Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Lời kêu gọi hành động vì môi trường của 56 tờ báo trên thế giới

Lời kêu gọi hành động vì môi trường của 56 tờ báo trên thế giới

- The Guardian — published 08/12/2009 10:05, cập nhật lần cuối 08/12/2009 10:11

Hai tuần để tạo hình phán quyết lịch sử cho một thế hệ


The Guardian


Ngày 7.12.2009, nhân Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Copenhagen, Đan Mạch, tờ Guardian (Anh) đã có sáng kiến mời 56 tờ báo trong 45 quốc gia, trong đó có tờ Tuổi Trẻ, Việt Nam, cùng tham gia vào hành động chưa từng có là nói chung một tiếng nói thông qua một xã luận chung, "Vì nhân loại đang đứng trước một tình trạng vô cùng khẩn cấp". 



bia


Nếu chúng ta không chung tay hành động cương quyết, biến đổi khí hậu sẽ tàn phá hành tinh của chúng ta, và cùng với đó là sự thịnh vượng và an toàn của loài người.

Những mối hiểm họa ngày càng trở nên hiển hiện cho một thế hệ. Giờ thì các con số thống kê đã bắt đầu lên tiếng: 11 trong 14 năm qua là những năm ấm nhất trong lịch sử, băng ở hai cực đang tan và những gia tăng của giá dầu và lương thực trong năm qua đã cho ta nếm trước sự tàn phá trong tương lai.

Trên các tạp chí khoa học, câu hỏi không còn là liệu con người có phải chịu trách nhiệm hay không, mà là chúng ta còn lại bao nhiêu thời gian để hạn chế sự hủy hoại. Vậy mà cho tới giờ, phản ứng của thế giới vẫn là yếu ớt và miễn cưỡng.

Biến đổi khí hậu đã diễn ra suốt nhiều thế kỷ qua, để lại những hậu quả vĩnh viễn và triển vọng chế ngự nó sẽ được quyết định trong 11 ngày tới.

Chúng tôi kêu gọi các đại biểu từ 192 quốc gia tập hợp ở Copenhagen đừng do dự nữa, đừng tranh cãi nữa, đừng cáo buộc lẫn nhau nữa, mà hãy nắm lấy cơ hội từ thất bại hiện đại lớn nhất của nền chính trị.

Không nên coi đây là một cuộc chiến giữa thế giới giàu và thế giới nghèo, hay giữa phương đông và phương tây. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả mọi người, và tất cả mọi người phải chung tay giải quyết.

Khoa học có thể phức tạp, nhưng thực tế thì rất rõ ràng. Thế giới cần tiến hành các bước để hạn chế việc tăng nhiệt ở mức 2C, và mục tiêu đó đòi hỏi lượng khí thải trên toàn cầu phải đạt đỉnh và bắt đầu giảm xuống trong 5-10 năm tới.

Nếu nhiệt độ tăng cao hơn, ở mức 3-4C - là mức thấp nhất chúng ta có thể chờ đợi nếu ngồi yên không hành động - thì các lục địa sẽ khô cạn, những vùng đất trồng trọt sẽ biến thành sa mạc. Một nửa số loài sinh vật có thể sẽ biến mất, chưa kể hàng triệu người sẽ mất nơi sinh sống và có những quốc gia sẽ chìm hoàn toàn xuống biển.

Không mấy ai tin rằng Copenhagen có thể dẫn tới một hiệp ước toàn thiện toàn mỹ. Những tiến bộ thực sự hướng tới mục tiêu đó chỉ có thể bắt đầu với sự có mặt của Tổng thống Obama trong Nhà Trắng và sự thay đổi chính sách chống đối kéo dài nhiều năm qua của nước Mỹ. Thậm chí ngay bây giờ, thế giới vẫn phụ thuộc vào nội bộ nền chính trị Mỹ, bởi lẽ tổng thống không thể cam kết hành động đầy đủ cho tới khi quốc hội đã đồng ý.

Nhưng các chính trị gia ở Copenhagen có thể và phải nhất trí với nhau về những nhân tố cơ bản cho một thỏa thuận công bằng, hiệu quả và quan trọng hơn, một lịch trình rõ ràng để biến thoả thuận đó thành một hiệp ước. Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Bonn (vào tháng 6-2010) sẽ là thời hạn chót cho họ. Như một nhà đàm phán đã nói: “Chúng ta có thể đá thêm hiệp phụ, nhưng không được quyền đá lại”.

Trọng tâm của thỏa thuận đó là sự dàn xếp giữa thế giới giàu và thế giới đang phát triển về việc làm thế nào để chia sẻ gánh nặng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cũng như chia sẻ một nguồn tài nguyên quý giá mới: hàng nghìn tỉ tấn carbon mà chúng ta được quyền thải ra trước khi nhiệt kế lên cao đến mức nguy hiểm.

Các nước giàu thích chỉ ra một sự thật số học là không thể có giải pháp nào cho đến khi những nước đang phát triển khổng lồ như Trung Quốc có những động thái quyết liệt hơn so với những gì họ đã làm cho đến giờ. Nhưng các nước giàu phải chịu trách nhiệm đối với hầu hết gánh nặng khí thải carbon tích tụ: ba phần tư lượng carbon dioxide đã thải ra kể từ năm 1850. Giờ đây họ phải đi tiên phong, và mỗi quốc gia phát triển phải cam kết cắt giảm mạnh mẽ để giảm lượng khí thải của mình trong thập kỷ tới xuống mức thấp hơn một cách đáng kể so với năm 1990.

Các nước đang phát triển có thể chỉ ra rằng họ không gây ra phần lớn vấn đề, và những vùng nghèo nhất thế giới cũng là những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng họ sẽ ngày càng góp phần làm gia tăng việc trái đất nóng lên, và do đó, bản thân họ cũng cần cam kết có những hành động thật sự ý nghĩa và định lượng được.

Mặc dù cả hai vẫn còn chưa đạt được những gì mà một số quốc gia hy vọng, song các cam kết gần đây về mục tiêu cắt giảm khí thải bởi hai nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc, chính là những bước đi quan trọng đúng hướng.

Công lý xã hội cũng đòi hỏi các nước công nghiệp chấp nhận chi ra nhiều hơn nữa và cam kết hỗ trợ tài chính để giúp cho các nước nghèo hơn thích nghi với biến đổi khí hậu, và đưa tới những nước này các công nghệ sạch cho phép họ phát triển kinh tế mà không tăng thêm lượng khí thải.

Một bộ khung cho hiệp ước tương lai cũng cần được xác định, với các cơ chế giám sát đa phương chặt chẽ, những phần thưởng công bằng cho việc bảo vệ rừng và sự đánh giá tin cậy được cho cơ chế “khí thải xuất khẩu” để gánh nặng cuối cùng có thể được chia sẻ một cách công bằng hơn giữa những nước tạo ra các sản phẩm gây ô nhiễm và những nước tiêu thụ chúng.

Và sự công bằng đòi hỏi là gánh nặng đặt lên từng nước phát triển cũng phải tính tới khả năng chịu đựng của nước đó; chẳng hạn những thành viên mới của Liên minh châu Âu, thường nghèo hơn nhiều so với “châu Âu cũ”, không thể phải gánh chịu nhiều hơn những thành viên giàu hơn trong liên minh.

Quá trình chuyển đổi sẽ tốn kém, nhưng trong nhiều trường hợp sẽ ít hơn so với ngân khoản đã chi ra để cứu vãn tài chính toàn cầu, và sẽ ít hơn nhiều so với những hậu quả có thể xảy ra do không hành động.

Rất nhiều người, đặc biệt là ở các nước phát triển, sẽ phải thay đổi lối sống. Thời đại mà những chuyến bay có giá rẻ hơn một chuyến taxi đến phi trường đã sắp kết thúc. Chúng ta sẽ phải mua sắm, ăn uống và đi lại khôn ngoan hơn.

Chúng ta sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho nhiên liệu, và sử dụng nó ít hơn.

Nhưng việc chuyển đổi sang một xã hội thải ít carbon mang lại nhiều triển vọng và cơ hội hơn là sự hy sinh. Một số quốc gia đã nhận ra rằng chấp nhận chuyển đổi có thể mang tới tăng trưởng, việc làm và cuộc sống chất lượng hơn.

Dòng lưu chuyển vốn là minh chứng rõ ràng nhất: năm ngoái là lần đầu tiên số vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo nhiều hơn đầu tư cho sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch.

Chấm dứt thói quen thải carbon hiện giờ của chúng ta chỉ trong vài thập kỷ sẽ đòi hỏi công nghệ và sự sáng tạo chưa từng có trong lịch sử. Nhưng, trong khi việc đưa con người lên mặt trăng hoặc phá vỡ nguyên tử ra đời từ sự đối đầu và cạnh tranh, thì cuộc đua carbon sắp tới phải được hướng dẫn bằng một nỗ lực hợp tác để đạt được sú mệnh cứu rỗi chung.

Vượt qua biến đổi khí hậu đồng nghĩa với một chiến thắng của tinh thần lạc quan trước sự bi quan, của tầm nhìn xa trông rộng trước những suy nghĩ thiển cận, của điều mà Abraham Lincoln gọi là “những thiên thần tốt đẹp trong bản chất chúng ta”.

Trên tinh thần đó, 56 tờ báo trên toàn thế giới đã đoàn kết với nhau trong bài xã luận này. Nếu chúng tôi, với những tương lai chính trị và dân tộc khác nhau như thế, lại có thể đồng ý về những gì cần làm, thì các nhà lãnh đạo của chúng ta chắc chắn cũng có thể.

Các nhà chính trị họp ở Copenhagen có đủ quyền sức để tạo hình cho phán xét của lịch sử đối với thế hệ này, một thế hệ biết nhìn thấy thách thức và vượt qua nó, hay một thế hệ ngu xuẩn tới mức nhìn thấy thảm họa diệt vong mà lại chẳng làm gì để ngăn chặn nó.

Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu họ hãy đưa ra chọn lựa đúng đắn.

Bản tiếng Anh : The Guardian

Bản tiếng Việt : Hải Minh (Tuổi Trẻ), Hoà Vân hiệu đính

Danh sách 56 tờ báo tham gia chiến dịch truyền thông của The Guardian:

1. Süddeutsche Zeitung - Đức;
2. Gazeta Wyborcza  - Ba Lan;
3. Der Standard - Áo;
4. Delo - Slovenia;
5. Vecer - Slovenia;
6. Dagbladet Information - Đan Mạch;
7. Politiken - Đan Mạch;
8. Dagbladet - Na Uy;
9. The Guardian - Anh;
10. Le Monde - Pháp;
11. Liberation - Pháp;
12. La Reppublica - Ý;
13. El Pais - Tây Ban Nha;
14. El Nuevo Herald - Tây Ban Nha;
15. De Volkskrant - Hà Lan;
16. Kathimerini - Hi Lạp;
17. Publico - Bồ Đào Nha;
18. Hurriyet - Thổ Nhĩ Kì;
19. Novaya Gazeta - Nga;
20. Irish Times - Ireland;
21. Le Temps - Thụy Sĩ;
22. Quan sát kinh tế - Trung Quốc;
23. Đô thị Phương Nam - Trung Quốc;
24. Tạp chí Thịnh vượng chung - Đài Loan - Trung Quốc;
25. Joongang Ilbo - Hàn Quốc;
26. Tuổi Trẻ - Việt Nam;
27. Brunei Times - Brunei;
28. Jakarta Globe - Indonesia;
29. Cambodia Daily - Campuchia;
30. The Hindu - Ấn Độ;
31. The Daily Star - Bangladesh;
32. The News - Pakistan;
33. The Daily Times - Pakistan;
34. Gulf News - Dubai;
35. An Nahar - Libăng;
36. Gulf Times - Qatar;
37. Maariv - Israel;
38. The Star - Kenya;
39. Daily Monitor - Uganda;
40. The New Vision - Uganda;
41. Zimbabwe Independent - Zimbabwe;
42. The New Times - Rwanda;
43. The Citizen - Tanzania;
44. Al Shorouk - Ai Cập;
45. Botswana Guardian - Botswana;
46. Mail & Guardian - Nam Phi;
47. Business Day - Nam Phi;
48. Cape Argus - Nam Phi;
49. Toronto Star - Canada;
50. Miami Herald - Mỹ;
51. Jamaica Observer - Jamaica;
52. La Brujula Semanal - Nicaragua;
53. El Universal - Mexico;
54. Zero Hora - Brazil;
55. Diario Catarinense - Brazil;
56. Diaro Clarin - Argentina.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss