Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Về tu chính Hiến Pháp

Về tu chính Hiến Pháp

- T.V.T. — published 07/01/2013 17:10, cập nhật lần cuối 07/01/2013 17:22
Vài suy nghĩ sơ bộ của một luật gia người Việt tại Mỹ về việc tu chính Hiến Pháp mà bản Dự thảo vừa được công bố

Vài ý kiến về tu chính
Hiến Pháp Việt Nam


T.V.T. (*)


Mới có tin đã có dự thảo tu chính đưa ra Quốc hội mà chưa kịp đọc1, nhưng cứ tạm xin đưa ra vài suy nghĩ sơ bộ, vào thời điểm này, trong thời gian mấy tháng cho góp ý kiến. Rất có thể là những ý sau đây thì “cách mạng quá” và cũng lại bị Đảng xếp xó, vì đã nhiều lần, Đảng có sự do dự không muốn tu chính toàn bộ Hiến Pháp (HP), mà chỉ bàn tu chính vài điểm trong HP, dù có những lời kêu gọi tu chính căn bản toàn bộ HP (fundamental revision of the entire Constitution) trong nhiều tầng lớp, nhất là giới ưu tú (elites), nhưng lãnh đạo bảo thủ trong nhóm quả đầu (oligarchy) của Đảng vẫn kiểm soát, kiềm chế các tranh luận, như đã xảy ra các kỳ trước, 20012 và 2007. Dù có bị xếp xó, thì mấy ý kiến về nền dân chủ đích thực cũng vẫn là chiều hướng trường cửu của thời đại mới của nhân loại và rất có thể người ta lại phải bàn việc tu chính thêm nữa trong tương lai.

1. Nhu cầu tu chính toàn bộ, nhất là những điểm căn bàn sau, sẽ còn mãi, để có giải pháp tận gốc rễ:


a/ từ bỏ Độc Đảng cầm quyền (điều 4) mà quay lại đa nguyên như trở lại Hiến Pháp 1946 chẳng hạn. Việc trở lại HP 1946 như một giải pháp không mất thể diện về vấn đề bỏ điều 4 mà vẫn duy trì được sự nghiệp của Hồ Chí Minh, có lẽ dễ được đa số trong Đảng, nhất là cấp dưới, đồng ý – ngay cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An cũng có khuynh hướng này

b/ dứt khoát bỏ khẩu hiệu “xã hội chủ nghĩa” mà thực tế là giả hiệu, và mạnh mẽ theo kinh tế thị trường tự do hoàn toàn, không còn kèm theo câu “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” một cách giả tạo (tuy vẫn nên có các biện pháp thực sự nâng đỡ người nghèo, yếu thế, như ở các nước tư bàn), không để nhà nước ưu đãi quốc doanh thối nát và kém hiệu quả kinh tế, và nhóm tư bản bè phái (crony capitalism), mà trả lại nhân dân quyền bình đẳng kinh tế trong việc sở hữu các phương tiện sản xuất, nhất là đất đai (hiện nay, nói là cho dân làm chủ tập thể đất mà các quan lại trong bộ máy hành chánh nhà nước giữ việc quản lý, đòi lại đất ở tay người dân bất cứ lúc nào, thì cũng như tạo ra bất bình đẳng cơ hội kinh tế, tạo ra nạn tham ô, oán hận và phản đối hoài hoài, nguy cơ cho chế độ còn hơn sự thiếu dân chủ chính trị, như nói ở dưới đây) – hoặc nếu vẫn còn giữ quan niệm đất đai thuộc toàn dân thì phải cho dân sở hữu theo khế ước dài hạn 99 năm .

Không nên do dự về hai cải cách toàn bộ trên, sau khi đã thấy các sự thay đổi toàn diện làm cho tình hình khá hơn ở Nga và các nước Đông Âu, và xã hội chủ nghĩa cũng đã bị Trung Quốc gạt bỏ cho là lỗi thời (chỉ còn có xã hội chủ nghĩa 'theo lối Trung Quốc', ‘làm giầu là vinh quang”)


2. Việc có thể làm ngay là thực thi (implementation) những điều đã có TRÊN GIẤY TỜ, trong HP và luật pháp, về cả 3 lý tưởng của thời đại mới trên toàn cầu, là pháp trị, nhân quyền và dân chủ:


a) Pháp trị (rule of law), tức là mọi người, cả nhà nước và Đảng, sống dưới và phải trọng pháp luật, chứ không phải chỉ có pháp quyền (dùng luật để làm quyền, trấn áp dân –rule by law - thì dù có cả rừng luật thì cũng là luật rừng, như bà Ngô Bá Thành đã mỉa mai). Toà án xử theo lương tâm (cân nhắc công bình bằng chứng đưa ra bởi 2 bên, bên khỏe như nhà nước và Đảng cũng như bên yếu thế như người dân cùng khổ) và xử theo luật mà thôi – đó là pháp trị (rule of law) đích thực. Muốn đẩy mạnh pháp trị, toà án cứ việc thực thi đứng đắn HP và luật hiện hữu, mà không “thỉnh án” nơi Đảng, sẽ có kết quả đi đến pháp trị tốt hơn, vì nhiều nguyên tắc pháp trị đã có trong HP và luật hiện hành, nhất là luật tố tụng hình sự.

b) Nhân quyền/dân quyền (human rights hay constitutional rights) – đã quy định đầy đủ trong HP và luật hiện hành, chỉ việc thi hành trung thực là tiến bộ được nhiều.

c) Dân chủ (democracy). Có hai nguyên lý căn bản của nền dân chủ là chủ quyền thuộc toàn dân (Popular sovereignty) tức là dân phải được hành xử chủ quyền qua các cuộc bầu phiếu định kỳ, và chính quyền có quyền giới hạn (limited power) mà không thể lấn áp mọi lãnh vực đời sống nhân dân hay muốn ra lệnh gì cho dân cũng được. HP và luật hiện hành cũng cho người dân dịp đi bầu và ứng cử để tham gia quản trị nước, nếu thi hành thực sự; nhưng thực tế chưa thi hành như vậy và muốn tiến tới dân chủ thì phải thực thi chu đáo, cho mọi người dân được tự do bầu cho bất cứ ai theo phiếu kín chứ không theo chỉ thị thấy “3 bỏ 2” [thấy 3 ứng cử viên thì chọn 2 theo lời dặn của Đảng bộ], và cho người công dân trên 21 tuổi không có án tích được quyền tự do ra ứng cử, và ứng cử viên độc lập không bị ngăn cản bởi lề lối “phải có Đảng cử (qua ba lần hiệp thương) rồi dân mới được bầu” trong một số rất hạn chế ứng cử viên (thí dụ chỉ cho 3 ứng cử viên tranh cử hai ghế đại biểu quốc hội). HP vẫn theo nguyên tắc cộng sản là quốc hội nắm quyền cơ quan quyền lực tối cao, cho nên ai tranh thủ được đa số trong quốc hội, hay là đa số đảng viên trong quốc hội (mà hầu hết các đại biểu quốc hội là đảng viên –vậy thì tranh thủ đa số đảng viên đó, mua chuộc hay cách khác) thì nắm được quyền lực vượt trội, được bầu làm chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch toà án tối cao, chủ tịch quốc hội, hay không sợ có một đối lực hãm bớt lộng quyền, đối lực này thường thấy trong chế độ dân chủ thực sự. Ông Thủ tướng Dũng, sau bao năm nắm hành pháp, đã ban ơn huệ cho nhiều người và cài người thân cùng phe vào các chỗ trong đảng và quốc hội, cho nên dù bị kiểm thảo mạnh mẽ về vấn đề các người dưới quyền ông tham nhũng và làm việc thất thoát tài chánh quốc gia, trong kỳ Đại hội vừa qua, ông Dũng cũng không bị mất chức, và có vẻ có quyền còn quá mạnh, ngược với tiêu chuẩn dân chủ là quyền lực phải được hạn chế (restrained power). Nhưng trong khuôn khổ HP và luật pháp hiện hành, cũng có thể thi hành sự hạn chế quyền lực một phần nào, vì phần nào trong HP đã có sự phân quyền hay phân nhiệm : nếu ông chủ tịch nước và ông Tổng bí thư Đảng có quyết tâm, mà dựa vào điều 103 HP thì có thể yêu cầu quốc hội bãi nhiệm ông Dũng – đồng thời cũng không cần sợ ông Dũng đảo chánh, là vì thủ tuớng lo việc các bộ về hành chánh, nhưng chủ tịch nước nắm quyền tổng tư lệnh các lực lượng võ trang và là chủ tịch hội đồng quốc phòng (điều 104 HP), còn ông Tổng bí thư là Chủ tịch Quân uỷ Trung ương của Đảng. CỨ VIỆC THỰC THI HIẾN PHÁP HIỆN TẠI LÀ BỚT ĐƯỢC ĐỘC TÀI, VÌ CÓ PHẦN NÀO SỰ PHÂN QUYỀN, PHÂN NHIỆM TRONG CHẾ ĐỘ.

3. Xin bàn về việc Cải tổ một vài điểm trong HP - tức là việc dễ làm hơn là tu chính toàn bộ HP - để có nhiều dân chủ hơn.

   

Như trên đã nói, hai nguyên lý căn bản sau đây của nền dân chủ là hai nguyên tắc cần cho việc bảo vệ lý tưởng tự do : chủ quyền thuộc về toàn dân và nhà nước có quyền lực giới hạn chứ không phải toàn trị. Ngoài ra, nguyên tắc tự do hàm ý trong hai nguyên tắc đó cũng phải kèm theo một nguyên tắc nữa là bình đẳng, bản thân tự nó là một lý tưởng nhưng cũng có hậu quả thực tế là điều chế xã hội, để không có nạn cá lớn tự do nuốt cá bé, nghĩa là nhà nước phải duy trì sự bình đẳng giữa các công dân, ít ra là về mặt bình đẳng cơ hội.

a) Nguyên tắc chủ quyền thuộc về toàn dân (popular sovereignty) mới được nói trên lý thuyết/giấy tờ trong HP hiện nay, vì trong sinh hoạt thực tế, Đảng muốn lãnh đạo mà (i) sự thực là không hỏi ý toàn dân trong những cuộc trưng cầu dân ý hay những cuộc bầu cử tự do và trung thực (tức là tự do ra ứng cử, dù số người ra đông quá con số chính quyền muốn ; và bầu cử thì Đảng không áp đặt lề lối ra lệnh cử ai thì dân mới có quyền bầu người đó) và (ii) sự thực là đa số những biểu quyết trong quốc hội không theo ý dân (ý dân là “ý trời”) mà lại là nghị quyết gật đầu theo lệnh Đảng, thì chưa có chủ quyền thuộc về toàn dân. Sẽ có chủ quyền thuộc toàn dân là chỉ khi nào người dân có quyền tự do bỏ phiếu bầu cho bất kỳ ứng cử viên nào bằng phiếu kín, chứ không phải theo lệnh “thấy 3 bỏ 2” [đơn vị 2 ghế trong quốc hội thì chỉ cho 3 ứng cử viên ra, và dặn dò dân bỏ phiếu cho 2 ứng cử viên Đảng đã ra lệnh], và chỉ khi nào bất cứ công dân nào cũng có thể ứng cử được, nều có đủ diều kiện pháp định, như không có án hình chẳng hạn; rồi thì cũng sẽ có chủ quyền thuộc toàn dân là chỉ khi nào dân có quyền chọn trong danh sách nhiều ứng cử viên, ra các lãnh đạo cao cấp nhất của nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tuớng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Toà án Tối cao, Chủ tịch Viện kiểm sát Nhân dân Tối Cao; và nếu là do Quốc hội bầu thì cũng phải để cho Quốc hội, đại diện nhân dân mà hành xử chủ quyền, chọn trong nhiều ứng cử viên, chứ không phải chỉ được làm nghị gật, phải nhận việc chọn lựa một ứng cử viên duy nhất cho mỗi một chức đó do Đảng áp đặt lên ý chí của nhân dân.

b) Chính quyền dân chủ phải biết tự hạn chế quyền lực (limited government) chứ không can thiệp vào mọi lãnh vực của cuộc sống của nhân dân và can thiệp theo kiểu toàn trị – và do đó phải tuân theo các nguyên tắc phân quyền. Phân quyền và phân nhiệm giữa Đảng và nhà nước; nếu Đảng có muốn giữ vai trò Đảng cầm quyền thì phải tranh thủ sự ủng hộ của đa số nhân dân trong các cuộc bầu phiếu định kỳ, và Đảng viên muốn làm việc chính quyền thì cũng phải tranh cử hay thi các kỳ thi tuyển lựa nhân viên vào các chức vụ theo tiêu chuẩn tài năng, chứ không đề cử đảng viên một cách đương nhiên vào các chức vụ họ không có khả năng, và lại còn lập ra các chức vụ ở bên Đảng tương xứng với các chức vụ bên nhà nước, y như có một chính phủ ma (shadow government) đứng đằng sau chính phủ dân bầu, thì vừa trái nguyên tắc dân chủ, vừa tốn ngân sách cho hai lần nhân viên coi cùng một nghiệp vụ công ích. Nếu ai nói đến việc “luật hoá” vai trò của Đảng thì biện pháp vừa nói đó là cách làm hay nhất. Chứ còn cái ý kiến dành một định chế riêng cho Đảng như tu chính HP lập ra Thượng Viện cho đảng viên vào ngồi, thì cũng tốn kém và giảm tính cách dân chủ của chế độ, vì người trong Thượng Viện do Đảng cử chứ đâu do dân bầu?

Chính quyền phải tự hạn chế quyền lực bằng cách để cho Quốc hội có quyền chất vấn chính phủ như hiện đã có, nhưng mạnh mẽ hơn, tức là có thể kèm theo nghị quyết yêu cầu chủ tịch nước bãi nhiệm chính phủ, với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm (vote of confidence) hay bất tín nhiệm – chứ không phải chỉ là bàn xuông và làm nghị gật.

Chính quyền có quyền lực hạn chế vì người dân có thể tin vào một ngành tư pháp độc lập thực sự, độc lập khỏi các mệnh lệnh chính trị, tức là ngành này của nhà nước chuyên môn chỉ đóng vai trọng tài khách quan, chỉ dựa theo HP và luật pháp và các sự kiện thực tế trong mỗi hiện vụ, để xử xem công lý nên trao cho bên nào, chính quyền hay người dân thấp cổ bé miệng. Muốn vậy phải làm cho các thẩm phán không sợ bể nồi cơm khi xử án, do đó không “thỉnh án” xin Đảng cho ý nên xử ra sao, không theo lệnh chính trị hay áp lực của cường hào ác bá. Để họ an tâm làm việc, Thẩm phán Toà án Tối cao phải có nhiệm kỳ dài hơn 5 năm hiện nay, có lẽ 10 năm, 15 năm, và do đó phải tu chính HP. Kéo dài như thế nhiệm kỳ các thẩm phán cấp duới thì không cần tu chính HP, vì Quốc hội có quyền thay đổi, kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán cấp dưới, chiều điều 128 HP.

c) Nguyên tắc tự do hành xử chủ quyển của toàn dân kèm theo nguyên tắc bình đẳng giữa các công dân trong chế độ dân chủ đòi hỏi sự can thiệp của chính quyền để nâng dỡ các thành phần yếu kém, ít ra là về cơ hội tìm được một mực sống kinh tế xứng đáng với khả năng và nỗ lực của mình, không bị nạn cá lớn nuốt cá bé. Kinh tế thị trường tự do để mọi công dân có bình đẳng cơ hội thi thố tài năng thu nạp lợi nhuận theo khả năng và nỗ lực của mình – như vậy mới phát triển kinh tế - nhưng cũng không để cho các công dân bị các thế lực độc quyền đè bẹp và bóc lột, nhất là các thế lực độc quyền đó lại dựa vào quyền lực mà HP và luật pháp trao cho như quyền các cấp hành chánh được coi là đại diện nhà nước mà quản lý đất đai trên toàn quốc, tất cả đất này được HP coi là thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước quản lý, để mà các cấp hành chánh đó thu hồi đất, để thủ lợi riêng cho cấp hành chánh đó và tòng phạm của họ, rồi thì truất bãi quyền sống của nhân dân. Phải tu chính, huỷ bỏ điều khoản HP nói đất đai thuộc về toàn dân mà do nhà nước ở các cấp từ cao đến thấp quản lý – hay nếu không có gan bãi bỏ quan niệm làm chủ tập thể này, mà muốn bảo thủ giữ nó, thì phải có gan bằng lòng cho cá nhân các người dân có thể thuê đất thuộc toàn thể nhân dân trong đó có chính họ là một thành phần, thuê một thời gian dài 99 năm, kèm theo quyền thừa kế cái quyền sử dụng đất đó.

Chính quyền có thực hành những hạn chế quyền của mình mà trọng dân, chứ không toàn trị, và củng cố một sự bình đẳng giữa các công dân, nhất là về bình đẳng trong các nhân quyền và đặc biệt là bình đẳng cơ hội kinh tế, thì mới tạo được nhiều hơn tình đoàn kết dân tộc, và lòng ái quốc trong nhân dân, ngõ hầu đương đầu với ngoại bang lấn lướt.

4. Việc cải tổ hay tu chính HP cũng dễ thôi, nếu các đại diện nhân dân trong Quốc hội có ý chí chính trị . bởi vì chỉ cần đa số trong Quốc hội có ý chí chính trị là có thể tu chính HP


Theo điều 84 HP, bất cứ lúc nào Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất (điều 83) cũng có quyền tu chính, sửa đổi HP – không cần phải đợi Đại Hội Đảng 5 năm mới họp một lần (như ông cựu bộ trưởng tư pháp Uông Chu Lưu nói), vì “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” (điều 84 khoản 2). Không phải đợi Đảng họp Đại Hội vì đã có rất nhiều đảng viên trong quốc hội, hỏi ý họ là đủ, và nếu muốn thiện chí thêm với Đảng thì hỏi Uỷ ban Trung ương Đảng, lúc nào cũng có thể họp, là đủ. Việc hỏi ý Trung ương Đảng là nhiệm ý, mà không bó buộc theo luật Hiến Pháp, vì nếu đặt nguyên tắc bó buộc phải hỏi Đảng về tu chính Hiến Pháp thì trái nguyên tắc thượng tôn luật pháp và nguyên tắc dân chủ là chủ quyền thuộc toàn dân (popular sovereignty). Ngoài ra, có người đề nghị nhân dân phải có quyền phúc quyết tu chính Hiến pháp qua một cuộc trưng cầu dân ý (referundum), đề nghị này cũng tốt là củng cố thêm chủ quyền thuộc về toàn dân bằng cách hỏi lại nhân dân, nhưng thực ra thì quốc hội làm việc tu chính HP là đủ, vì như vậy là làm việc với tư cách một quốc hôi lập hiến ở một thể chế dân chủ.


T.V.T.
1.1.2013

(*) Tác giả là một học giả về luật ở Mỹ


Chú Thích :

1 Có thể xem Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp tại đây (chú thích của Diễn Đàn)

2 Mark Sidel. Analytical models for understanding constitutional dialogue in socialist transitional states:Vietnam, Singapore Journal of International and Comparative Law no 6(2002):42-89

THAM KHẢO THÊM :

Trần Lâm và Nguyễn Thanh Giang- “Hủy bỏ điều 4 hay sửa đổi, viết lại HP mới cho một nền dân chủ đích thực” tháng 11/2007, bài có trong nhiều nguồn tài liệu, kể cả Internet.

Vietnam Constitution www.ofre.unibe.ch/law/icl/vm0000-html do Castelholz sửa lại bản dịch của Toà đại sứ VN ở Mỹ, có tham khảo bản dịch Philipps Fox.

US Constitution www.gpoaccess.gov/constitution

Cuốn textbook rất hay về các tranh luận và án lệ về Hiến pháp qua mấy trăm năm dựng nước của Mỹ: Kelly &Harbison. The American Constitution: Origin and Development. 7th edition of a standard text ***** rating.

Albert Blaustein. Constitutions of the countries of the world. Oceana Publications, Dobbs Ferry NY 1971…

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss