Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Bầu cử tổng thống Pháp 2007

Bầu cử tổng thống Pháp 2007

- Nguyễn Quang — published 17/05/2007 18:06, cập nhật lần cuối 25/05/2007 19:29
Phân tích thắng lợi của Sarkozy và thất bại của phe tả. Bài học mác-xít của Antonio Gramsci.


 

NĂM NĂM CHO MỘT BÀI HỌC


Nguyễn Quang

 
Như vậy là thùng phiếu đã phán quyết : Ségolène Royal 47%, Nicolas Sarkozy 53%. Một bên thất bại trong danh dự, một bên thắng lợi dứt điểm. Một cuộc bầu cử quan trọng bao giờ cũng là thời điểm then chốt của sinh hoạt dân chủ, và dân chủ là giải pháp tốt đẹp nhất để thay thế sự đối đầu nội chiến. Lẽ ra, người ta phải an nhiên chấp nhận rằng, với 85% cử tri đi bỏ phiếu, với tỉ số phiếu cao nhất dành cho một ứng cử viên phái hữu, tính chính đáng của tân tổng thống là không thể tranh cãi, cũng như lẽ ra người ta phải vui mừng khi ông tỏ rõ ý chí cầm quyền « cho toàn dân ». Thế nhưng, người ta không thể an lòng, tại sao vậy ? Không phải vì mấy cuộc biểu tình của thanh niên, mấy cuộc chiếm đóng giảng đường của sinh viên để phản đối kết quả cuộc bỏ phiếu, bởi đó là những phản ứng cực kì thiểu số. Nhưng bởi vì đó là một hiện tượng hiếm có trong một chính thể dân chủ, nó phản ánh bầu không khí đối đầu do chính Sarkozy tạo ra với những phương pháp mà François Bayrou gọi là « hung hãn và nạt nộ » trong suốt năm tháng tranh cử (nếu không nói là trong suốt năm năm chuẩn bị trước khi chính thức tranh cử). Sự gây hấn hung hãn biểu lộ rõ rệt trong cuộc mít tinh ở hội trường Bercy (Paris) khi Sarkozy công kích « tinh thần của (phong trào) tháng năm 1968 » và hứa hẹn sẽ « thanh toán di sản của một lần cho tất cả ». Sự nạt nộ diễn ra ngay sau ngày thắng cử khi Claude Guéant (giám đốc văn phòng tranh cử của ứng viên Sarkozy, và hôm nay, ngày 16-5-2007, vừa được bổ nhiệm tổng thư kí Phủ tổng thống) công kích các công đoàn, chê bai tính đại diện của các tổ chức công đoàn và cảnh cáo họ chớ có tìm cách mở ra « vòng phiếu lần thứ ba » bằng một cuộc đấu tranh xã hội. Mong rằng tình trạnh nội chiến tinh thần này sẽ chấm dứt sau cuộc bầu cử quốc hội tháng 6 mà mọi người đều đoán trước là phe hữu sẽ đại thắng, theo đúng lôgic của cái đà thắng lợi trong cuộc bầu tổng thống. Nhưng tại sao vẫn thấy khó tin như vậy ?

 

Một bài học về nghệ thuật mị dân

sa
tranh của Willem (Libération)

Khó tin vì khó có thể chấp nhận sự thất bại. Không phải sự thất bại của phe tả trước phe hữu, mà là sự thất bại của dân chủ trước sự mị dân. Xin nói cho rõ để tránh mọi hiểu lầm : trong một cuộc bầu phiếu dân chủ, mọi ý kiến – có lẽ cũng nên loại trừ những cực đoan (kiểu Le Pen) – đều đáng được bảo vệ, đối chọi nhau trong một cuộc tranh luận công khai, và cuối cùng, thùng phiếu sẽ quyết định « tính chính đáng » thuộc về ai. Nhưng muốn cho cuộc đấu tranh chính trị không bị biến thành cuộc thi đua bán dầu cù là thì ít nhất cũng phải tôn trọng vài nguyên tắc đạo lí tối thiểu. Đằng này ứng viên tổng thống ngang nhiên bồ bịch với một nửa các đại gia của CAC 40 (1), những người « khi đi ngủ cũng vẫn tiếp tục giàu thêm », và sẽ giàu thêm nữa nhờ các món quà thuế khoá mà ông ta hứa hẹn sẽ mang lại (« lá chắn » thuế khoá ở mức 50%, bãi bỏ trên thực tế khoản thuế đánh vào những gia tài lớn, giảm thuế thừa kế, thuế nhượng dữ…). Rồi vừa trúng cử xong thì tuyên bố là đi « tĩnh tâm », chuẩn bị « dọn mình » để « nhập » vào chức vụ mới… hoá ra là cuộc « tĩnh tâm » 3 ngày ở vùng biển đảo Malta tốn chừng 200 000 €, tương đương với 17 năm thu nhập của một người lao động ăn lương tối thiểu, hay là 36 năm trợ cấp RMI (cho người đi tìm việc)… Không biết một người quan sát « ngây thơ » sẽ nghĩ sao ? Tôi không nói một nhà quan sát đến từ một hành tinh ngoài thái dương hệ, mà chỉ nghĩ tới một nhà quan sát đến từ một nước dân chủ ở Bắc Âu, tại đó một bà bộ trưởng đã buộc phải từ chức chỉ vì một lần đi chợ đã thanh toán bằng thẻ tín dụng chính thức ? Tất nhiên nhà quan sát sẽ cho rằng : ông ta bảo vệ quyền lợi giai cấp, tuy cũng hơi bị nhập nhằng (2). Và nhà quan sát sẽ lầm to : trong nền dân chủ hiện nay ở Pháp, ứng viên ấy đã trúng cử nhờ lá phiếu của những « người dậy từ sáng sớm », những người « muốn làm việc nhiều hơn để kiếm tiền nhiều hơn », của « nước Pháp thầm lặng và chán ngán »… Trong khi 44% cử tri của phái hữu tự nhận mình là những người bị thiệt thòi trong xã hội, tại sao lại diễn ra cái cảnh tượng lố bịch là những người lương tháng không tới 1000€ lại vỗ tay hoan nghênh « đồng bào tị nạn (thuế khoá) » Johnny Halliday đang chuẩn bị « thắng lợi trở về » nấp sau cái « lá chắn thuế má » của tân tổng thống ? Làm sao giải thích được kết quả những cuộc thăm dò dư luận « vừa từ phòng phiếu bước ra » theo đó, ngoài những thành phần xã hội và ngành nghề vốn thiên hữu (nông dân, thủ công, thương nhân, nghề tự do…), gần một nửa (48%) công nhân viên đã bỏ phiếu cho Sarkozy ? Mặc dầu thành tích tồi tệ về giải quyết thất nghiệp, bất bình đẳng và cả về an ninh (3), phái hữu vẫn thu hút được một phần phiếu bầu của cử tri bình dân. Cộng thêm đa số phiếu bầu của phe cực hữu, tỉ số phiếu của phái hữu đã hơn hẳn phái tả, và tình thế này chắc sẽ kéo dài.

Tìm hiểu được ngọn nguồn của nghịch lí này trở nên bức thiết cho sự sống còn của phái tả. Yếu tố đầu tiên là sự mị dân của Sarkozy với sự theo đuôi (tự nguyện hay không) của các media, hiện tượng mà chúng tôi gọi là « chủ nghĩa Berlusconi luồn cúi » (xem bài đã dẫn) và dư luận gọi bằng cái tên đã bắt đầu phổ biến : PAP (Parti de l’Argent et de la Presse / Đảng của (tiền) Bạc và Báo (chí)). Hơn cả theo đuôi hay truyền đạt, phải nói là sự điều hợp nhịp nhàng. Nhà báo Daniel Scheidermann, chuyên gia về media, đã vạch ra sự tương đồng giữa những « giá trị » mà Sarkozy đề cao với những huyền thoại được truyền tải trên TV, nhất là đài TF1 (4) : chương trình thi đua « Star Ac » tương ứng với chủ đề « nỗ lực và lao động », « Combien ça coûte » với việc công kích thuế khoá, chỉ trích « cái nước Pháp ăn gian » khi nói về người nghèo khó, nhưng lại vinh danh chính cái nước Pháp ấy khi nói về giới quyền quý… Tóm lại, bất cứ cái gì cũng trở thành một sân khấu trình diễn, và từ nay, điện Elysée (phủ tổng thống) sẽ trở thành một sân khấu thường trực. Sự tẩy não bằng màn truyền hình lóng lánh kim tuyến đã đưa đẩy người công dân (không biết đến nông nỗi này thì hai tiếng công dân có còn ý nghĩa nội dung gì không) vào tình trạng thê thảm này : trong cuộc sống riêng tư, thì sống bằng « uỷ thác » (qua những « sao » và « siêu sao » của phim bộ truyền hình), trong đời sống công cộng, thì tiếp cận chính trị cũng qua các « ngôi sao ». Trong cuộc mít tinh tranh cử, ôm hôn một tay hề hát « rap » ba lăng nhăng (như Doc Gynéco) quan trọng hơn là sự ủng hộ của một trí thức (tội nghiệp thay cho « triết gia mới » André Glucksmann đang nếm mùi hàng thần lơ láo). Đỉnh cao là tối vòng hai cuộc bầu cử, người ta được chứng kiến cảnh một chính khách hàng đầu bị cắt lời để nhường chỗ cho Johnny khệnh khạng bước ra từ tửu lầu Fouquet’s sau bữa dạ yến mừng Sarkozy thắng cử.

Đối với nhà xã hội học (nghiên cứu về các media) Denis Muzet, sự thoái hoá chính trị này phát xuất từ tệ nạn thông tin « mì ăn liền » (« fast news » như « fast food », « mal infos » như « mal bouffe »). Trong khi những vấn đề chính trị đặt ra ngày càng phức tạp đòi hỏi sự thông tin làm nổi bật được nghĩa lí của tình thế, thì « cái máy giặt khổng lồ » là các media lại sản xuất ra một thứ thông tin vụn vặt (tin nhanh của các hãng thông tấn, tin ngắn…), tất cả tạo thành một thứ âm thanh hình ảnh nền rầm rì lộn lạo chỉ nghe thấy, nhìn thấy khi nổi lên một câu chữ (« bọn cặn bã », « làm vệ sinh bằng Kärcher ») hay một hình ảnh sốc (Sarko cưỡi con ngựa trắng). Điều tra của Đài quan sát tranh luận công khai (do D. Muzet chủ trì) cho thấy những chương trình truyền hình chính trị được đông đảo người xem là những buổi mà người dân nói lên được những quan tâm cục bộ của mình. Thăm dò xem khán giả nhớ lại nội dung ra sao thì kết quả cho biết : mỗi khi có ai đưa ra một lập luận về kinh tế vĩ mô, vượt khỏi những vấn đề của đời sống thường ngày, thì ngay lập tức, công chúng trở thành « nghễnh ngãng ». Media ngày nay không còn chỗ đứng cho sinh hoạt chính trị dựa trên những phát biểu có lập luận, chứng cứ, bài bản. Đó là bài học mà Lionel Jospin đã phải trả bằng giá quá đắt. Ngược lại, Nicolas đã biết rút ra cho mình những kết luận chính xác.

 

Một bài học về chủ nghĩa mác-xít

 
Nhưng bảo rằng PAP (Đảng Bạc tiền Báo chí) là nguyên nhân duy nhất gây ra thất bại của phái tả thì quá giản đơn. Xét cho cùng, cử tri bình dân đã bỏ đi từ thời Jospin. Trước khi bàn tán suy luận xem người nào tốt hơn là Ségolène Royal có thể lôi kéo số cử tri này trở về với phe tả, có lẽ nên làm một việc cần thiết hơn : đo lường mức độ cuộc « khủng hoảng căn cước » mà sự « mất máu » này đã biểu lộ.

sc

 Các cuộc thăm dò « từ phòng phiếu bước ra » về động cơ bỏ phiếu cho thấy  rõ ràng có sự phân cực giữa hai hệ thống giá trị : trong các đề tài chính trị quốc nội, phái hữu chiếm đa số về các vấn đề an ninh, nhập cư, kinh tế và nhân dụng ; phái tả được đa số trong các vấn đề dịch vụ công cộng, mãi lực, giáo dục, hưu bổng, nhà ở, bảo hiểm bệnh tật, môi trường. Trong một chừng mực nhất định, sự thua kém của phái tả trên bình diện số học thể hiện sự thất bại của những giá trị phái tả. Sở dĩ Sarkozy đã giành phần thắng trong cuộc đấu tranh về tư tưởng, trước tiên là vì ông ta đã bắt đầu chạy đua sớm hơn hẳn các đối thủ : trong năm năm « tiền vận động tranh cử », dựa trên bộ máy của Bộ nội vụ rồi của cả Bộ nội vụ lẫn Đảng UMP, Sarkozy đã chiếm đoạt không gian media và trận địa tư tưởng đến mức các ý kiến của ông ta trở thành « hệ quy chiếu » của cuộc tranh luận. Đối thủ hay đối tác bắt buộc phải định vị đối với Sarkozy, với hành động, nhất là những hành động khiêu khích, với các dự án của Sarkozy. Dự án như thế nào ? Người ta đã chú ý không đủ tới cuộc trả lời phỏng vấn của nhật báo Le Figaro, trong đó chính khách liberal đã viện dẫn nhà lí luận mác xít Gramsci về sự « thống trị văn hoá » tất yếu trên xã hội, coi đó là điều kiện tiên quyết để giành lấy chính quyền. Và đúng là Sarkozy đã kiên trì áp dụng những nguyên tắc mà A. Gramsci nêu ra :

·       phục hồi các giá trị truyền thống (trật tự, quyền uy, công trạng…) để « xây lại nền tảng » cho phái hữu, đồng thời còn « giải mặc cảm » cho nó, làm cho xu hướng Jacobin trong nội bộ phái hữu không còn mặc cảm đối với những luận điểm của chủ nghĩa liberal (khinh thường các vấn đề xã hội, tôn thờ « đồng tiền – vua »…), làm cho thành phần « cộng hoà » không còn mặc cảm đối với những ý tưởng cực hữu (về bản sắc dân tộc, về vấn đề người nhập cư…)

·       giành giật từ trong tay phái tả ưu thế tinh thần mà phái tả có được từ ngày Giải phóng (1944), bằng cách « mượn tạm » (và xuyên tạc) những đề tài của phái tả (giá trị « lao động » : phái hữu ca ngợi lao động, quả là bánh đúc có xương !), « chôm » luôn những nhân vật biểu tượng (Jaurès, Blum...), « ma quỷ hoá » những quy chiếu huyền thoại của nó (tháng 5-1968)...

 
Phải nói là Sarkozy đã thành công vượt mức trong công cuộc này. Một mặt là nhờ « đảng » Bạc-Báo nói trên, mặt khác – không biết là do tình cờ hay không – cũng nhờ làn sóng của « chủ nghĩa suy tàn » (déclinisme). Đó là cái mốt của một số trí thức đua nhau rao giảng, báo động về sự « suy tàn » của nước Pháp. Đỉnh cao của nó là cuốn sách bán chạy « La France qui tombe » (Nước Pháp ngã quỵ) của Nicolas Bavarez (tay này rốt cuộc đã tham gia ê-kíp tranh cử của Sarkozy). Đây không phải là chỗ thảo luận đúng sai của thuyết « suy tàn » (nhưng cũng xin đọc qua khung đi kèm bài này), song cũng cần nhắc lại là những luận điểm này thường trở đi trở lại trong lịch sử chính trị nước Pháp : chủ nghĩa Bonaparte với những hội chứng quen thuộc : khủng hoảng, nguyền rủa, tiên tri, cứu nhân... Dầu sao, bằng chứng thất bại của phái tả về mặt văn hoá tư tưởng chính là sự « sarkozy-hoá » tinh thần của xã hội Pháp hiện nay. Nói một cách giản lược, đó là bất công đã chiến thắng công bằng, hai hệ tư tưởng đã đối chọi nhau trong đời sống chính trị nước Pháp từ cách mạng 1789 đến giờ. Hội chứng đầu tiên (trên bình diện toàn cầu) là sự biến tư tưởng thành một thứ hàng hoá (« hàng hoá hoá » tư tưởng), lấy những phương châm của thương mại và tính hợp lí của trao đổi hàng hoá làm thành những « giá trị » nền tảng, cần thiết cho sự tiến bộ của nhân loại (còn đâu là tri thức, phát kiến, sáng tạo ?) ; hệ luận của nó là trong ngôn ngữ thống trị của các media, lật ngược các hình tượng, biến những người yếu, thua thành những kẻ « quá đát », ca ngợi những « sát thủ », biến những người « được cuộc » thành « anh hùng của thời đại » (còn đâu là những giá trị Kitô giáo mà Sarko ngâm ngợi trong những tuyên ngôn thống thiết về « bản sắc dân tộc » ?). Một hội chứng là sự tái xuất giang hồ (không chỉ ở Pháp) của cuộc tranh cãi về « cái do thiên phú » (inné) và « cái do tập luyện » (acquis), hai nhân sinh quan đối nghịch nhau : con người là thành quả của các « gien » di truyền hay con người là thành quả của môi trường. Điều rất ý nghĩa là phản ứng yếu ớt trước những tuyên bố hung hăng của Sarkozy về nguyên nhân « di truyền » của bệnh háo nhi (pédophilie) và nạn tự tử của thanh thiếu niên ! Nhân đây, phải nói là xém một chút nữa, nước Pháp đã thi hành một phương án « khoa học » là phát hiện « mầm mống phạm tội » ở trẻ em dưới 3 tuổi (!), nhưng mấy ai biết rằng theo pháp luật hiện hành ở Pháp, người ta có thể lập hồ sơ di truyền bất cứ ai phạm pháp, kể cả trẻ vị thành niên, và bất luận phạm pháp nặng nhẹ thế nào ? (5). Cuối cùng, khó chối cãi được rằng, trong một chừng mực nhất định, sự Sarkozy-hoá cũng là « Le Pen – hoá » tinh thần : điều này đã thể hiện rõ trong sự dồn phiếu của khá đông cử tri từ Le Pen (vòng đầu) sang Sarkozy (vòng hai). Người ta có thể coi đó là sự « trở về hàng ngũ cộng hoà » của cử tri tạm thời « vãn lai » qua đảng Mặt trận Quốc gia. Điều đó có thể đúng với những người đã từng bỏ phiếu cho Le Pen, lần này đã dồn phiếu ngay từ vòng đầu. Nhưng đối với « hạt nhân cứng » của cử tri Mặt trận Quốc gia, giả thuyết đơn giản nhất và cùng hợp lí nhất là « những con ruồi bu quanh con lừa đã… đổi lừa ».

Những định kiến sai lầm

Trong cuộc đấu tranh giành thế thống trị về tư tưởng, phe Sarkozy và những người chủ trương thuyết « nước Pháp suy tàn » tập trung công kích một số điều khoản trong bộ Luật lao động, đặc biệt là quy định 35 giờ làm việc hàng tuần và một số định mức tối thiểu về quyền lợi xã hội. Lập luận của họ đã lung lạc không ít người trong các tầng lớp lao động, bằng chứng là hiệu quả của những khẩu hiệu như « Làm việc nhiều hơn để kiếm tiền nhiều hơn », « Muốn xoá nạn thất nghiệp, trước hết phải xoá nạn lười biếng ». Phái tả phải chịu trách nhiệm là đã để « hoang hoá » lao động như một giá trị tinh thần, để cho phái hữu đồng hoá nhập nhằng sự liên đới, đoàn kết xã hội với sự « phát chẩn ». Song cũng cần đính chính một số định kiến sai lầm mà nhờ đó, phái hữu đã lung lạc được nhiều người :

1) Người lao động Pháp sản xuất kém ? Không phải ! Theo số liệu của Cục thống kê lao động (BLS), một người lao động Pháp năm 2005 làm ra bình quân 71 900 USD của cải, như vậy không bằng người Mĩ (81 000 USD), nhưng hơn hẳn người Anh (64 100 USD), người Đức (59 100 USD) và người Nhật (56 300 USD). 

2) Người Pháp làm việc ít hơn người châu Âu ? Không phải nốt ! Theo Eurostat, cơ quan thống kê chính thức của Liên hiệp châu Âu, trong quý 3 năm 2006, trung bình số giờ lao động hàng tuần của người Pháp là 36,4 giờ (trung bình của 15 thành viên « cũ » của Liên hiệp châu Âu là 36,1 giờ). Cụ thể hơn : 36,5 g (Anh), 34,6 g (Đan Mạch, là nước được ca ngợi về mô hình xã hội), 34,5g (Đức, là nước quán quân về xuất khẩu). 

3) Lương bổng của người Pháp quá cao ? Không đúng ! Theo số liệu của BLS, trong công nghiệp chẳng hạn, tiền công lao động ở Đức (33 USD) cao hơn hẳn ở Pháp (24,6 USD). Thậm chí có thể nói lương của người Pháp không đủ cao : từ năm 1970 trở đi, sức mua của đồng lương ròng (net) cứ ba năm thì một năm bị giảm hoặc khựng lại, mức tăng trung bình hàng năm là từ 0,4% đến 0,5% tức là không tương xứng với mức tăng trình độ lành nghề của người lao động. Tệ hơn nữa, số lương thấp không những tăng lên trong 25 năm qua : ngày nay, 1/6 người lao động hưởng lương thấp (tức là 90% mức lương tối thiểu SMIC toàn phần), và trong số này, số lương rất thấp (2/3 mức lương SMIC) hầu như đã tăng gấp đôi.

4) Không, những qui định tối thiểu về xã hội không chỉ mang lợi cho những kẻ lười biếng, ngồi không lĩnh trợ cấp. Sự suy giảm giá trị lao động vừa nói trên đã dẫn tới tình trạng số người « lao động mà rất nghèo » (« working poor » ở Mĩ) ngày càng đông, những người rất dễ gục ngã khi gặp phải sự cố nào trong đời. Hiện nạy, có thể ước tính là 1/3 người Pháp sống trong cảnh nghèo hay bấp bênh ; 6,5 triệu sống ở mức tối thiểu xã hội, 200 000 người (không phải chỉ có người thất nghiệp) phải tới ăn ở các « Quán ăn Tình thương » ; con số chính xác những người không nhà thì đương nhiên không ai biết, song các cuộc vận động vừa qua (lều cắm đọc kênh St-Martin, Paris của tổ chức Don Quichotte, vân vân…) cho thấy có nhiều người « lao động mà rất nghèo » không đủ tiền thuê nhà, trở thành vô gia cư (SDF).

Ở đây, chúng tôi không tranh luận về đồng lương lao động so sánh với thu nhập từ vốn tư bản (một cuộc tranh luận như vậy tất nhiên tuỳ thuộc vào lập trường tư tưởng của mỗi bên). Nhưng trước những khẩu hiệu có tính cách phỉ báng của phái hữu, chỉ cần hỏi một câu thôi : nếu tình hình khó khăn của các xí nghiệp Pháp không phải là do tiền lương của người lao động quá cao, cũng không phải do năng suất lao động thấp, thì do đâu, nếu không do những người lãnh đạo xí nghiệp ? 

[các số liệu thống kê trong bài này trích dẫn từ hai bài viết của Guillaume Duval, tổng biên tập tạp chí Alternatives Economiques, và của Pierre Concialdi, nhà kinh tế học thuộc Viện nghiên cứu kinh tế và xã hội IRES] 

Giờ đây phái tả Pháp có năm năm để nghiền ngẫm bài học mác-xít mà Sarkozy vừa lên lớp. Họ đã mất trắng 5 năm khi họ không chịu rút kinh nghiệm từ tai hoạ năm 2002 : sự đào vong của các tầng lớp bình dân, sự nổ tung của phe tả cấp tiến, sự vô cảm trước những vấn đề mới của xã hội, cuộc toàn cầu hoá và phong trào « một cuộc toàn cầu hoá kiểu khác » (altermondialisation)… Cứ khư khư bám lấy « lập trình chính trị » lỗi thời, họ ỷ y với ảo tưởng là chính quyền sẽ « tự động luân phiên ». Trong khi đối thủ của mình kiên trì « cày sâu cuốc bẫm » thì phái tả mải miết trong những cuộc xung đột bộ máy và ganh đua cá nhân. Nữ ứng viên phái tả đã ra trận như ngày xưa kị binh xông pha trước mũi xe tăng. Bị giam hãm trong cương lĩnh của Đảng xã hội, bà Royal đơn thương độc mã đã tìm cách vá víu giữa hai vòng phiếu. Trong điều kiện như vậy, thất bại là tất yếu, và trách nhiệm là trách nhiệm tập thể. Nếu những phương châm của Antonio Gramsci ngày nay còn có giá trị, thì ta có thể tiên đoán rằng : nếu phái tả không chịu « đổi mới » thực sự, nó sẽ nắm chắc phần bại trong tay.

Theo những thông tin giờ chót, tổng thống mới đã đưa ra những dấu hiệu « mở rộng cửa » : tiếp lãnh đạo các công đoàn, đề nghị một vài ghế bộ trưởng cho những nhân vật trung phái và tả phái. Người ta ngờ rằng đây chỉ là một sách lược lôi kéo, một ma nớp chính khách chứ không phải là một chính sách chủ trương mới. Tại sao lại hoài nghi ngay từ đầu như vậy ? Bởi vì con người ấy « trước sau như một », chủ trương chiến lược ấy cũng « trước sau như một ». « Nhân dân phái tả » phải chuẩn bị tư tưởng là 5 năm tới sẽ là 5 năm trần ai khổ ải với một phái hữu cứng rắn.

 Nguyễn Quang

 

 












(1) chỉ số của thị trường chứng khoán Paris, dựa trên giá trị cổ phiếu của 40 công ti, chọn trong số 100 công ti lớn nhất có mặt tại thị trường chứng khoán.

(2) Tổng thống G. Pompidou cũng từng quan hệ mật thiết với giới chủ ngân hàng, song ông đã chấm dứt giao du kể từ ngày trúng cử, « đó không còn là thế giới » của ông nữa.

(3) Xem bài http://www.diendan.org/the-gioi/cuoc-tranh-cu-tong-thong-o-phap/

(4) P. Lelay, giám đốc đài TF1, đã từng nói huỵch toẹt mục đich của đài truyền hình là bán cho Coca Cola cái “thời gian mà đầu óc khán giả sẵn sàng tiếp nhận„.

(5) Hai trẻ em 10 tuổi ăn cắp đồ chơi tại siêu thị suýt nữa đã bị lập hồ sơ ADN (nhật báo Libération ngày 8.5.07).


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss