Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Giải Nobel hoà bình 2015

Giải Nobel hoà bình 2015

- Mohamed Jaoua — published 17/10/2015 18:31, cập nhật lần cuối 17/10/2015 18:31

Giải Nobel cho Tunisie : 


4 người lĩnh giải và một vương miện


Mohamed Jaoua (*)



Giải Nobel Hoà bình năm 2015 có điểm đặc sắc là không tôn vinh những kẻ tham chiến đã chủ động chấm dứt chiến tranh, mà được trao cho những người đối đầu với nhau đã quyết định không sử dụng chiến tranh để giải quyết mâu thuẫn. Đáp lại câu ngạn ngữ La Mã « nếu anh muốn hoà bình, hãy chuẩn bị chiến tranh », người Tunisie đã đưa ra một châm ngôn khôn ngoan « nếu anh không muốn chiến tranh, hãy chuẩn bị hoà bình ». Với những ai đã biết cá tính ít hiếu chiến của người Tunisie, điều đó không làm ngạc nhiên, cái đáng ngạc nhiên chính là thành công của quá trình ấy.


Từ trái qua phải (ảnh trên Internet, của Fethi Belaïd, AFP 2013) :
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp, Thương mại và Thủ công nghiệp Tunisie (UTICA) Wided Bouchamaoui,
Tổng thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Tunisie (UGTT) Houcine Abbassi,
Chủ tịch Đoàn Luật sư Quốc gia Tunisie Mohamed Fadhel Mahmoud,
và Chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền Tunisie (LTDH) Abdessattar ben Moussa


Vòng xoáy chiến tranh


Hơn cả ngạc nhiên, kết quả này thực ra gần như là một phép lạ, trên nền tảng tan hoang của những « mùa xuân A rập ». Vì khi đó, vào giữa năm 2013, đất nước thực sự đứng trước ngưỡng cửa của nội chiến. Cuộc ám sát dân biểu phe tả Mohamed Brahmi ngày 25 tháng 7 – đúng vào Lễ Cộng hoà -, sau Chokri Belaïd ngày 6 tháng 2, như giọt nước làm tràn bình của hai năm đất nước được đặt dưới quyền quản lý tồi tệ của đảng Hồi giáo Ennahdha và hai đảng « thế tục » bình phong của nó (1). Xã hội công dân, bị tê liệt sau cuộc thắng cử năm 2011 của đảng này, nhưng đã xuống đường hàng trăm ngàn người để tiễn đưa Chokri Belaïd tới nơi an nghỉ của những thánh tử đạo, lần này đã thức tỉnh để nói không với bạo lực. Từ nghĩa trang Jellaz, nơi di hài của Mohamed Brahmi được đưa tới an táng, đoàn người đã tiến tới Bardo – trước mặt trụ sở một Quốc hội Lập hiến (ANC) đã quên đi nhiệm vụ chính của mình là viết Hiến pháp mà chỉ lo cai trị -, sát nhập với khoảng 60 dân biểu dân chủ đã rời bỏ các hàng ghế nghị trường để cùng tiến hành cuộc biểu tình ngồi (sit-in) lâu dài nhất trong lịch sử Tunisie. Trong nhiều tháng liền luôn luôn có rất đông đảo người tham dự sit-in, xen kẽ với những cuộc mít-tinh, biểu tình, và cả phản biểu tình nữa, cùng với những cuộc tấn công bạo lực quen thuộc của đám quân Hồi giáo cực đoan chống lại mọi cuộc tụ họp dân chủ. Với một ANC trên thực tế đang trùm chăn, chính phủ không còn khả năng điều hành đất nước. Trong khi đó, tập hợp công dân vẫn kiên quyết với những đòi hỏi của mình nhưng lại không có phương tiện chính trị để đạt được (giải tán ANC, chính phủ phải từ chức, và một Hiến pháp bảo vệ được những thành quả của nền độc lập, trên hết là cương vị xã hội của phụ nữ). Bế tắc hoàn toàn.

Mặc dù vậy, « bộ ba » cầm quyền đã bác bỏ ngay sáng kiến của « bộ tứ » quy tụ chung quanh Công đoàn công nhân đầy sức mạnh UGTT, với sự tham gia của Tổ chức giới doanh nhân UTICA, Liên đoàn nhân quyền Tunisie và Hội đồng Luật sư đoàn, đề nghị tổ chức một cuộc thương thảo cấp quốc gia nhằm tìm đường thoát khỏi khủng hoảng. Chính quyền vẫn cố bám vào một « tính chính đáng (có được qua) bầu cử » thật ra đã hết hạn, vì nhiệm kỳ của ANC, được bầu ra vào tháng 11.2011, chỉ là một năm, và nhiệm vụ của nó – bị khá lơ là cho đến lúc ấy – là viết ra một bản Hiến pháp mới trong thời hạn đó, chứ không phải là chìm đắm trong những khoái lạc của quyền lực trong khuôn khổ một cuộc chuyển giao không bao giờ chấm dứt. Bị trói tay bởi các mối quan hệ quốc tế của mình – quyền lực của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo bên Ai Cập vừa sụp đổ trước sức mạnh của phong trào bất tuân dân sự Tamarrod - bộ ba đã hù doạ bằng viễn tượng một cuộc đảo chính « kiểu Ai Cập », mà chính họ chắc cũng không tin, vì những ai đã biết về Quân đội Tunisie đều hiểu rằng điều ấy rất ít khả năng xảy ra. Họ tìm cách câu giờ với hi vọng là phong trào công dân rồi sẽ xìu đi, dù rằng chẳng ai có thể kiểm soát được tình hình, trong khi đó những đạo quân thánh chiến Hồi giáo tập trung ở những vùng rừng núi bắt đầu tung ra những cuộc tấn công khủng bố chống lại quân đội và cảnh sát.


Một sự khôn ngoan bắt buộc


Trong khung cảnh ấy, cuộc gặp tháng tám ở Paris giữa các nhà lãnh đạo hai lực lượng chính trị chính của Tunisie, Beji Caïed Essebsi – chủ tịch đảng hỗn tạp Nidaa Tounès (Lời kêu gọi của Tunisie), đắc cử tổng thống cuối năm 2014 – và Rached Ghannouchi, chủ tịch đảng Hồi giáo Ennahdha, đã khiến ông này vượt qua thái độ lừng khừng trước sự đối thoại quốc gia. Tất cả đều thấy là không có khuôn khổ trung lập nào khác có thể giúp đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng. Và bộ tứ đã đưa ra sáng kiến này, vì đại diện cho các thành phần đa dạng của xã hội công dân, được coi như tập thể duy nhất có đủ tính chính đáng để dẫn cuộc thương thảo đến thành công.

Dung hoà quan điểm của các bên không phải là chuyện đơn giản, nhưng quan trọng nhất là quyết định giải quyết các mâu thuẫn bằng những thoả hiệp được xây dựng chung quanh bàn đàm phán, với những nhượng bộ của cả hai bên. Phe Hồi giáo thôi đòi hỏi giữ quyền điều hành đất nước cho tới lần bầu cử tới, dựa trên một tính chính đáng qua bầu cử đã quá hạn. Về phần mình, những người dân chủ rút lại đòi hỏi chính phủ phải từ chức và ANC phải giải tán – những biện pháp có thể tạo ra khoảng trống quyền lực - trước khi mở ra bất kỳ cuộc đối thoại nào. Mỗi bên rút cục đã phải chấp nhận điều hiển nhiên là bên kia cũng là một bộ phận cấu thành căn cước Tunisie như chính mình. Và việc Hồi giáo hoá đất nước, cũng như việc triệt tiêu những người theo chủ nghĩa Hồi giáo hoá, đều là những dự phóng gây chết chóc cho dân tộc, vì cả hai mang trong mình mầm móng của nội chiến.

Sự thành lập một chính phủ chuyển tiếp gồm những người « kỹ trị », và việc thông qua Hiến pháp mới vào tháng 1.2014, là những kết quả cụ thể của tinh thần mới này. Những người theo chủ nghĩa Hồi giáo hoá đã đồng lòng bỏ phiếu cho một văn bản « thế tục » hơn nhiều so với Hiến pháp 1959 mà việc bãi bỏ đã là ý tưởng nền tảng của đảng Ennahdha. Nhưng qua sự chuyển biến của họ trong khuôn khổ Tunisie – rất lạ lùng trong khung cảnh A rập – họ nhận ra rằng một nhà nước dân sự rút cục sẽ cho phép họ, trong tư cách một lực lượng chính trị, tồn tại lâu dài hơn là cái hiến pháp đượm màu tôn giáo mà họ có thể thích hơn. Cú sốc ở Ai Cập, với sự sụp đổ của khuôn mẫu của họ, chắc hẳn đã giúp họ trong suy nghĩ đó, mặt khác những toan tính chiến thuật không phải là đã vắng bóng trong phương trình. Về phần mình, những lực lượng hiện đại hoá, thừa kế của một phong trào duy tân từ hai thế kỷ, vốn đã phát triển rộng rãi từ năm độc lập 1956, cuối cùng cũng chấp nhận rằng một phong trào chính trị dựa trên những giá trị từ Hồi giáo, nếu từ bỏ mọi tham vọng độc chiếm lĩnh vực tâm linh, và chấp thuận những quy tắc của một tổ chức thế tục – dân chủ - sẵn sàng « sống chung » với người khác, thì hoàn toàn có chỗ trong một nền dân chủ hoà dịu. Có lẽ mỗi bên nếu được chọn lựa, đều không muốn phải sống chung với bên kia. Nhưng thực tế Tunisie đã quyết định khác, và phủ nhận sự đa dạng ấy chẳng thể làm cho nó giảm đi mà chỉ có thể huỷ diệt nó. Khi tuyên dương một cách rất đúng đắn bộ tứ, tác nhân và đạo diễn của cuộc đối thoại quốc gia, Uỷ ban giải Nobel Hoà bình thực ra đã tuyên dương cả một dân tộc, với các định chế và tổ chức xã hội dân sự của nó. Một dân tộc đã khôn ngoan bỏ qua tai những tiếng kèn hiếu chiến để bằng lòng với những thuận lợi nho nhỏ của hoà bình, dù rằng những thoả hiệp dẫn đến hoà bình cũng sẽ mang tới nhiều điều thất vọng khó tránh khỏi.

Những cuộc bầu cử cuối năm 2014 lẽ ra đã có thể giới hạn thời gian của cuộc đối thoại quốc gia bổ ích này vào giai đoạn chuyển tiếp. Nhưng trái lại, khi kết quả của hai cuộc bầu cử (Quốc hội và Tổng thống) chỉ cho đảng Nidaa Tounès một đa số tương đối, không giao cho họ quyền đơn phương thực hiện các chính sách mà họ đã đề ra khi tranh cử, thì đối thoại vẫn phải tiếp tục và trở thành phương thức.

Dễ hiểu là thế quân bằng mong manh này còn cần thiết trong suốt giai đoạn tế nhị của sự củng cố các định chế, nhất là khi đất nước phải đối đầu với một cuộc chiến tranh khủng bố cả từ bên trong và bên ngoài biên giới. Ngay cả khi sự bực dọc và sốt ruột đã bắt đầu bộc lộ trong xã hội dân sự. Dù sao thì, trong tương lai gần, nền dân chủ non trẻ của Tunisie phải sáng tạo ra những phương cách để tìm lại con đường dẫn tới một nền cai trị hữu hiệu. Đồng thời tránh được nguy cơ lớn nhất là việc công dân từ bỏ quyền thực thi dân chủ của mình, nếu chuyện được mất trong sinh hoạt dân chủ chỉ còn là những sắp xếp tinh vi trong thoả hiệp, thay vì một sự luân phiên chính trị rõ ràng. Nhưng đó lại là một cuộc tranh luận khác, mà nền hoà bình dân sự không hề lẩn tránh. Ngược lại là khác.


Chú thích

(*) Nhà toán học. Xin bấm vào đường dẫn cuối bài để xem nguyên bản bằng tiếng Pháp. Bản tiếng Việt của H.V. với sự trợ giúp của Đ.T.K.

(1) Xem bài cùng tác giả, "Về Hiến pháp Tunisie 2014".


Mohamed Jaoua

Tunis, 14.10.2015

Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss