Trường Sa 1988: "Không có mệnh lệnh nào là không được nổ súng!"

Hoàng Đan |

Cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo khẳng định, vào thời điểm Trung Quốc nổ súng tấn công đảo vào ngày 14/3, ông chưa từng nghe có lệnh không được nổ súng.

Nỗi đau Gạc Ma vẫn chưa bao giờ nguôi

27 năm đã qua, nhưng cuộc tấn công ngang ngược của Hải quân Trung Quốc vào tàu hậu cần Việt Nam tại Trường Sa (1988) khiến 64 chiến sỹ hy sinh và chiếm đóng trái phép Đá Gạc Ma vẫn còn nguyên đó.

Chia sẻ với chúng tôi, cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo bày tỏ, những ký ức về ngày 14/3/1988 vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức, tâm trí của ông và dường như nó mới chỉ xảy ra vào hôm qua.

"Chưa một phút giây nào tôi quên được những hình ảnh về ngày 14/3, về đồng đội của tôi, những người đã chiến đấu anh dũng, kiên cường đến phút cuối cùng; và âm mưu, tội ác của quân Trung Quốc đã gây ra ở Gạc Ma"- ông Thảo nói.

Cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo (Ảnh: từ Facebook của nhân vật).

Cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Theo lời kể của ông Thảo, khi đó, ông là trung sĩ, tiểu đội trưởng thuộc phòng tham mưu lữ đoàn 146 ở trên tàu HQ - 604 của lữ đoàn 125 phối hợp với công binh E83 tại nhóm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa, cuối tháng 3 đầu tháng 4/1988.

"Trong buổi sáng đó, tôi đang cùng một nhóm 5 anh em cắm cờ Tổ quốc và cảnh giới để lực lượng công binh E83 đưa vật liệu lên đảo Gạc Ma thì bất ngờ khoảng 50 lính Trung Quốc với súng ống đầy mình từ ba chiếc tàu chiến tràn lên đảo, bao vây anh em.

Nhiều anh em đã ngã xuống ngay sau những loạt đạn đầu tiên. Người này ngã xuống, người kia lại cầm cờ lao về phía cột cờ, không để rơi vào tay giặc.

Nhưng trận chiến đấu không cân sức ấy, 64 đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống, hầu hết đều nằm lại dưới sóng nước Trường Sa”- ông Thảo nghẹn ngào kể.

Ông Thảo cũng bày tỏ sự xót xa khi sau 27 năm đã trôi qua nhưng nhiều liệt sĩ của chúng ta vẫn chưa tìm được hài cốt.

"Các anh đã đi vào những trang sử vẻ vang của dân tộc, nhưng thể xác vẫn còn mãi nằm lại với lòng biển lạnh"- ông Thảo xúc động nói.

   
 
ANH HÙNG LLVTND, ĐẠI TÁ VŨ HUY LỄ
    Do tàu bốc cháy ngùn ngụt và bị thủng nhiều, nước tràn vào các khoang, dầu trôi ra lênh láng trên mặt biển, tàu bị nghiêng nên có nguy cơ bị chìm. Lúc đó chúng tôi nghĩ rằng, nếu tàu chìm sẽ mất tàu, mất đảo và trên 40 chiến sỹ trên tàu sẽ hy sinh hết. Trước tình thế đó, ban chỉ huy tàu đã hội ý hạ quyết tâm động viên bộ đội sửa chữa máy móc, bằng mọi giá phải đưa tàu lên bãi cạn để giữ tàu và đảo Cô Lin.

Đồng thời, ông Thảo cũng cho biết thêm, dù cuộc sống của mình còn nhiều khó khăn nhưng ông luôn dành thời gian để đi thăm gia đình các đồng đội hi sinh ở Gạc Ma và những đồng đội từng chiến đấu, công tác tại Trường Sa.

“Nỗi đau đáu của những người cha, người mẹ, người vợ, người con của các đồng đội đã ngã xuống ở Gạc Ma là mong mỏi được đưa hài cốt của các anh về đất liền.

Nhưng, điều đó rất khó thành nên việc vừa qua chúng ta xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ngay tại Cam Ranh, nơi ngày trước tôi và các đồng đội rời đất liền lên tàu thẳng hướng Trường Sa, thì đó là điều rất thiêng liêng, ý nghĩa và nhân văn"- ông Thảo bày tỏ.

Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125
Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125

Không có chuyện không được nổ súng

Trước một số thông tin cho rằng, trong buổi sáng 14/3, khi Trung Quốc đưa tàu, quân bao vây, tấn công, các chiến sỹ của ta đã nhận được lệnh, không được nổ súng, ông Thảo đã bác bỏ nhận định này.

"Tôi là người trực tiếp có mặt tại đảo Gạc Ma vào sáng ngày 14/3/1988, là tiểu đội trưởng chỉ huy tổ bảo vệ cờ, có 2 khẩu AK 47.

Thực tế, lúc đó, phương tiện và thông tin liên lạc rất khó khăn, chúng tôi làm nhiệm vụ cách tàu một khoảng cách, nên không có mệnh lệnh nào là không được nổ súng cả.

Ở đây, nếu có thì chỉ là không nổ súng trước, bởi mình không bao giờ khiêu khích. Địch đã nổ súng vào đồng đội mình mà lại nói là không cho nổ súng thì không đúng.

Không có bất cứ ông chỉ huy nào lại để lính mình làm bia cho quân địch bắn cả"- ông Thảo nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thảo, nếu lúc đó, ta nổ súng trước, sớm hơn 30 giây thôi thì địch có thể bị tiêu diệt và bị thương thêm vài ba chục tên, nhưng phía ta chắc chắn sẽ hy sinh nhiều hơn con số 64.

Còn ta nổ súng sau chừng 15 giây thì sự việc như đã xảy ra như lịch sử.

Ông Thảo cũng tái khẳng định, ông không hề phát biểu về có lệnh hay không có lệnh nổ súng và bằng chứng trong clip vẫn còn lưu giữ.

"Nếu không có chuyện nổ súng, thì sao sau đó chúng ta vẫn đánh trả quân Trung Quốc. Tôi không biết những người đưa ra thông tin đó có biết rằng, có tất cả bao nhiêu chiến sỹ như tôi còn sống sau trận đó không?!

Những thông tin này đang làm tổn thương tới sự hy sinh của đồng đội tôi cũng như gia đình các anh. Tôi mong rằng, những ai còn đưa thông tin này hãy suy nghĩ lại"- ông Thảo nhắn gửi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại