vấn đề liên quan đến chính trị. Hạn chế lớn của Thomas Bass là ông không biết tiếng Việt nên phải dựa vào những người Việt hải ngoại. Trong quá trình trao đổi thư từ tràng giang đại hải bằng tiếng Anh khiến tôi rất mất thì giờ và năng lượng với một người ngoại quốc chưa hiểu rõ những tinh tế của ngôn ngữ tiếng Việt hay có những nhầm lẫn về lịch sử và chính trị Việt Nam, tôi đã từng đề nghị ông cho phép tôi trao đổi trực tiếp bằng tiếng Việt với người đại diện nào đó của ông (dù là giấu tên), nhưng Thomas Bass đã khước từ.

Tất nhiên là đội ngũ tư vấn người Việt của ông đã có công lao sửa đổi những lỗi chính tả về tên riêng hay một số từ không chuẩn hoặc không đúng trong bản dịch. Nhưng dường như họ đại diện cho một thứ tiếng Việt được dùng cách đây gần nửa thế kỷ ở miền Nam Việt Nam, bị “đóng băng” kể từ khi rời đất nước ra đi và muốn bảo vệ cho thứ ngôn ngữ đã hơi lỗi mốt đó của họ, đối nghịch lại với thứ ngôn ngữ hiện hành mà họ cho là ngôn ngữ quan phương (bureaucratic language) có chủ ý, đầy rẫy những “thuật ngữ cộng sản”. Theo quan điểm của họ thì bản dịch tuy “thành thạo và trung thành với bản gốc (“competent” and “faithful to the text”) nhưng lại sử dụng nhiều từ và lối nói Hán Việt, gây nên nhiều sai lạc về niên đại của từ ngữ (anachronisms). (Nhân tiện đây xin nói thêm là bản dịch bài viết nói trên của Thomas Bass đã dùng từ “thác ngộ niên đại” để dịch chữ anachronism mà đến tôi cũng chẳng rõ nghĩa lắm. Không biết nếu ban cố vấn của ông Bass mà đọc đến chữ này thì họ có phê phán người dịch không). Như vậy đã có một độ “vênh” nhất định giữa hai phe trong trận “giáp lá cà” này.

Ở đây, có những vấn đề hiểu lầm nhất định mà tôi cho rằng xuất phát từ đội ngũ tư vấn và “kiểm duyệt” của phía Thomas Bass. Đừng tưởng chỉ có kiểm duyệt một phía nhé, sự “kiểm duyệt” gắt gao bản dịch và trí tưởng tượng của đội ngũ trợ thủ cho ông Bass khiến cho một số chi tiết đơn giản bỗng trở thành vấn đề to tát ở cấp chính phủ hoặc có dụng ý chính trị nào đó trong con mắt của ông tác giả người Mỹ. Chẳng hạn, chuyện ghi chú về năm sinh của Ngô Đình Diệm (thuần túy học thuật) bị quy là phía Việt Nam muốn hạ thấp uy tín của Ngô Đình Diệm, không muốn ông ta được ghi nhận là quan đầu tỉnh trẻ tuổi nhất (khi mới 25 tuổi). Hay chuyện Nam tiến và Rừng Sát sẽ đề cập dưới đây.

Để xử lý độ vênh này, phía biên tập Việt Nam tiếp thu có chọn lọc, bởi vì có những từ cũ nếu sử dụng thì độc giả ngày nay không hiểu (hoặc cho là sách in sai, như trong trường hợp “diễn binh” dưới đây), do đó chỉ nên dùng từ cũ trong lời thoại của nhân vật chứ không dùng đại trà trong lời kể của tác giả.

Dường như phía tác giả cũng thích sa vào việc bắt bẻ, sửa chữa những tiểu tiết, những từ ngữ mà theo tôi là chẳng khác nhau mấy và không ảnh hưởng đến nội dung. Quan điểm của tôi trong những trường hợp này là nếu phía tác giả kiên quyết đòi dùng phương án của họ và nếu đó không phải là trường hợp dùng sai hay nghĩa ngô nghê hoặc khó hiểu, gây hiểu lầm cho người đọc thời nay thì tôi sẵn sàng nhượng bộ, cốt cho công việc tiến triển.

Xin nêu vài ví dụ điển hình:

a) “Tiến sĩ về những cuộc cách mạng” (nguyên văn: “Ph.D. in revolutions”) được phía tác giả sửa thành “Tiến sĩ chuyên trò cách mạng”, cuối cùng văn bản in ra là “Tiến sĩ chuyên trị cách mạng” (tr. 17, sách dịch).

b) Tên hai tờ báo New York Herald Tribune (Diễn đàn Thông tin New York) và Christian Science Monitor (Người theo dõi Khoa học Kitô giáo) được phía tác giả sửa thành “Diễn đàn rao bán tin New York” và “Người theo sát Khoa học Kitô giáo” (tr. 16). Tôi đã kiên quyết giữ lại tên cũ vì đã được báo chí Việt Nam dịch như vậy quen rồi và đúng hơn.

c) Trường hợp sau đây lại là sự dung hòa, chấp nhận từ cũ đồng thời giải nghĩa trong ngoặc bằng từ thời nay.

Bản dịch ban đầu: Nước Mỹ đã cử hai tàu khu trục đến Việt Nam chở theo khí tài chiến tranh.

Tác giả sửa: Nước Mỹ đã cử hai tàu khu trục đến Việt Nam chở theo quân cựu (sic) chiến tranh.

Sách in ra: Nước Mỹ đã cử hai tàu khu trục đến Việt Nam chở theo quân cụ (khí tài) chiến tranh. (tr. 81)

d) Bản dịch ban đầu: John F. Kennedy, người khi ấy đang là một hạ nghị sĩ nhiệm kỳ thứ ba của bang Massachusetts….

Tác giả sửa và BTV đồng ý: John F. Kennedy, người khi ấy đang là một dân biểu nhiệm kỳ thứ ba của bang Massachusetts… (tr. 84)

e) Từ “heroin” (tr. 118, 119, 120) được tác giả sửa thành “bạch phiến”. BTV chấp nhận.

f) Từ “diễu binh” (tr. 94 và 95, sách dịch) được phía tác giả kiên quyết sửa thành “diễn binh” là từ thịnh hành thời bấy giờ, nhưng bây giờ không ai dùng. Để giảm bớt những điểm tranh cãi, tôi đã đồng ý thay bằng từ cũ “diễn binh” với chú thích đây là từ cũ, nghĩa là “diễu binh”. Tuy nhiên, những người biên tập và xét duyệt sau này chắc không để ý đến chi tiết đó, hoặc cho là rườm rà không cần thiết nên đã sửa lại như cũ và bỏ chú thích.

g) Một trường hợp khác (tr. 145): bản dịch ban đầu là “quyên góp cho thánh thất của [Trịnh Minh] Thế” được phía tác giả thay bằng “đặt vào hộp phước sương cho thánh thất của Thế”, nhưng cuối cùng bên tôi quyết định chọn một từ đơn giản và dễ hiểu thời bây giờ là “công đức…”, cũng vì đa số người đọc bây giờ mấy ai hiểu hộp phước sương là cái gì.

h) Cách dùng “chiến tranh quy ước” (tr. 13) (conventional war) và “chiến tranh phi quy ước” (unconventional warfare) (tr. 128, 139, 182) của phía tác giả tuy phổ biến nhưng sai nghĩa tiếng Việt nên tôi nhất quyết sửa lại thành “chiến tranh thông thường” và “chiến tranh không thông thường” như cũ. Về chuyện đúng sai của từ này tôi có giải thích trong một ghi chép trên Facebook của mình, không bàn kỹ ở đây.

i) Con bướm đen của thần chết, papillon nocturne (bướm đêm), bay vào khung cửa sổ. Bình thường chúng chỉ bay vào ban đêm. (tr. 165, 166)

Nguyên văn: The black butterfly of death, the papillon nocturne, flew in the window. Normally they fly only at night. (tr. 106, sách nguyên bản)

Phương án sửa của tác giả không được chấp nhận trong sách in ra: Con mối đen của thần chết, papillon nocturne (con mối đêm), bay vào khung cửa sổ. Bình thường chúng chỉ bay vào ban đêm.

k) … mười ba chiếc xe bọc thép chở quân “rồng xanh” M-113,… (tr. 214)

Phương án sửa của tác giả không được chấp nhận trong sách in ra: … mười ba chiếc xe bọc thép chở quân “Thanh Long” M-113,…

l) Âm thanh tằng tằng tằng của những khẩu AK-47… (tr. 318)

Phương án sửa của tác giả không được chấp nhận trong sách in ra: Âm thanh tạt tạt tạt của những khẩu AK-47

m) Riêng từ “Nam tiến” tôi đã sửa hết thành từ khác mang nghĩa tương đương (trên pro&contramột danh sách dài trong đó có nhắc đến từ này) để tránh hiểu nhầm vì trong đầu người đọc nói chung và giới trẻ nói riêng hiện nay, từ đó thường được hiểu là đồng nghĩa với việc tham gia bộ đội (Vệ quốc đoàn) từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu theo chỉ thị của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay sau Cách mạng Tháng Tám. Do đó, câu “Phạm Xuân Ẩn, giống như cha mình, đã phục vụ công cuộc Nam tiến” đã được sửa thành “Phạm Xuân Ẩn, giống như cha mình, đã phục vụ công cuộc đấu tranh ở miền Nam” (tr. 38, sách dịch) vì hai cha con ông Ẩn không tham gia Vệ quốc đoàn Nam tiến. Chẳng có lý do chính trị chính em gì đằng sau trong trường hợp này như ông Bass tưởng tượng ra kiểu như: “Ông [Phạm Xuân Ẩn] cũng không được phép tham gia nam tiến”.

Ông Bass phàn nàn rằng “Gia đình của Phạm Xuân Ẩn không được phép “di cư từ Bắc vào Nam” thì lạ quá, bởi vì ở trang 39 sách dịch có đoạn dài như thế này, tuy có cắt một chút ý “râu ria” chả ảnh hưởng gì đến ý chính là có di cư tới miền Trung Việt Nam, rồi về phía Nam tới vùng Nam Kỳ:

 Tổ tiên của Phạm Xuân Ẩn có gốc gác từ khu vực miền Nam Trung Hoa. “Đó là nơi chúng tôi sống trước khi bị xua đi,” ông nói.“Chúng tôi di cư tới miền Trung Việt Nam, khu vực của người Chăm và người Khmer, trước khi chúng tôi đi xa hơn về phía Nam tới vùng Nam Kỳ. Tổ tiên tôi cũng đi theo lịch sử chung của cả đất nước, dịch chuyển từ đồng bằng châu thổ sông Hồng về phía Nam tới những vùng đất thấp.”

NHỮNG SAI SÓT CỦA TÁC GIẢ

Trong cuốn sách nguyên bản tiếng Anh của Thomas Bass, các ghi chú đều được đặt ở cuối sách như một phụ lục. Trong bản dịch, ngoài các ghi chú đó, chúng tôi phải thêm nhiều chú thích khác để giải thích những điển tích phương Tây, những câu và cụm từ bằng tiếng Pháp và tiếng Latin trong nguyên bản và những lý giải khác, chẳng hạn nêu ra những chi tiết còn tồn nghi, sai sót của tác giả hoặc một cách hiểu khác, một quan điểm khác về cùng một vấn đề. Tuy nhiên, có vẻ như ông Bass không thích điều đó (“Điều đầu tiên tôi nhận thấy là có quá nhiều chú thích, trong một cuốn sách mà ban đầu không có một chú thích nào”), do đó đã nảy sinh “cuộc chiến chú thích” giữa biên tập viên (BTV) và tác giả (TG). Ông đặc biệt khó chịu mỗi khi thấy một chú thích nói rằng: “Tác giả nhầm/sai”, nên đã yêu cầu những chỗ nào tác giả sai thì sẽ sửa luôn vào chính văn và bỏ chú thích, điều được tôi tuân thủ khá tốt. Tuy nhiên, tất cả những sai sót của tác giả vẫn còn nguyên trong sách gốc tiếng Anh đã xuất bản năm 2009. Điều đặc biệt là thông tin về ông Lê Đức Thọ sai tới ba lần về ba khía cạnh khác nhau (không trùng nhau).

Xin được mở đầu đoạn liệt kê về chú thích này bằng ví dụ quan trọng nhất mà tác giả dùng làm nhan đề bài viết: Rừng Sát hay Rừng Sác?

1. Chú thích BTV đề xuất sau khi TG kiên quyết giữ phương án “Rừng Sát” với nghĩa đi kèm “Khu rừng của những sát thủ” (tr. 66 và một số trang khác, sách dịch):

Tên gọi chính xác hơn hiện nay là Rừng Sác, và như vậy thì không còn nghĩa “sát thủ” nữa. “Sác” là tên chung chỉ các loại cây mọc ở vùng ngập mặn, như đước, mắm, bần, sú, vẹt.

Một cuộc tranh cãi dài dòng và quyết liệt bằng tiếng Anh diễn ra qua thư từ. Dĩ nhiên là tôi không thể đưa những đường dẫn (link) đến các trang giải thích bằng tiếng Việt, trong đó có giải đáp của học giả An Chi. Tôi chỉ có thể giải thích như ông Bass đã kể trong bài viết, về việc người miền Nam không phân biệt được các phụ âm cuối “t” và “c” trong trường hợp này, cùng một số hình ảnh có chữ “Rừng Sác”. Cuối cùng tôi đành chịu thua tác giả, với ý nghĩ rằng xét cho cùng, người ta có thể châm chước cho một ông tác giả ngoại quốc chưa am tường văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ Việt (ngay người Việt còn sai ở chủ đề này), nhưng điều đó không có nghĩa là tác giả đúng. Kết quả là trong sách vẫn để nguyên tên gọi Rừng Sát và không có chú thích nào. Thế nhưng tác giả tiếp tục sai lầm khi đẻ ra một thuyết âm mưu về việc Chính phủ Việt Nam đã đổi tên khu rừng đó: “Chắc chắn là, đằng sau việc đổi tên này, các quan chức cộng sản còn tỏ ra thận trọng về việc đã sử dụng Rừng Sát làm bàn đạp trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Họ không muốn bị người ta nhầm, coi họ cũng là những sát thủ sống ở đầm lầy.” (!)

Hiện tôi đang có trong tay cuốn Sổ tay địa danh Việt Nam của hai tác giả Nguyễn Dược và Trung Hải, NXB Giáo dục, 2003. Ở mục từ Rừng Sát (Rừng Sác) có ghi cả hai tên chính phụ như vậy, các tác giả lại khẳng định Rừng Sát mới đúng, mặc dù về nghĩa thì họ cũng viết rằng “gọi là Rừng Sát, vì các loại cây mọc ở đây đều thấp, cành là sát mặt đất”. Dẫn chứng này bác bỏ việc Rừng Sác bị chính thức đổi tên.

2. Trong bài, ông Bass có nói về dấu thanh điệu trong tên riêng của tiếng Việt. Thực ra chuyện không chỉ gói gọn trong dấu thanh. Số là trong nguyên bản tiếng Anh, cụ nội của ông Phạm Xuân Ẩn được ghi là “Pham Xuan Ong” (tr. 15, sách nguyên bản). Tôi đã gửi thư hỏi ông Bass tên chính xác (gồm cả dấu) của cụ là gì. Đáng tiếc là đội ngũ tư vấn của ông (“các học giả, dịch giả, một cựu nhân viên CIA và một nhà ngoại giao Mỹ với vợ là người Việt”) đành bó tay. Cuối cùng tôi phải nhờ chi nhánh phía Nam của Nhã Nam liên hệ với những người quen biết gia đình ông Ẩn để biết họ tên chính xác của cụ là Phạm Xuân Hùng (tr. 36, sách dịch).

Chú thích của tôi: Nguyên văn: Pham Xuan Ong. Gia đình ông Phạm Xuân Ẩn cho biết cụ nội của ông Ẩn là Phạm Xuân Hùng, giữ chức Tả lang (chức được ban cho thợ giỏi thời ấy).

Tác giả yêu cầu sửa lại tên trong chính văn và bỏ chú thích, tôi đồng ý.

3. Câu nói về quê quán của ông Phạm Xuân Ẩn: Có gốc gác ở Hà Đông, giữa trung tâm của miền Bắc Việt Nam trong vùng châu thổ sông Hồng đất chật người đông, nằm giữa Hà Nội và vùng ven biển,… (tr. 36, sách dịch)

Chú thích: Nguyên văn: Ha Dong. Một số trang mạng ghi quê gốc của ông ở Hải Dương. Bia mộ của ông ghi: “Nguyên quán: Thừa Thiên – Huế”.

Tác giả kiên quyết giữ nguyên câu văn, bỏ chú thích, với lý do ông Ẩn khẳng định với tác giả quê ông ở Hà Đông và các nguồn khác không đáng tin cậy.

4. Nguyên văn: With a new language and literature, Vietnam would become the sole Asian country with a Roman alphabet. (tr.17, sách nguyên bản)

Bản dịch: Với chữ viết và một nền văn học mới, Việt Nam trở thành quốc gia châu Á duy nhất với bộ chữ cái Latinh.

Chú thích: Tác giả viết không đúng. Nhiều nước Đông Nam Á cũng sử dụng bộ chữ cái Latinh như Malaysia, Singapore, Brunei, Phillippines, Indonesia.

Tác giả yêu cầu và BTV đồng ý bỏ chú thích và sửa câu văn thành: Với chữ viết và một nền văn học mới, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia châu Á sử dụng bộ chữ cái Latin. (tr. 39, sách dịch)

5. Nguyên văn: the Sûreté (French criminal investigation department) has identified An as an Annamite. (tr.19, sách nguyên bản)

Bản dịch: Sûreté (Sở Điều tra Hình sự của Pháp) đã gọi Phạm Xuân Ẩn là một người Annamite.

Chú thích: Dịch theo nguyên bản. Đúng ra đây là Sở Liêm phóng hay Sở Mật thám Pháp, tương đương cơ quan an ninh ngày nay.

Tác giả yêu cầu: sửa “Sở Điều tra Hình sự của Pháp” thành “Sở Mật thám Pháp” và bỏ chú thích. BTV đồng ý (tr. 42, sách dịch).

6. Thông tin về ông Lê Đức Thọ  bị sai tới ba lần. Đầu tiên là đoạn nói rằng ông Lê Đức Thọ là thủ tướng tương lai của Việt Nam:

Nguyên văn: An chuckles at the thought of Vietnam’s future prime minister functioning as a dating service. (tr. 63 , sách nguyên bản)

Bản dịch: Phạm Xuân Ẩn bật cười khùng khục khi nghĩ đến việc vị thủ tướng tương lai của Việt Nam lại đóng vai trò một người mai mối.

Chú thích: Tác giả nhầm lẫn. Ông Lê Đức Thọ sau là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Tác giả bèn yêu cầu: sửa “vị thủ tướng tương lai” thành “một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương”. Lại xuất hiện cái sai mới. Cuối cùng bản dịch chọn phương án “nhà cách mạng kỳ cựu” và bỏ chú thích. (tr. 105, sách dịch)

7. Nguyên văn: Le Duc Tho, founder of the Indochina Communist Party… (tr. 129, sách nguyên bản)

Bản dịch: Ông Lê Đức Thọ, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương

Chú thích: Thông tin này không đúng.

Sách in bỏ chú thích và sửa lại thông tin sai: Ông Lê Đức Thọ, một trong những cán bộ cốt cán của Đảng Cộng sản Đông Dương… (tr. 200)

8. Nguyên văn: Dinh Duc Thien, the two-star general1 who helped build the Ho Chi Minh Trail, and Le Duc Tho, the four-star general2 and Nobel Peace Prize winner who snookered Henry Kissinger at the Paris Peace Accords. (tr. 235, sách nguyên bản)

Bản dịch: Đinh Đức Thiện, vị trung tướng đã giúp xây dựng nên Đường mòn Hồ Chí Minh, và Lê Đức Thọ, vị đại tướng từng giành giải Nobel Hòa bình và là người đã xỏ mũi Henry Kissinger tại Hiệp định Hòa bình Paris. (tr. 350)

Chú thích 1: Nguyên văn: two-star general. Thực ra ông là thượng tướng.

Chú thích 2: Ông Lê Đức Thọ không hề là đại tướng hay có quân hàm cấp nào cả.

Sách in bỏ hai chú thích trên và sửa lại thông tin sai: thay “trung tướng” bằng “thượng tướng” và thay “vị đại tướng” bằng “người”, đồng thời bỏ tiếp hai chữ “là người” ở đoạn sau.

9. Nguyên văn: Born in 1901, Jean Baptiste Ngo Dinh Diem was a Catholic mandarin
who had become a provincial governor at the age of twenty-five
. (tr. 82, sách nguyên bản)

Bản dịch: Sinh năm 1901, Jean Baptiste Ngô Đình Diệm là một viên quan theo Công giáo từng trở thành quan đầu tỉnh ở tuổi hai mươi lăm. (tr. 132, sách dịch)

Chú thích do BTV thêm vào: Năm 27-28 tuổi (1928 hoặc 1929) Ngô Đình Diệm được thăng Tuần vũ (tương đương tỉnh trưởng) tỉnh Bình Thuận. Có tư liệu cho rằng trước đó, Ngô Đình Diệm được thăng Quản đạo Ninh Thuận năm 1926. Đấy là tính theo năm sinh chính thức (1901). Còn theo một số tư liệu, Ngô Đình Diệm sinh ngày 27-7-1897, sau khi lên cầm quyền mới đổi sang 3-1-1901.

Chú thích do TG đề xuất và xuất hiện ở sách in ra: Năm 27-28 tuổi (1928 hoặc 1929) Ngô Đình Diệm được thăng tuần vũ (tương đương tỉnh trưởng) tỉnh Bình Thuận. Những tư liệu khác nói rằng ông được thăng quản đạo Ninh Thuận năm 1926. Đấy là tính theo năm sinh chính thức (1901). Ngày sinh của ông cũng bị tranh cãi, có nguồn nói ông sinh năm 1897.

Chú thích mang tính học thuật thuần túy này bị ông Bass suy diễn theo thuyết âm mưu: “Một tình tiết mơ hồ đối với một tác giả người Mỹ hóa ra lại là vấn đề lớn đối với người Việt. Nếu giả định rằng Ngô Đình Diệm là một con rối của Mỹ, một con chó chỉ đường cho những tên đế quốc xâm lược, thì việc cuối cùng mà người ta muốn là ghi nhận những thành tích của ông ta khi ông ta còn trẻ. Vì vậy mà người ta phủ nhận sự kiện ông là quan đầu tỉnh trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam, và phức tạp hóa vấn đề đến mức tác giả thà bỏ luôn lời khẳng định đó còn hơn là tiếp tục tranh cãi.” (Theo tôi, bản dịch chỗ này chưa đạt về tiếng Việt ở ý “thì việc cuối cùng mà người ta muốn là…”, nên dịch là “thì người ta chẳng muốn chút nào việc…”).

10. Nguyên văn: … Dr. Pham Ngoc Thach, who was serving as minister of foreign affairs for the Viet Minh. (tr. 132, sách nguyên bản)

Bản dịch: … bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người đang đảm nhiệm cương vị bộ trưởng ngoại giao cho Việt Minh.

Chú thích: Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch không làm Bộ trưởng Ngoại giao mà làm Bộ trưởng Y tế trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và là ủy viên Ủy ban Nhân dân Nam Bộ.

Sách in: … bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người đang phụ trách đối ngoại trong Ủy ban Nhân dân Nam Bộ của Việt Minh, đồng thời là bộ trưởng Y tế trong chính phủ Việt Minh.

11. Nguyên văn: … the Tay Son warrior Nguyen Hue, who in 1785 defeated the Chinese... (tr. 207, sách nguyên bản)

Bản dịch: … người anh hùng Tây Sơn Nguyễn Huệ, người đã đánh bại quân Thanh năm 1785...

Chú thích: Thực ra là năm 1789.

Sách in ra sửa lại năm và bỏ chú thích (tr. 314).

12. Nguyên văn: …Thanh Nien, official newspaper of the Ho Chi Minh Communist Youth League. (tr. 231, sách nguyên bản)

Bản dịch: … báo Thanh Niên, tờ báo chính thức của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Sách in ra bỏ chú thích và sửa lại (tr. 344): báo Thanh Niên, tờ báo chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

13. Ngoài ra, ở một đoạn khác tác giả viết về Bùi Tín không chính xác, khiến BTV phải thêm hai chú thích.

Nguyên văn: Not even military officials as highly placed as Bui Tin, a North Vietnamese colonel and intelligence agent, knew An’s story. Working as deputy editor of the North Vietnamese army newspaper, Tin rode a tank up to the Presidential Palace on April 30. Accidentally finding himself the highest ranking officer on the scene, he accepted the surrender of the South Vietnamese government and then sat down at the president’s desk to file a dispatch for his newspaper. (tr. 222, sách nguyên bản)

Bản dịch: Thậm chí cả những sĩ quan quân đội cao cấp như Bùi Tín, một đại tá trong quân đội Bắc Việt Nam và cũng là một sĩ quan tình báo1, cũng không biết câu chuyện về Phạm Xuân Ẩn. Trên cương vị phó tổng biên tập tờ báo của quân đội miền Bắc Việt Nam, ông Tín đi trên một chiếc xe tăng đến Dinh Tổng thống ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tình cờ nhận ra mình là sĩ quan có cấp bậc cao nhất tại đó, ông đứng ra chấp nhận lời đầu hàng của Chính phủ miền Nam Việt Nam và sau đó ngồi ở bàn Tổng thống để viết bài cho tờ báo của mình2.

Chú thích [1]: Điều này không được các tài liệu ở Việt Nam hay bản thân đương sự khẳng định.

Chú thích 2: Chi tiết không chính xác này lặp đi lặp lại trong một số sách báo xuất bản ở nước ngoài, kể cả trong cuốn Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman. Bùi Tín chiều ngày 30 tháng 4 mới có mặt ở Dinh Độc Lập, sau khi Dương Văn Minh đã đọc lời tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh. Sau này Bùi Tín có nhận rằng mình là sĩ quan cao cấp đầu tiên có mặt tại đây, nhưng điều này mâu thuẫn với các nhân chứng khác và với chính những bài viết trước đây của Bùi Tín. Lúc đó ông chỉ là thượng tá, được thiếu tướng Nguyễn Công Trang, khi đó là đại tá, tiếp đón ở Dinh Độc Lập. Sĩ quan có cấp bậc cao nhất tiếp nhận sự đầu hàng của nội các Dương Văn Minh là trung tá chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng (sau này là đại tá).

Sau khi thêm hai chú thích dưới đây, tôi đã phải tranh luận vô cùng vất vả với GS Bass. Cuối cùng ông đồng ý sửa bản gốc để chúng tôi dịch lại, đồng thời bỏ chú thích. Câu Accidentally finding himself the highest ranking officer on the scene, he accepted the surrender of the South Vietnamese government and then sat down at the president’s desk to file a dispatch for his newspaper được thay bằng After witnessing the surrender of the South Vietnamese government, Tin sat down at the former president’s desk to file a dispatch for his newspaper. Tuy nhiên, sau khi tôi rời Nhã Nam, đoạn này đã bị cắt bỏ hoàn toàn.

14. Một chỗ khác tác giả cũng cung cấp thông tin không chính xác: Today the border bristles with troops—Vietnam has more than thirty divisions facing China (Ngày nay đường biên giới vẫn còn kín đặc binh sĩ – Việt Nam có hơn ba mươi sư đoàn hướng về phía Trung Quốc). Chỗ này tôi cũng thêm một chú thích, sau đó tác giả đã sửa lại nguyên bản, bỏ con số 30 sư đoàn kia đi. Tuy nhiên, đoạn này về sau cũng bị cắt bỏ.

NHỮNG CHÚ THÍCH VỚI THÔNG TIN THÊM TỪ NGUỒN KHÁC BỊ CẮT BỎ

Ông Bass  có vẻ “kị” mỗi khi BTV bổ sung chú thích có nhắc đến các cuốn sách, bài báo hoặc quan điểm của các tác giả khác và đòi bỏ đi, thường với lý do đó là các nguồn kém tin cậy hơn nguồn của chính ông hoặc thiếu căn cứ. Trong các ví dụ dưới đây, tất cả các chú thích do BTV đề xuất đều bị tác giả gạt bỏ:

Trang 109: Phạm Xuân Ẩn nói với nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải. “Hai nghề này nó rất mâu thuẫn nhau, nhưng lại giống nhau. Một đằng lấy được tin tức gì phân tích ra, sau đó giấu đi như mèo giấu cứt là tình báo. Đằng khác thì lấy được tin gì, phân tích ra sao thì đăng toạc móng heo lên báo, phát thanh lên đài! Đó là làm nghề báo chí!”

Chú thích: Trích từ cuốn Tên người như cuộc đời của Nguyễn Thị Ngọc Hải.

Trang 161: Phạm Xuân Ẩn là điệp viên cộng sản đầu tiên tại tổng hành dinh quân đội Việt Nam, nhưng khi có một sĩ quan khác được tuyển mộ từ bộ tổng tham mưu sang thay, thì đã đến lúc ông có thể chuyển đi.

Chú thích: “Theo loạt bài “Giải mã Phạm Xuân Ẩn” của Hoàng Hải Vân đăng trên báo Thanh niên (tháng 4-2008) thì Phạm Xuân Ẩn đã thuyết phục được trung úy Thường làm ở Bộ Tổng tham mưu chịu thay thế cho ông để ông giải ngũ.

Trang 343: Năm 1997, hình như Chính phủ Việt Nam đã không cho phép Phạm Xuân Ẩn sang thăm Mỹ tham dự một hội thảo tại Quỹ Á châu ở New York, mà ông đã được mời với tư cách khách mời đặc biệt,

Chú thích: Về việc này, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải cho biết đã hỏi ông Mười Nho và được trả lời: “Tôi luôn luôn có một mối lo ngại: Cho Ẩn đi nước ngoài có sợ bị ám sát hay phục kích bắt cóc để biết thêm nhiều bí mật tình báo hay không dù chiến tranh đã qua đi… Chính cậu ấy cũng nói cho tôi biết: Bên Mỹ mời qua. Nhưng chưa thể nắm chắc được, bảo đảm được chuyến đi có an toàn hay không.” (Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, 2-5-2008).

Trang 393, 394: Điều Phạm Xuân Ẩn không nhắc đến trong hàng trăm tiếng đồng hồ thảo luận chi tiết với nhiều nhà văn viết tiểu sử phương Tây là hai tấm Huân chương Chiến công Hạng nhất mà ông giành được, đây là loại Huân chương Chiến công hạng cao nhất, chỉ dành cho những chiến công đặc biệt mang tầm quan trọng quốc gia. Không tấm Huân chương nào được tặng thưởng cho công tác phân tích hoặc tình báo chiến lược, và chúng khẳng định rằng những đóng góp lớn nhất của Phạm Xuân Ẩn cho lý tưởng không phải là phân tích hoặc báo cáo mà những công trạng trên cương vị điệp viên tình báo chiến thuật, một người đã thu thập được những tin tức cụ thể về các chiến dịch quân sự sắp diễn ra, và theo lời ghi trong quyết định chính thức về việc phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân tháng 1 năm 1976, “vì đã cung cấp kịp thời” nhiều thông tin “đặc biệt có giá trị”.

Chú thích: Nhà báo Lâm Tuyền trong bài “Gần nửa thế kỷ phân tích thời cuộc” trên báo Lao động có viết: “Được biết, một trong những Huân chương Chiến công hạng Nhất mà Đảng và Nhà nước tặng thưởng cho ông là vì, năm 1974 ông đã gửi cho cấp trên của mình câu trả lời: Mỹ dứt khoát không đưa quân trở lại miền Nam.”

Trang 404, 405: Phải mãi đến khi chúng được trưng bày bên chiếc quan tài để mở của Phạm Xuân Ẩn, người ta mới biết rằng Phạm Xuân Ẩn đã nhận được mười sáu tấm huân huy chương của quân đội, chứ không phải bốn, như những người viết tiểu sử của ông đưa ra trước đó 1. Trong đó có các Huân chương Quân công và Huân chương Chiến công 2.

Chú thích 1: Tác giả không phân biệt huân chương và huy chương, thậm chí cả huy hiệu trong tiếng Anh cũng ghi là medal. Trong bài “Vĩnh biệt nhà tình báo vĩ đại Phạm Xuân Ẩn” của Hoàng Hải Vân đăng trên Vietnamnet ngày 21-9-2006 thì Phạm Xuân Ẩn được tặng thưởng 14 huân chương, 1 huy chương và 1 huy hiệu. 14 huân chương là: Huân chương Độc Lập hạng nhì; Huân chương Quân công hạng ba; Huân chương Chiến thắng hạng ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Chiến công hạng nhất; 2 Huân chương Chiến công hạng nhì; Huân chương Chiến công hạng ba; Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba. So với liệt kê của tác giả Bass dưới đây thì có một chút khác biệt về tên gọi: Huân chương Chiến sĩ vẻ vang thay cho Huân chương Chiến sĩ giải phóng.

Chú thích 2: Huân chương Quân công được xếp thứ tư về hạng bậc và cao hơn Huân chương Chiến công.

Trang 404, 405: … Phạm Xuân Ẩn lần lượt nhận được thêm sáu tấm huân huy chương khác trong những năm sau 1975. Số này gồm có một Huân chương Độc lập Hạng nhì, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huân chương Kháng chiến Hạng nhất, và ba Huân chương Chiến sĩ Giải phóng, đủ cả ba hạng nhất, nhì, ba.

Chú thích: Huân chương Độc lập là huân chương cao thứ ba trong hệ thống huân chương (sau Huân chương Sao Vàng và Huân chương Hồ Chí Minh). Huân chương Kháng chiến tặng cho cá nhân và tập thể có công lao, thành tích trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (đã thôi tồn tại trong hệ thống khen thưởng từ năm 2003 mà thay bằng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ). Huân chương Chiến sỹ Giải phóng [chữ sỹ ở đây viết đúng như trong nguyên bản tiếng Anh và dòng chữ ghi trên Huân chương] do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt ra và chỉ tồn tại đến năm 1977, tương đương Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (từ năm 2003 đổi thành Huy chương Chiến sĩ vẻ vang). Huy chương Quân kỳ quyết thắng để tặng cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng có thời gian phục vụ liên tục trong Quân đội nhân dân từ 25 năm trở lên.

LỜI KẾT

Ở Việt Nam, người ta thường hay ví biên tập viên như bà đỡ giúp cho một tác phẩm ra đời. Viết đến đây, bất giác tôi lại nghĩ đến nỗi đau mà các sản phụ phải trải qua. Đa số những người sinh nở tại Việt Nam hiện nay đều trải qua cái gọi là “thủ thuật cắt/rạch tầng sinh môn” (episiotomy) do các y bác sĩ thực hiện vì các lý do thẩm mỹ và an toàn, nhằm bảo vệ sản phụ và thai nhi, giúp ca sinh nở dễ dàng hơn. Tuy về lý thuyết chỉ dành cho những ca đẻ khó, nhưng với hiện trạng y tế Việt Nam, dễ có đến 80% ca sinh đẻ tại Việt Nam áp dụng biện pháp này. Trong khi đó, tại các nước có nền y tế tiên tiến như Mỹ hay Pháp, nghe nói tỷ lệ áp dụng thủ thuật trên là rất thấp. Mà Điệp viên Z.21, kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ quả thực là một ca đẻ khó. Nếu tôi nhớ không nhầm thì cơ hội ra đời cuốn sách đã đến ngay dịp 30-4-2010, và tôi đã thúc giục tác giả mau chóng hoàn thành xét duyệt, nhưng ông vẫn “soi kính lúp” bản dịch, có lẽ do những nhận xét của đội ngũ tư vấn khiến ông “tỉnh ngộ”. Dịp may qua đi, cơn rặn đẻ đã kéo dài bốn năm mới cho ra đời tác phẩm mà không có mỹ từ “yêu nước Mỹ” như ông mong đợi.

Nguồn: Bài do tác giả gửi đến pro&contra, đồng thời đăng trên trang FB của tác giả