Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Những ngày trước tết

Những ngày trước tết

- Nguyễn Ngọc Giao — published 06/02/2008 17:55, cập nhật lần cuối 08/02/2008 15:40
Tôi hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất vào đúng ngày ông Táo lên trời (30.1.2008)...


Thư Sài Gòn



Những ngày trước tết



Tôi hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất vào đúng ngày ông Táo lên trời (30.1.2008). Bay từ Nha Trang (đúng hơn, là sân bay Cam Ranh), chặng cuối của lộ trình bắc-nam lần này (Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nha Trang). Từ Quảng Ngãi vào Nha Trang, chúng tôi đi xe lửa (7 giờ), từ Nha Trang vào Thành phố máy bay (1 giờ). Cả hai chuyến, mua vé không khó khăn. Vì "ngược chiều". Chiều ngược lại, nghĩa là từ Thành phố ra bắc, ra trung, về miền tây, cũng như từ Hà Nội về Thanh Hoá, Nghệ An, hay đi các tỉnh... đừng hòng tìm ra vé (chứ không nói tới chỗ ngồi : xe đò "nhồi khách" bằng mọi giá, và tăng giá vé một cách vô tội vạ).

Ấn tượng đầu tiên là cái nóng ập vào người, áp vào da thịt. Cũng như ở Nha Trang. Khác hẳn cái mát đầu thu ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Và trái nghịch với cái lạnh, mưa buốt của Bắc Bộ. Những cành đào nở sớm bày bán ven đường Nhật Tân mưa bụi, thì đúng là cảnh tết. Ở sân bay Tân Sơn Nhất, những cành đào Nhật Tân (thì cứ gọi như thế, chứ ai cũng biết, Nhật Tân đã từ lâu trở thành "làng Tây", chi chít những villa cho người nước ngoài thuê, còn đâu là vườn đào) nếu không lạc lõng, thì cũng phần nào giả tạo, giống những băng rôn đỏ chói "Mừng Đảng mừng Xuân", hay "khiêm tốn" hơn, "Mừng Xuân mừng Đảng" treo trên đường phố. Trong phạm vi sân bay, đó là những cành đào bay từ miền Bắc vào, được bày bán mời chào, hay được hành khách nâng niu mang theo (khoảng 250 000 đồng một cành + 150 000 cước phí máy bay). Ra khỏi cổng sân bay, dọc theo đại lộ Hoàng Văn Thụ là cả một rừng cành đào, chậu quất, chở xuống từ Đà Lạt. Rồi hoa mai, tất nhiên. Nhưng các chợ hoa tết ở Thành phố mãi tới hai mươi sáu tết (2.2.2008) mới bắt đầu. Nên trên đường phố, mai giả hình như còn lấn át mai thật, vàng choé và loẻng xoẻng những đồng tiền vàng chúc phúc. Một không khí buôn bán rất "tàu" (nghe nói cuốn phim "hoành tráng" Lý Công Uẩn mà nhà nước bỏ ra chục tỉ đồng để chuẩn bị "1000 năm Thăng Long", ngoại cảnh sẽ được quay ở... Trung Quốc !).

Ấn tượng thứ nhì, khắp nơi trên đất nước, từ đường đèo Bản Giốc đến phố xá Sài Gòn, là "mũ bảo hiểm". Người đi xe gắn máy (trừ trẻ em, chưa bắt buộc), hầu như không ai không đội nón "bảo hiểm" (từ ngày 15.12 vừa qua, trở thành bắt buộc, ai không đội, phải trả tiền phạt, đắt ngang tiền mua mũ). Giờ tan tầm ở Hà Nội cũng như ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngồi trong xe taxi, bạn có cảm tưởng bị bao vây tứ phía bởi những quả cầu muôn màu, muôn dạng, phải nhìn kĩ lắm mới tìm ra một mái đầu trần, hay ở Hà Nội, một cái mũ len : đó là người đi xe đạp, dường như một "loại vật trên đà tuyệt chủng" ở thành thị. Mũ "bảo hiểm" vẫn còn là câu chuyện cửa miệng và đề tài tranh luận. Không thiếu người cho rằng đội mũ trên đường trường là cần thiết, nhưng ở thành phố thì không, vì xe chạy chậm, khi xảy ra tai nạn, tỉ số chấn thương sọ não rất thấp. Luận điểm này mới nghe cũng thấy hợp lí, nhưng không dựa trên số liệu thống kê chính xác nào, vả lại chấn thương sọ não không tuỳ thuộc vào vận tốc hai chiếc xe : mùa hè 2005, nhà báo Thái Ngọc San chạy xe chậm, ông già tông xe vào anh cũng chạy rất chậm, nhưng khi ngã, anh San va đầu vào vỉa hè, và chúng ta mất đi một nhà báo dũng cảm, một nhà thơ tâm huyết, hai cháu bé trở thành con côi. Đáng quan tâm hơn là những phê bình về những biện pháp chuẩn bị, kiểm tra chất lượng các thương hiệu, và lối rình mò phục kích của cảnh sát giao thông. Dẫu sao, việc đội mũ an toàn là cần thiết, và việc mọi người tuân thủ lệnh đội mũ là một thành công của chính quyền.

Điều làm tôi suy nghĩ là nhận xét của một chị bạn : chính quyền này đã thành công trong một loạt biện pháp mà nạn nhân là... người nghèo. Tỉ số lạm phát, dù đã được "điều chỉnh", cũng vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng. Thế mà người giàu có vẻ vẫn giàu thêm (những chiếc điện thoại di động nạm vàng và gắn kim cương, 100 000 đô la một cái, đã được nhập khẩu làm quà Noel, và tết này, một chiếc xe Rolls Royce đã được chở bằng máy bay về Tân Sơn Nhất, trị giá và cước phí tổng cộng 1,5 triệu đô). Có nghĩa là mức sống thực sự của đa số người dân trong năm qua, không những không nhích lên chút nào, mà đã giảm sút trông thấy, theo chiều nghịch với giá xăng dầu, thực phẩm, vật dụng...  Học phí tiếp tục tăng, trường đại học công bị đe doạ "cổ phần hoá". Hàng rong bị cấm, xe ba gác, xe "tự chế" vừa có lệnh bị cấm, thì hàng vạn xe ba bánh "made in China" đã trực sẵn ở biên giới phía bắc, hàng nghìn chiếc đã được nhập kho (nếu không có sự móc ngoặc từ đầu, thì ít nhất cũng đã có sự rò rỉ thông tin từ cấp cao, và từ lâu). Còn công nhân ở các xí nghiệp vốn nước ngoài đã đình công hàng loạt, ngay vào những ngày giáp tết, ở cả những xí nghiệp Nhật Bản (cho đến nay, ít có tranh chấp xã hội so với các xí nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc).

Ấn tượng thứ ba là nạn kẹt xe ở Hà Nội. Con trai lớn của tôi, sinh trưởng tại Pháp, trong nhiều năm trời rất thích về thăm Hà Nội trong những dịp nghỉ. Nó không ưa Sài Gòn, nói "đã biết Băng Cốc rồi". Hè vừa qua, sau một chuyến về Hà Nội, nó than : "Buồn quá, Hà Nội gần như Sài Gòn rồi". Đó là nó nói tới tình trạng giao thông và ô nhiễm trên đường phố. Quả đúng như vậy, Hà Nội kẹt xe không khác Thành phố Hồ Chí Minh. Có phần hơn, vì nhiều đường phố nhỏ hẹp, số lượng xe máy tiếp tục tăng lên, xe hơi cũng thế, lại nhiều xe to (mốt nhà giàu hiện nay là đi xe 4x4 !). Đặt chân về Hà Nội, ba tối liền chúng tôi đến chậm hơn 30 phút so với giờ hẹn. Cũng may là điện thoại di động ở Việt Nam còn nhiều hơn xe máy. Đáng sợ là trước mắt không thể có giải pháp. Mọi giải pháp khả thi đều là những giải pháp lâu dài, đòi hỏi một tầm nhìn xa, và chuẩn bị đồng bộ ngay từ bây giờ. Mà nhìn xa, đồng bộ là hai điều thiếu vắng ở giới cầm quyền.

Thí dụ nữa là nền giáo dục. Với tinh thần giáo dục thống trị từ mấy chục năm nay (nhồi sọ, tiêu diệt sự độc lập suy nghĩ, trấn áp óc phê phán) và bộ máy (bộ, sở, trường...mọi cấp đều tham nhũng) hiện nay, không thể nào có giải pháp. Mọi "phong trào" (kiểu "nói không với tiêu cực") chỉ là sự hò hét vô hiệu, mọi ý kiến xây dựng nếu không bị rơi vào quên lãng thì cũng bị lèo lái ngoắt ngoéo, để cuối cùng, đi ngược lại ý hướng của người đề nghị. Đáng sợ hơn nữa là dư luận công chúng, đặc biệt là phụ huynh học sinh, có lẽ vì tuyệt vọng, nên sẵn sàng chấp nhận (hay vô cảm trước) những biện pháp đi ngược với quyền lợi chung, phi lý một cách khó hiểu, khi chúng được che đậy bằng những từ ngữ vừa lạ tai vừa quen thuộc, mà nhờ một trò ảo thuật đánh tráo khái niệm, có thể nói ngược lại ý nghĩa nguyên thuỷ. Điển hình là cái gọi là "xã hội hoá giáo dục". Trong quan niệm mác xít, và cũng chẳng cần mác xít gì cả, theo mọi quan niệm tiến bộ về xã hội, thì giáo dục là sự nghiệp của toàn xã hội, của quốc gia, nên nó phải được "xã hội hoá", cụ thể là "quốc dân hoá", và Nhà nước phải đảm nhiệm công cuộc đó. Ở đây và bây giờ, đối với ông phó thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ giáo dục, "xã hội hoá giáo dục" có nghĩa là nhà nước đã phủi tay, nay phủi tay mạnh hơn, người dân đã phải đóng thuế để nuôi bộ máy giáo dục ăn hại, nay phải trả thêm học phí và hàng trăm thứ phí khác. Không những thế, ông còn muốn "cổ phần hoá" trường đại học, nghĩa là biến trường công thành trường tư để các "cổ đông" (phần lớn là những cựu bộ trưởng, quan chức lớn của bộ máy giáo dục, là những người đã trực tiếp gây ra tai hoạ hiện nay) kiếm lời thêm (có cần nói thêm rằng ở chính nước Mĩ, các trường đại học tư có giá trị đều là những cơ sở "vô vị lợi"). Cũng phải nói cho công bằng, cái tai hoạ "xã hội hoá giáo dục" này không phải do ông phó thủ tướng đề xướng : ông chỉ mẫn cán và vô tâm thi hành một nghị quyết của Đảng. Trong tình hình đó, không thể có một giải pháp trước mắt. Nhưng người ta có quyền chờ đợi ở chính quyền một sự sáng suốt tối thiểu : một mặt cứ duy trì bộ máy hiện  hữu với nền giáo dục mà nó vừa là sản phẩm vừa là tác nhân, mặt khác khuyến khích, hay ít nhất, để yên cho những trường hoa tiêu vô vị lợi ra đời và hoạt động, tôn trọng chương trình chung, nhưng giảng dạy và học theo tinh thần khoa học, nhân bản. Những trường học như thế, với vài trăm, một nghìn sinh viên, không đe doạ "nồi cơm" của ai, sinh mệnh chính trị của người nào. Và thành công và thất bại của chúng sẽ là những kinh nghiệm thực tiễn, để mai này, chính quyền vạch ra được phương hướng giải quyết.

Nạn kẹt xe ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không có giải pháp ngày nào các đô thị chưa được quy hoạch hoá như Đà Nẵng đã làm được. Nhưng kẹt xe tối đa cũng không quá 24 giờ một ngày. Còn "kẹt" giáo dục như hiện nay, thì đất nước này sẽ phải trả giá hậu quả nạn ngu dân trong suốt mấy chục năm nữa. 

Cố nhiên, đi từ bắc vào nam, dù không muốn nhìn cũng vẫn thấy được những yếu tố làm cho tôi lạc quan. Đó là sức sống ở mọi nơi, mọi người, nhất là của phụ nữ. Một chị nông dân Quảng Ngãi, ngày ngày trên chiếc xe Honda tuổi đời gần một phần tư thế kỉ (loại xe nghe nói sắp bị cấm), bươn chải ngày đêm với nghề hàng xáo, ở trong căn nhà vách đất xập xệ, một mình nuôi hai con ăn học. Con lớn học đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị không cho đi làm kiếm cơm, mỗi tháng chị phải gửi cho nó 1 triệu rưởi đồng mới tạm đủ tiền ăn, ở, học. Đứa con thứ nhì đang học lớp 12. Cuối năm nếu nó thi đỗ vào đại học, mỗi tháng chị sẽ phải tìm ra mấy triệu, cho dù ông Nguyễn Thiện Nhân chưa tăng học phí ? Nhưng, như một nhà báo nhắc lại, chị "quyết tâm theo con lên đại học". Ở thành phố, tôi được gặp một phụ nữ trẻ, chưa tới 30. Chị là một nhân vật năng nổ nhất trong nghề. Sau bữa ăn tối, chúng tôi ra ngồi quán cà phê ở gần Hồ Con Rùa, đường Phạm Ngọc Thạch. Cứ mỗi nửa giờ, chị lại xin lỗi phải gọi điện về cơ quan : họ đang ra một sản phẩm, khi cần là chị phải phóng xe về giải quyết "sự cố". Chúng tôi chưa bao giờ được gặp chị. Nhưng sau một giờ trò chuyện, nhân một cô bạn nhà báo kể lại chuyến đi nông thôn Quảng Trị, nói về vai trò của hội phụ nữ ở cơ sở, từ quỹ vi tín dụng đến nạn bạo hành đối với phụ nữ, chúng tôi được chị tâm sự. Hoá ra con người toát ra năng lực và sự đam mê kia cũng vừa vượt qua một thử thách ghê gớm : người yêu, trở thành người chồng chị, đã bạo hành chị, không chỉ một lần. Tôi bỗng nhớ tới một thông tin vừa thu lượm được, nhưng chưa được kiểm chứng trực tiếp : ở Hà Nội đã thành lập một câu lạc bộ "những lesbian giả". Đó là những cô gái, những thiếu phụ Việt Nam của năm 2008 này, giả tảng là những người "nữ đồng tính", vì họ không tìm thấy ở nam giới quanh mình những con người bình đẳng (và coi họ là bình đẳng) để xây dựng lứa đôi. Còn quá sớm để rút ra những bài học từ sự kiện này. Tôi chỉ muốn ghi nhận ở đây sự trỗi dậy của những con người có bản lĩnh, tự khẳng định trong nghề nghiệp, trong quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội... Song cũng không phải ngẫu nhiên nếu phần lớn những mẫu người ấy lại là phụ nữ... Những nhận xét vừa nói trên, chừng nào tôi cũng đã quan sát trong cộng đồng người Việt ở California.

Lạc quan ? Nếu không muốn dùng những khái niệm lạc quan / bi quan "không giải quyết được gì cả", thì xin tạm dùng hình tượng của nhà văn Nguyên Ngọc, ông già 75 tuổi vẫn thoăn thoắt từ Hội An, ra Bắc, vào Nam để ra cho bằng được Trường đại học Phan Châu Trinh (sẽ thực sự khai giảng sau kỳ nghỉ tểt Mậu Tý này), vừa tham gia trang sachhay.com trên mạng internet : cuộc sống cứ lừng lững đi tới. Đúng là cuộc sống vẫn cứ căng lồng ngực đi tới. Đi hai chân (hình như cuộc sống ít đi xe hơi Rolls Royce), và đi cả bằng những cái blog đang nở rộ trên mạng. Tết năm ngoái, có ai dám nghĩ rằng, không có lệnh của cơ quan đoàn thể nào (ngược lại), hàng trăm, hàng nghìn thanh niên (lứa tuổi mà ông bà già nào cũng than "chúng nó chẳng thiết tha gì tới đất nước, tới tình hình chính trị") cuối năm sẽ xuống đường, để nói : "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam". Họ tới đúng giờ, đúng điểm hẹn (đại sứ quán Trung Quốc, phố Hoàng Diệu, Hà Nội, và tổng lãnh sự quán Trung Quốc, đường Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh). Phương tiện thông tin duy nhất : điện thoại di động và nhất là những trang blog. Blog đã trở thành báo chí cá nhân, không cơ quan chủ quản, chẳng ai "cắm" được tổng biên tập. Nó cứ... blừng blững đi tới. Như cuộc sống. Như chồi xuân.


3.2.2008

Nguyễn Ngọc Giao



Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Mậu Tý
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss