Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Văn hóa và kinh tế thời hội nhập

Văn hóa và kinh tế thời hội nhập

- Hà Dương Tường — published 05/10/2007 20:07, cập nhật lần cuối 05/10/2007 22:35


Văn hóa và kinh tế
thời hội nhập*


Hà Dương Tường



Có nhiều lý do để những người làm kinh tế (doanh nhân và cả những nhà hoạch định chính sách) chú ý nhiều hơn tới các khía cạnh văn hóa trong những suy tính của mình.


Trước hết là một nhận xét đơn giản: Những sản phẩm văn hóa có một trọng lượng kinh tế không nhỏ, và trọng lượng đó càng lớn theo sự phát triển của xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà trên bàn hội nghị của những GATT, WTO, các nhà thương lượng Mỹ bảo vệ rất mạnh sự “tự do lưu thông” của phim ảnh, âm nhạc Mỹ trước việc một số nước đòi quyền đưa ra hạn ngạch để bảo vệ nền điện ảnh, âm nhạc của mình (Pháp, Hàn Quốc...). Hội Những nhà sản xuất phim ảnh Mỹ (MPAA) là một tổ chức vận động hành lang có tiếng nói khá nặng cân, vì doanh số phim Mỹ xuất ra nước ngoài lên tới hàng chục tỉ đô la mỗi năm (25 tỉ năm 2004, chưa kể DVD và các sản phẩm phụ khác).

Có một thời người ta nhấn mạnh đến ý đồ “xâm lăng văn hóa” của Mỹ thông qua phim ảnh. Hiển nhiên là những nhà chính trị Mỹ luôn nghĩ tới việc phát huy ảnh hưởng của nước mình trên thế giới (đó cũng là trách nhiệm của họ khi được bầu lên!), và văn hóa là một lĩnh vực quan trọng trong nhiệm vụ đó. Nhưng tôi ngờ rằng, nếu Hollywood chỉ sản xuất vài ba bộ phim mỗi năm thì dù MPAA có gây áp lực bao nhiêu chắc cũng chỉ nhận được lời hứa... xã giao của các nhà ngoại giao Mỹ. Tiếng nói của các ông chủ tịch MPAA khi họ thúc đẩy Nhà trắng thông qua quy chế tối huệ quốc cho Trung Quốc (năm 2000) hoặc khi họ đòi Trung Quốc phải xử lý kiên quyết nạn sao chép bất hợp pháp các DVD trước ngày khai mạc Thế vận hội 2008, chắc cũng chẳng được báo chí, phương tiện truyền thông nào trên thế giới phản ánh. Tệ hơn, nếu Hollywood không “cân nặng” hàng chục hay hàng trăm tỉ đô la, liệu có nhà ngoại giao Mỹ nào dám nói với ba nước châu Phi nói tiếng Pháp rằng “hoặc các ngài bãi bỏ mọi biện pháp bảo vệ trong lĩnh vực nghe-nhìn, hoặc chúng tôi sẽ cắt viện trợ lương thực”, như một nhà ngoại giao châu Phi tiết lộ với báo Le Monde (số ra ngày 14-10-2003)?  

Ở nước ta, dù các nhà chức trách luôn rất cảnh giác với hiện tượng “xâm lăng văn hóa”, phim ảnh Mỹ, Hàn, Trung Quốc... thực ra đã chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường! Chẳng hạn, trong mảng “phim thiếu nhi”, báo Bưu Điện (số 47-2007) cho biết trong danh sách phim hè cho thiếu nhi 2007 tại các rạp trên toàn quốc vẻn vẹn chỉ có... một phim “nội”, tám phim còn lại đều là hàng “nhập ngoại” đang đắt khách tại Mỹ. Ngay cả phim hoạt hình dài tập chiếu trên các kênh truyền hình hiện nay như chuột Mickey, vịt Donald hay chú chó Pluto... cũng đều là “hàng ngoại” (báo Hà Nội Mới số ngày 17-6).

Ngoài phim ảnh, tất nhiên còn các loại hình nghệ thuật khác, trong đó phải kể đến âm nhạc, các loại trò chơi truyền hình hoặc trò chơi trực tuyến. Câu hỏi đặt ra cho các nhà chức trách do đó không chỉ là quy định về tỷ lệ “phim nội” có phù hợp hay không với những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, mà còn phải làm sao để các sản phẩm văn hóa của ta đủ sức cạnh tranh, trước hết là trên thị trường nội địa (rồi sau sẽ tính tới thị trường bên ngoài)?

Các con số ví dụ trên cho thấy hạn ngạch tự chúng không đủ để bảo vệ cho những sản phẩm văn hóa “nội”, và nếu ta không chủ động hội nhập về văn hóa thì cũng sẽ bị văn hóa nước ngoài “lấn sân”. Mọi lời kêu gọi “bảo vệ bản sắc”, trong điều kiện đó, sẽ chỉ là tiếng kêu cứu thảm thiết mà chẳng ai đáp ứng được. Trong khi, ngược lại, chính do các nhà làm phim của các nước Pháp, Hàn Quốc, Iran... (mới đây là Rumani với những phim đoạt giải Cannes) sản xuất ra được những phim có giá trị, không chỉ đối với khán giả trong nước mà còn được đón nhận rộng rãi ở nhiều nước khác trên thế giới, mà nền điện ảnh của nước họ tồn tại mạnh mẽ...


Một ngành kinh tế lớn, ngành du lịch, có liên quan trực tiếp tới văn hóa. Những di sản văn hóa trên lãnh thổ một quốc gia là một chủ bài lớn để thu hút du khách nước ngoài, và từ đó nảy nở những mối giao thương khác.


Mặt khác, khi bạn bè hay đối tác nước ngoài tới tìm hiểu đất nước ta, tìm hiểu con người, xã hội và các cơ hội làm ăn với Việt Nam, dĩ nhiên điều tối thiểu là họ phải được tiếp đón với những chuẩn mực văn minh hiện đại. Nhưng như thế chưa đủ. Những ứng xử, những sản phẩm có tính văn hóa cao ngoài việc thu hút và giữ chân du khách, tranh thủ cảm tình của họ, còn góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam tới những nhà đầu tư tiềm năng dù đôi khi miếng bánh lợi nhuận chưa đủ hấp dẫn...

Một thống kê mới đây cho biết 70% du khách nước ngoài tới Việt Nam là “một đi không trở lại”. Đã có nhiều bài báo nói về yêu cầu thay đổi những ứng xử kiểu “đuổi khách” của nhiều tác nhân trong ngành du lịch. Nhưng có thể nào quên vai trò của những di sản và những sản phẩm văn hóa của đất nước. Chỉ xin lấy một ví dụ, ở các khách sạn trên thế giới mà người viết bài này đã đi qua ở châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Phi... đều thấy có một quầy nhỏ để những tờ rơi in màu rất đẹp, quảng cáo cho những địa điểm du lịch chung quanh đó như nhà bảo tàng, cung văn hóa hay khoa học, công viên, nhà thờ hay di tích cổ..., những hiệu ăn ngon, cùng với những tờ chương trình sinh hoạt văn hóa trong tuần hay trong tháng. Nhiều khi, di tích chỉ là ngôi nhà của một danh nhân văn hóa vài thế kỷ trước, hoặc một nhà thờ cổ chỉ còn gìn giữ được một phần nhỏ. So với nước ta, trong và chung quanh thủ đô Hà Nội có biết bao ngôi chùa đẹp, đình làng, nhưng có bao nhiêu khách sạn ở Hà Nội có được một quầy quảng cáo cho du khách biết? Khách muốn đi nghe chèo, tuồng, xem bất kỳ một biểu diễn văn hóa nào, nếu có hỏi lễ tân khách sạn cũng thường chỉ nhận được cái lắc đầu buồn phiền. Muốn đi ăn đặc sản, thường phải xem các sách hướng dẫn du lịch của nước ngoài! Những yếu kém đó của các sản phẩm văn hóa có phần trách nhiệm nào với con số 70% du khách “một đi không trở lại”?


Một khía cạnh khác, nối văn hóa với kinh tế một cách gián tiếp hơn, nhưng không kém tầm quan trọng: vấn đề trình độ văn hóa của xã hội nói chung, của những tác nhân kinh tế nói riêng.


Một yêu cầu hiển nhiên để có thể giành thắng lợi khi hội nhập - thắng lợi trong nghĩa là thông qua quá trình hội nhập làm cho đất nước mạnh lên, dân giàu hơn, đời sống xã hội văn minh, phong phú hơn - là chúng ta phải có đủ khả năng tiếp cận, phán đoán chính xác những nguồn thông tin đa dạng trên thế giới, khả năng chọn lựa chính xác nhất đường đi nước bước trong các tình huống khác nhau, phù hợp với thực lực của nền kinh tế ở thời điểm chọn lựa. Mà, trong rất nhiều trường hợp, khả năng tiếp cận và chọn lựa chính xác đó không chỉ là những kỹ năng có thể học trong các bài học kinh tế vi mô hay vĩ mô hoặc trong những tính toán kỹ thuật của các dự án mình muốn mua hoặc bán. Những hiểu biết về văn hóa, xã hội của nước đối tác cho phép nghĩ ra những mặt hàng kết hợp tiện ích với mẫu mã đẹp (dưới mắt người mua!), tránh những chiến dịch tiếp thị phản cảm với người bản xứ, cho phép nhà thương lượng đề ra những giải pháp mà người đối thoại cảm thấy sẽ thoải mái hay ít nhất là chấp nhận được trong môi trường của họ... Chưa kể, trình độ chuyên môn và văn hóa cao của nhà thương lượng cho phép họ có được những mối dây liên hệ ở mức đủ thân tình và tin cậy với những người sở tại cùng trình độ, và do đó có thể tư vấn cho mình một cách hữu hiệu mỗi khi gặp vướng mắc.

Hãy mở thử một tờ báo chuyên về kinh tế, tài chính thế giới như tờ Financial Times. Có phải “thừa giấy vẽ voi” mà báo này mở ra một chuyên mục “Arts & Weekend” rất phong phú, với rất nhiều bài viết điểm sách (cả tiểu thuyết, sách văn học, triết học chứ không phải chỉ sách kinh tế!), phim ảnh, kịch nghệ, âm nhạc, hội họa, và cả ẩm thực, thể thao? Tờ The Economist tôi có trên bàn khi viết bài này (số đề ngày 3-8-2007), mục Books & Arts có những bài như “Art in Myanmar”, “Filming German history”, “Saudi fiction” (về một tiểu thuyết trên mạng vừa được dịch ra tiếng Anh). Những doanh nhân, chính khách ở những nước phát triển luôn có thói quen dành trong lịch thời gian chật hẹp của mình một khoảng thời gian cho đọc sách, đi nghe nhạc, xem phim, kịch..., vừa để thoát ra ngoài sức ép của những chuyện nghề nghiệp hàng ngày, vừa mở rộng tầm nhìn. Trong khi, trên máy bay đường dài đi tiếp thị hay tìm hiểu thị trường, các doanh nhân nước ta buồn tình bèn mở máy tính xách tay xem... phim sex (tất nhiên, đây chỉ là một ví dụ cực đoan, song có lẽ nó không chỉ giới hạn ở một ví dụ được báo chí nói tới!).


Việt Nam cần tăng cường nội lực của mình thông qua những chính sách văn hóa như thế nào, để có thể giành thắng lợi trong hội nhập ?


Thế nhưng, có lẽ cũng không nên trách cứ nhiều lắm các đương sự, mà cần suy nghĩ nhiều hơn về việc tạo những thói quen “tiêu thụ” sản phẩm văn hóa, sách vở, điện ảnh, kịch nghệ..., khi mà phần “cung” cho nhu cầu đó, khách quan mà nói, là còn yếu. Cũng như phần lớn các sản phẩm kinh tế, sản phẩm văn hóa chỉ có thể phát triển và nâng dần chất lượng nếu cả xã hội cùng vào cuộc. Và cũng như trong kinh tế, việc “cởi trói” các hoạt động của xã hội công dân lại được đặt ra: thay vì chỉ trông cậy vào các hoạt động do Nhà nước đề ra và tổ chức, nên chăng Nhà nước cần khuyến khích hoạt động văn hóa của các hội đoàn tư nhân, và bảo trợ những hoạt động được xã hội đánh giá là có chất lượng và tính công ích cao hoặc thời gian thu lại kết quả đầu tư quá dài đối với một tư nhân (như thành lập các viện bảo tàng, nhà hát, cung khoa học...). Một cái nhìn thoáng về các hoạt động đó, về việc hình thành các hội đoàn (thể hiện qua luật hội), những chính sách miễn/trừ thuế thích hợp cho những Mạnh thường quân, thay cho “tư duy quản lý” hiện nay, là những bước đi cần thiết để có được nhiều hơn các sản phẩm văn hóa đa dạng và phong phú.

Tóm lại, những yếu tố văn hóa có tầm quan trọng không thể xem nhẹ trong bài toán nội lực của con người và xã hội của một dân tộc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, dù chỉ nhìn về phương diện “thuần kinh tế”. Thiết nghĩ, ngoài sự cần thiết phải có những chính sách kinh tế có hiệu lực tăng trưởng tốt và bền vững, câu hỏi đặt ra còn là Việt Nam cần tăng cường nội lực của mình thông qua những chính sách văn hóa như thế nào, để có thể giành thắng lợi trong hội nhập, như đã nói trên?

Câu trả lời xin dành cho những người có thẩm quyền. Tuy nhiên, xin được phép thêm một xác tín mà người viết nghĩ rằng có nhiều người chia sẻ: trách nhiệm trả lời câu hỏi đó không chỉ của những người có trách nhiệm về văn hóa mà là của cả các nhà báo, trí thức, người dân nói chung. Một cuộc thảo luận rộng rãi, công khai, dân chủ, không tránh né những húy kỵ, về chính sách văn hóa của đất nước, là vô cùng cần thiết trong thời buổi hội nhập, dù chỉ nói về kinh tế, nhưng tất nhiên không thể bị giới hạn bởi chân trời kinh tế.       


Hà Dương Tường

Nguyên Giáo sư Đại học Công nghệ Compiègne, Pháp



* Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, số 41-2007; 04.10.2007


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss