Vì sao Sukhoi gặp nạn?

Máy bay Sukhoi

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Máy bay Sukhoi

Tính đến giữa 2015 Ấn Độ đã có số chiến đấu cơ rơi nhiều kỷ lục so với các nước khác trên thế giới.

Từ tháng 4/2009 đến tháng 5/2015, có sáu chiếc Su-30 mà Nato gọi là hạng Flanker bị đâm xuống đất, đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau cho Bộ Quốc phòng và Quốc hội Ấn Độ.

Trong những năm trước, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho Quốc hội biết quá nửa số phi cơ MiG mua từ Nga về (872 chiếc) bị phá hủy trong tai nạn, làm chết hơn 200 phi công và những người khác, phóng viên Andrew North viết trên BBC News.

Chỉ trong năm 2011-12, có tới 30 vụ phi cơ bị rớt.

Riêng về thế hệ Su-30 trong Không quân Ấn Độ, Rakesh Krishnan Simha có bài viết hồi tháng 6/2015 đánh giá 5 giả thuyết về vụ sáu chiếc Su-30 rơi từ giữa 2009 đến giữa năm 2015.

Sáu vụ liên tiếp

Vụ 30/04/ 2009: Tòa án Ấn Độ xác nhận chiếc Su-30MKI đâm xuống vùng Pokhran, Rajasthan vì lái trưởng tắt nhầm hệ thống bay tự động.

Vụ 30/11/2009: vật thể lạ lọt vào động cơ làm máy bay lao xuống Jaisalmer, Rajasthan sau báo động cứu hỏa.

Vụ 13/12/2011: máy bay lao xuống cách Pune 20 km vì hệ thống điều khiển điện tử có lỗi.

Vụ 19/02/2013: cánh phải máy bay bốc cháy trên bầu trời Pokhran.

Vụ 14/10/ 2013: hỏng hệ thống điều khiển điện tử.

Vụ 19/05/2015: phi công phải nhảy dù khi chiếc Su-30MKI bay từ Tezpur ở Assam gặp vấn đề kỹ thuật không xác định.

Nhưng chính vì con số tai nạn quá lớn này, các trang về quốc phòng thiên về nhận định không phải vấn đề kỹ thuật mà có thể yếu tố con người cùng cách khai thác khiến phi cơ Ấn Độ “rơi nhiều như quan tài bay”.

1: Tập luyện căng thẳng

Bài của Rakesh Krishnan Simha trích đánh giá từ ông Benjamin Lambeth thuộc tổ chức Carnegie Endowment for International Peace nói chính vì tính căng thẳng cao của chương trình tập luyện "giả định có chiến tranh ở hai mặt trận" khiến Không quân Ấn Độ gặp vấn đề.

Nói ngắn gọn thì các cuộc đánh trận giả trên không liên tiếp khiến phi công Ấn Độ lao lực.

Các chuyến bay tập 1800 km, với phi công có khi phải bay 10 giờ liên tục, phản ánh triết lý của chỉ huy Ấn Độ rằng "để mất phi công khi huấn luyện còn hơn là mất trong chiến tranh".

Điều này khiến không chỉ chính các tổ lái mà các đơn vị phục vụ mặt đất, các nhóm huấn luyện cũng mệt mỏi.

2: Môi trường bay khắc nghiệt

Nắng nóng và chim chóc bay lượn ở các khu vực gần sân bay là lý do tiếp theo gây tai nạn. Để cải thiện tình hình, Ấn Độ đã phải đặt hàng camera và dụng cụ đuổi chim gần các phi trường dân sự và quân sự.

3: Thiếu phi công huấn luyện

MiG-29 trong không lực Ấn Độ bị nạn nhiều

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, MiG-29 trong không lực Ấn Độ bị nạn nhiều

Cứ hai năm Ấn Độ mất 18 phi cơ (tính đến tháng 3/2013) một phần vì thiếu phi công huấn luyện. Những người chỉ tập qua loa đã được cho lên chương trình đào tạo huấn luyện viên trung cấp (IJTs) rồi cao cấp (AJTs).

Thiếu phi công khiến những người mới ra lò đã lái luôn các chiến đấu cơ như MiG-21, khiến "phi công trẻ chết rất nhiều".

4: Bảo trì máy móc kém

Tâm lý ‘chalta hai’ (chín bỏ làm mười) ở Ấn Độ là lý do khiến tiêu chuẩn bảo trì không cao. Bộ phận mặt đất còn bị xử vì gây án.

5: Quân số giảm sút

Với 34 phi độ và 600 máy bay, không quân Ấn Độ tính đến giữa 2015 đã giảm đi nhiều, từ 42 phi đội trước đó. Số phi cơ giảm đi lại phải bay trên một bầu trời rất rộng và vì thế, máy bay càng có thời gian bảo trì trong hangar.

Giải pháp

Bài báo của Rakesh Krishnan Simha cho rằng chỉ một chương trình cải cách toàn diện cùng tăng ngân sách cho không quân mới cải thiện được tình trạng tai nạn của phi cơ Ấn Độ.