Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / “Không có lý do gì để bảo thủ”

“Không có lý do gì để bảo thủ”

- Bùi Văn Nam Sơn & Nguyên Ngọc — published 17/09/2014 10:54, cập nhật lần cuối 17/09/2014 10:54
<Đây là nói về giải SÁCH HAY 2014>


“ Không có lý do gì để bảo thủ ”


Bùi Văn Nam Sơn



Mục Giá trị sống của Thế giới tiếp thị kỳ này đã gặp gỡ Bùi Văn Nam Sơn để trao đổi về những dư luận đang nóng lên trên các diễn đàn của cư dân mạng mấy ngày nay, cũng chính là những bàn luận xoay quanh giá trị của tri thức, của văn hóa đọc hôm nay nhân giải thưởng Sách Hay 2014.


Tâm lý của độc giả trước giải Sách Hay là chờ đợi một cái gì hay, mới, độc đáo… nhưng điều đó dường như thiếu vắng trong giải thưởng năm nay? Phải chăng sách mới thường không hay, và sách hay thường không mới?


Để có tiêu chí chọn theo hướng mở nhất, rộng nhất, chúng tôi đã quyết định chọn sách từ 1975 trở lại đây, và rộng rãi hơn nữa là cả sách tái bản, trong đó có tác phẩm của những tác giả đã quá cố, để không lãng quên những giá trị, đồng thời nhắc lại cho người đọc hôm nay những tác phẩm tinh hoa nằm trong kho tàng tri thức nhân loại.


Chính vì tiêu chí ban đầu rộng như vậy nên các hội đồng xét giải có quyền quyết định chọn tác phẩm hay nhất theo quan điểm của họ, không phân biệt sách cũ hay sách mới. Còn hội đồng trao giải mặc dù có quyền phủ quyết, nhưng chưa bao giờ chúng tôi sử dụng quyền đó, vì tôn trọng những chọn lựa xác đáng của các hội đồng xét giải.


Tôi phần nào đồng ý với sự phê bình của báo giới về việc trao giải cho không ít “những tác phẩm “cổ” và người thiên cổ”. Nhưng cần nói rõ tại sao như vậy: Bởi những cuốn sách “cổ” ấy hàm chứa những chân giá trị còn đọng lại sau 40 năm, có thể khá quen thuộc với một giới nào đó, nhưng lại là hay và đáng tìm đọc đối với đông đảo người đọc, còn hay dở là chuyện rất tương đối. Vấn đề mà giải Sách hay hướng tới là muốn cứu vãn những giá trị văn hóa có thể bị vùi lấp bởi thời gian. Mặt khác, cũng xin có cái nhìn công bằng. Giải có đến 7 hạng mục, trong đó có mặt nhiều công trình mới và xứng đáng. Đồng thời lại rất tiếc có hạng mục suốt mấy năm không tìm được sách để trao giải (như loại sách Quản trị Kinh tế).


Chúng tôi sẽ không bớt đi, mà thêm. Từ hai năm nay, thêm giải “Phát hiện mới”. Có thể thêm những cuốn sách hay trong vòng 5 năm trở lại đây chẳng hạn. Và sẽ lắng nghe ý kiến của độc giả, chuyên gia, báo chí. Chúng tôi chờ đợi và sẵn sàng bổ sung từ những ý kiến hợp lý.


Ông có buồn không khi có người gọi hội đồng trao giải là… “viện nguyên lão”?


Không phải hội đồng trao giải mà hội đồng xét giải mới là những người quyết định. Hơn 30 vị ở 7 hội đồng không phải toàn những ông bà già đâu, họ đều là chuyên gia có uy tín ở những lĩnh vực khác nhau, hiểu rất sâu về lĩnh vực của mình, và tuổi đời cũng còn khá trẻ.


Việc chọn Báo cáo kinh tế vĩ mô: Cải cách thể chế, chìa khóa cho tái cơ cấu của Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (MAG) nói lên nhiều “sự thật” về nền kinh tế đất nước để trao giải cho hạng mục sách kinh tế là một minh chứng cho sự nhạy bén và tinh tường của các chuyên gia trong hội đồng xét giải lần này.


Tất nhiên, ai cũng rất lo khi nghĩ đến thế hệ tiếp nối, nhưng tôi tin là họ sẽ đến thôi.


Về phía hội đồng trao giải, chúng tôi luôn tâm niệm: Giải thưởng Sách Hay không đứng trên độc giả mà từ độc giả. Nó không dám tự cho mình có thẩm quyền “trao giải” cho bằng thay mặt bạn đọc để giới thiệu cho nhau những cuốn sách hay. Trong tinh thần đó, không có lý do gì để “bảo thủ”, khư khư theo một khuôn định nào hết. Cá nhân tôi sẽ thử đề nghị không “trao giải” cho “một” tác phẩm như trước nay mà giới thiệu cả năm tác phẩm được vào vòng chung khảo cho mỗi hạng mục.


Độc giả cũng chờ đợi những bất ngờ nào đấy từ giải thưởng năm nay như đã từng có với Thần, Người và Đất Việt của Tạ Chí Đại Trường… Còn rất nhiều tác phẩm hay từng bị xóa sổ, bị vùi lấp, không được công nhận suốt một thời gian dài?


Dĩ nhiên không một giải thưởng nào có thể làm thay cho tất cả. Sách Hay chỉ khiêm tốn góp một phần nhỏ thôi, không tham vọng bao quát hết thị trường sách mênh mông. Những góp ý đó rất cần để cải tiến và để luôn có thêm những gì mới mẻ. Chúng tôi sẽ góp ý với các hội đồng xét giải nên chú ý thêm những cuốn sách hay bị vùi lấp hơn là tôn vinh lại những giá trị đã được khẳng định…


Một điều đáng tiếc nữa là không ít những tác phẩm hay nhưng chưa được xuất bản, tái bản hay ở… ngoài luồng! Những tác phẩm hay xuất bản ở hải ngoại là một mảng sách rất lớn, trong khi tiêu chí sách hay vẫn chỉ giới hạn ở các tác phẩm xuất bản trong nước.


Theo ông, làm thế nào để gầy dựng lại văn hóa đọc một cách căn cơ, nền tảng hơn cho thế hệ tương lai?


Tình yêu sách phải được giáo dục từ bé, quan trọng nhất là ở nhà trường. Độc giả ở đâu mà ra? Chính là do những trường tiểu học, trung học đào tạo nên. Nếu nhà trường không tập cho trẻ em đọc sách thì chẳng thể nào có những độc giả tương lai mua sách và đọc sách như một thói quen. Khuyến khích mê sách bằng những biện pháp sư phạm là hiệu quả nhất, như ở các nước tiên tiến. Từ cấp 1, các em đã có thể đọc trọn một quyển sách từ đầu đến cuối, sau đó tóm tắt, chọn và ghi lại những câu hay mà em thích. Chính thói quen này hình thành khả năng phân tích, trích dẫn và ghi nhớ, hành trang cần thiết để trở thành nhà nghiên cứu sau này.


Sau 12 năm phổ thông, nếu mỗi em ghi lại được 300 đến 400 câu hay, tóm tắt được vài chục quyển sách, đó là thành quả lao động của riêng mỗi em, không phải là từ sách giáo khoa. Những câu thơ và áng văn tuyệt tác mà ta nhớ mãi chẳng phải nhờ học thuộc lòng từ thời thơ ấu đó sao? Làm sao để phần lớn kiến thức các em học được là nhờ đọc sách, chỉ phần kiến thức cơ bản là từ nhà trường. Các nước rất coi trọng xây dựng thư viện, cung cấp sách miễn phí cho các em mượn, tổng số lên đến hàng triệu, hàng chục triệu cuốn. Như thế vừa đỡ tốn kém cho phụ huynh, vừa cứu vãn nền xuất bản, tác giả sống cũng khá hơn. Đừng quên chúng ta có mấy triệu học sinh, sinh viên, đó là lực lượng nòng cốt của văn hóa đọc. Phải hướng dẫn đại trà để học sinh biết cách đọc, có thói quen đọc, lập ra những câu lạc bộ đọc sách, bạn yêu sách… Có biết bao cách để nâng cao văn hóa đọc, đừng ngồi đó mà kêu gào mãi chẳng ăn thua đâu.


Kim Yến thực hiện


NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC :


Hội đồng trao giải cũng rất bất ngờ vì đến phút cuối cùng mới biết Người đi vắng của Nguyễn Bình Phương đoạt giải. Trong đời sống văn học chìm lắng hôm nay, tìm được một cuốn sách không quá cũ như thế là đáng mừng, bởi cũng có nhiều người viết trẻ khác thế hệ trước, nhưng chưa định hình.


Phương đề cập đến phần đi vắng trong mỗi con người. Đó là những con người bất an, những con người chưa ổn định, đang còn muốn tìm tòi. Những con người đó được cấu tạo bằng cả một chiều dày lịch sử, đang muốn trở nên tốt với tất cả những di sản quá khứ, với tất cả chuyển động của hàng trăm năm… Để làm được điều đó, tác giả đã có sự tìm tòi độc đáo trong thủ pháp nghệ thuật. Thoát khỏi sự ràng buộc của văn chương về tuyến tính, thay vào đó là cấu trúc như một tác phẩm âm nhạc, có thể nhiều bè cùng đồng hiện của anh là dấu ấn của văn chương hiện đại, phản ánh được tâm trạng của con người hiện đại.


* Một dịch phẩm của Phùng Khánh (bút danh của ni sư Trí Hải) là Bắt trẻ đồng xanh (J. D. Salinger) cũng nhận giải văn học đợt này. Tôi rất ngạc nhiên khi một ni sư lại dịch hay đến thế ngôn ngữ của tuổi trẻ. Chửi thề suốt từ đầu đến cuối với ngôn ngữ thô kệch nhưng lại đầy chất thơ, trong khi bà dịch Câu chuyện một dòng sông lại rất thiền. Một thiếu sót mà báo chí đã nêu về hội đồng trao giải là chỉ tôn vinh nhà xuất bản (NXB) mới nhất, mà không nhắc tới NXB đầu tiên gắn với tên tuổi của cuốn sách đầu tiên, vì công lao của NXB đầu tiên là rất quan trọng trong việc tìm kiếm, phát hiện và cho ra đời tác phẩm. Đây là góp ý xác đáng, giúp chúng tôi tổ chức kỳ giải thưởng sau được tốt hơn.


* Mục đích của giải như một màng lọc, giới thiệu lại với người đọc những tác phẩm giá trị, bởi thị trường sách bây giờ cũng ngổn ngang lắm. Không ngờ giải cũng gây dư luận sôi nổi. Sức lan toả của nó thật đáng mừng. Nhìn vào tỷ lệ tuyển sinh của trường Phan Châu Trinh năm nay, tỷ lệ vào khoa Xã hội nhân văn khá lắm. Xã hội đang điều chỉnh trở lại. Đời sống mà không có văn học thì nguy lắm. Bắt đầu từ khoá này, trường tôi sẽ áp dụng giáo dục khai phóng, thêm một số môn như triết học, cảm thụ nghệ thuật, giáo dục thẩm mỹ. Chúng tôi không lo về sinh viên, cái đáng lo nhất là chỉ sợ không đủ thầy, không đủ tâm sức.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss