Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Khủng hoảng tài chính Mỹ

Khủng hoảng tài chính Mỹ

- Vũ Quang Việt — published 01/10/2008 18:21, cập nhật lần cuối 02/10/2008 04:00
Một phân tích tổng hợp về cuộc khủng hoảng


Khủng hoảng tài chính Mỹ
và sự phá sản của học thuyết
tự do kinh doanh toàn diện kiểu mới



Vũ Quang Việt


Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ hiện nay có nhiều nguyên nhân. Việc tìm hiểu nguyên nhân vừa giúp ta hiểu vấn đề, vừa giúp rút ra các bài học về điều hành một nền kinh tế. Có thể liệt kê ra những nguyên nhân sau: (1) mở rộng thị trường cạnh tranh, nhưng lầm lẫn giữa “rào cản” cần phá bỏ và các “kiểm soát” cần bảo vệ; (2) sử dụng hai công ty nhằm giúp dân nghèo mua nhà Fannie Mae và Freddie Mac nhằm phục vụ ý đồ chính trị mị dân; (3) chính sách lãi suất thấp kéo dài quá lâu nhằm vực dậy thị trường chứng khoán sau cuộc đổ bể của “cuộc cách mạng” công nghệ thông tin. Nói chung, cuộc khủng hoảng tài chính ngày này là kết quả của một cuộc chạy đua làm tiền một cách cực kỳ tham lam của chế độ tư bản coi mọi định chế kiểm soát là kềm kẹp kiểu xã hội chủ nghĩa. Không chỉ thế, nó sẽ đòi hỏi xã hội Mỹ xem xét lại khuynh hướng tân tự do bắt đầu từ thời Ronald Reagan và thế giới xem xét lại mô hình kinh tế kiểu Mỹ hiện nay. Đó là mô hình nhằm lập lại chế độ tự do tư bản toàn diện của thời trước năm 1929. Khuynh hướng này không phải chỉ nhằm sửa sai những định chế kiểm soát thái quá mà còn chủ trương xoá bỏ hầu hết các định chế mà Tổng thống Frankin D. Roosevelt đã thiết lập để tránh lập lại các cuộc đại khủng hoảng như năm 1929. Thí dụ điển hình là việc cổ súy xoá bỏ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) của nhà kinh tế Milton Friedman, thày dùi của phái tự do toàn diện.


Mở rộng cạnh tranh và phá bỏ rào cản kể cả kể cả rào kiểm soát cần thiết

Nước Mỹ hơn 20 năm qua, từ thời Tổng thống Reagan, là nước cổ vũ mạnh mẽ cho việc xoá bỏ các luật lệ và cơ quan kiểm sát nhà nước đối với sản xuất và thương mại trong nước Mỹ, và dùng mọi biện pháp áp đặt các nước khác mở cửa tự do cho tư bản Mỹ.

Ở đây cần nhận định là có sự khác biệt giữa khu vực phi tài chính và khu vực tài chính. Khu vực phi tài chính gồm tất cả các hoạt động sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ dùng cho tiêu dùng và tích lũy trong nền kinh tế. Khu vực tài chính nhằm phục vụ các hoạt động của khu vực phi tài chính, chủ yếu làm dịch vụ trung gian giữa các tác nhân có tiền và các tác nhân cần vốn trong sản xuất. Vai trò trung gian hiệu quả sẽ làm tăng hiệu quả sản xuất trong khu vực phi tài chính. Bản thân khu vực tài chính không tạo ra của cải. Thu nhập trong khu vực sản xuất của cải một phần được đem chi trả cho khu vực tài chính như là dịch vụ phí. Hiện tượng không lành mạnh xảy ra khi tư bản tài chính trở nên đầu cơ, tức là móc túi người có vốn, và móc túi của khu vực phi tài chính bỏ vào túi mình. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến sản xuất.

Ở Mỹ, việc mở rộng cạnh tranh từ thời Tổng thống Carter, đặc biệt là từ Tổng thống Reagan xảy ra ở cả hai khu vực phi tài chính và tài chính.

Trong khu vực phi tài chính, tạo cạnh tranh trong khu vực này gồm hai điểm chính: xoá bỏ quyền định giá của nhà nước và cũng như xoá bỏ độc quyền nhà nước trong một số lãnh vực quan trọng. Thành công điển hình có ảnh hưởng mạnh đến phát triển của kinh tế là việc xoá bỏ quyền nhà nước định giá chuyên chở từ xe lửa, xe buýt, và máy bay đưa đến giảm giá vé đáng kể, và quan trọng hơn là việc xoá bỏ độc quyền dịch vụ điện thoại của công ty AT&T và các sử dụng không gian vô tuyến đã mở màn cho sự phát triển của công nghệ thông tin.

Tất nhiên các tranh chấp nhằm giảm kiểm tra các vấn đề khác như bảo vệ môi trường, chất lượng y tế, thực phẩm vẫn tiếp diễn. Chính vì các định chế kiểm soát này mà các công ty phi tài chính ở các nước phát triển có khuynh hướng đi ra nước ngoài đầu tư: một phần vì lương thấp nhưng một phần không phải trả giá cho việc bảo vệ môi trường, cũng như kiểm soát chất lượng ngặt nghèo về vệ sinh.


Trong khu vực tài chính, tình hình có phức tạp hơn.


Thứ nhất, cho phép ngân hàng thương mại (commercial banks) hoạt động đa năng và rộng khắp cả nước, thay vì hạn chế mỗi ngân hàng ở một bang, ngân hàng được phép hoạt động trên khắp liên bang. Trước đó ngân hàng thương mại chỉ hoạt động thu nhận tiền ký gửi rồi cho vay. Sau thay đổi, ngân hàng thương mại cũng được hoạt động như một công ty đầu tư tài chính (investment banking), loại công ty này chỉ được làm dịch vụ tạo vốn đầu tư, tức là phát hành và buôn bán cổ phiếu công ty (tức là giúp tạo nguồn vốn tự có – equity), trái phiếu (nợ công ty), v.v. Loại hoạt động nhận tiền ký gửi và cho vay chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước như Fed (Cục Dự trữ Liên bang) còn loại hoạt động sau liên quan đến chứng khoán không bị một rào cản nào, trừ việc tuân thủ các định chế buôn bán chứng khoán trên thị trường và nội dung các hợp đồng đã ký kết. Sau đại khủng hoảng năm 1929, Quốc hội đã ra luật Glass-Steagall 1933-35 phân biệt hai loại công ty hoạt động, và không cho phép ngân hàng làm dịch vụ phát hành và buôn bán cổ phiếu và trái phiếu, và bảo hiểm. Sự phá sản của các công ty đầu tư tài chính như Bear Sterns và Lehman, sự sát nhập của Merrill Lynch vào ngân hàng thương mại, và việc xin phép biến thành ngân hàng thương mại của hai đại gia còn lại là Goldman Sachs, Morgan Stanley trong kỳ khủng hoảng này coi như đã xoá sổ sự khác biệt giữa hai loại công ty trên nước Mỹ.

Thứ hai, mở cửa tự do cho mọi loại công cụ tài chính mới xuất hiện mà không có sự kiểm soát nào, kể cả việc thu thập chính thức các thông tin thống kê về chúng để theo dõi. Mục đích chính là tạo cơ hội cho các hoạt động đầu tư rủi ro, hay nói một cách dễ hiểu là cho phép các nhà đầu tư sử dụng mọi lỗ hổng, tạo ra sự tin tưởng mù quáng của đám đông để làm giầu. Thí dụ cho công ty bảo hiểm bảo hiểm cả những gì không thể bảo hiểm được. Hoạt động bảo hiểm bình thường như y tế, tai nạn là dựa vào xác xuất thông kê các hiện tượng xảy ra ngẫu nhiên nhưng có thể tiên đoán trước được như tuổi thọ trung bình, tỷ lệ loại bệnh tật, tai nạn cháy nhà, xe cộ, v.v. Nhưng bảo hiểm giá trị chứng khoán (nợ hay cổ phiếu), nhất là chứng khoán không có bảo chứng thì hoàn toàn chỉ dựa vào niềm tin là thị trường (nhìn một cách tổng thể) không bao giờ xuống dốc. Khi thị trường xuống dốc toàn diện, các công ty bảo hiểm loại này tất phải phá sản, vì không thể lấy số thu của người thắng trả cho người thua, do ai cũng thua cả. Thí dụ đáng kể nữa và là nguyên nhân trực tiếp gây ra khủng hoảng hiện nay là các chứng khoán lấy nợ mua nhà làm bảo chứng. Các công ty đầu tư, hoặc tập trung tiền của các nhà đầu tư, hoặc mượn tiền ngắn hạn rồi cho vay (mua nhà hoặc mua các tài sản khác kể cả tài sản tài chính) hoặc mua lại các giấy nợ, sau đó gộp chung các giấy nợ lại, chia làm các chứng khoán nhỏ đem bán cho các nhà đầu tư. Vì lòng tham, họ khuyến khích cho vay cả những người không có bảo chứng về tài sản hoặc thu nhập, lại nhử bằng lãi suất ban đầu rất thấp, đây là loại lãi suất biến thiên, sau 3 hoặc 5 năm là phình bong bóng theo lãi suất thị trường. Khi lãi suất tăng, bắt đầu từ năm 2004, rất nhiều người vay mất khả năng chi trả.

Thứ ba, cho phép các hành động đầu tư hoàn toàn mang tính đầu cơ. Đây là vấn đề quá phức tạp để bàn ở đây, nhưng vài thí dụ sau cũng cho thấy sự nguy hại của các hành động cho đến mới đây được coi là hợp pháp này. Bán khống trần trụi (naked shorting) là một thí dụ. Đây là hành động mà giới tài chính có thể sử dụng để đẩy giá một loại chứng khoán nào đó xuống để làm giầu. Họ bán chứng khoán ra (dù không có chứng khoán trong tay) – tức là bán được giá cao- và làm thế giá chứng khoán bị đẩy xuống, họ mua lại với giá thấp. Vì tình hình nguy ngập hiện nay, Ủy ban chứng khoán (SEC) đã phải ra lệnh cấm cả việc bán khống bình thường (tức là phải vay chứng khoán của ai đó thì mới có quyền bán) đối với một loạt các cổ phiếu công ty, như cổ phiếu GM chẳng hạn.

Thứ tư, áp lực các nước thứ ba chấp nhận tự do hoá dòng chảy tư bản từ nước lớn,, tức là đòi hỏi tự do đầu tư vào thị trường tài chính như chứng khoán, cùng với việc tự do hoá hối suất. Chính sách này được mệnh danh là Đồng thuận Washington, được coi là điều kiện để nhận sự giúp đỡ tài chính của IMF và World Bank. Chính vì sự tháo chạy của tư bản nước ngoài, tìm cách đầu cơ làm giầu nên đẩy hối suất mất giá quá mức, đã tạo ra liên tiếp các cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á năm 1987 (Nam Hàn giảm 7%, Indonesia giảm 14%, Thái Lan giảm 10,5%) dù nền kinh tế các nước này lành mạnh, ngân sách nhà nước không có thiếu hụt tài chính. Rồi sau đó là khủng hoảng ở Nga và Argentina. Những nước chống lại liều thuốc IMF, quyết định không phá giá đồng bạc, tạm nghiêm cấm rút tiền khỏi nước như Mã Lai lại là những nước không bị rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Đồng thuận Washington sau đó bị phá vỡ khi IMF đã phải từ bỏ chính sách áp đặt thành viên mở cửa cho tự do lưu thông tư bản.


Khung cảnh kinh tế cho tự do tài chính không rào cản hoành hành


Có hai sự kiện làm cho các tự do tài chính không rào cản hoành hành. Thứ nhất là chính trị mua chuộc người nghèo, và thứ hai là lãi suất quá thấp (lãi suất chiết khấu là 1% và lãi suất ưu tiên là 5%) mà Fed kéo dài quá lâu sau khi cứu thị trường chứng khoán năm 2001 khỏi sự suy sụp vì việc thổi phồng quá đáng tác dụng của công nghệ thông tin.

Chính trị mị dân và hai công ty địa ốc Fannie Mae và Freddie Mac là điều kiện để tự do tài chính tung hoành. Hai công ty này trước năm 1968 là hai cơ quan nhà nước làm nhiệm vụ bảo hiểm nhà ở cho dân có thu nhập trung bình thấp nhằm khuyến khích ngân hàng cho họ vay tiền mua nhà. Điều kiện mua nhà thường đòi hỏi một số vốn tối thiểu (thường là 20% nhưng ít nhất là 10% giá nhà) và một điều kiện là tiền trả góp hàng tháng không hơn 30% thu nhập. Từ 1968 trở đi, Hạ viện Mỹ biến hai cơ quan này thành hai công ty tư nhân có cổ phần viên, nhưng được nhà nuớc bảo trợ nên không bị đánh thuế tiểu bang và liên bang. Đến năm 1999, Hạ viện Mỹ lại quyết định giảm thiểu, gần như xoá bỏ các điều kiện mua nhà, kể cả việc không phải trả trong vòng hai năm, và lãi suất dưới mức thị trường 1%. Việc các nhà chính trị hành động tạo điều kiện thuận lợi như thế vừa nhằm mua chuộc cử tri nghèo mà tranh thủ “ơn” mà hai công ty sẵn sàng đóng góp cho việc tranh cử; ơn này lên tới 200 triệu đô la trong vòng 10 năm qua. Những người lãnh đạo công ty cũng tự trả lương cho mình ở mức quá cao mà không có sự kiểm soát nào (lương năm lên tới 7-8 triệu và tiền trả lúc về hưu lên tới 20 triệu).

Lao đầu vào chứng khoán cho vay mua nhà. Cùng với Fannie Mae và Freddie Mac, các công ty tài chính khác cũng lao vào tạo ra và bán các chứng khoán dựa vào vốn cho vay từ hai công ty này. Các loại chứng khoán khác phát xuất từ các loại chứng khoán trên (như bảo hiểm) ra đời như những con thiêu thân thu hút bởi ánh sáng của đồng tiền. Lãi suất thấp khiến việc mua nhà tương đối dễ dàng, giá mua tiếp tục tăng nên người tham gia đều tin tưởng rằng giá nhà sẽ không bao giờ giảm; họ chỉ cần mua rồi bán lại ngay là có thể làm giầu. Hơn nữa các nhà đầu tư lại đánh giá là nếu có sự cố thì nhà nước sẽ nhảy vào cứu giúp. Các công ty đánh giá trên thị trường đều thi nhau cho hạng cao các loại chứng khoán trên. Chính vì thế, riêng hai công ty trên đã nắm tài sản cũng như trách nhiệm chi trả 6.000 tỷ đồng (gồm cho vay, bảo hiểm tiền cho vay, và sở hữu chứng khoán dựa vào nợ mua nhà), bằng ½ số cho vay địa ốc gia cư. Trong số trên, có thể đến trên 2.000 tỷ dưới chuẩn, hiện nay không ai muốn mua. Theo thông tin mới nhất, nếu lượng tiền M31 chiếm 1 thì nợ bằng chứng khoán có bảo chứng gấp đôi, và loại không có bảo chứng gấp 7 lần.

Về giải pháp và tương lai kinh tế Mỹ

Nếu chỉ tính là số chứng khoán dưới chuẩn là 2.000 tỷ thì việc bỏ ra 700 tỷ để nhà nước mua nhằm nâng giá chúng lên là hết sức phức tạp, vì nếu không nâng lên giá cũ thì tất nhiên phải có người mất. Nó đặt ra vấn đề cứu ai, ở giá nào và cứu như thế nào khi chứng khoán phản ánh giá trị tổng hợp của nhiều món nợ vay của nhiều người và ở nhiều địa phương khác nhau. Và tại sao những người đầu tư rủi ro làm giầu lại được nhà nước bỏ tiền cứu? và họ phải trả giá như thế nào? Việc tìm ra 700 tỷ để xử lý vấn đề trên cũng là vấn đề. In tiền sẽ tạo ra lạm phát. Phát hành trái phiếu nhà nước cũng sẽ đẩy lãi suất lên, tạo thêm khó khăn cho kinh tế và đồng thời phải tăng thuế để chi trả. Nhưng đây là vấn đề ngắn hạn. Số chứng khoán vay nợ nhà dưới chuẩn mất giá cũng làm toàn bộ các loại chứng khoán xuất phát khác không bảo chứng (derivatives), gấp 7 lần số chứng khoán nợ mua nhà, mất giá. Người ta chưa bàn rõ việc xử lý các loại chứng khoán xuất phát khác này, có lẽ vì đánh gía cứu loại này sẽ cứu loại kia. Nhưng vấn đề vẫn là làm sao lấy lại lòng tin, mà như hiện nay thì khó, và cũng chỉ ngắn hạn vì những yếu kém cơ bản của kinh tế Mỹ chưa được giải quyết.

Đề nghị lập một công ty mua nợ với số vốn nhà nước bỏ ra có thể lên tới 700 tỷ đã bị Quốc hội Mỹ bác. Nhiều đại biểu đã bỏ phiếu như thế vì cuộc tranh cử sắp tới; 18 trong 21 đại biểu Đảng Cộng hòa, và 12 trên 15 đại biểu Đảng Dân chủ gặp khó khăn trong lần tranh cử lại lần này đều chống, vì dự luận dân Mỹ chống lại việc cứu các đại gia giầu có phố Wall, “xã hội hoá” làm ăn thất bát của tư nhân. Nếu không thông qua nổi giải pháp trên, Fed vẫn có thể dễ dàng in tiền, cho vay những công ty làm ăn tốt nhưng có thể phá sản, và sau đó thu hút tiền về bằng phát hành tín phiếu. Những công ty nào dù được vay vẫn phá sản thì nhà nước có thể phát mãi tài sản. Có thể giải pháp này đơn giản hơn, nhưng có thể không tạo lại nhanh chóng thị trường chứng khoán mất giá.

Tình hình kinh tế Mỹ đã từ lâu có những yếu kém cơ bản chưa được giải quyết. Đó là tiêu quá cái mình có. Dân chúng không có để dành, thậm chí nhiều năm âm. Số nợ của hộ gia đình lên tới 139% thu nhập năm. Chính phủ Mỹ cũng chi quá nhiều so với thu, thiếu hụt năm 2008 sẽ lên tới 410 tỷ, chủ yếu vì cuộc phiêu lưu vào Iraq.

Nói chung, nền kinh tế Mỹ tiêu quá nhiều, do đó phải dựa vào vay mượn nước ngoài. Hàng năm, nền kinh tế Mỹ phải vay nợ nước ngoài, trên 300 tỷ từ năm 2000 và tăng dần lên mức 700 tỷ năm 2006 và 800 tỷ năm 2007. Thế giới đổ tiền vào Mỹ vì tin tưởng vào sự ổn định của nền kinh tế Mỹ. Nếu tư bản nước ngoài rút ra, đồng đô la sẽ xuống giá mạnh và các nước sẽ gặp khó xuất khẩu vào Mỹ để phát triển. Điều này không chóng thì chày sẽ xảy ra vì nước Mỹ không thể nhập khẩu tư bản mãi mãi.

Cuộc khủng hoảng hiện nay làm rúng động mạnh nước Mỹ và tất nhiên là nhiều nước có đầu tư vào Mỹ vì nó ảnh hưởng mạnh đến nguồn tư bản tài chính cần cho hoạt động sản xuất phi tài chính. Nhiều ngân hàng ở Mỹ đang thi nhau phá sản vì dân chúng mất tin tưởng rút tiền ra. Fed hiện nay kiếm cách chữa cháy, nhưng giải pháp có thể có ảnh hưởng nguy hại lâu dài. Thí dụ, Fed đã nhanh chóng cho phép những quĩ đầu tư rủi ro bỏ tiền vào ngân hàng, có thể sở hữu đến 30% cổ phiếu mà không bị coi là công ty mẹ/con và do đó không phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ. Điều này cũng có thể trở nên ngòi nổ cho khủng hoảng trong tương lai, khi mà sở hữu chủ lạm dụng nắm ngân hàng rồi tự cấp tín dụng cho mình. Đây cũng là vấn đề đang đặt ra cho nhà nước Việt Nam hiện nay, cho phép công ty phi tài chính lập và nắm ngân hàng.

Vũ Quang Việt

30.9.2008

1Các ngân hàng thường sử dụng ký hiệu M0, M1, M2, M3 để chỉ những khối lượng tiền tệ khác nhau. Ở đây, M3 là lượng tiền bao gồm tiền mặt, ngân phiếu và các loại tiền tiết kiệm.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss