Bạn đang ở: Trang chủ / Thấy trên mạng, bộ mới / Từ "Hòa bình chiếm Trung" đến "Cách mạng Ô (dù)" ?

Từ "Hòa bình chiếm Trung" đến "Cách mạng Ô (dù)" ?

- Kiến Văn — published 01/10/2014 01:40, cập nhật lần cuối 01/10/2014 10:25
Tình hình Hồng Kông qua báo chí Việt Nam (lề phải)


Điểm báo Việt Nam

HỒNG KÔNG
từ HÒA BÌNH CHIẾM TRUNG
đến CÁCH MẠNG Ô ?


Còn vài giờ nữa bước sang ngày mồng 1 tháng 10, quốc khánh thứ 65 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 17 năm sau ngày "trở về với Tổ quốc", sống dưới khẩu hiệu "một quốc gia, hai chế độ", Hồng Kông đang sống cơn ác mộng "hai thành một" với viễn tượng phải từ bỏ chế độ dân chủ, chuyển sang chế độ "đảng cử dân bầu" để bầu ra "đặc khu trưởng", nghĩa là "tự do" chọn 1 trong 3 "ứng cứ viên" do Bắc Kinh chọn lựa. Mấy tháng trước, từ các trường trung học và đại học đã dấy lên phong trào "học dân tư triều" (scholarism) phản đối việc "học tập chính trị", mạnh mẽ và bất ngờ đến nỗi nhà cầm quyền phải lùi bước. Bây giờ, phong trào sinh viên học sinh gặp gỡ và hòa mình trong phong trào "chiếm lĩnh trung hoàn" một cách "thân ái" (nhượng ái) và "hòa bình" (Occupy Central with Love and Peace / OCLP) của các tổ chức và đoàn thể dân chủ. "Trung hoàn" là tên một trạm metro, cũng là tên gọi chung khu vực phía tây của đảo Hương Cảng, là khu trung tâm và đầu não của Hồng Kông : trung tâm tài chính, trụ sở chính quyền, lãnh sự quán các nước, cũng là chỉ huy sở của "Giải phóng quân" và công an. Phong trào gọi tắt là "Hòa bình chiếm Trung", huy động hàng chục ngàn người biểu tình "bất tuân dân sự". Chủ nhật 28.9, nó bị đàn áp bằng lựu đạn cay, dùi cui điện, vòi nước và bắt bớ, càng làm cho người dân Hồng Kông phẫn nộ và ủng hộ quần chúng biểu tình. Nhà cầm quyền phải tạm thời rút các lực lượng đàn áp, nhưng vẫn không chịu đáp ứng đòi hỏi của phong trào, mà "vũ khí tự vệ" duy nhất trước lựu đạn cay là khẩu trang, kính che mắt, áo mưa và... ô dù. Cuộc "hòa bình chiếm Trung" đã được báo chí đổi tên là "cách mạng ô (dù)" (Umbrella Revolution). Cuộc đối đầu vào ngày 1.10 sẽ diễn ra như thế nào. Chỉ biết là chính quyền đã tuyên bố hủy bỏ cuộc đốt pháo bông dự trù vào buổi tối.

Mấy ngày qua, báo chí "chính thống" ở Việt Nam đã đưa tin ra sao về tình hình Hồng Kông ?

Bản tin Vietnam+ của Thông tấn xã Việt Nam tập trung đưa "thông tin sự kiện" : Biểu tình tại Hồng Kông khiến chỉ số Hang Seng giảm sâu

Chỉ số Hang Seng là thước đo hoạt động chứng khoán của trung tâm tài chính thứ 3 trên thế giới này (sau New York và London). Thời báo Kinh tế Saigon cho biết rõ hơn :

"Phong trào 'Chiếm trung tâm' ngày 29-9 đã ảnh hưởng đến thị trường tài ngành bán lẻ và du tại Hồng Kông khi 200 xe buýt ngừng hoạt một số tàu điện bị ngưng Trong phiên giao ngày 29-9, giá cổ phiếu tại Hồng Kông giảm 1,9%, xuống mức thấp nhất trong gần ba tháng qua. Chỉ số Hang Seng mất 449,2 điểm, đồng nghĩa 11,48 tỉ đô la Mỹ "bốc hơi". Giá cổ phiếu các ngân hàng lớn như HSBC,Hang Seng Bank, Standard Chartered... đồng loạt tụt dốc. 17 ngân hàng phải đóng cửa chi nhánh trên toàn Hồng Kông. Đồng thời đồng đô la Hồng Kông so với đô la Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2014, 1 đô la Mỹ được 7,7623 đô la Hồng Kông" (TBKTSG).

Tuổi Trẻ (30-9) cũng đưa tít lớn : Thị trường tài chính Hong Kong mất 11,48 tỉ USD.

Mọi sự bắt đầu với cuộc biểu tình và đàn áp ngày 28-9. VnExpress đưa tít lớn : 'Cách mạng ô dù' gây sốt Hong Kong

Nông nghiệp Việt Nam : "Phong trào Ô" trở thành biểu tượng của biểu tình Chiếm Trung tâm Hong Kong.

Thanh Niên giới thiệu khuôn mặt Hoàng Chi Phong, lãnh tụ sinh viên 17 tuổi : Thủ lĩnh biểu tình 17 tuổi ở Hồng Kông là ai ?

Đêm 29-9 trở thành đêm không ngủ (hay ngủ ngoài đường phố), Người Lao Động đưa tin và hình ảnh : Hàng chục ngàn người thắp sáng Hồng Kông.

Phong trào biểu tình, nhất là sinh viên, tỏ rõ bản lĩnh : Người biểu tình Hồng Kông dọn dẹp đường phố mỗi đêm (Người Lao Động) : "Những hành động văn minh của người biểu tình, trong đó có rất đông sinh viên học sinh, đang nhận được sự tán thưởng. Được tiếp tế đồ ăn, nước uống liên tục, người biểu tình gần như ăn ngủ ngay trên đường phố. Sáng 29-9, sau một đêm hỗn loạn, tại địa điểm biểu tình chính trước trụ sở chính quyền đặc khu, những sinh viên mệt nhoài vẫn cần mẫn phân loại chai nhựa vào nhóm rác tái chế. Trên mặt họ còn đeo kính phòng hộ và những mảnh nhửa dẻo để tự vệ trước hơi cay. Trên một chiếc xe cảnh sát bị hư hỏng, có gắn tờ bìa ghi lại lời xin lỗi lịch sự : 'Xin lỗi, tôi không biết ai đã phá chiếc xe nhưng chúng tôi không phải là những kẻ vô chính phủ. Chúng tôi cần dân chủ'."

Liệu Hồng Kông có thể thành Thiên An Môn thứ hai ? Báo Một thế giới không đánh dấu hỏi trên tựa đề bài báo. Người Lao Động, trong bài "Nếu tôi không đứng lên...", gián tiếp trả lời bằng quan điểm của người dân Hương Cảng :

"Năm 2007, quốc hội Trung Quốc ra nghị quyết cho phép bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu ở HK từ năm 2017. Theo cách hiểu của người HK, mỗi người dân sẽ được bỏ phiếu bầu đặc khu trưởng thay vì để một ủy ban 1200 người thân Bắc Kinh chọn ra. Nhưng Trung Quốc đại lục không nghĩ như vậy. Tháng 8 vừa qua, Bắc Kinh thông báo phổ thông đầu phiếu vẫn diễn ra nhưng dựa trên danh sách 3 ứng viên được ủy ban bầu cử đã nêu lựa chọn. Người HK gọi đó là 'dân chủ giả mạo'. Và họ xuống đường, với lực lượng đi đầu hiện là giới sinh viên học sinh. Cô gái 18 tuổi Nicola Cheung dứt khoát : 'Chúng tôi tranh đấu cho dân chủ và tự do. Bạo lực không thể đẩy chúng tôi rời xa những giá trị cốt lõi đó'. Ông Edward Yeung, một tài xế taxi 55 tuổi, nói với Reuters : 'Nếu hôm nay tôi không đứng lên, tôi sẽ thù ghét mình trong tương lai. Ngay cả khi vì vậy mà dính tiền án, đó cũng là một vinh quang'."

Ngày mai chưa biết sẽ ra sao. Nhưng ngay từ bây giờ, theo Tuổi Trẻ, Các lãnh đạo biểu tình bị dọa giết.

Bắc Kinh thì ở thế lưỡng nan : lùi bước thì tình hình dễ vượt khỏi tầm tay, đàn áp thì hậu quả khôn lường. Trong khi chờ đợi, kiểm soát chặt chẽ báo chí lục địa. Dưới tựa đề Hồng Kông khủng hoảng, Người Lao Động cho biết : "Chính quyền TQ đẩ mạnh kiểm duyệt nội dung internet. từ ngày 28-9, người dùng không thể truy cập hay đưa ảnh bằng ứng dụng Instagram. Trên mạng Baidu, từ khóa 'hơi cay Hồng Kông' (Hongkong tear gas) bị chặn. Mạng xã hội Weibo cũng chặn từ 'hơi cay' bằng tiếng Hoa. Một số tờ báo Trung Quốc lên án cuộc biểu tình 'Chiếm lĩnh trung tâm', song phần lớn giới truyền thông nước này im lặng. Trong một bài báo tiếng Hoa (đã bị gỡ), Thời báo Hoàn Cầu lêu gọi dùng cảnh sát vũ trang trấn áp biểu tình giúp cảnh sát Hông Kông"

Im lặng không phải chỉ là thái độ của đại bộ phận báo chí Hoa Lục do Bắc Kinh kiểm soát. Báo Nhân Dân, cơ quan của ĐCS VN, mãi tới 21g ngày 30.9 mới đưa vỏn vẹn 11 dòng tin ngắn Chính quyền Hồng Công yêu cầu chấm dứt biểu tình. Trong hai ngày 28 và 29-9, tờ (gọi là) báo này đưa hai tin về Trung Quốc : Bắc Kinh tập dượt chống khủng bốĐại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội chiêu đãi nhân dịp Quốc khánh. Xứng đôi với "báo đảng", đài tuyền hình VTV cũng mắc bệnh á khẩu và khiếm thị, trong khi khán giả có thể vào youtube và các trang Facebook để xem trực tiếp những gì đang diễn ra ở Hồng Kông.

Kiến Văn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss