Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Cuộc Cách Mạng bị bỏ quên...

Cuộc Cách Mạng bị bỏ quên...

- Richard Javad Heydarian, Lý Nguyên Diệu — published 16/10/2015 23:00, cập nhật lần cuối 17/10/2015 12:19
...Cuộc tranh đấu của tướng Luna cho Độc Lập của Phi Luật Tân

Cuộc Cách Mạng bị bỏ quên :
Cuộc tranh đấu của tướng Luna
cho Độc Lập của Phi Luật Tân

(Philippines' Forgotten Revolution:
General Luna and
the Quest for Independence)


Richard Javad Heydarian


Một trí thức, Cố vấn chính trị và tác giả sách
“Chiến Trường Mới Ở Á Châu: Mỹ, Trung Hoa
và Cuộc Tranh Dành Biển Tây Thái Bình Dương. ”


Bản dịch : Lý Nguyên Diệu



Lời giới thiệu: Nhân một cuốn phim được đề cử tham dự Giải Điện ảnh Oscar 2016, đọc bài phân tích lịch sử cận đại này của quốc gia láng giềng Phi Luật Tân thì không thể không nghĩ đến trong lịch sử cận đại nước ta,ông Tây CŨNG đã vào Việt Nam với “nhiệm vụ khai hóa” ("mission civilisatrice"). Nhưng hình như người Phi không có nhiều ưu tư về căn cước văn hoá, so với người Việt, để có thể tạo ra một Điện Biên Phủ hay một ngày 30 tháng 4 hầu chấm dứt sự hiện diện của các thế lực ngoại bang trên đất nước mình.

Nhìn lại quá trình 20 năm bình thường hóa bang giao Mỹ-Việt (1995-2015), và trong niềm hưng phấn của một số người Việt Nam khi thấy quan hệ Mỹ-Việt đang có vẻ có những nỗ lựcnâng tầm để tiến đến “quan hệ chiến lược toàn diện”, biết thêm về một giai đoạn đen tối của “người Mỹ xấu xa” trong lịch sử bang giao quốc tế, thông qua bài học Phi Luật Tân, cũng là một điều thú vị đáng làm.

Ngoài ra, kết luận của bài nầy về thảm hoạ chia rẽ ở mức độ quốc gia cũng phải làm cho độc giả ngậm ngùi không biết khi nào thì người Việt không còn tính “chỉ nghĩ đến mình”.

(Nếu đọc nguyên bản tiếng Anh online thì xin đọc thêm readers' comments để thấy người Phi cũng khá giống người Việt về chính trị. )


hinh-1

Một lá cờ tơi tả của Đệ Nhất Cộng Hòa Phi Luật Tân,
đã được dùng trong cuộc chiến chống Mỹ dành độc lập.

[Hình của Arnaldo Dumindin (trích từ Philippine-American War, 1899-1902)]

Trong một bài báo đăng trên tạp chí “Foreign Affairs” (Đối Ngoại) năm 1968, người hùng quốc gia Phi Luật Tân Benigno “Ninoy” Aquino đã than thở: “Sau gần một nửa thế kỷ cai trị, gia tài của người Mỹ để lại là một chấn thương biến người Phi thành một loại người Mỹ lúng túng trong nhân sinh quan, các giá trị cơ bản và thị hiếu …” Vì vậy mà trong tất cả các thăm dò ý kiến, người Phi luôn luôn đặc biệt có cái nhìn tốt nhất về nước Mỹ, ông chủ thực dân cũ của họ.

Cuộc thăm dò Thái độ Toàn cầu năm 2013 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy có 85% người Phi có thiện cảm với nước Mỹ. Kết quả nầy cao hơn một cách đáng ngạc nhiên tỉ lệ 81% ý kiến tốt của chính người Mỹ về nước họ. Qua năm nay, 2015, tỉ lệ nầy đã tăng lên với 92% người Phi có ý kiến tốt về siêu cường của thế giới. Qua các trận chiến tranh từ chống Đế quốc Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến cho đến các cuộc chiến ủy nhiệm chống Cộng sản ở Triều Tiên, ở Việt Nam của thời Chiến tranh Lạnh, người Phi luôn luôn đứng kề vai sát cánh với người Mỹ. Nếu có một “giải thưởng về lòng trung thành” với nước Mỹ trong các nước đồng minh, chắc chắn Phi Luật Tân sẽ đoạt giải ngon lành.

Trên toàn thế giới, nước Mỹ được ca ngợi hoặc/và ganh tị nhờ ở chất lượng văn hoá (phim ảnh của Hồ Ly Vọng), ở các trung tâm năng động về sáng tạo (Thung lũng Điện tử ở San Jose), và sức mạnh quân sự. Đa số dân Phi Luật Tân coi nước Mỹ như một vị cứu tinh, một hiệp sĩ trong bộ giáp sáng chói đã bảo vệ đảo quốc nầy thoát khỏi kẻ độc tài và sự đe dọa của những ý thức hệ phản dân chủ. Nhưng cũng có thể nói Phi Luật Tân si mê nước Mỹ phần nào xuất phát từ một sự u mê về lịch sử. Trong một thời gian dài, những luận điểm về dân tộc ở Phi Luật Tân không hề nhắc nhở đến cuộc chiến tranh Mỹ-Phi (1899-1902), một cuộc tranh đấu oai hùng cho nền độc lập Phi Luật Tân mà Hoa Kỳ, rất tự tôn, gọi rẻ rúng là “một cuộc nổi loạn”.

Để giải mã giai đoạn lịch sử bị quên lãng nầy, bộ phim “Heneral Luna” (2015) đã được Phi Luật Tân chính thức giới thiệu tranh giải Oscar năm nay. Với chủ đề là Tướng Antonio Luna, cuốn phim cho thấy những tiềm năng to lớn và kết cuộc bi đát của cuộc đấu tranh dành độc lập và những gian khổ trong tiến trình xây dựng quốc gia.

Cuốn phim không nói về một lòng ái quốc bi ai và hiếu chiến, mà Albert Einstein đã chê rất đúng là “bệnh con nít” và là “bệnh sởi của loài người” mà nói về logic đạo đức của lòng yêu nước và những hiểm họa của tinh thần bộ lạc đầy tính chia rẽ. Phim Heneral Luna không tự nó đặt ra vấn đề đạo đức mà chỉ vẽ lên một cách chân thực hai khía cạnh đạo đức của tiến trinh xây dựng quốc gia.

hinh-2

Áp phích quảng cáo phim “Heneral Luna” (Hình của poster. jpg)
Trình chiếu ra mắt hôm 24-7-2015 trên nhiều thành phố lớn tại Phi Luật Tân


Một Lịch Sử Bị Bỏ Quên


Công bằng mà nói, nước Mỹ đã để lại một dấu ấn to lớn trên nước Phi hiện đại trong vài chục năm (công khai) đô hộ (1899-1946) so với hơn ba trăm năm (1565-1898) mà Tây Ban Nha đã tàn bạo xâm chiếm nước nầy. Như sử gia Arnold Toynbee đã mô tả, Tây Ban Nha đã khống chế nước Phi “bằng vài ba quân lính, quan chức và thầy dòng Thiên chúa giáo như mô thức họ đã áp dụng ở thuộc địa Nam Mỹ”. Phi Luật Tân trong vùng Đông Nam Á đã được nước Mỹ dùng như một thuộc địa mẫu mực . Chính quyền Mỹ đã cố gắng chứng tỏ họ không phải chỉ là một đế quốc Tây phương như Anh, Pháp, … Theo diễn giải của nhà báo nổi tiếng Neil Sheehan “lương tâm chính trị của người Mỹ không chấp nhận một chế độ thuộc địa công khai” vì chính họ đã từng dũng cảm nổi dậy chống lại sự thống trị của đế quốc Anh, “họ tin tưởng là chính sách đế quốc của họ không tàn hại những dân tộc khác. ” Dưới sự cai trị của Hoa Kỳ, Phi Luật Tân đã có được một nền giáo dục phổ thông, một cơ sở hạ tầng hiện đại khiêm tốn, và những định chế dân chủ tự do. Và chính gia sản nầy đã đưa nước Phi vào hàng quốc gia thứ hai ít nghèo nhất (hoặc giàu nhất) của Á châu.

Và ngay cả sau khi chính thức độc lập năm 1946, Phi Luật Tân đã giao khoán cho nước Mỹ trách nhiệm giữ gìn an ninh quốc gia. Theo ký giả/giáo sư James Fallows, người Mỹ đã khiến cho người Phi “tin rằng họ (người Phi) không thực sự nắm trách nhiệm về số phận đất nước họ”. Qua những Hiệp ước Hỗ trợ Quân sự năm 1947, Hiệp định về Căn cứ Quân sự năm 1947, và Hiệp ước Hỗ tương Quốc phòng năm 1951, Hoa Thịnh Đốn đã nghiễm nhiên là thành trì bảo vệ nước (độc lập trên danh nghĩa) Phi Luật Tân trước hiểm hoạ từ bên ngoài. Mặc dù các căn cứ quân sự Mỹ đã đóng cửa sau Chiến tranh Lạnh, nước Mỹ vẫn được coi như niềm hy vọng quan trọng nhất của Phi Luật Tân trước một Trung Quốc rắp tâm phục thù nuốt gọn những đất đai còn đang tranh chấp trong biển Nam Hải, lấn áp các nước nhỏ như Phi Luật Tân.

hinh-3

From The Ruins Of Empire, Pankaj Mishra, Penguin Books India, 2012

Theo các học giả như Benedict Anderson, phong trào ái quốc ở Phi, dưới ảnh hưởng những tác phẩm của José Rizal, đã là lực lượng tiên phong cho châu Á, thể hiện cuộc tranh đấu đầu tiên sau thời kỳ thuộc địa trên lục địa nầy. Cuốn phim tiểu sử Heneral Luna diễn đạt được tâm trạng chung của thời kỳ hiển hách nầy trong lịch sử của nước Phi, khi những người Phi theo Tây học mạnh dạn đứng lên đòi hỏi bình đẳng với nền văn minh Tây phương và sẵn sàng hy sinh mạng sống để xây dựng một quốc gia độc lập.

Nhưng cuộc tranh đấu cho độc lập đó rốt cuộc bị đánh gục không do quân Tây Ban Nha kém cỏi mà do người Mỹ (tưởng là) hiền lành, mà quân cách mạng Phi lúc đầu ngây thơ nhìn nhận như đồng minh đáng tin cậy để chống lại thực dân Tây Ban Nha. Không tự mình giành được quyền tự quyết, kết quả là một dân tộc mơ hồ về bản sắc cuả mình và vị thế của đất nước mình trên thế giới, vì tranh đấu cho độc lập cũng là tranh đấu cho bản sắc dân tộc. Như Ninoy Aquino đã viết ngắn gọn: “ Người Phi hoang mang về bản sắc của họ. Họ là người Á nhưng không là Á châu trong mắt những dân Á châu khác và họ cũng không là Âu châu trong mắt những người Âu châu. ”

Ảnh hưởng sâu đậm của Hoa kỳ trên tâm thức người Phi, đặc biệt là giai cấp cai trị, thể hiện rõ qua lời của Salvador P. Lopez, cựu Đại sứ Phi Luật Tân tại Hoa Thịnh Đốn, biện minh rằng chế độ thuộc địa của Mỹ, ngoài những phúc lợi giả định khác, đã giúp “xã hội Phi Luật Tân phát triển theo đường hướng dân chủ. ”


Một dân tộc phân hoá.


Những phim lịch sử của Phi Luật Tân thường biểu lộ sự ác cảm với Tây Ban Nha và Nhật Bản. Điều đặc thù của phim Heneral Luna là đã phơi bày trần trụi, không những các gian dối của Hoa Kỳ – điều đình riêng với Tây Ban Nha để mua lại Phi Luật Tân [với giá 20 triệu Mỹ kim thông qua Hiệp định Paris 1898] mà không cho đồng minh Phi biết – mà còn cả sự tàn bạo đối với thường dân Phi.

Cuộc chiến tranh Mỹ-Phi đã làm cho hàng trăm ngàn người Phi bị thiệt mạng. Phần đông là người dân bình thường đã không chịu nổi đói khát và cực khổ của cuộc chiến dai dẳng. Cũng có những hành động bạo tàn bừa bãi của quân lính Mỹ trong khi một số khác thì khoái trá với những chiến bại của quân cách mạng Phi với sự mừng rỡ độc ác. Một quân nhân Mỹ dã coi chuyện bắn giết quân thù chạy trốn “còn vui hơn cả bắn gà tây. ” Viện dẫn chủ nghĩa Manifest Destiny (Tuyên ngôn Sứ mệnh), Tổng thống Mỹ William McKinley đã phê chuẩn một dự án trong chế độ thuộc địa nhằm “giáo dục, nâng trình độ, văn minh hoá và Thiên Chúa giáo hoá dân Phi Luật Tân. ” Sự áp bức dân tộc Phi được che dấu sau bề ngoài một đế quốc cao cả và sự miệt thị họ như một giống dân man rợ.

Tuy vậy, phim Heneral Luna chắc chắn không phải là một phim chống Mỹ rẻ tiền mà là một tác phẩm nghệ thuật trầm tư, vạch rõ những chia rẽ nội bộ trong lực lượng cách mạng Phi, một sự phân hoá vẫn tiếp tục làm suy mòn đất nước cho đến ngày hôm nay. Tướng Antonio Luna (1866-1899), thuộc giống dân Ilocano phía bên nội, lớn lên ở thủ đô Manila và được giáo dục theo Tây phương, là một người vừa ái quốc vừa quốc tế. Theo các tướng lãnh Mỹ như James F. Bell và Robert Hughes, thì Luna là vị tướng đúng nghĩa duy nhất của Phi Luật Tân. Và ông ta cố gắng tối đa để tạo lập một quân đội Phi hiện đại và chuyên nghiệp vượt lên trên những quy thuận có tính bộ lạc hay chủng tộc.

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, thiên tài quân sự của Tướng Luna đã làm nao núng quân Mỹ xâm lược, không ngờ sẽ phải chạm trán với một cuộc kháng chiến tinh vi từ dân địa phương. Xuất thân từ một nền giáo dục tân thời, Tướng Luna xử dụng những chiến thuật quân sự tân kỳ để chống lại quân đội Tây phương bằng chính kỹ thuật của họ. Nhưng dầu sao thì Tướng Antonio Luna cũng không phải là một George Washington. Tính khí nóng nảy, sự phẫn nộ trước các hành vi vô kỷ luật, và những tổn thương của chiến tranh đã đánh gục người hùng. Cuốn phim trình bày hình ảnh đau đớn của những đấu tranh với nội tâm cuối cùng dẫn ông đến trút giận một cách vô lý lên những người vô tội, những người dân Phi mà đúng ra là ông phải bảo vệ triệt để.

Tướng Luna không phải là một nhà lãnh đạo lý tưởng vì ông không hiểu lãnh đạo đòi hỏi phải quyến rũ, thuyết phục và xây dựng đồng thuận. Như nhà sử học Phi Luật Tân Vincente Rafael giải thích: Luna và các đồng chí cách mạng “chưa bao giờ có một chương trình để giải quyết vấn đề bất cân bằng trong xã hội … chưa bao giờ có kế hoạch phân phối lại đất đai hoặc dân chủ hoá các quan hệ xã hội. ”

Nhưng vẫn không thể phủ nhận vai trò quyết định, mặc dù có nhiều nhược điểm, của Tướng Luna trong công cuộc giành độc lập cho Phi Luật Tân. Tướng Luna ăn nói lỗ mãng (để giữ gìn kỷ luật quân đội), thường xuyên nạt nộ (để ngăn ngừa vô kỷ luật và động viên tinh thần quân sĩ), và tính khí cộc cằn (trước tinh thần bộ lạc và chia rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo Phi Luật Tân) phải được nhìn trong bối cảnh gian nan của tiến trình xây dựng quốc gia, nhất là một quốc gia non trẻ vừa phải đối mặt với hết cường quốc thực dân nầy đến cường quốc thực dân khác vừa phải đối phó với tình trạng chia rẽ nội bộ tệ hại.

Từ tác phẩm Peasants into Frenchmen (Từ nông dân thành người Pháp ) của Eugen Weber xuất bản năm 1976 – thuật lại vai trò then chốt của sự truất quyền sở hữu và các luồng di dân trong quá trình xây dựng quốc gia của Pháp và sự vươn lên của nước nầy thành một siêu cường – cho đến tác phẩm Civilization (Văn Minh) của Niall Ferguson xuất bản năm 2012 – thuật lại tiến trình hiện đại hoá của Nhật Bản dưới thời Minh Trị Khôi phục; tuy biến loạn và áp chế nhưng đã cho phép nước Nhật đạt được độc lập và uy tín – sự thật đau lòng là muốn xây dựng dân tộc, đặc biệt là trong thế kỷ 18 và 19, một tiến trình tự nó đã đầy sắt máu, con người phải hoán đổi lòng trung thành với gia đình và gia tộc qua, theo chữ của Benedict Anderson, “một cộng đồng tưởng tượng” gọi là dân tộc.

hinh-4

Peasants Into Frenchmen, Eugen Weber, Stanford University Press, 1976
Civilization, Niall Ferguson, Penguin Books, 2012

Vụ ám sát tàn bạo Tướng Luna do âm mưu của các đồng chí ông ta, những người không thấy giá trị trong tính cao ngạo của Luna, và đặt thù hằn cá nhân lên trên nền độc lập của đất nước, là bài học cảnh báo, nhắc nhở rằng kẻ thù lớn nhất của Phi Luật Tân không phải là ngoại xâm mà là chia rẽ nội bộ và những giao ước hẹp hòi đã chặn bước đi của tiến trình xây dựng quốc gia ngay cả cho đến bây giờ.

Richard Javad Heydarian,
huffingtonpost.com, 26-09-2015

Lý Nguyên Diệu (10/2015)



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss