Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Làm sao tôi thành người Việt Nam

Làm sao tôi thành người Việt Nam

- André MENRAS - Hồ Cương Quyết — published 01/12/2009 22:05, cập nhật lần cuối 01/12/2009 11:39


Làm sao tôi thành người Việt Nam




André Menras – Hồ Cương Quyết




Lần đầu tôi đến Việt Nam là vào tháng chín 1968, khi chiến tranh ở giai đoạn kịch liệt, trước đó mấy tháng là cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân ở miền Nam, còn ở Pháp thì sôi sục phong trào sinh viên và công nhân đấu tranh cho một xã hội tự do và công bằng hơn. Hồi đó, Việt Nam ở trong đèn chiếu của dư luận quốc tế. Tại các nước tư bản, đài truyền hình hàng ngày rỉ rả những lời bình luận khôn khéo đi kèm những hình ảnh bạo liệt. Tôi là một trong hàng triệu thanh niên châu Âu lúc đó « không làm chính trị ». Đặt chân tới Việt Nam, đầu óc tôi đầy ắp những hình ảnh nhìn thấy trên tivi, vô hình trung có cảm tình với « người Mỹ hào hùng đã giải phóng chúng ta » hơn là với « bọn cộng sản tàn ác ». Chỉ vài tháng ở Đà Nẵng và Sài Gòn cũng đủ để tôi hiểu ngược lại, và dần dần, những đau khổ, tội ác, tủi nhục, khốn cùng và kháng cự mà tôi được chứng kiến làm cho tôi bắt đầu căm ghét sự kiêu căng của kẻ xâm lược Mỹ, sự khuất phục vị lợi của đám tay sai Sài Gòn và sự tàn bạo của hàng trăm ngàn quân đội đồng minh. Tới mức mà càng có thêm bạn trẻ, tôi càng thoát ra khỏi khuôn viên trường trung học, càng nghe và thấy, thì tôi cảm thấy mình chuyển từ trạng thái một người Pháp an phận và trung lập sang tâm trạng căm phẫn của một người Việt Nam. Sau hai năm sống ở Việt Nam, tôi cảm thấy, nếu có cơ hội, tôi sẵn sàng ra chiến khu cầm súng chiến đấu. Tôi cũng rất căm giận thái độ của một bộ phận cộng đồng người Pháp ở Sài Gòn. Họ là những người sống dựa vào Mỹ, coi đám trẻ sang hợp tác như chúng tôi là quá tọc mạch, quá thực tâm và quá « cộng hoà dân chủ ». Chúng tôi là những chứng nhân có thể gây phiền toái cho họ vì chúng tôi biết họ kiếm chác được chút gì trong việc đồng loã với đội quân chiếm đóng. Về điểm này, tôi cũng cảm thấy mình Việt Nam hơn là Pháp. Tất cả những thứ đó tạo thành một hỗn hợp nổ, dẫn tới hành động mà tôi cùng làm với một anh bạn đồng nghiệp : cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam trước quốc hội của chính quyền Sài Gòn. Đó không đơn thuần là một hành động biểu thị tình đoàn kết. Qua việc ấy, tôi làm đúng theo những giá trị tinh thần của một nhà giáo trẻ của nền cộng hoà Pháp, vinh danh những giáo huấn mà cha mẹ tôi đã truyền lại cho tôi, mà đồng thời, tôi muốn hành động như một người Việt Nam. Qua đó, tôi muốn hưởng ứng triệt để và khẳng định chính nghĩa của một nước Việt Nam hiên ngang ngẩng cao đầu. Qua hành động ấy, tôi cảm nhận sâu sắc tuy không dễ diễn tả rằng Việt Nam từ nay mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm tôi như một lời huyết thệ. Cố nhiên, những ngày tháng tù đày, thái độ dị ứng và sự bỏ rơi đớn hèn của nhà đương cục Pháp, những trận đòn của bọn mật vụ chính quyền Thiệu, và đám cai ngục càng làm cho tôi dứt khoát đứng về phe Việt Nam. Các bạn tù người Việt của tôi trong khám Chí Hoà, sinh viên, học sinh, trí thức phong trào, nông dân du kích hay cộng sản kiên trung đã dang rộng cánh tay chào đón tôi. Họ đã lập ra một đường dây liên lạc thường trực với tôi và cũng rất nguy hiểm cho chính họ. Tôi đã tập đọc tiếng Việt để có thể đánh vần những thông điệp viết trên những mẩu giấy nhỏ trong những hàng chữ li ti, để nhận và chuyển thông tin, để giữ vững khí tiết. Nhân dịp Tết 1971, tôi đã được đặt tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết, qua cửa miệng của Nguyễn Văn Quới, đại diện tù nhân chính trị xà lim OB1. Sau đó, trên chuyến tàu đưa anh ra Côn Đảo, Quới đã vượt ngục, tiếp tục chiến đấu ở Củ Chi, cho đến một đêm 1972, anh hi sinh dưới trận mưa bom B52. Cái tên chiến đấu Hồ Cương Quyết, mang họ của Hồ Chủ tịch, mãi mãi sẽ là tên họ Việt Nam của tôi, nhắc tôi không bao giờ quên anh Quới và các bạn bè đã hy sinh hay còn sống của anh…


Chính ở trong tù mà tôi đã được học lịch sử sâu sắc của cuộc chiến đấu trường kỳ vì độc lập của nhân dân Việt Nam – lịch sử Việt Nam cũng như một số bài viết của các nhà lãnh đạo như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Giáp (mà cách đây mấy tháng tôi có vinh dự được gặp ở Hà Nội)…


Cũng chính trong tù mà các bạn Việt Nam đã cho tôi biết chính sử cuộc đấu tranh chống thực dân của nhân dân Pháp, của Đảng cộng sản Pháp ; nhờ đó tôi mới được biết những chiến tích của Henri Martin, của Raymonde Dien, những cuộc đấu tranh của Madeleine Riffaud. Thế là, trong cái nhà tù mà thực dân Pháp đã xây nên, mỗi ngày tôi càng cảm thấy mình Việt Nam hơn, và tôi càng hiểu hơn cuộc đấu tranh chống thực dân của nhân dân Pháp.


Sau hai năm rưỡi trời trong tù, mỗi ngày là một cuộc đấu tranh, rồi bị chính quyền Sài Gòn trục xuất 27 ngày trước lễ ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày mồng một tháng giêng 1973, tôi hạ cánh xuống phi trường Roissy, mặc bộ bà ba và đi dép râu. Trời bên ngoài xuống gần độ không, nhưng trong tôi hừng hực nóng ran. Sau khi ôm hôn tôi một lúc rất lâu, cha tôi nói : « Cha cũng yên tâm : hoá ra con còn nói được tiếng Pháp ! ». Cha tôi nói đùa mà thật. Đôi mắt tôi ở Pháp, nhưng đầu óc, trái tim, phẫn nộ và nước mắt của tôi vẫn ở Việt Nam, bên cạnh những bạn bè tôi còn ở trong tù. Trong suốt một năm rưỡi trời, tôi đi khắp thế giới, kiên trì vận động dư luận buộc chính quyền Nixon – Thiệu phải trả tự do cho họ. Một người bạn Pháp vốn ủng hộ các hoạt động của tôi là Elie Mignot, lúc đó là uỷ viên trung ương ĐCS Pháp, một người rất thiết tha gắn bó với sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam, cảnh báo tôi không nên sang Mỹ vận động. Thấy tôi không chịu nghe, Elie bèn nói : « Này André, cậu là người Pháp hay người Việt Nam đấy ? ».


Ở thời điểm đó, tôi cảm thấy mình 100 % là người Việt Nam. Trong suốt thời gian này, hội Cứu trợ Bình dân Pháp (Secours Populaire Français) và hội Hữu nghị Pháp-Việt cấp cho tôi món tiền tài trợ cần thiết để bảo đảm cái ăn cái mặc, còn « hải cảng cặp bến » duy nhất của tôi là chị Phan Thị Minh, thành viên Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Chị là « cố vấn » giúp tôi chuẩn bị những bài phát biểu tại các nước có phong trào phản chiến mời tôi sang nói chuyện. Chị Minh hiện sống ở Đà Nẵng. Chị là bà mẹ Việt Nam của tôi.


Sau chiến dịch Hồ Chí Minh hoàn toàn giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước Việt Nam, tôi trở lại nghề giáo viên ở quê tôi, sống gần cha mẹ tôi : là con trai duy nhất, tôi đã để cha mẹ tôi sống cô đơn trong một thời gian quá dài. Tôi đã lập gia đình, tự tay xây ngôi nhà cho tiểu gia đình, và tìm lại gốc rễ nông dân của mình ở vùng Languedoc (miền nam nước Pháp). Song Việt Nam vẫn ám ảnh tôi, và những hình ảnh đậm nét vẫn hiện ra, lôi cuốn tôi trở lại phía bên kia trái đất, trở lại những cỗi rễ khác của tôi, những cỗi rễ mới hơn nhưng không kém thâm sâu cỗi rễ sinh học của mình. Ba mươi năm cứ thế trôi qua.


Đến tuổi về hưu, đọc hồ sơ hưu bổng, tôi mới phát hiện ra là cơ quan hành chính Pháp coi những năm tháng ở Chí Hoà của tôi là « xin nghỉ để sống với bạn đời ». Giận quá, tôi cương quyết yêu cầu bộ giáo dục phải sửa ngay cái câu mà tôi thấy vừa dối trá vừa là một sự phỉ báng đối với tôi và đối với Việt Nam. Đây tuyệt nhiên không phải là chuyện kì kèo tiền nong trong việc tính hưu bổng theo số năm dạy học mà là vấn đề nguyên tắc, vấn đề danh dự. Trước sự từ chối hống hách của nhà đương cục, tôi đã bắt đầu một cuộc đấu tranh kéo dài bốn năm trời. Tôi được sự ủng hộ của hàng trăm người : những nhà giáo, nhà nông trồng nho, nhân viên, công nhân, vận động viên thể thao, Việt kiều, nhà hoạt động chính trị, nhiều người còn trẻ, không trải qua cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong cuộc đương đầu với hai chính quyền (phái tả, rồi phái hữu), năm 2001 trong năm ngày đêm băng giá, năm 2003 trong suốt 46 ngày đêm mùa hè thiêu đốt, tôi kiên trì « biểu tình » trên tháp chuông hẹp của nhà thờ lớn Béziers ở độ cao 60 mét, bạn bè tôi thay phiên nhau đứng dưới chân tháp để ủng hộ và bảo vệ tôi. Trong những lúc khó khăn ấy, nhất là trong những đêm dài, tôi đã bấu víu vào những hình ảnh quá vãng để được tiếp sức, tôi đã mường tượng ra sự hiện diện bên tôi của anh Quới và các đồng chí, của các bạn sinh viên Lập, Mẫm… cũng như của biết bao người bạn chiến đấu khác. Muốn giữ vững, tôi quyết tâm trở lại thành Việt Nam 100%. Để bảo vệ tôi, bà Nguyễn Thị Bình đã đích thân gửi thư cho tổng thống Chirac, nhấn mạnh tôi là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam.


Cuộc đấu tranh kết thúc thắng lợi, bạn bè tôi đã tổ chức một bữa liên hoan tưng bừng và trao tặng tôi tấm vé máy bay đi Việt Nam. Thế là năm 2002, tôi đã « về nguồn » trở lại Việt Nam. Gặp lại các bạn « tà ru » (nghĩa là tù ra), gặp lại « bố » là giáo sư Trần Hữu Khuê (từ trần năm ngoái), thăm lại xà lim và cái sân trại giam Chí Hoà : những bóng ma mà tôi đã trừng mắt đứng nhìn để thách thức chúng trở lại. Ở mọi nơi, bất cứ địa phương nào, tôi cũng được đón tiếp như người nhà. Tôi cũng đã được chính quyền trao tặng những huy hiệu danh dự, huy chương và huân chương vì hữu nghị… Tiếng Việt của tôi dần dần trở lại. Nước Việt Nam từ đó tôi ra đi năm 1973 còn thương tích chiến tranh. Ngày nay tôi phải tìm lại dấu tích của mình trong những biến thiên của một xã hội sống trong hoà bình và đang phát triển mạnh. Tôi đã thường xuyên trở lại nhiều lần, với nhiều chương trình hoạt động : phát học bổng cho trẻ em nghèo và xứng đáng (đó là mục tiêu chính của hội ADEP mà tôi làm chủ tịch) ; trao đổi kinh nghiệm sư phạm cho học sinh trung học Pháp và Việt Nam ; môi giới giữa các đối tác Việt-Pháp cho việc xuất-nhập rượu nho. Tôi đã làm việc khá nhiều với Saigontourist. Tôi đã tranh thủ được chính quyền vùng Languedoc Roussillon và chính quyền tỉnh Hérault tham gia các chương trình trao đổi và hợp tác nói trên.


Các hoạt động vừa kể đã đưa tôi thâm nhập hơn nữa vào xã hội Việt Nam ngày nay, nhận thức được đặc điểm, nhu cầu, cũng như những vấn đề, những suy tư trắc trở. Điều đó càng làm tăng « tính Việt Nam » trong tôi. Tôi không còn « đứng bên phía » Việt Nam nữa, mà « ở trong lòng » Việt Nam. Chính vì thế mà một khi luật pháp Việt Nam cho phép, việc tôi xin có quốc tịch kép Pháp-Việt đối với tôi là điều đương nhiên. Nhà lãnh đạo đầu tiên mà tôi có dịp bày tỏ ý muốn ấy cách đây gần ba năm là ông Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, khi ngẫu nhiên tôi được gặp ông. Trước mặt bạn bè, ông phó chủ tịch nói ông coi tôi là « người nhà », tôi bèn nói đùa : « Thế thì tại sao không cấp cho tôi quốc tịch Việt Nam ? ». Ông trả lời không một chút do dự : « Anh làm đơn đi, tôi sẽ ủng hộ ». « Nhịp cầu đầu tư » của bạn tôi, đạo diễn Đặng Nhật Minh, là tạp chí đầu tiên đề cập chuyện này. Tôi đã viết thư tay cách đây hai năm gửi đại sứ Việt Nam tại Pháp. Sau đó, từ Việt Nam và từ Pháp, tôi đã hai lần gửi thư bảo đảm tới chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nhưng cả hai lần thư không tới tay ông. Năm ngoái, Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh có nhã ý mời tôi về Việt Nam ăn tết. Trong một bữa ăn thân mật có mặt phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài và đại diện Sở ngoại vụ, tôi lại nêu vấn đề này lên, và các vị đã giúp tôi thúc đẩy thủ tục. Rồi mới đây, qua sự liên hệ của những người bạn chiến đấu thân cận, chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã dành cho tôi vinh dự được ông tiếp ở Hà Nội và báo cho tôi tin mừng. Như vậy là kể từ ngày 11 tháng 11-2009, tôi chính thức là người Việt Nam. Sự tình cờ ngẫu nhiên của cuộc sống và của Lịch sử đã trao phó cho tôi nhiệm vụ đoàn kết với Việt Nam. Nay đối với tôi, nó đã trở thành nhiệm vụ dân tộc. Trong quá khứ, tôi đã bảo vệ những gì liên quan tới Việt Nam vì tình đoàn kết. Từ nay tôi bảo vệ Việt Nam, tuy vẫn tuân theo những giá trị của quá khứ, nhưng với sức mạnh lớn hơn và phương tiện nhiều hơn, bởi vì tôi là người Việt Nam !


Cho nên, nếu tình cờ đi ngoài đường phố hay trên đồng ruộng, có gặp một người Việt Nam hơi kỳ một chút, mũi lõ, mắt xanh, cánh tay lông lá, nói tiếng Việt với cái giọng lơ lớ, chữ tác đánh chữ tộ, thì hỡi đồng bào thân mến, các bạn đừng tưởng nhầm : trong thâm tâm, hắn ta là một người Việt Nam thực thụ đấy.




Bản dịch của Nguyễn Ngọc Giao


Nguồn : do tác giả cung cấp


Nguyên tác : Comment je suis devenu Vietnamien








Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss