VN hoãn dự thảo về hôn nhân đồng giới

Cập nhật: 12:07 GMT - thứ năm, 21 tháng 2, 2013

Kế hoạch điều chỉnh Luật Hôn nhân Gia đình, trong đó có phần quy định về kết hôn đồng giới vừa được đề nghị hoãn sang năm 2014.

Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho BBC Tiếng Việt biết Ban soạn thảo đã kiến nghị lên Bộ tư pháp và Chính phủ để Chính phủ đề xuất Quốc hội hoãn tới tháng 5/2014 do “luật hôn nhân gia đình sẽ động chạm tới rất nhiều người, là vấn đề sát sườn đối với rất nhiều người nên cần nghiên cứu kỹ”.

Theo chương trình làm việc trước, tháng 05/2013 Chính phủ sẽ trình dự luật hôn nhân gia đình sửa đổi trước Quốc hội để xem xét và có thể thông qua vào tháng 10/2013.

“Riêng đối với hôn nhân đồng giới thì tôi cho rằng, hoãn một năm cũng là điều tốt,” ông Bình nói, bởi điều này sẽ giúp người đồng giới và các tổ chức bảo vệ quyền của người đồng tính có thêm thời gian nghiên cứu và vận động nhằm thay đổi nhận thức của xã hội.

“Để làm sao mà những nhà làm luật có được nhiều thông tin hơn về vấn đề hôn nhân cùng giới này, và tôi tin là khi đó sẽ có nhiều người ủng hộ quyền bình đẳng được kết hôn đồng tính ở Việt Nam.”

‘Mong kết hôn hợp pháp’

"Đa số người đồng tính mong đợi được kết hôn một cách bình đẳng, muốn có được cuộc sống gia đình như những người dị tính."

Ông Lê Quang Bình, giám đốc iSEE

Theo điều tra của iSEE và Trung tâm kết nối chia sẻ (ICS) về mong đợi của người đồng tính đối với hôn nhân, 75-80% người đồng tính được hỏi mong muốn được nhà nước công nhận quyền kết hôn bình đẳng cho người đồng tính.

10-15% trong số người được hỏi mong muốn được nhà nước đồng ý dưới hình thức kết hợp dân sự hoặc sống chung có đăng ký; số còn lại không nói rõ ý.

“Đa số người đồng tính mong đợi được kết hôn một cách bình đẳng, muốn có được cuộc sống gia đình như những người dị tính,” ông Bình nói.

Viện trưởng của iSEE cũng nhận xét rằng khó khăn lớn nhất đối với những người đồng tính ở Việt Nam cho tới nay vẫn là định kiến, kỳ thị của xã hội.

Theo nghiên cứu của iSEE thì cũng có rất nhiều người đang phản đối và lý do chính được đưa ra là văn hóa, truyền thống và thậm chí là giá trị gia đình, thậm chí là sợ tình yêu đồng tính có lây lan.

“Tất cả những điều đó có thể là hậu quả của việc nhà trường chưa dạy về đồng tính, về xu hướng tình dục, về bản dạng giới."

“Xã hội thì từ trước cũng không đề cập đến nhiều, hoặc ba bốn năm trước có nói thì cũng có định kiến, kỳ thị,” ông Bình nói thêm.

Người đồng giới VN mong kết hôn hợp pháp

Ông Lê Quang Bình nói về mong muốn của giới LGBT được kết hôn hợp pháp, và 'lực cản' xã hội đối với những người đồng tính.

Nghemp3

Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Song ông Bình cho rằng phần lớn thành công trong việc thay đổi cách nghĩ của người Việt Nam về giới đồng tính ngày nay lại là nhờ “phản ứng tích cực của báo chí, truyền thông”.

“Khi mà báo chí có cái nhìn khách quan hơn và nhân văn hơn và bình đẳng hơn cho người đồng tính thì xã hội cũng sẽ có ảnh hưởng."

"Hơn nữa, cộng đồng đồng tính ở Việt Nam cũng bắt đầu tự tin hơn, vượt qua những rào cản để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.”

Luật Hôn nhân Gia đình hiện hành ở Việt Nam vẫn cấm hôn nhân đồng giới.

Được biết dự luật sửa đổi bản đưa hồi tháng 12/2012 không ghi cấm kết hôn đồng tính như quy định hiện hành, mà thay vào đó là quy định “không thừa nhận” kiểu hôn nhân này.

Tuy nhiên, dự thảo "không can thiệp" khi các cặp đôi này sống chung, và đưa hướng xử lý quyền, nghĩa vụ trong quan hệ của họ như của các cặp vợ chồng dị tính.

Năm 2012 có một số cặp đôi đồng tính tổ chức đám cưới, song không được công nhận là kết hôn hợp pháp, trong đó có cặp đồng tính nam ở Hà Tiên, Kiên Giang bị chính quyền mời lên lập biên bản sau khi cưới, và sau đó đã bỏ trốn.

Thêm về tin này

Chủ đề liên quan

BBC © 2014 BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài.

Trang này hiển thị tốt nhất với phần mềm lướt mạng có mở CSS. Nếu không có chức năng này, hoặc phần mềm cũ, bạn vẫn đọc được nội dung trên trang này nhưng không tận dụng được hết các chức năng. Nếu có thể hãy nghĩ đến chuyện nâng cấp phần mềm hoặc mở CSS lên.