Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Lại xôn xao chuyện triết lý giáo dục

Lại xôn xao chuyện triết lý giáo dục

- Nguyên Ngọc — published 01/10/2007 10:30, cập nhật lần cuối 03/10/2007 23:16
Suốt nhiều chục năm, chúng ta đã tập trung toàn lực, cao độ, nhằm đào tạo ra con người biết vâng lời, thuộc lòng một số chân lý có sẵn, được xác định một cách tiên thiên ở đâu đó, trên một chốn tối cao xa xôi và bí ẩn nào đó, do ai đó tuyệt đối anh minh nghĩ và ban ra, và từ đó người được học suốt đời cứ thế mà làm theo cho đúng. Chúng ta tin rằng làm được như vậy thì sẽ có được một xã hội hoàn toàn thống nhất, tạo nên sức mạnh của một sự thống nhất tuyệt đối, không còn có kẻ hở nào hết… Gọi cho đúng tên và không sợ sự kiêng dè nào hết, thì cái việc đó xưa nay vốn được gọi một cách nôm na là nhồi sọ.


Lại xôn xao chuyện triết lý giáo dục

NGUYÊN NGỌC



Mấy hôm nay bỗng lại thấy xôn xao lên chuyện triết lý giáo dục. Có lẽ là vì vừa có cái hội thảo về chuyện triết lý giáo dục do một cơ quan nào đó của Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) tổ chức, mà quả thật nếu không có một bài báo tường thuật lại khá sơ sài thì chẳng ai biết nó diễn ra ở đâu, vì sao, để làm gì [DĐ : có thể xem thêm Tạp chí Cộng sản]. Và thú thật đọc bài tường thuật ấy rồi, không biết các bậc uyên bác thấy sao, riêng tôi vẫn không sao hiểu được vậy thì cái gọi là triết lý giáo dục là gì, thậm chí càng thấy rối mù thêm. Cách đây mấy tháng, cũng có lần trong một bài nói dài về nhiều chuyện khác, ông bộ trưởng bộ GDĐT có nêu lên 5 điểm gọi là triết lý giáo dục. Đọc xong, thú thật tôi (và theo chỗ tôi biết) nhiều người nữa đều rất ngạc nhiên. Ví dụ điểm đầu tiên trong triết lý đó là đảm bảo cho các danh vị giáo sư, phó sư, tiến sĩ… phải cho thật đúng… Vậy đấy là triết lý giáo dục đó ư ? Hèn gì nền giáo dục của ta nó ra như thế này là phải quá rồi !


Đúng ra bàn về triết lý giáo dục hiện nay (chứ không phải triết lý giáo dục muôn đời, hay truyền thống, như nhiều vị trong cuộc hội thảo được tường thuật vừa rồi đã kể lại dông dài) chẳng phải là chuyện mới. Ít ra trong Diễn đàn giáo dục do giáo sư Hoàng Tuỵ khởi xướng cách đây 5 năm vấn đề này đã được nói đến rất nghiêm túc, khá sâu sắc, và được coi nguồn gốc của mọi sai lầm đang diễn ra trong nền giáo dục của chúng ta mà chúng ta đang bức xúc bàn thảo hiện nay. Mọi sai lầm cụ thể hiện nay đều bắt nguồn từ một triết lý giáo dục sai. Sai về căn bản. Đó là nguyên nhân gốc của mọi chuyện, từ đó dẫn đến điều mà giáo sư Hoàng Tuỵ đã nghiêm khắc chỉ ra: chúng ta không chỉ đang lạc hậu, mà đang lạc hướng ! Lạc hướng chính là lạc hướng về triết lý giáo dục.


Tất nhiên đây là vấn đề rất lớn, không thể chỉ nói trong mấy câu, trong một vài cuộc là xong; và nếu sắp đến chúng ta có thật sự muốn thay đổi (hay như cách nói của nhiều người tâm huyết và có uy tín lớn: muốn thay đổi có tính cách mạng) trong giáo dục, thì chính là phải bắt đầu từ đây. Không thay đổi triệt để, không “cách mạng” từ đây thì mọi sửa đổi sẽ chỉ là chắp vá, thậm chí càng gây thêm rối ren, càng lạc hướng đi xa hơn …


Tuy nhiên, để bắt đầu, cũng có thể nói một cách ngắn gọn : Chúng ta tiến hành nền giáo dục này để làm gì ? Để nhằm tạo ra những con người như thế nào ? Suốt nhiều chục năm, chúng ta đã tập trung toàn lực, cao độ, nhằm đào tạo ra con người biết vâng lời, thuộc lòng một số chân lý có sẵn, được xác định một cách tiên thiên ở đâu đó, trên một chốn tối cao xa xôi và bí ẩn nào đó, do ai đó tuyệt đối anh minh nghĩ và ban ra, và từ đó người được học suốt đời cứ thế mà làm theo cho đúng. Chúng ta tin rằng làm được như vậy thì sẽ có được một xã hội hoàn toàn thống nhất, tạo nên sức mạnh của một sự thống nhất tuyệt đối, không còn có kẻ hở nào hết… Gọi cho đúng tên và không sợ sự kiêng dè nào hết, thì cái việc đó xưa nay vốn được gọi một cách nôm na là nhồi sọ.


Vấn đề bây giờ là có dám, có quyết phá vỡ, đạp đổ cái triết lý đó đi không. Thiết lập lại một nền giáo dục khác hẳn, ngược lại, nhằm tạo nên những con người tự do, dám và biết tự mình đi tìm lấy chân lý, và sống và làm việc theo chân lý mình đã chọn, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. Sự thống nhất của xã hội sẽ là sự thống nhất của những con người tự do, đầy trách nhiệm với chính mình và với xã hội, đầy tự chủ và sáng tạo.


Người ta thường bảo sống chính là lựa chọn. Một nền giáo dục lành mạnh là nền giáo dục giúp cho con người giàu khả năng lựa chọn, mạnh mẽ ý chí tự mình lựa chọn, dám hành động theo lựa chọn của mình, chịu trách nhiệm sâu sắc về lựa chọn đó.


Bắt đầu từ triết lý cơ bản này mà đi đến giải quyết mọi vấn đề cụ thể khác, về hiện đại hoá nội dung, chương trình, phương pháp, tổ chức, điều hành … cho đến cả chuyện tiêu tiền nong của nhân dân đóng thuế, bao nhiêu dự án ồn ào khác, v.v…, cho cả hệ thống…


Tôi nghĩ nếu vì lý do gì đó mà chúng ta tránh né vấn đề gốc này, thì tất cả những bàn cãi về cái gọi là triết lý giáo dục, và từ đó cả mọi việc cụ thể khác nữa, dù có được diễn đạt bằng những ngôn từ cao sang đến đâu cũng sẽ là vô nghĩa. Và chắc những người đứng đắn và thật sự tâm huyết chẳng muốn vào cuộc làm gì.

30.9.2007


Nguyên Ngọc

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss