Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / FN : Lời cảnh báo (miễn phí) lần chót

FN : Lời cảnh báo (miễn phí) lần chót

- Nguyễn Quang — published 01/02/2016 21:45, cập nhật lần cuối 06/08/2016 23:51
Chính trị nước Pháp sau cuộc bầu cử chính quyền vùng (tháng 12.2015)


Tình hình chính trị nước Pháp



Đảng FN : lời cảnh báo (miễn phí) lần chót


Nguyễn Quang



Trong cuộc bầu cử 13 vùng của nước Pháp tháng 12.2015 vừa qua, người ta đã ghi nhận một cơn “động đất chính trị”, có thể coi là một thứ « hồi chấn » của cơn động đất năm 2002 : tại vòng đầu của cuộc tranh cử tổng thống (tháng 4.2002), ứng cử viên (Lionel Jospin, thủ tướng) của Đảng Xã hội (PS) đã bị loại (đứng hàng 3, sau Jacques Chirac, tổng thống, và Jean-Marie Le Pen, đảng trưởng FN / Mặt trận Quốc gia). Lần này, ở vòng đầu cuộc tranh cử chính quyền vùng, đảng FN đã về đầu trên hơn một nửa 13 vùng : ở vùng đông (Champagne/Ardenne/Lorraine-Alsace) được hơn 36% số phiếu cử tri, ở vùng Paca (Provence/Alpes/Côte d’Azur) tây nam, cũng như ở vùng bắc (Nord/Pas-de-Calais/Picardie), số phiếu lên tới 40%. Cho dù sang vòng nhì, FN không giành được thắng lợi (không được đa số, hay giành được nhiều phiếu nhất), nhưng với gần 28% số phiếu bầu của 7 triệu cử tri, đảng này đã trở thành lực lượng chính trị số 1 trên chính trường nước Pháp. Số đại biểu dân cử ở các địa phương của FN đã nhân lên gấp 3, vượt hẳn số đại biểu dân cử của PS. Nếu FN thắng phiếu ở vùng Paca và vùng bắc thì ngày nay, nó đã nghiễm nhiên quản trị một vùng rộng lớn với dân số 11 triệu. Tất nhiên, đó vẫn chỉ là những cuộc bầu cử địa phương, nhưng với cuộc cải cách mới đây, mỗi vùng quản trị trung bình 6 triệu dân với 7% GDP (xem bản đồ), và tại mỗi vùng như vậy, đảng FN đã thâm nhập các định chế lãnh thổ, một giai đoạn cần thiết để tiến lên một cấp độ cao hơn. Con đường đi lên còn gập ghềnh, nhưng liệu có gì ngăn chận nổi biểu đồ thăng tiến ấy ? 10% phiếu bầu trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2007, 18% trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2012, 25% trong cuộc tranh cử nghị viên châu Âu năm 2014, 26% trong cuộc tranh cử hội đồng tỉnh, 28% trong cuộc tranh cử vùng năm 2015… Có cần nhắc lại là năm 1974, Jean-Marie Le Pen chỉ được 0,75% phiếu bầu trong cuộc tranh cử tổng thống, tới năm 1981 còn không hội đủ 500 chữ ký bảo lãnh để ra ứng cử ; còn trong cuộc tranh cử quốc hội năm 1978, FN chỉ được 0,33% số phiếu, và năm 1980, nó chỉ có vỏn vẹn 270 đảng viên ? Đằng sau những con số ấy, ẩn tàng một sự thực là : từ thập niên này qua thập niên khác, các chính đảng truyền thống đã tỏ ra bất lực, không thiết lập nổi một « vành đai y tế » vây quanh một tổ chức chính trị mà họ gọi là « chống lại chính thể cộng hoà », nhưng họ vẫn chưa nhận chân ra bản chất của nó là gì.


13 vùng mới của nước Pháp

1.1 1.2
Bản đồ bên trái : dân số các vùng   Bản đồ bên phải : GDP tính theo tỉ Euros (2012)

Phân bố phiếu bầu cho FN theo các vùng

2

Biểu đồ bên trái (từ trái sang phải) tỉ số phiếu bầu cho các đảng : FN, LR-UDI-Modem (liên minh phái hữu), PS, đảng Môi trường, ĐCS và Mặt trận phái tả, Linh tinh phái tả, Linh tinh phái hữu, Linh tinh khác.

Bản đồ bên phải : phân bố phiếu bầu cho FN theo các vùng, từ cao (đậm) xuống thấp (nhạt).



Đảng FN ra đời năm 1972, trên tàn tích của những nhóm nhỏ sớm nở tối tàn, giữa Poujade và Tixier-Vignancourt, nào là Ordre Nouveau (Trật tự Mới), Action française (Hành động Pháp), và Occident (Tây phương), rồi những tổ chức chống cộng, nazi mới, quốc gia – cách mạng, quốc gia – công giáo, phủ nhận chủ nghĩa, xét lại chủ nghĩa, nuối tiếc Algérie Pháp thuộc… Vì thế, người ta đã nhanh chóng định vị đảng FN ở đâu đó giữa « cực hữu » và « tân phátxít ». Hình ảnh này không sai khi ta nhớ tới những lời tuyên bố lợm dọng và xằng bậy của Le Pen bố, nhưng từ năm 2005 trở đi, Marine Le Pen (con gái của Jean-Marie Le Pen) – đến năm 2011 mới lên ngôi chủ tịch đảng – đã thành công trong việc « giải quỷ hoá » đảng FN, đặt nó dưới một khẩu hiệu mới : « khuynh tả về mặt xã hội, khuynh hữu về kinh tế, và hơn bao giờ hết, thuần tuý quốc gia, thuần tuý Pháp ». Đằng sau sự kiên trì này là cả một chiến lược của một chính đảng nhận thức được rằng nó chỉ có lợi khi chấp nhận luật chơi nghị viện, thay vì liều lĩnh vào những cuộc phiêu lưu bạo loạn của những nhóm phiến loạn thập niên 1930 ở Pháp. Chính vì thế mà chúng ta cần phân tích « dự phóng » của FN một cách chính xác, thay vì tự bằng lòng với những công thức ngôn ngữ không được xác định.


Cực hữu và phát-xít


Ở Pháp, sự phân biệt tả-hữu ở Quốc hội đã có từ tháng tám năm 1789 trong cuộc thảo luận về quyền phủ quyết của nhà vua đối với Quốc hội lập hiến : những dân biểu chống lại quyền phủ quyết ngồi tập trung ở phía tả chủ tịch, những người tán thành ở phía hữu. Từ đó, sự phân ranh vẫn tiếp tục, hai từ « tả » và « hữu » đã đi vào ngôn ngữ chính trị phổ thông, gắn liền với sự đối lập về tư tưởng trong sinh hoạt chính trị Pháp. Và cũng từ đó, cực hữu (extrême droite, ngôn ngữ chính trị Anh Mỹ gọi là radical right / phái hữu triệt để) có nghĩa là « phía hữu của phe hữu », theo nghĩa đen (ghế ngồi ở quốc hội) cũng như theo nghĩa bóng (lập trường chính trị). Theo từ điển bách khoa mở Wikipédia, « các phong trào và đảng phái cực hữu tuy đa dạng, nhưng có những điểm chung về ý thức hệ : một quan niệm ái quốc, một quan niệm về quốc gia dân tộc, về truyền thống cực đoan hơn phái hữu ; gắn bó chặt chẽ với những giá trị quốc gia, bản sắc, văn hoá và/hay tôn giáo ; và đôi khi, diễn ngôn kinh tế và xã hội lại mang màu sắc phản kháng [chống chủ nghĩa tư bản, chống chủ nghĩa tự do] (…). Thực vậy, phái cựu hữu khác với phái hữu ở chỗ nó phản đối chủ nghĩa tư bản, và cả chủ nghĩa tự do, nhưng nó gần gũi phái hữu ở cái nhìn bi quan về các định chế dân chủ. Những người thuộc phái tự do tìm thấy trật tự xã hội ở chính trị kinh tế học, còn phái cực hữu xây dựng trật tự trên sự thống nhất hữu cơ của quốc gia, của chủng tộc hay của cộng đồng tôn giáo (…). Cơ sở cử tri của phái cực hữu nằm ở thành phần bình dân : những tiểu thương, thủ công, thợ thuyền vv… Xu hướng cực hữu là « chống thượng lưu », chống « giới ưu tú » (đôi khi chống cách mạng), đó là khác biệt lớn đối với phái hữu bảo thủ vàtự do” ».

Từ sau Thế chiến lần thứ hai, hình ảnh phe cực hữu ở Pháp lại gắn chặt với sự cấu kết của nó với phát xít Ý và nazi Đức. Trong cuộc đối đầu sau chiến tranh ở Pháp, các phe đối nghịch thường chụp mũ nhau là « cộng », là « phát xít » để khỏi phải tranh luận. Thế nào là chủ nghĩa phát xít ? Theo Wikipédia, « đó là một hệ thống chính trị độc tài, kết hợp chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa toàn trị (…) Vừa cách mạng vừa bảo thủ, nó đối nghịch trực diện với chính thể dân chủ đại nghị, với Nhà nước tự do bảo đảm các quyền cá nhân (…) Mô hình xã hội phát xít dựa trên quốc gia hơn là trên các cá nhận hợp thành quốc gia. Nó tìm cách tạo dựng những nhóm thuần nhất và đoàn kết, mang nặnh bản sắc. Do đó, ưu tiên của xu hướng phát xít là duy trì sự thuần nhất (sắc tộc, tín ngưỡng, giai cấp) của cộng đồng quốc gia. Nó huy động những giá trị tinh thần như chủ nghĩa ái quốc, các lý tưởng « canh tân » quốc gia, lý tưởng « thuần nhất ». Vì thế, phải tạo ra tâm trạng khẩn trương, phải chỉ ra một kẻ thù chung đang tìm cách phá hoại tập thể, và huy động mọi người chống lại kẻ thù chung ».

Tất nhiên, một số nét nói trên (không phải tất cả), các xu hướng cực đoan đều có, chứ không riêng gì phe cực hữu hay phát xít. Song cũng nên đi tìm những nét đó trong cương lĩnh và hành động chính trị của đảng FN. Vẫn biết là những lời cam kết trong khi tranh cử chỉ có giá trị đối với những người nhẹ dạ, nhưng phải nói là các tuyên bố của FN có những điểm « trước sau như một », bất di bất dịch :

- ít nhất là từ năm 2002 (bầu cử tổng thống), khi Jean-Marie, rồi sau đó là Marine Le Pen tố cáo « tính chất thế giới chủ nghĩa và Âu châu chủ nghĩa của hiệp ước Maastricht », « hệ tư tưởng tự do mậu dịch và những quyết định võ đoán của uỷ ban Bruxelles », lên án « chủ nghĩa tư bản tài chính hoàn cầu », « biến mọi thứ thành hàng hoá », công kích « bọn phù thuỷ tập sự trong lãnh vực kinh tế » khiến cho các dịch vụ công cộng bị phá hoại, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, người ta nghe văng vẳng ngôn từ của phái tả chống tư bản hay của phái hữu « bảo vệ chủ quyền dân tộc », nhưng đó cũng là lập trường phản đối chủ nghĩa tư bản tự do của phái cực hữu (xem trên). Tất nhiên, các đề nghị thay thế của FN có tính chất mị dân, biếm hoạ vì nó không bao giờ cho biết lấy nguồn tài chính từ đâu để thực hiện các đề nghi ấy (có thể vào trang mạng của FN để thấy rõ), song các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy cử tri bỏ phiếu cho Le Pen không hề quan tâm tới những vấn đề như : các đề nghị của FN có nhất quán không, có khả thi không 1.

- điều này thúc đẩy chúng ta phải nhận dạng được khối cử tri bỏ phiếu cho FN : theo cuộc điều tra mới đây của Ipsos (tuần báo L’Obs, ngày 08.12.2015), năm 2015 đảng FN đã thu hút được 46,5% số phiếu của công nhân, 41,4% người thất nghiệp, 35% nông dân, 34,8% thanh niên lứa tuổi 18-24, 20% những người trên 60 tuổi… và 51,5% công an cảnh sát và quân nhân. Thống kê theo bằng cấp và nghề nghiệp (xem biểu đồ, nguồn đã dẫn) cho thấy rõ thêm : cử tri của FN (cũng như cử tri của cực hữu) chủ yếu nằm trong các tầng lớp bình dân, và giai cấp trung gian đã bần cùng hoá (đây là cách xếp loại thông thường của các cơ quan thăm dò dư luận). Vì thế mà trong bài xã luận đăng trên tuần báo Marianne (11.12.2015), Jacques Julliard gọi lá phiếu bầu cho FN là « lý tưởng hằng mơ ước của xã hội học lưỡng cực mác-xít : liên minh của giai cấp vô sản với các giai cấp trung gian chống lại các giai cấp thống trị (…) bao gồm các cán bộ trung – cao, giới bobo (tư sản « lãng du »), trí thức thu nhập cao. Trên bình diện xã hội học, chúng ta đang trải nghiệm cuộc đấu tranh giai cấp ở thời kỳ giữa thế ký XX ».

Phiếu bầu theo nghề nghiệp

3

Chú dẫn :

các nhóm nghề nghiệp (từ trái sang phải) : nông dân, cán bộ cấp cao, nghề tự do, nhân viên làm công, công nhân, hưu trí)

màu sắc chính trị của các danh sách tranh cử : tả (đỏ), xanh (hữu), đen (FN), xám (các danh sách khác)



Bỏ phiếu theo bằng cấp

4

Trình độ (từ trên xuống) : Pas de bac (không có bằng tú tài), Bac (tú tài), Bac + 2 (Tú tài và 2 năm sau tú tài), Bac + 3 et (Tú tài và 3 năm hay hơn nữa sau tú tài)

màu sắc chính trị của các danh sách tranh cử : tả (đỏ), xanh (hữu), đen (FN), xám (các danh sách khác)



- quan sát xã hội – chính trị này cũng dựa trên một thực tại xã hội – kinh tế phát sinh từ cuộc khủng hoảng kéo dài triền miên ở Pháp suốt mấy thập niên. Cuộc thăm dò của Opinion Way (tháng 12.2015) đã liệt kê 5 vấn đề đang làm người Pháp quan tâm (theo thứ tự từ cao xuống thấp) : nạn thất nghiệp, tình hình an ninh, thuế má, dòng người nhập cư, và gần đây nhất, nạn khủng bố. Thứ tự về cấp độ nghiêm trọng của 5 vấn đề ấy cũng hiện ra trên thực địa : ta có thể thấy bản đồ tỉ số phiếu bầu cho FN theo từng vùng khá ăn khớp với bản đổ tỉ số thất nghiệp (theo định nghĩa của Cơ quan quốc tế lao động ILO) : trong phần lớn các trường hợp, tỉnh nào có tỉ số thất nghiệp cao hơn trung bình toàn quốc, thì ở tỉnh ấy, tỉ số phiếu bầu cho FN cao hơn tỉ số trung bình toàn quốc, và ngược lại cũng thế. Năm ngoái, cuộc điều tra của một văn phòng tư vấn tiến hành sau cuộc bầu cử hội đồng thị xã cũng đi tới kết luận tương tự : tỉ số trung bình của FN ở các xã (dân số từ 10 000 trở lên) ở dưới mức 14% khi tỉ số thất nghiệp ở dưới mức 10%, và tỉ số phiếu FN cao hơn 20% khi tỉ số thất nghiệp ở trên mức 12%. Nếu kiểm tra kỹ lưỡng hơn các tương quan (theo nghĩa thống kê học) để xếp thứ tự các “biến số giải thích” tiềm năng của phiếu bầu cho FN, thì hàng đầu vẫn là tỉ số thất nghiệp. Nghiên cứu này còn cho thấy hai tương quan khác có xác suất cao là : bất bình đẳng trong thu nhập (nhất là khi ta tính tỉ lệ giữa thu nhập của nhóm 1/10 dân số có thu nhập cao nhất với nhóm 1/10 có thu nhập thấp nhất), và tỉ số người không có bằng cấp (gồm những người không đi học, những người không tốt nghiệp trung học, không tốt nghiệp đại học) – đó cũng là một đặc trưng có thể có liên quan tới tỉ số thất nghiệp.

5

Phiếu bầu cho FN trong cuộc bầu cử châu Âu năm 2014 (trái)

Tỉ số thất nghiệp lứa tuổi 25-54 (phải)



Tương quan giữa tỉ số thất nghiệp và tỉ số phiếu bầu cho FN
trong cuộc bầu cử hội đồng thị xã năm 2014

6

Chú dẫn :

  • Trong 72% các thành phố trong danh sách, khi tỉ số thất nghiệp cao hơn tỉ số trung bình toàn quốc, thì tỉ số phiếu cho danh sách cực hữu cũng cao hơn trung bình toàn quốc (và ngược lại)

  • Trong 28% thành phố còn lại, khi tỉ số thất nghiệp cao hơn bình quân toàn quốc, thì tỉ số phiếu cực hữu lại thấp hơn trung bình toàn quốc (và ngược lại)

Nguồn : Huffington Post (tháng 12.2014)




« Dị ứng » với tha nhân và chủ nghĩa cộng hoà


Tất cả những đặc trưng vừa kể trên – có thể nói đó là những đặc trưng « di truyền » – cho thấy rõ mối quan hệ « huyết thống » giữa FN và hệ tư tưởng cực hữu. Bây giờ ta hãy xét tới hội chứng cơ bản mà phái cực hữu và phát-xít có chung, đó là nỗi ám ảnh muốn « gìn giữ sự thuần nhất (chủng tộc, tôn giáo hay giai cấp) của cộng đồng quốc gia ». Trước sau như một, diễn ngôn của Le Pen luôn luôn nói tới việc « chuẩn bị tương lai bằng cách tái lập trào lưu quốc gia », và để đạt mục tiêu đó, như đã nói ở trên, cần phải « tạo sinh ra tâm trạng khẩn cấp, chỉ rõ đâu là kẻ thù chung đang phá hoại tập thể mà tất cả phải huy động để chống lại » : ngay từ đầu, dường như kẻ thù chung của đảng FN là thành phần nhập cư – lên án bọn người đã nhập cư, xua đuổi những người muốn nhập cư. Ngay từ năm 1973, 3 mục tiêu ưu tiên mà FN đặt ra trong cuộc tranh cử quốc hội là : 1/ số ghế đại biểu tỉ lệ với số phiếu bầu ; 2/ bãi bỏ Hiệp định Evian 1962 (thừa nhận độc lập của Algérie) ; 3/ xiết chặt các quy định về nhập cư. Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1988, giữa những đề tài quen thuộc của cực hữu, như « trật tự, lao động, hoà hợp », « niềm tin ái quốc » trong gia đình trường học, ca ngợi những « giá trị thiêng liêng nhất », « ý chí hành động chống nạn thất nghiệp, chống khủng hoảng kinh tế và chống chủ nghĩa xã hội đã tạo ra chúng », Jean-Marie lại công kích người nhập cư : để giảm thiểu hao hụt quỹ an ninh xã hội, cần « tách biệt quỹ cho người Pháp và quỹ cho người ngoại quốc » ; để giải quyết nạn thất nghiệp, J.-M. Le Pen đề nghị cho hồi hương « từ 300 000 đến 400 000 người nhập cư thất nghiệp » một cách « lịch sự và nhân đạo » ; về bệnh AIDS, một căn bệnh « hết sức truyền nhiễm (…) đe doạ thế quân bình của quốc gia », Le Pen chủ trương ly cách « bọn ếch iếc » (« sidaïques ») ra khỏi dân chúng. Gần một phần tư thế kỷ sau đó (tháng tám 2012), Marine Le Pen tố cáo đích danh « nạn nhập cư vi khuẩn » và đề nghị trục xuất những người nhập cư quá 3 năm thất nghiệp. Đầu óc bài Do Thái, bài Arap của Le Pen cha thì mọi người đều biết – 6 triệu người Do Thái bị giết, trong miệng của JMLP đã trở thành « một chi tiết của lịch sử », hay trò chơi chữ, biến tên bộ trưởng (phái hữu) Durafour thành « Durafour crématoire » (lò hoả thiêu) ; biến dạng họ tên ông Gaudin, thị trưởng Marseille, thành Ben Gaudin, và công kích chính khách (phái hữu) này đã nhắm mắt làm ngơ trước dòng người « nhập cư đại trà dưới dạng một cuộc thực dân thực sự ». Nhưng cô con gái, đang ra sức « giải quỷ hoá » đảng FN, mà cũng thốt ra giọng điệu ấy, chứng tỏ những thành kiến về người nhập cư đã ăn sâu tới đâu vào trong óc huyễn tưởng phe cực hữu : nạn xâm lăng, hao phí kinh tế - xã hội, hạ giá lao động, thất nghiệp…

Huyễn tưởng, vì ngay nhật báo (phái hữu) Le Figaro cũng thừa nhận : « Dòng người di cư tới Pháp thuộc số thấp nhất ở Châu Âu (200 000 người / năm, bằng một nửa con số trong thập niên 1960 (…). Tất cả các nghiên cứu kinh tế nghiêm chỉnh [chúng tôi in đậm] đều cho thấy nhập cư có tác động tích cực, hoặc không tác động, tới hoạch toán công, tình trạng thất nghiệp hay lương bổng ở Pháp (…). Nhập cư góp phần vào thành tựu kinh tế Pháp, đáp ứng nhu cầu về nhân công không được cung cấp, mà không có ảnh hưởng tới tình hình lương bổng chung, còn đối với nền tài chính công, tác động của nó gần như không, hoặc tích cực một chút » (14.09.2015). Không đi vào chi tiết (đó không phải là mục đích bài này), nhưng cũng cần nói rõ một điều : nghiên cứu nghiêm chỉnh không chỉ là đưa ra những số liệu củng cố một luận điểm, mà phải tìm ra những mối tương quan (theo nghĩa thống kê học, xem trên) giữa các số liệu ấy, để loại bỏ những sai lệch ẩn tàng, và để hiểu rõ những sự ăn khớp về kinh tế vĩ mô 2. Trong những năm 1980, tương quan giữa sự có mặt của người nhập cư và tỉ số phiếu bầu cho FN ở cấp tỉnh là 0,8 (tối đa là 1). Ngày nay, điều đó hoàn toàn không có ý nghĩa khi đối sánh hai bản đồ dưới đây, đặc biệt ở các vùng Ile-de-France (chung quanh Paris), vùng Đông Bắc và Đông của nước Pháp. Nhà sử học và dân số học Hervé Le Bras đã mạnh bạo so sánh như thế này : « Chúng ta đang ở trong cơn huyễn tưởng. Trước đây, vào thập niên 1980, đã có hiện tượng tương tự ở Ba Lan : chủ nghĩa bài Do Thái hoành hành trong khi cả nước Ba Lan chỉ còn có 150 000 người Do Thái » (tuần báo L’Express, 08.12.2015). 

7.1   7.2 

Bản đồ bên trái : tỉ số người nhập cư ở Pháp (từ xanh / dưới 2% đến đỏ / trên 8% dân số)

Bản đồ bên trái : FN phát đạt ở vùng đông-bắc và nam (từ nhạt / dưới 10% đến đậm / trên 19%).


Bi kịch của nước Pháp là bốn mươi năm khủng hoảng (khi nhẹ khi nặng) đã làm cho người ta không nghe thấy những diễn ngôn hợp lý, mà chỉ lọt vào tai những khẩu hiệu : ban đầu là « bản sắc dân tộc », rồi « ưu tiên cho người dân tộc », rồi chắng mấy lúc, « đây là đất của chúng ta ! », « bọn Arap cút đi ! » (sự thực, những khẩu hiệu này mới đây đã vang lên ở đảo Corse rồi). Vi-rút kỳ thị mà FN mang trong người lại có thể « chuyển gien » : sau cuộc khủng bố 11.9.2001 ở Tháp Đôi, mũi dùi đã chuyển từ những người nhập cư nói chung sang các tín đồ Hồi giáo bị bỏ chung một rọ với các phần tử Islamist cuồng tín. Trong những năm 1970, FN không bao giờ nêu lên vấn đề Islam, sang những năm 2000, lạm dụng phương châm thế tục (Nhà nước và đời sống công cộng tách bạch với mọi tín ngưỡng) để chụp mũ tôn giáo cực đoan lên người nhập cư. Nhưng bất kể công kích dưới dạng thức nào, đối tượng của FN bao giờ cũng là tha nhân, là kẻ khác, là kẻ đã gây ra mọi thứ khó khăn. Vì thế, có lẽ nên tạo ra từ mới, bài tha, để mô tả hệ tư tưởng của FN thì chính xác hơn là bài ngoại hay kỳ thị chủng tộc. Và xét đến cùng, đó là một hệ tư tưởng cực hữu, cho dù Marine Le Pen chối bây bẩy, coi đó là sự « thoá mạ », là « gây chiến chữ nghĩa » với đảng FN.

Còn phát-xít ? FN không phải là một đảng phái chủ trương phiến loạn : từ gần nửa thế kỷ nay, nó tìm đủ mọi cách để vào chính quyền thông qua thùng phiếu. Chỉ một điều đó thôi cũng có thể gọi FN là một đảng nghị viện, tuy không dân chủ. Nhưng có thể nào gọi nó là một « đảng cộng hoà » như Sarkozy đã làm sau vòng đầu cuộc bầu cử chính quyền vùng ? Đây là một cuộc tranh luận cũ rích như một bài giảng ở Học viện chính trị. Mà cựu tổng thống Pháp lại tự coi là một chuyên gia về chính thể cộng hoà, ông dã chẳng đổi tên đảng UMP của mình thành « Les Républicains » (Những người cộng hoà) đó sao ? Dưới dạng thức hiện đại, dân chủ cộng hoà không phải là hai danh từ hoàn toàn đồng nghĩa. Nhất là ở Pháp, là nước mà danh từ Cộng hoà (viết hoa) đã có những tiền lệ uế tạp từ thời Cách mạng 1789. Dân chủ là một chế độ chính trị trong đó chính quyền thuộc về nhân dân (có thể dịch chữ démocratie tiếng Pháp – gồm hai từ nguyên Hi Lạp démoskratia – là dân-trị). Theo nghĩa hiện đại – thuật ngữ dân chủ đại biểu – nhân dân bầu ra những đại biểu, và các đại biểu này nhân danh nhân dân mà cầm quyền. Còn chữ cộng hoà – république tiếng Pháp – ghép từ res (của cải, công việc) và publica (công cộng) – nguyên nghĩa của nó là « việc công », « của công ». Tức là, công việc của xã hội, tổ chức cuộc sống của xã hội, là công việc của mọi công dân. Cộng hoà không nhất thiết là dân chủ – bằng chứng là tính chất mà mọi người đều biết của những nhà nước mang tên « Cộng hoà Nhân dân » hay « Cộng hoà Hồi giáo » – còn dân chủ có thể mang dạng thức cộng hoà (thí dụ như thể chế hiện nay của Đức, của Hoa Kỳ) hay quân chủ (thí dụ như Bỉ và Vương quốc Anh), hay gì gì khác, miễn là trong chế độ ấy, nhân dân có chủ quyền và tự do chấp nhận chế độ ấy. Riêng ở Pháp, danh từ Cộng hoà gắn liền thể chế chính trị với một lý tưởng bao gồm những giá trị chung : « Nền cộng hoà là một tập hợp những giá trị mà luật của đa số không có quyền thay đổi. Trong các giá trị ấy, có dân chủ, và có cả sự tách biệt giữa cõi tâm linh và cõi đời, có nguyên tắc thế tục, bình đẳng nam nữ, bình đẳng về cơ may, phủ nhận chủ nghĩa cộng đồng. Chọn lựa sống dưới chế độ Cộng hoà có nghĩa là chấp nhận các giá trị ấy » (François Fillon, thủ tướng dưới nhiệm kỳ tổng thống Sarkozy). Buổi tối vòng đầu cuộc bầu cử chính quyền vùng, Marine Le Pen tuyên bố cũng có vẻ theo chiều hướng ấy : « FN là chính đảng duy nhất đứng ra bảo vệ một nền Cộng hoà thực sự là Pháp. Nó sẽ dựa trên sự tái lập những giá trị cơ bản : tự do, bình đẳng, bác ái và thế tục ». Nhưng đẩy chỉ là một trò tháu cáy. Bởi vì kỳ thị hay loại trừ toàn bộ một cộng đồng, dưới bất kỳ hình thức nào, cũng là đi ngược tiêu ngữ Cộng hoà đã được khắc trang trọng trên cổng vào của các toà nhà thị chính. Và khi cô cháu gái Marion Maréchal - Le Pen (dẫn đầu danh sách FN ứng cử ở vùng tây nam) rao giảng trên nhật báo cực hữu Présent rằng người Hồi giáo Pháp « không thể ngang hàng với đạo Công giáo », thì ả đã bất chấp nguyên tắc thế tục. Khi tuyên bố trong một cuộc mit tinh ở Toulon rằng bản sắc Pháp đã được « đúc kết bằng ảnh hường Hi, La và mười sáu thế kỷ Kitô giáo », thì không thể không nghĩ rằng ả đã xổ toẹt Thế kỷ Ánh sáng và Cách mạng Pháp. Vì thế, là một điều chính đáng khi các chính đảng (không phải tất cả, như sẽ đề cập ở dưới) kêu gọi thành lập « mặt trận cộng hoà » chống lại FN, một chính đảng dù có được xem là dân chủ, nhưng chắc chắn là « phản cộng hoà ».




Chủ nghĩa « quốc gia – dân tuý »


Những nhận định xã hội – kinh tế vừa kể trên vạch rõ tính chất cực hữu của đảng FN, nhưng không cho thấy bối cảnh của nó. Thí dụ, giải thích một cách máy mọc bằng nạn thất nghiệp thì vấp vào một nghịch lý : tại sao ở những nước tỉ số thất nghiệp thấp như ở Bắc Âu (kể cả Đan Mạch nổi tiếng là nước « sống thoải mái ») cực hữu lại phát triển mạnh, mà những nước thất nghiệp cao, khủng hoảng dữ dội hơn nước Pháp, ví dụ như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, lại thoát được nạn này ? Lại càng cần nhìn bao quát hơn nữa, từ khi đảng FPÖ của Jörg Haider ở Áo năm 2000, Liên đoàn miền Bắc và đảng MSI cũ năm 2009 ở Ý (thời Berlusconi) tham gia chính quyền (nắm đa số hay liên minh với đảng khác), hiện tường này có xu hướng « bình thường hoá » : phía Tây Âu thì có Bỉ, phía Bắc thì Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, phía Đông thì Áo, Hung, Ba Lan… Riêng Ba Lan và Hung lại còn có xu hướng cực quyền, ra sắc lệnh hay bỏ phiếu thông qua những biện pháp vi phạm đến những quyền tự do cơ bản, đi ngược lại luật lệ của Liên hiệp Châu Âu… trong khi Uỷ ban Bruxelles không có phản ứng gì hơn là nhíu mày, cao giọng.

Bản đồ dưới đây cho thấy các lực lượng cựu hữuhữu triệt để tuy có những khác biệt về hệ tư tưởng và chiến lược (xem chú giải), song đều tập trung khai thác những đề tài gẫn gũi với FN : Islam, nhập cư, tình trạng mất an ninh. Trong cuốn Ảo tưởng dân tuý chủ nghĩa xuất bản năm 2007 3, nhà chính trị học Pierre-André Taguieff đề nghị gọi các phong trào này bằng một cái tên chung « chủ nghĩa quốc gia – dân tuý » (national-populisme), mặc dầu hai từ « quốc gia » và « dân tuý » thường hàm ý không tốt. « Quốc gia – gì gì đó » làm cho người ta liên tới tới « quốc gia – xã hội », nói gọn là « quốc-xã », chủ nghĩa nazi của Hitler, còn « dân tuý » là danh từ chính trị gợi nên sự khinh thị giới thương lưu, ưu tú thường chiếm lĩnh màn hình TV, còn nhân dân bị coi là « không nắm vấn đề ». Có thể nêu ra nhiều thể loại của chủ nghĩa dân tuý : chủ nghĩa dân tuý phản đối, phản ánh những bực bội nhức nhối của xã hội (xem danh sách những vấn đề mà dư luận Pháp quan tâm, ở trên), chủ nghĩa dân tuý bản sắc, biến thái từ một huyễn tưởng về bản sắc dân tộc (nó vừa là hệ quả vừa là nguyên nhân của chủ nghĩa « bài tha » đã nói ở trên), chủ nghĩa dân tuý tài sản (theo Dominique Reynié), thể hiện nỗi lo bị xuống cấp nấc thang xã hội, đặc biệt của giới cao tuổi lo sợ bị mất đi những quyền lợi đã thủ đắc, và của cả một lớp thanh niên đứng trước một tương lai bấp bênh vô định… Các thể loại vừa liệt kê không chỉ giới hạn ở Châu Âu « cựu thế giới », mà ở cả Bắc Mỹ, với đảng « Trà » (Tea Party) và những người ủng hộ đại gia địa ốc mãi võ Sơn Đông Donald Trump đang dẫn đầu cuộc tranh đua bầu ứng cử viên Đảng cộng hoà.


Các lực lượng cực hữu và hữu triệt để các nước Liên hiệp Châu Âu :
Những dị biệt về hệ tư tưởng và chiến lược

8


CHÚ GIẢI
  1. Những kết quả không đồng đều trong cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu…:

    * tỉ số phiếu từ cao (xám đậm) xuống thấp
    * xám nhạt : không có đảng cực hữu
    * góc đậm trong đĩa tròn : tỉ lệ số ghế nghị viên được bầu

   II … và những bất đồng về tư tưởng và chiến lược :

Xanh lơ : Nhóm « Châu Âu vì tự do và dân chủ trực tiếp »
Xanh lá cây : Nhóm « Bảo thủ và Cải lương Châu Âu »
Tím : Nhóm « Quốc gia và Tự do »
Đỏ : Những đảng không ghi tên vào một nhóm ở Nghị viện Châu Âu

Trường hợp Na Uy (để trắng) : xin chớ hiểu lầm là không có cực hữu. Đảng FrP (Tiến Bộ) thuộc xu hướng dân tuý, chống nhập cư, năm 2009 (bầu cử Quốc hội) đạt 24,3% phiếu bầu, đến năm 2011 tụt xuống 11,5% sau vụ tàn sát 77 đảng viên phái tả trên đảo Utoya mà hung thủ là Anders Breivik, cựu đảng viên FrP. 


Trong « quốc gia – dân tuý » có từ « quốc gia ». Không bao giờ nên coi nhẹ tầm quan trọng của những biểu hiện liên quan tới quốc gia, dân tộc trong ứng xử chính trị. Cuối thế kỷ 18, Cách mạng Pháp đã tạo ra khái niệm « Đại Quốc Gia », có tính chất phổ quát, đưa « thừa sai vũ trang » đi giải phóng các dân tộc bị áp bức ; một cách hoà bình hơn, là ý chí xây dựng một mô hình cộng hoà, vượt qua những khác biệt về nguồn gốc, về văn hoá. Sang thế kỷ 19, là sự ra đời của những « Nhà nước Dân tộc », hay « Quốc gia », với những bản sắc riêng biệt đối kháng với mô hình phổ quát nói trên, khẳng định sự khác biệt, thậm chí loại trừ, dựa trên luật huyết thống hay luật sinh quán. Chính cái chủ nghĩa quốc gia quá đà này đã góp phần dẫn tới hai cuộc chém giết vĩ đại là Thế chiến 1914-1918 và 1939-1945, tới cuộc « thanh lọc sắc tộc » ở bán đảo Balkan thập niên 1990, và hiện nay làm động lực cho những phong trào li khai đang đe doạ Châu Âu. Lại có « chủ nghĩa quốc gia co cụm » của đảng FN, nêu cao khẩu hiệu tự vệ và bảo hộ, gồng mình trong một thứ bản sắc dân tộc – văn hoá huyễn hoặc, bốn bề thọ địch, chống lại « quân xâm lăng » nhập cư và làn sóng toàn cầu hoá bao trùm thế giới. Có cần phải nhắc lại câu nói của Romain Gary : « Chủ nghĩa ái quốc là yêu thương người mình. Chủ nghĩa quốc giá là căm thù người khác » ? Chủ trương nguyên thuỷ của công cuộc xây dựng Châu Âu chính là ngăn ngừa sự tái hiện của thứ chủ nghĩa quốc gia đó. Robert Schumann há chẳng đã nói : « Vì không xây dựng được Châu Âu mà chúng ta đã có chiến tranh » ? Nhưng thay vì xây dựng mái nhà chung cho Châu Âu, người ta đã để cho đám kỹ phiệt tạo ra một mớ bòng bong rối rắm, chỉ để các nhà buôn sử dụng, còn nhân dân các nước thì nghi ngại. Hết khủng hoảng thì bó tay chịu trận, manh ý rồi bất lực, lý tưởng Châu Âu đã trở thành cái gì dư luận chán ngán, tạo điều kiện cho các lực lượng quốc gia dân tuý trở thành tiên phong của hàng ngũ những người hoài nghi hay ghét bỏ Châu Âu, gặt hái kết quả ở thùng phiếu.


Trong tất cả những lời chê trách đối với các định chế của Châu Âu, phổ biến nhất là ý kiến cho rằng « thiếu dân chủ ». Người công dân Châu Âu cảm thấy bị tước đoạt quyền quyết định khi lá phiếu « chống » của họ đối với cuộc trưng cầy ý kiến năm 2005 về hiến pháp đã bị giới « thượng lưu chính trị » đánh tráo thành phiếu « thuận » trong hiệp ước Lisbonne 2007. Nghị viện Strasbourg do nhân dân bầu ra thì chẳng có mấy thực quyền, trong khi một Uỷ ban Bruxelles lại có quá nhiều quyền hạn, từ việc quy định kích cỡ quả cà chua trên toàn lục địa cho đến việc thương lượng một hiệp ước tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương (TAFTA) mà công luận và nghị viện Strasbourg thì hoàn toàn mù tịt, không được thông báo. P.-A. Taguieff (sách đã dẫn) nhận xét rằng người ta quả quyết « các phần tử tân dân tuý trong phái hữu của Châu Âu – chẳng qua là con cháu của phái cực hữu trước đây – là một nguy cơ đối với nền dân chủ, trong khi thực ra đó chỉ là hội chứng của tình trạng bất ổn về dân chủ ». Tại mỗi nước, chúng ta đều có thể nhận ra hiện tượng « bị truất quyền dân chủ » đó, đặc biệt ở Pháp, nơi mà từ mấy chục năm nay, FN đã tố cáo, không phải không có căn cứ, « Nhà nước UMPS » (gắn liền hai tên đảng UMP phái hữu và PS phái tả), tức là một hệ thống lưỡng đảng trong đó hai chính đảng đối chọi nhau, luân phiên cầm quyền, quản trị đất nước theo con đường mòn, không hề đề ra được một ý tưởng, một dự phóng nào mới, càng không đưa ra được một « cuốn tiểu thuyết quốc gia » có thể làm đáp án cho cuộc khủng hoảng « tồn tại ». Trong tình hình ấy, kết quả cuộc bầu cử cuối năm 2015 nổ ra như một lời cảnh cáo miễn phí. Lợi dụng sự tê liệt chính trị, sự bải hoải tư tưởng do khủng hoảng gây ra, đảng FN sau nhiều năm cố gắng, đã làm hoại thư cuộc tranh luận toàn quốc bằng những đề tài cố hữu (bản sắc dân tộc, ưu tiên cho người dân tộc), và đồng thời đưa ra những đáp án « trọn gói », « lý giải mọi vấn đề của thế giới, từ câu chuyện ở góc phố cho đến Raqqa ở Syrie [“thủ đô” của Nhà nước Islam]. Đó là một cách lý giải trật lất, hoàn toàn không có cơ sở, nhưng nó lại nhất quán và mang âm hưởng của cuộc sống thường ngày của người dân. Trong khi đó, thì đối diện với FN, các chính đảng khác nói tới những chuyện « đâu đâu », nào là đảo ngược đường biểu diễn, nào là chỉ số, nào là giảm thiểu nợ, một thứ biệt ngữ lộn xộn những hiệp ước, hiến chương, hợp đồng. Một diễn ngôn cực kỳ khó hiểu, và vô tác dụng » (Gaël Brustier 4, trên báo L’Express ngày 16.12.2015). Phải thừa nhận là ngày nay, đảng FN phiên bản Marine đã trở thành hiện thân cho một « giải pháp thay thế » trên bàn cờ chính trị nước Pháp. Đối diện với nó, bấy lâu nay, cứ đến mỗi cuộc bầu cử, người ta lại loay hoay đắp điếm ra một « con đê cộng hoà » càng ngày càng rò rỉ, rạn nứt, nhất là ở phía hữu Sarkozy. Mọi người còn nhớ, trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2007, Nicolas Sarkozy đã dùng cái ống xi-phông gì để « hút phiếu FN », đến năm 2012 lại định tái bản bằng cách chĩa mùi rùi vào người Di-gan trong bài diễn văn khốn kiếp ở Grenoble. Rồi, giữa hai vòng phiếu, ông đã bày ra công thức « hai không » (ở vòng hai, nếu chỉ có hai ứng viên phái tả và FN, thì không bỏ phiếu cho ai) để từ nay, UMP (nay là đảng « Cộng hoà ») tha hồ chạy đua với (và theo đuôi) FN trên những đề tải của đảng này. Tất nhiên là không kết quả, vì cử tri chọn bản chính, không chọn bản sao, bằng chứng là 12% phiếu bầu cho Sarkozy năm 2007 đã chuyển sang bầu cho (hay trở về) FN. Đáng lo hơn nữa, việc huỷ bỏ những điều « cấm kỵ » đã giúp cho phe cực hữu « hút » được phiếu của những thành phần « ngần ngại » của phe hữu truyền thống, ví dụ như giới Công giáo. Các cuộc thăm dò dư luận công bố trên các báo Challenges, Le Point, Le Figaro, Le Pélerin, La Vie, La Croix, vân vân… cho thấy « con đê Công giáo » xây dựng trên những giá trị của Tin Mừng đã vỡ toang hoác : người Công giáo (32%) đã bỏ phiếu cho FN nhiều hơn người Pháp nói chung (27,8%), và phiếu bầu Công giáo cho đảng UMP và các đảng liên minh từ tụt từ 69% (bầu cử chính quyền tỉnh, tháng ba 2015) xuống 56% (bầu cử vùng, tháng 12.2015) 5. Nếu sự chuyển biến này thể hiện sự xuất hiện một chủ nghĩa dân tuý Ki tô giáo, theo kiểu phong trào biểu tình chống Luật hôn nhân « cho mọi người » (kể cả người đồng tính), ghép thêm vào những xu hướng dân tuý đã kể trên, thì đây quả là điều đáng ngại. Từ nay, với hậu thuẫn xã hội rộng lớn, phiếu bầu cho FN không chỉ đơn thuần là lá phiếu phản đối, mà nó trở thành lá phiếu hưởng ứng. Nó sẽ mở ra, không phải một tình huống ba đảng, mà một tình huống lưỡng đảng kiểu mới, một bên là đảng « xanh Marine », một bên là đảng đối lập, phái tả luân phiên với (tàn dư) phái hữu. Cố nhiên, tình hình kinh tế còn có thể thay đổi, hoặc ra khỏi khủng hoảng, hay nói như tổng thống Hollande, đảo ngược được đường biểu diễn thất nghiệp. Nhưng phải nói – tình hình huỵch toẹt là như vậy – thành luỹ vững chãi nhất vẫn là hệ thống bầu cử hai vòng, có thể ngăn chận một đảng « chỉ » giành được 30% phiếu bầu – nghĩa là có 70% chống lại nó – lên cầm quyền. Nhưng chắc gì hệ thống ấy sẽ giữ được mãi.

NGUYỄN QUANG

Tháng 1.2015

Bản dịch của Kiến Văn

Nguyên tác tiếng Pháp : FN : dernier avertissement sans frais



1 Không có điều gì mới dưới ánh sáng mặt trời. Trong những năm 1950, phong trào Poujade ra tranh cử mà không thèm đưa ra một chương trình nào cả. Chỉ duy nhất một khẩu hiệu : « Hãy tống khứ tất tật chúng đi ! »

2 Để hiểu mối tương quan giữa nhập cư và thất nghiệp một cách khoa học nghiêm túc, xin xem sebastien. villemot.name/chomage- immigration.html

3 P-A. Taguieff, L’Illusion populiste. Essai sur les démagogies de l’âge démocratique, Paris, Flammarion, 2007.

4 Gaël Brustier, Le Mai 68 conservateur, coll. Essais, éd. du Cerf, 2014.

5 Xem thêm chi tiết ở trang mạng www.challenges.fr › Politique › Élections régionales, nhất là để phân biệt những người nhận là Công giáo với những người thật sự hành đạo.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss