Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Nhớ Lê Hiếu Đằng

Nhớ Lê Hiếu Đằng

- Giáp Văn Dương — published 24/01/2014 23:00, cập nhật lần cuối 24/01/2014 23:52



Nhớ Lê Hiếu Đằng

 


Giáp Văn Dương


 


1. Tôi chưa có duyên được gặp mặt anh Lê Hiếu Đằng. Kẻ Nam người Bắc, lại lệch nhau hơn ba chục tuổi, nên lạc mất nhau giữa muôn vàn xô đẩy của dòng đời. Nhưng tôi may mắn được đọc những bài viết tâm huyết của anh và chứng kiến những việc anh làm lúc cuối đời. Chỉ ngần đó thôi cũng đủ để tôi cảm mến và gần gũi anh.


Những ngày nằm trên giường bệnh, anh vẫn viết, vẫn suy tư không ngơi nghỉ. Hiếm có người nào mà từ việc ốm đau, viết bài lại được bạn hữu cập nhật cho cộng đồng biết, rõ ràng đến từng chi tiết, như anh.


Ban đầu, tôi chỉ coi đó như một sự chia sẻ của những người bạn, nhưng nhờ internet nên mới lan truyền rộng rãi. Nhưng sau thấy cái lý này xem ra không vững. Internet là của chung chứ nào của riêng ai. Mỗi ngày, có biết bao người đi khỏi thế gian này. Ngay cả những vị tai to mặt lớn, đứng trên tột đỉnh uy quyền, từng thét ra lửa, từng nắm sinh mệnh của bao người, vậy mà hiện sống ra sao, ốm đau thế nào, suy nghĩ những gì… thì nào ao biết ? Nào ai quan tâm ?


Vậy thì phải có cái gì đó khác, để mọi người dõi theo anh, ngay cả khi anh ở trên giường bệnh.


2. Những năm gần đây, khi cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp, bên cạnh cá chép là thứ không thể thiếu, thì nhiều gia đình đã cúng thêm kẹo ngọt. Lý do là để ông Táo ngọt giọng mà bẩm báo với thiên đình, để thiên đình lượng thứ nếu trong năm gia đình có gì lầm lỗi.


Các bà nội trợ rỉ tai nhau. Một đồn mười, mười đồn trăm, chỉ trong vài năm, việc cúng kẹo ngọt đã trở thành văn hóa. Âu cũng là sự phản ánh của đời thường, công quyền có quá nhiều nhũng nhiễu, nên người dân người ta sợ. Sợ thì phải đút lót, phải ngọt nhạt làm đầu. Rồi họ nghĩ thiên đình chắc cũng như hạ giới, nên mới có cái màn cúng kẹo ngọt này, chứ trước đây thì làm gì có trò này.


Được biết tháng trước anh đã rất yếu. Nhiều người đã chuẩn bị để tiễn anh. Nhưng sau lại gắng gượng, cầm cự được thêm một tháng, còn viết được thêm một bức thư gửi thanh niên, sinh viên. Nay nhằm ngày khuya ngày 22 tháng Chạp anh đi. Nay biết ông Táo đã bị ‘mua chuộc’ bàng kẹo ngọt như vậy, nên anh vội vã đi trước chăng ?


3. Khi tin anh mất lan ra, những tấm hình cuối cùng về anh cũng được đưa lên mạng internet. Xem những tấm hình này, tôi thấy rất đau lòng. Một đời hoạt động sôi nổi, giờ kết thúc trong tiều tụy vậy hay sao? Bộ quần áo anh mặc, chiếc chăn anh đắp, chiếc gối anh dùng, chiếc giường anh nằm, một căn phòng có nhiều vết loang lổ trên tường… Tất cả đều đơn giản và nhàu nhĩ, trái ngược hẳn những xa hoa đang ngập tràn trên mạng.


Tôi không rõ những tấm hình này được chưng ra là do mến thương hay sơ ý. Nhưng sao xót xa quá đỗi ?


Tôi đã thầm trách người đăng ảnh, sao lỡ đăng lên những tấm hình như vậy. Tôi muốn lưu giữ anh ở một hình ảnh khác, khỏe mạnh và vững chãi, chứ không phải những tấm hình tiều tụy thế này.


Rồi nữa, những kẻ đang sợ hoặc thù ghét anh liệu có hả hê khi thấy những tấm hình này ? Có đắc chí khi thấy anh ra đi trong giản đơn như vậy ?


Những đồng chí cũ của anh có thể sẽ ra đi trong những căn biệt thự xa hoa, hay những phòng VIP của các bệnh viện quốc tế. Nhưng liệu tôi có thấy xót xa trước sự ra đi của họ hay không ?


Không !


4. Tôi ngồi trong phòng, xem đoạn video clip khâm liệm anh, thấy mọi thứ bỗng giản dị, trần trụi như một sự thật cần phải nhìn thẳng. Không màu mè, không khóc lóc. Chỉ làm những việc cần làm. Rõ ràng và minh bạch dưới ống kính máy quay để ai cũng có thể thấy điều cần thấy.


Sự minh bạch của một cái chết !


Nhờ sự minh bạch này mà tôi biết rõ hơn về anh, về một sự kiện đang xảy ra. Và cũng nhờ nó mà tôi thấy thôi thúc phải viết những dòng này.


Chợt không còn giận người đăng những tấm ảnh cuối của anh lên mạng nữa. Mọi thứ cần phải minh bạch, dù nó không đẹp và sang trọng như ta mong muốn.


5. Hành trình của đời người, anh đã đi hết.


Vẫn yêu đời cho đến phút cuối cùng.


Giờ này, bạn bè anh đang đến bên anh để chuẩn bị đưa tiễn anh. Tôi ở xa không thể đến được. Đành thắp một nén tâm nhang tưởng nhớ anh, và viếng anh bằng một câu đối nhỏ :


Hiếu đễ trung trinh : Với ai ? Cuối đời còn dằn vặt !

Đằng giang tự cổ : Vì đâu ? Về cõi vẫn khôn nguôi !


Chuyện anh, anh đã gánh trọn.


Chuyện đời, sẽ có đời gánh vác.


Anh cứ thảnh thơi !


Giáp Văn Dương

Hà Nội, 24 tháng Chạp, Quý Tỵ (24/1/2014)



NGUỒN : Viet-Studies

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss