Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Giải Nobel (diễn) văn

Giải Nobel (diễn) văn

- Nguyễn Quang — published 20/10/2009 01:01, cập nhật lần cuối 20/10/2009 10:36
Bình luận về giải Nobel hoà bình 2009


Giải Nobel hoà bình 2009



Giải Nobel Ngôn Từ


Nguyễn Quang


Hiếm có giải Nobel hoà bình đã gây ra nhiều phản ứng trái nghịch như năm nay, khi nó được trao cho tân tổng thống Hoa Kì Barack Obama. Phải nói là từ ngày giải Nobel được thành lập cách đây hơn một thế kỉ, việc trao 5 giải Nobel hàng năm đã trở thành một biến cố media quan trọng quá mức vì đã trở thành cuộc "ăn thua đủ" về quyền lợi quốc gia, xa lạ với lí tưởng đại đồng của người chủ xướng. Ngay những bộ môn khoa học chính xác lẽ ra không có gì phải tranh luận cũng trở thành đối tượng đôi co tranh cãi (xem khung ở cuối bài), nói chi đến những lãnh vực "chủ quan" như văn học và hoà bình ?

nobel
Và bây giờ, tiết mục khó nhất này : anh ta sẽ
xứng đáng với cái giải !
(tranh của Willem, Libération 12.10.09)


Năm nay, những phát biểu (khá đông) phản đối quyết định trao giải Nobel hoà bình 2009 có thể tóm tắt bằng hai tiếng "quá sớm". Thật thế, nói tới giải "hoà bình" mà dùng danh từ "tốc chiến" thì có vẻ hơi kì, nhưng phải nói là cuộc vận động dẫn tới việc trao giải cho Obama quả là một cuộc "tốc chiến" (blitzkrieg) : tổng thống Mĩ đã được "đề cử" vào phút chót (ngày 1.2.2009, hạn cuối cùng) khi ông mới bước vào Nhà Trắng được đúng 11 ngày ; tên ông được tuyển chọn (vào danh sách cuối cùng) ngay từ đầu tháng 2.2009, nghĩa là hoàn toàn dựa trên những lời hứa hẹn của ứng viên Obama trong cuộc tranh cử tổng thống Mĩ ; và ngày 2.10, khi Obama được quyết định tặng giải, thì ông mới làm tổng thống Hoa Kì được 9 tháng. Sự tuyên dương "mạnh dạn" và "liều lĩnh" (đây là câu chữ của các nhà bình luận người Na Uy) này đã gây ra kinh ngạc và nhiều phản ứng dè dặt, "bảo lưu", không chỉ giới hạn trong giới những đối thủ của tống thống Mĩ. Thật vậy, vì sao lại trao giải cho Obama ? Không đời nào lại trao giải cho một cuốn sách chưa được viết, hay cho một phát kiến chưa hình thành. Thế mà xem xét các kết quả cụ thể, thì tổng thống Mĩ chưa có được thành tựu đáng kể trong bất cứ nỗ lực hoà bình nào cả :

* ở Cận Đông, Obama muốn tái khởi động "quá trình hoà binh" bằng cách chỉ định một sứ giả hoà bình ngay hai ngày sau khi ông nhận chức tổng thống, nhưng rốt cuộc vẫn không buộc được Israel ngưng mở thêm những khu "thực dân", và cũng chẳng thực hiện được sự bình thường hoá không điều kiện tiên quyết mối quan hệ giữa Israel và các nước A-rập ; không biết ứng phó ra sao với đảng Hamas để thoát ra khỏi cái lôgic tối hậu thư ; cái "kế hoạch hoà bình" mà cuối tháng 9, lẽ ra ông phải trình bày trước đại hội đồng Liên Hợp Quốc, rốt cuộc đã biến mất ; và cuối cùng, ông đã lỡ lầm khi từ chối (lúc đầu) chuyển cho Hội đồng Bảo an LHQ bản báo cáo Goldstone về những tội ác chiến tranh của Israel và Hamas ở dải đất Gaza.

* ở Trung Đông, chính sách "chìa bàn tay" với Iran toàn gặp sự từ chối hay khiêu khích (Iran tiếp tục chương trình hạt nhân, phóng tên lửa, đàn áp phe đối lập) ; tại Irak, các cuộc đánh bom nở rộ gần đây và tình hình mất an ninh có thể đe doạ kế hoạch rút quân từng bước mà Washington đã hứa hẹn hồi cuối tháng 6 ; tại "Afpak" (Afghanistan +Pakistan), trước cuộc tiến công của các lực lượng Taliban, dường như Mĩ chẳng còn cách lựa chọn nào khác hơn là hoặc rút quân (nghĩa là rút lui) hoặc tăng cường quân số (khoảng 40 000 người).

* trong lãnh vực nhân quyền (một lãnh vực có tính chất tượng trưng, nhưng chính quyền Obama chẳng được xây dựng trước hết trên những biểu tượng đó sao ?), việc giải thể trại giam Guantanamo (được thông báo ngay từ tuần lễ đầu ở Nhà Trắng) chắc sẽ không thực hiện kịp vào tháng giêng 2010 như dự trù : một số tù nhận bị coi là quá nguy hiểm để có thể trả tự do (1), nhưng lại không đủ chứng cứ để đưa họ ra xử trước toà án ; chính quyền Mĩ không biết phải làm sao vì Quốc hội Hoa Kì bác bỏ nguyên tắc di chuyển họ vào những nhà tù trên lãnh thổ Mĩ. Đúng là tổng thống Obama đã ra lệnh đóng cửa những trại thẩm vấn và giam cầm bí mật của cục tình báo CIA, ông đã buộc CIA phải tuân thủ những luật lệ của quân đội trong việc tra hỏi tù nhân, nhưng người ta vẫn có cảm tưởng là ông lúng ta lúng túng, không dám quyết định về việc truy tố hay không truy tố những cá nhân và cấp chỉ huy đã gây ra những vụ tra tấn dưới thời Bush -- sự trì hoãn này gây ra phẫn nộ ở cánh tả của những người ủng hộ Obama lẫn cánh hữu của những người chống Obama (2).

Nhắc qua những thất vọng mà tổng thống Mĩ đã tạo ra, ta cũng không thể quên một điều cốt yếu, là : những khó khăn "lắt léo" và "to đùng" (chữ của hãng thông tấn AP) mà Obama phải đương đầu đều là do người tiền nhiệm của ông, George W. Bush, để lại. Một George W. Bush bị toàn thế giới nguyền rủa, khiến cho một nhà bình luận đã đưa ra giải thích cực kì đơn giản như sau : Giải Nobel 2009 được trao tặng cho Obama chính là vì Obama không phải là Bush. Luận điểm này có lí của nó. Báo Le Temps (Genève) đăng bức tranh biếm hoạ vẽ người phát ngôn của uỷ ban Oslo tuyên bố : "Giải Nobel 'sửa-chữa-những-sai-lầm-bậy-bạ-của-George-Bush' về tay... Barack Obama". Bản thông cáo chính thức không nói như vậy, nhưng cơ bản cũng không khác : "Từ 108 năm nay, Uỷ ban Nobel vẫn muốn khuyến khích loại hình chính sách quốc tế và những cách tiếp cận mà hiện nay trên thế giới Barack Obama là biểu tượng tốt đẹp nhất [...]. Những người dẫn dắt thế giới phải hành động trên cơ sở những giá trị mà đa số trên hành tinh đang chia sẻ như thế". Nói tóm lại, và nói theo quan điểm li nước đầy một nửa hơn là li nước vơi đi một nửa, thì trong vòng chưa đầy một năm, tân tổng thống đã xác định lại mối quan hệ của nước Mĩ với các nước khác trong cộng đồng quốc tế, đã hứa hẹn nhiều điều nhằm giải quyết các cuộc xung đột mà không theo cung cách đơn phương nữa, đã cam kết là Hoa Kì sẽ theo đuổi những mục đích cao quý như giảm bớt vũ khí hạt nhân. Phải chăng như thế là kết liễu "nước Mĩ đế chế", là trở về vi trí của "cường quốc thiện tâm" ? 2009 là năm của giải Nobel Ngôn Từ, nghĩa là giải thưởng dành cho mấy bài diễn văn lớn : diễn văn Philadelphia (về vấn đề chủng tộc) đọc trong cuộc tranh cử, diễn văn Cairo (giơ bàn tay hữu nghị với thế giới A-rập), diễn văn Accra ở Ghana (để nói tới về dân chủ và "lương trị"), diễn văn Praha (về phi hạt nhân hoá), diễn văn Pittsburgh trong cuộc họp G20 (về chủ nghĩa đa phương)...  Mối nguy khi người ta tin tưởng ở sức mạnh của Ngôn Từ, là tin riết rồi người ta sống trong một thế giới ảo tưởng trong đó Ngôn Từ tự nó là đủ rồi, không cần gì khác nữa. Nếu Obama ngừng ở đây thì chẳng mấy lúc ông sẽ được coi là một nhà đạo diễn hay một nhà ảo thuật. Thực ra, tổng thống Mĩ đã đặt một bàn chân vào trận địa của "chính trị hiên thực" (realpolitik) khi ở Cairo ông nói tới dân chủ mà không đá động gì tới sự tham nhũng thối nát của chính quyền Ai Cập, nói tới Nhà nước Pháp quyền ở Moskva mà không hé lời về các vụ ám sát những người đối lập, nói tới "lương trị" ở Châu Phi mà không đề cập tới "bạo trị" ở Rwanda và Ethiopia, hai đồng minh thân cận của Hoa Kì... Cố nhiên những khó khăn nội trị hiện nay -- khủng hoảng kinh tế, cải tổ hệ thống ý tế -- buộc tổng thống Mĩ phải chọn những vấn đề ưu tiên giải quyết khác hơn là vấn đề nhân quyền, bởi nửa sau của nhiệm kì tổng thống sẽ tuỳ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kì (vào tháng 10.2010). Trong viễn cảnh ấy, sự ủng hộ của Uỷ ban Nobel có thể gây ra phản tác dụng vì phái hữu Cộng hoà ở Mĩ rất thiện nghệ trong việc khai thác tâm lí bài ngoại của "nước Mĩ thâm sâu". Rush Limbaugh, phát ngôn viên của cánh hữu bảo thủ cực đoan đã lớn tiếng rồi : "Với cái "giải" này, các đồng minh của phái tả quốc tế đã kêu gọi "chiến sĩ hoà bình" Obama đừng gửi thêm quân tiếp viện sang Afghanistan, đừng làm gì đối với chương trình hạt nhân của Iran, và thực chất, là hãy tiếp tục thiến hoạn Hoa Kì".

NGUYỄN QUANG



(1) Thủ phạm hai cuộc đánh bom ngày 19.8 vừa qua ở Bagdad (101 người chết, 600 người bị thương) lại là hai phần tử khủng bố đã bị quân Mĩ bắt giam ở Irak rồi sau đó thả ra.

(2)  Chắc mẩm sẽ được miễn tố, nhiều quan chức thuộc chính quyền Bush đang huênh hoang tuyên bố là họ "rất tự hào" về những việc đã làm. Cựu phó tổng thống Dick Cheney còn nói hàm ý rằng nếu có bị công tố viên gửi trát đòi, y sẽ không trả lời.


Theo từ điển bách khoa mạng Wikipedia, Nobel là giải thưởng tầm cỡ quốc tế, từ năm 1901 đến nay, hàng năm được trao cho những người "đã mang lại lợi ích lớn cho nhân loại" bằng những phát minh, phát kiến hay những cải thiện của mình trong các lĩnh vực tri thức khác nhau, bằng một sự nghiệp văn học xuất sắc, hay bằng công lao vì hoà bình. Ngay từ đầu, các giải thưởng và việc tổ chức giải được tài trợ bằng lợi nhuận trích xuất từ di sản của Alfred Nobel (32 triệu cua-ron Thuỵ Điển năm 1900). Như mọi người đều biết, tài sản của ông Nobel xuất phát từ sáng chế không mấy hoà bình về chất nổ, điều trớ trêu là trong 5 giải Nobel được trao hàng năm, có giải Nobel hoà bình ; bốn giải kia dành cho ba ngành khoa học chính xác : vật lý học, hoá học, y học (chính xác là sinh học) và cho văn học. Để tránh tội ác khẩu, chúng tôi không nói tới cái gọi là giải Nobel kinh tế học, do Ngân hàng Thuỵ Điển bày ra từ năm 1968.

Người viết bài này chẳng dám chỉ trích những giải thưởng được toàn thế giới tôn vinh, nhưng trong tinh thần phê phán, cũng xin có đôi lời : giải thưởng năm nào cũng phải phân phát thì cũng như những cuốn sách xếp trên kệ, tránh sao không có những cuốn hay và những cuốn không hay bằng. Ngay trong lĩnh vực khoa học chính xác, phải nói là những phát kiến được vinh danh không ngang nhau về tầm cỡ và công trạng. Chẳng hạn, không thể nào đánh đồng một bên là lao lực đơn độc của một Einstein cố gắng tư duy lại toàn bộ vật lí học (thực ra, năm 1921 Einstein được trao giải không phải vì lí thuyết tương đối của ông, mà vì công trình nghiên cứu về hiệu ứng quang-điện), với bên kia là bất kì một phát kiến ngẫu nhiên, cho dù nó quan trọng đến đâu (thí dụ mà người ta vẫn thường nêu ra là phát kiến của Penzias và Wilson, năm 1978, khi họ "tình cờ" tìm thấy bức xạ hoá thạch của Big Bang trong cái âm nền của ăng-ten liên lạc viễn thông với các vệ tinh). Cũng phải nói thêm là trong khoa học, vì phải đầu tư ngày càng lớn, xu thế ngày càng rõ là người ta tôn vinh những người đứng đầu ê-kíp hơn là (hay cùng với) những tác giả thực sự của phát kiến. Ví dụ tiêu biểu là lịch sử cuộc phát hiện vi-rút VIH của bệnh AIDS : đối với các media và công chúng, công lao chính là của giáo sư Luc Montagnier -- ngài này không bao giờ cải chính, ngược lại -- trong khi đó, những người nắm vấn đề đều biết rằng Montagnier chỉ là giám đốc phòng thí nghiệm, còn hai người thực sự đã phát hiện vi-rút VIH là hai cộng tác viên : bà Françoise Barré-Sinoussi (cùng được giải) và ông Jean-Claude Chermann (đến nay người ta vẫn không hiểu tại sao không được vinh danh). Tình huống ấy rất có thể sẽ tái diễn nếu mai này các cuộc thí nghiệm ở bộ máy gia tốc khổng lồ LHC của CERN (Trung tâm Âu châu Nghiên cứu Hạt nhân) cho phép tìm ra hạt "boson của Higgs" đã đi vào huyền thoại. Lúc ấy biết vinh danh ai đây ? Vinh danh bản thân ông Higgs hay vinh danh ông giám đốc dự án chủ yếu là một người quản lí hành chính ?

Trong khoa học chính xác còn như thế, nói gì đến văn học, lãnh vực mà bất cứ nhà phê bình nào cũng có "quyền" phát đoán bất luận nhà văn nào ? Người ta còn nhớ có một nhà báo Mĩ đã gọi Le Clézio là nhà văn "tỉnh lẻ", và một thành viên Uỷ ban Nobel gọi văn học Mĩ đương đại là "sắc tộc vi trung" (ethnocentric). Để có một văn hào, phải điểm mặt bao nhiêu nhà văn "nhớn" sớm nở tối tàn ?  Có một cách thử nghiệm rất dễ tiến hành : đố ai nhớ được tên họ 10 người đã được giải Nobel văn học trong thập niên vừa qua ?

Còn giải Nobel hoà bình, thì không có gì lạ nếu ta thấy cả một giai phổ, đi từ một tên tuổi không ai có thể phản bác (Nelson Mandela, 1993) đến trò đùa tuyệt đối (Henry Kissinger cặp kè với Lê Đức Thọ, 1973). Với những người chỉ trích Obama chưa làm nên công cán gì cụ thể (cho đến nay), chỉ cần khuyên họ nên giữ một khoảng lùi nhất định và nhớ lại giải Nobel hoà bình năm 1994 được trao cho bộ ba Arafat, Peres và Rabin đã kí kết hiệp định Oslo : lúc ấy, việc trao giải coi như là đương nhiên, để tưởng thưởng một "bước tiến cụ thể" trên con đường thiết lập hoà bình ở Palestin. Mười lăm năm sau, còn gì nữa đâu ?


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss