Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Về tình hình lạm phát hiện nay

Về tình hình lạm phát hiện nay

- Nguyễn Đức Thành — published 07/11/2007 19:13, cập nhật lần cuối 08/11/2007 11:14
...lạm phát hiện nay ở Việt Nam là một hiện tượng có nguyên nhân tiền tệ, bắt nguồn từ phản ứng thiếu đồng bộ của hai chính sách vĩ mô là tăng trưởng tiền tệ - tín dụng và ổn định tỷ giá (...) bài viết cho rằng sự đồng bộ là đòi hỏi tiên quyết nhằm kiềm chế lạm phát. Trên cơ sở đó, bài viết khuyến nghị các giải pháp...


Về tình hình lạm phát hiện nay:
Góp phần nhận định về nguyên nhân
và khuyến nghị giải pháp


Nguyễn Đức Thành

 

Tóm tắt

Bài phân tích này cho rằng lạm phát hiện nay ở Việt Nam là một hiện tượng có nguyên nhân tiền tệ, bắt nguồn từ phản ứng thiếu đồng bộ của hai chính sách vĩ mô là tăng trưởng tiền tệ - tín dụng và ổn định tỷ giá, dẫn đến hậu quả làm thặng dư cung tiền. Đối chiếu với trường hợp Trung Quốc, bài viết cho rằng sự đồng bộ là đòi hỏi tiên quyết nhằm kiềm chế lạm phát. Trên cơ sở đó, bài viết khuyến nghị các giải pháp nên mang tính tiền tệ, thay vì tài khoá hay hành chính như hiện nay.



1. Sơ lược về tình hình lạm phát hiện nay


Theo thống kê sơ bộ của tổng cục thống kê, tính đến cuối tháng 10/2007, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã lên đến hơn 9.34% so với cùng kỳ năm trước, và khoảng 8,12% so với đầu năm. Bảng 1 cập nhất diễn biến tăng giá trong thời gian vừa qua.

Từ bảng này, chúng ta thấy mức tăng CPI bắt nguồn chủ yếu từ việc gia tăng giá lương thực và thực phẩm. Đây là nguyên nhân giải thích tới hơn 60% trong tổng mức tăng CPI. Kế đó là sự gia tăng của nhóm nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng, đóng góp 12%. Các nhóm mặt hàng khác có mức tăng trung bình khoảng 5-6%, và do tỷ trọng trong tổng tiêu dùng nhỏ (dưới 10%) nên mức đóng góp của mỗi nhóm chỉ khoảng trên dưới 3%. Nhưng nhìn chung, mặt bằng giá của tất cả các mặt hàng đều tăng khoảng 5%, ngoài hai nhóm đề cập đầu tiên là tăng hơn 10%. Điều này cho thấy có một sự tăng giá chung trên toàn bộ các mặt hàng, chứ không đơn thuần là xuất hiện cục bộ ở một hai mặt hàng rồi lan toả ra các mặt hàng khác. Vì thế chúng tôi chia sẻ quan điểm của đa số các nhà nghiên cứu khác, là có nhiều dấu hiệu của nguyên nhân tiền tệ đằng sau hiện tượng lạm phát hiện nay. Những nguyên nhân sâu xa của hiện tượng lạm phát hiện nay sẽ được phân tích trong phần tiếp theo.


Bảng 1: Tình hình tăng giá đến cuối tháng 10/2007

 

Các nhóm hàng và dịch vụ

Quyền số
(%)

Tháng 10/07
so với 8/06

Đóng góp
của mỗi nhóm


Tổng chi dùng

100.00

109.34

100.00

01

Hàng ăn và dịch vụ ăn uống

42.85

113.94

63.92

011

Trong đó: 1. Lương thực

9.86

115.98

16.86

012

2. Thực phẩm

25.20

114.19

38.26

02

Đồ uống và thuốc lá

4.56

105.75

2.81

03

May mặc, mũ nón, giầy dép

7.21

105.82

4.49

04

Nhà ở, điện, nước, chất đốt
và VLXD

9.99

111.72

12.53

05

Thiết bị và đồ dùng gia đình

8.62

105.90

5.44

06

Thuốc và dịch vụ y tế

5.42

106.46

3.75

07

Giao thông, bưu chính viễn thông

9.04

102.33

2.25

08

Giáo dục

5.41

102.02

1.17

09

Văn hoá, giải trí và du lịch

3.59

102.05

0.79

10

Hàng hoá và dịch vụ khác

3.31

108.08

2.86

Nguồn: mức tăng giá từ Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 29/10/2007,
quyền số từ Nguyễn Văn Công (2006), tr. 65.


2. Thử tìm một nguyên nhân căn bản


Qua theo dõi diễn biến kinh tế và một số động thái chính sách của Việt Nam hiện nay, có đối chiếu trên những khía cạnh tương tự với một số nước trong khu vực, chúng tôi đi đến kết luận rằng tình trạng lạm phát hiện nay ở Việt Nam là hậu quả tổng hợp của một số hiện tượng kinh tế đặc thù đi liền với sự kết hợp thiếu đồng bộ giữa một số chính sách vĩ mô trong thời gian qua.

Hiện tượng kinh tế đặc thù được lưu ý ở đây là sự tăng trưởng mạnh mẽ của kiều hối (bao gồm một phần rất lớn và ngày càng tăng tiền gửi của người đi xuất khẩu lao động), kết hợp với sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam. Một sự kết hợp nữa là trong năm 2006, quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước và sự phát triển của thị trường chứng khoán đã đạt những bước phát triển lớn, khiến Việt Nam trở thành một địa điểm hấp dẫn và dòng vốn đầu tư gián tiếp chảy mạnh vào nước ta. Theo ước lượng không chính thức, có khoảng hơn 5 tỷ USD kiều hối đã được gửi về, và khoảng 1 đến 2 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp đã được chuyển vào trong nước trong năm 2006 và những tháng đầu năm 2007.

Các chính sách kết hợp không đồng bộ, theo chúng tôi, bao gồm hai chính sách lớn sau: (1) chính sách tăng trưởng cung tiền và tín dụng theo đà của các năm trước, (2) chính sách neo tỷ giá ổn định theo đồng USD thông qua can thiệp của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường ngoại hối.

Phân tích dưới đây sẽ làm rõ những điểm nêu trên. Để minh hoạ cho các lập luận, chúng tôi sử dụng số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Mặc dù các số liệu về Việt Nam (có thể cả Trung Quốc và một số nước khác) trong các báo cáo của IMF đều nổi tiếng là không xác thực, nhưng chúng tôi cho rằng nó phần nào phản ánh khuynh hướng vận động của các con số thực. Hơn nữa, chúng tôi sử dụng số liệu của IMF nhằm có được các chỉ tiêu tương đồng, thuận lợi cho việc so sánh.
 

2.1. Ảnh hưởng của sự gia tăng ồ ạt dòng ngoại hối dưới chế độ tỷ giá (tương đối) cố định

Một đặc điểm vĩ mô quan trọng bậc nhất của Việt Nam gần đây có lẽ là sự gia tăng nhanh chóng của dòng tiền gửi về từ nước ngoài, trong đó một phần rất lớn từ người đi lao động. Trong bài viết này chúng tôi tạm gọi tất cả các khoản tiền gửi kiểu này là kiều hối. Xét trên phương diện quy mô to lớn tương đối của dòng kiều hối, thì Việt Nam chỉ đứng sau Philippines là nước trong khu vực đã có truyền thống xuất khẩu lao động từ lâu, và có những đặc điểm kinh tế khá tương đồng. Do đó, sau đây chúng tôi sẽ sử dụng trường hợp Philippines để đối chiếu với tình trạng ở Việt Nam.

Bảng 2 cho thấy một số chỉ tiêu vĩ mô của Philippines liên quan đến phân tích hiện thời. Bảng 3 ghi nhận những chỉ tiêu tương tự của Việt Nam.


Bảng 2. Một số chỉ tiêu vĩ mô của Philippines, 2002-2006

 

2002

2003

2004

2005

2006

Kiều hối (%GDP)

12.8

12.9

13.3

13.8

13.2

Thâm hụt thương mại (%GDP)

-7.2

-7.4

-6.6

-5.9

-7.7

Cân đối tài khoản vãng lai (%GDP)

-0.4

0.4

1.8

2.0

2.8

Cân đối tài khoản vốn (%GDP)

1.4

0.9

-1.8

1.6

-0.4

Thay đổi dự trữ ngoại tệ (%GDP)

-2.1

-1.3

-0.6

-3.2

-3.2

Tỷ giá danh nghĩa (trung bình kỳ)

51.6

54.2

56.0

55.1

49.8

REER (trung bình kỳ)

96.2

89.1

86.2

92.3

101.4

Tăng trưởng GDP (%)

4.4

4.9

6.2

5.0

5.5

Tăng CPI (%) (cuối năm)

2.5

3.9

8.6

6.7

4.3

Nguồn: IMF (2007)



Bảng 3. Một số chỉ tiêu vĩ mô của Việt Nam, 2002-2006

 

2002

2003

2004

2005

2006 (d.b)

Kiều hối (%GDP)

5.1

5.2

5.1

6.0

5.6

Thâm hụt thương mại (%GDP)

-3.0

-6.4

-5.0

-1.6

-0.6

Cân đối tài khoản vãng lai (%GDP)

-1.9

-4.8

-3.4

0.4

0.3

Cân đối tài khoản vốn (%GDP)

3.3

10.1

5.4

3.6

4.5

Thay đổi dự trữ ngoại tệ (%GDP)*

-1.3

-5.3

-1.9

-4.0

-4.7

Tỷ giá danh nghĩa (trung bình kỳ)

15.244

15.475

15.704

15.816

15.957

REER (trung bình kỳ, 1990 =100)

94.9

86.3

87.3

98.6

102.9

Tăng trưởng GDP (%)

7.1

7.3

7.8

8.4

7.5

Tăng CPI (%) (cuối năm)

4.0

2.9

9.7

8.8

7.5

Nguồn: IMF (2006b), Tác giả tổng hợp từ Bảng 2 và 3, tr. 22-3

*: Dấu (-) nghĩa là thay đổi tăng


Từ hai bảng trên, chúng ta có thể nhận thấy Philippines hàng năm nhận một lượng kiều hối nhiều hơn Việt Nam rất nhiều kể cả tương đối (so với GDP) lẫn tuyệt đối (vì GDP của Philippines lớn hơn của Việt Nam khoảng 1.5 lần). Tuy nhiên, xét trên mối tương quan với GDP, thâm hụt thương mại của Philippines tương đối trầm trọng, cộng với các khoản trả lãi vay nước ngoài tương đối lớn (không thể hiện trong bảng), nên có thể nói dòng kiều hối chủ yếu được dùng để tài trợ cho khoản thâm hụt này trong tài khoản vãng lai. Kết quả là bất chấp lượng kiều hối khổng lồ chuyển về mỗi năm, cán cân vãng lai chỉ thặng dư khoảng từ 2% đến dưới 3% GDP. Bên cạnh đó, thặng dư cán cân tư bản của Philippines tương đối thấp, và có khuynh hướng dao động quanh mức zero. Kết quả là sức ép mua lại ngoại hối của cơ quan tiền tệ ở Philippines, trong trường hợp nước này muốn can thiệp để ổn định tỷ giá, chỉ bắt đầu xuất hiện từ năm 2005, với mức tăng dự trữ ngoại hối thêm hơn 3% GDP mỗi năm.

Trong khi đó, ở Việt Nam, tuy tỷ trọng kiều hối không lớn như ở Philippines, nhưng thâm hụt thương mại chưa nghiêm trọng như ở nước này, nên cán cân vãng lai được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, và kể từ năm 2005 có khuynh hướng thặng dư (nhưng còn ở mức thấp hơn nhiều so với Philippines). Tuy nhiên, đặc điểm quan trọng của Việt Nam là cán cân tư bản luôn có thặng dư rất đáng kể, đã dẫn tới khả năng dư thừa ngoại hối thậm chí lớn hơn ở Philippines. Để giữ tỷ giá neo tương đối ổn định vào đồng USD, cơ quan tiền tệ Việt Nam đã liên tục mua lượng ngoại hối thặng dư trên thị trường. Kết quả là dự trữ ngoại tệ mỗi năm đã tăng lên rất mạnh, chẳng hạn như năm 2005 tăng thêm 4% GDP, còn năm 2006 gần 5% GDP.

Như vậy, có thể nói một đặc điểm quan trọng của Việt Nam gần đây là sự tăng trưởng nhanh chóng của cả hai dòng tiền từ bên ngoài là kiều hối và đầu tư nước ngoài. Các con số cập nhật gần đây (chưa chính thức) cho thấy trong nửa cuối năm 2006 và quý I năm 2007, dòng tiền này còn đuợc bồi đắp thêm nhờ dòng vốn đầu tư gián tiếp, hướng tới thị trường chúng khoán Việt Nam và chuẩn bị cho các khoản mua cổ phần từ các doanh nghiệp nhà nước chuẩn bị được cổ phần hoá.

Kết quả là, để giữ cho đồng Việt Nam không lên giá quá nhanh, cơ quan tiền tệ Việt Nam đã mua vào (theo các tuyên bố trên báo chí) khoảng hơn 7 tỷ USD (14% GDP). Chính sách này đã làm tăng nhanh lượng cung tiền trong nền kinh tế. Điều này đuợc coi là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng lạm phát hiện nay (về nguyên nhân gây phản ứng chính sách, xem thêm Hình 1).


inflation


Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là: Vì sao, ở một số nền kinh tế khác, cụ thể là Trung Quốc, cơ quan tiền tệ cũng phải đối mặt với lượng thặng dự ngoại tệ hằng năm rất lớn (chủ yếu từ thặng dư thương mại), trong khi vẫn giữ vững quyết tâm can thiệp để neo đồng nội tệ ổn định vào USD, lại không xuất hiện tình trạng lạm phát cao như ở Việt Nam? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xem xét chính sách tiền tệ gần đây của Trung Quốc và đối chiếu nó với tình hình Việt Nam.
 

2.2. Tầm quan trọng của chính sách tiền tệ đồng bộ

Bảng 4 cho thấy mức tăng CPI ở Trung Quốc trong những năm vừa qua ở mức rất “lý tưởng,” trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn hầu như ở mức hai con số. Cần lưu ý ngay rằng, nước này cũng phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến “chi phí đẩy,” như là giá cả các mặt hàng thiết yếu và năng lượng trên thế giới tăng không khác gì, thậm chí có thể lớn hơn, so với Việt Nam. Điều này (cộng với việc quan sát các nền kinh tế xung quanh Việt Nam như Cam-pu-chia, Thái Lan, Indonesia, Philippines mà chúng tôi không đưa vào bài viết này), chính là lý do vì sao chúng tôi không tán thành quan điểm thổi phồng tác động của việc tăng giá một số nhóm mặt hàng gần đây như là nguyên nhân cơ bản gây ra lạm phát ở nước ta.

Việc đối chiếu chính sách tiền tệ gần đây cùng xem xét những hậu quả tương ứng của nó ở Trung Quốc và Việt Nam sẽ đem lại một minh hoạ thú vị, cho thấy vì sao lạm phát (dai dẳng) luôn là một hiện tượng tiền tệ. Bảng 4 và 5 cung cấp những so sánh tương đồng về các hoạt động tiền tệ giữa hai nước. Điều có ý nghĩa quan trọng bậc nhất có lẽ nằm trong tốc độ tăng trưởng tiền tệ và tín dụng. Như thấy trong Bảng 4, Trung Quốc đã rất thận trọng trong tăng trưởng tín dụng và tiền tệ, chỉ vào khoảng 15% mỗi năm, kể từ 2004. Trước đó, sự tăng trưởng này cũng chỉ ở dưới mức 20%. Trong khi đó, như thấy qua Bảng 5, tăng trưởng tiền tệ của Việt Nam vốn đã ở mức cao (hơn 20%) từ năm 2001, lại có xu hướng tăng ngày càng tăng nhanh hơn, đạt mức 30% trong hai năm 2004 và 2005. Bên cạnh đó, tín dụng còn được mở rộng nhanh và vững chắc hơn rất nhiều: tăng trưởng hơn 20% vào năm 2001, rồi liên tục được gia tốc, lên đến đỉnh cao năm 2004 ở mức 40%, và năm 2005 vẫn ở mức 30%. (Một số chuyên gia cho rằng mức tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là tín dụng nhà nước, ở Việt Nam trên thực tế có thể lên tới khoảng 60%. Tuy nhiên, có thể giả định số liệu của Trung Quốc cũng đã được chỉnh sửa theo cùng một khuynh hướng như vậy. Do đó, điều đáng lưu ý ở đây không phải là con số tuyệt đối, mà là tương đối)


Bảng 4. Tăng trưởng tiền tệ và tín dụng ở Trung Quốc, 2001-2006


2001

2002

2003

2004

2005

2006

Tăng trưởng M2 (%)

14.4

16.8

19.6

14.6

17.6

--

Tăng trưởng tín dụng (%)

6.4

30.7

19.6

10.9

13.6

--

Tăng trưởng tiền dự trữ (%)

9.2

13.3

17.1

11.4

9.3

--

Tăng trưởng dự trữ
ngoại hối (%)

--

35.3

39.7

49.0

33.4

26.6

Dự trữ ngoại hối/GDP (%)

16.5

20.3

25.1

32.0

36.6

--

Tỷ giá danh nghĩa

8.28

8.28

8.28

8.28

8.07

--

REER

104.8

101.9

94.5

91.9

91.9

--

Mức tăng CPI

0.7

-0.8

1.2

3.9

1.8

1.5

Nguồn: IMF (2006a). Thay đổi cuối kỳ. Riêng REER và CPI là trung bình kỳ.

Bên cạnh đó, dự trữ ngoại tệ của hai nước đều tăng nhanh, chứng tỏ một lượng nội tệ đã được bơm vào nền kinh tế với tốc độ tương tự. Tốc độ tăng dự trữ ở Trung Quốc nhìn chung nhanh hơn ở Việt Nam.


Bảng 5. Tăng trưởng tiền tệ và tín dụng ở Việt Nam, 2001-2006


2001

2002

2003

2004

2005

2006 (db)

Tăng trưởng M2 (%)

25.5

17.6

24.9

29.5

29.7

38.6

Tăng trưởng tín dụng (%)

21.4

22.2

28.4

41.6

31.7

21.4

Tăng trưởng tiền dự trữ (%)

16.7

12.4

27.4

16.1

23.7

30.9

Tăng trưởng dự trữ
ngoại hối (%)

--

14.4

58.4

15.1

31.7

32.8

Dự trữ ngoại hối/GDP (%)

10.1

10.6

14.4

14.8

16.8

19.1

Tỷ giá danh nghĩa

15070

15368

15608

15739

15875

15957

REER

100.4

94.9

86.3

87.3

98.6

102.9

Nguồn: IMF (2006b). Thay đổi cuối kỳ. Riêng REER là trung bình kỳ

Thực tiễn cho thấy kết quả cuối cùng là Trung Quốc đã không trải qua lạm phát cao, trong khi Việt Nam luôn phải gánh chịu lạm phát cao (trên 8%) liên tiếp kể từ năm 2004. Thêm vào đó, tăng trưởng ở Trung Quốc vẫn được giữ ở mức cao (hơn Việt Nam), thặng dư thương mại lớn (dự trữ ngoại hối đã tăng ngoạn mục từ mức 16.5% năm 2001 lên 36.6% GDP vào năm 2005), và giá trị đồng nội tệ ổn định (tỷ giá danh nghĩa chỉ giảm khoảng 2.5% trong giai đoạn 2001-2005). Như vậy, có cơ sở để nhận định rằng Việt Nam đã thực hiện chính sách can thiệp tăng dự trữ ngoại tệ nhưng không đồng thời thắt chặt tiền tệ, nên đã dẫn tới lạm phát cao. Trong khi đó, Trung Quốc đã thực hiện thắt chặt tiền tệ rất có chủ ý để kết hợp hài hoà với chính sách giữ ổn định đồng Nhân dân tệ, và đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát.

Nói tóm lại, trường hợp Trung Quốc cho thấy bài học đáng giá rằng kiểm soát tăng trưởng tiền tệ và tín dụng vẫn là phương tiện căn bản, quan trọng và hữu hiệu hàng đầu giúp kiểm soát lạm phát. Một bài học nữa có thể rút ra, là sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách vĩ mô có ý nghĩa quan trọng. Cụ thể trong trường hợp này, khi cơ quan tiền tệ đã xác định có kế hoạch mua vào một lượng ngoại tệ lớn, thì nó cũng đồng thời phải tiến hành kế hoạch thắt chặt cung tiền một cách đồng bộ.


3. Kết luận và gợi ý chính sách


Tóm lại, có thể hình dung "con đường lạm phát" những năm qua như sau:

- Một hiện tượng kinh tế đặc thù trong những năm gần đây của Việt Nam là sự tăng trưởng mạnh của các dòng tiền từ nước ngoài (bên cạnh những dòng tiền truyền thống như dòng vốn đầu tư trực tiếp và tiền của Việt kiều, còn có tiền gửi về của người Việt lao động ở nước ngoài và vốn đầu tư gián tiếp).

- Để giữ đồng tiền Việt ổn định (nhằm giữ lợi thế cho xuất khẩu), cơ quan tiền tệ Việt Nam đã phải mua vào ngoại tệ với lượng ngày càng lớn. Do đó, hằng năm một lượng lớn tiền đã được đẩy vào lưu thông. Lượng tiền này có thể lên tới 15% GDP hoặc hơn.

- Một chính sách nên được tiến hành đồng bộ với chính sách trên là thắt chặt hợp lý tăng trưởng tiền tệ và tín dụng. Nhưng trong thời gian vừa qua, nó đã không được thực hiện.

- Kết quả là lạm phát đã trở thành một hiện tượng kinh niên (ở mức cao, trên 8%) kể từ năm 2004.

Trên cơ sở những luận điểm như vậy, chúng tôi khuyến nghị những giải pháp như sau:

1. Lạm phát hiện nay ở nước ta nên được xem xét nghiêm túc và thẳng thắn là có căn nguyên từ chính sách tiền tệ. Trên cơ sở đó, các chính sách chống lạm phát nên mang tính tiền tệ. Điều ấy đồng nghĩa với việc nên hạn chế sử dụng chính sách tài khóa (như giảm thuế một số mặt hàng được quan sát thấy là tăng nhanh nhất), hay chính sách hành chính (đốc thúc doanh nghiệp, kêu gọi sự hỗ trợ của người dân). Chúng tôi cho rằng các biện pháp tài khoá và hành chính đều mang tính thoả hiệp, tạm thời và có khuynh hướng che đậy bản chất thực sự của lạm phát. Đi kèm với nó là chi phí cao, hiệu quả thấp.

2. Các biện pháp tiền tệ mang tính gốc rễ là giảm tốc độ tăng tiền và tín dụng. Các biện pháp như tăng dự trữ bắt buộc hay phát hành trái phiếu chỉ nên coi là tức thời và cục bộ mà thôi. Ví dụ, chính sách tăng dự trữ bắt buộc khiến khối ngân hàng gánh nhiều chi phí hơn các khu vực khác trong công cuộc chống lạm phát. Ngược lại, việc cắt giảm tín dụng và cung tiền trên toàn nền kinh tế, áp dụng cho toàn bộ các thành phần kinh tế, sẽ san sẻ chi phí chống lạm phát một cách bình đẳng hơn.

3. Bên cạnh cam kết chống lạm phát đã được thể hiện rõ ràng của chính phủ, cần công khai các biện pháp cụ thể để thể hiện cam kết là đáng tin cậy, đồng thời ràng buộc chính phủ vào cam kết đó. Điều này sẽ giúp người dân hình thành kỳ vọng về mức lạm phát thấp trong tương lai (nếu họ biết và tin các chính sách là đúng đắn và cứng rắn), dẫn đến khả năng thành công dễ dàng hơn của chính sách chống lạm phát. (Một chính sách chỉ có hiệu lực khi người ta tin là nó có hiệu lực).

4. Không nên duy trì quan điểm cho rằng lạm phát thấp hơn mức tăng trưởng GDP là tốt, mà có lẽ chỉ nên coi đây như một kinh nghiệm để phấn đấu khi lạm phát đã thành một sự đã rồi. Hiện nay chưa tìm thấy căn cứ khoa học cho luận điểm nêu trên, do đó, chúng ta không nên tự ràng buộc mục tiêu lạm phát vào một giới hạn khá dễ dãi (khoảng 8-9%), để rồi lại bị cuốn vào nỗi lo con rồng sẽ giật đứt dây xích như hiện nay.


Nguyễn Đức Thành

(02/11/2007)

Tác giả xin chân thành cảm ơn TS. Vũ Quang Việt,
các thành viên của Vietnam Economic Society, về những góp ý
và thảo luận hữu ích trong quá trình viết bài báo này.


Tài liệu tham khảo:

IMF (2006a), “People’s Republic of China: 2006 Article IV Consultation—Staff Report; Staff Statement; and Public Information Notice on the Executive Board Discussion,” IMF Country Report No. 06/394, October.

IMF (2006b), “Vietnam: 2006 Article IV Consultation—Staff Report; Staff Statement; Public Information Notice on the Executive Board Discussion; and Statement by the Executive Director for Vietnam,” IMF Country Report No. 06/421, November.

IMF (2007), “Philippines: 2006 Article IV Consultation—Staff Report; Public Information Notice on the Executive Board Discussion; and Statements by the Authorities of the Philippines,” IMF Country Report No. 07/62, February.

Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 29/10/2007, “Quyết liệt bình ổn giá,” trang 1.

Nguyễn Văn Công, chủ biên (2006), Nguyên lý Kinh tế học Vĩ mô, NXB Lao Động, Hà Nội.



Phụ lục: Số liệu của IMF về Việt Nam

 

2001

2002

2003

2004

2005

2006 (proj.)

GDP (VND tril)

481

536

631

715

838

980

USD rate (VND, end year)

15070

15368

15608

15739

15875

15957

GDP (USD mil)

31938

34865

40454

45448

52781

61437

 

 

 

 

 

 

 

In USD million

 

 

 

 

 

 

SBV's NFA

3218

3682

5833

6716

8847

11747

Change in SBV's NFA

-

-464

-2151

-883

-2131

-2900

Private transfer

-

1767

2100

2310

3150

3465

Trade balance

-

-1054

-2582

-2287

-838

-345

Current account balance

-

-673

-1932

-1565

218

164

Capital account balance

-

1136

4083

2447

1913

2737

 

 

 

 

 

 

 

SBV’s NFA growth rate (%)

14.4

58.4

15.1

31.7

32.8

 

 

 

 

 

 

 

 

As % GDP

 

 

 

 

 

 

SBV's NFA

10.1

10.6

14.4

14.8

16.8

19.1

Change in SBV's NFA

-

-1.3

-5.3

-1.9

-4.0

-4.7

Private transfer

-

5.1

5.2

5.1

6.0

5.6

Trade balance

-

-3.0

-6.4

-5.0

-1.6

-0.6

Current account balance

-

-1.9

-4.8

-3.4

0.4

0.3

Capital account balance

-

3.3

10.1

5.4

3.6

4.5

Nguồn: IMF (2006b), Bảng 2 và 3, tr. 22-3


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss