Bạn đang ở: Trang chủ / Bạn đọc và Diễn Đàn / Vài lời với anh Lữ Phương

Vài lời với anh Lữ Phương

- Vũ Quang Việt — published 12/05/2009 21:05, cập nhật lần cuối 12/05/2009 21:05


Vài lời với anh Lữ Phương



Xin góp lại vài lời với anh Lữ Phương. Có những cái tôi đồng ý và có những cái không.

Marx vừa là nhà triết học, nhà kinh tế chính trị học, và nhà vận động cách mạng.

Marx với tư cách là nhà triết học thì các nhà tư tưởng và trường học sẽ không bao giờ bỏ qua được. Biện chứng pháp duy vật là đóng góp lớn của Marx và là một trong những phương pháp (không phải duy nhất) phân tích xã hội có giá trị lớn.  Điều này tôi đồng ý với anh Lữ Phương.

Với tư cách là nhà kinh tế chính trị học thì việc phân tích kinh tế tư bản ở thời Marx sống và ảnh hưởng của chúng đến xã hội và chính trị là điều các học giả vẫn cần tiếp tục học tập, kể cả phương pháp lý luận, mà có cái đã được các nhà kinh tế hiện đại sử dụng và phát triển (tôi thí dụ như mô hình vào ra và cả một phần quan trọng trong hệ thống tài khoản quốc gia nhằm đo lường nền kinh tế đang là chuẩn mực quốc tế là dựa vào Marx). Tuy nhiên nhiều phương pháp dùng để phân tích kinh tế và nhiều kết luận đã lỗi thời không còn phù hợp. Có lẽ chúng ta cũng dễ đồng ý về nhiều điểm ở đây.

Nhưng cái quan trọng có thể nói là đã ảnh hưởng lớn đến thế kỷ 20 là Marx với tư cách là nhà vận động cách mạng, mà tư tưởng của ông đã được các nhà chính trị như Lenin, Stalin, Mao tiếp nhận. Điểm này là điều không thể bỏ qua, và không thể cho rằng nó không nằm ngay trong tư tưởng của Marx. Đây chính là điều mà Kornai viết về nó. Tôi cho rằng bất cứ một nhà triết học nào bàn về con người, bàn về mâu thuẫn, bàn về biện chứng, rồi cổ võ cho một hình thức xã hội nhất định mà không bàn về quyền lực và lạm dụng quyền lực thì là điều thiếu sót lớn.

Đúng như ông Kornai nói, Marx chính là người đưa ra các biện luận để sau này Lenin, Stalin, Mao sử dụng xây dựng một thể chế độc tài, không phải của giai cấp mà của một hoặc một thiểu số người.  Ông Kornai viết : "các chế độ đó có toàn quyền để dẫn chiếu đến Marx, vì chúng đã thực hiện nhiệm vụ lịch sử vĩ đại do ông đề ra."

Kornai nhắc lại tranh luận giữa  Lenin và Kautsky. Kautsky quan tâm đến con người nhân bản " ái ngại rằng nhân danh quyền lợi của giai cấp vô sản người ta có thể bóp nghẹt ý chí của đa số, có thể lạm dụng quyền lực, thiểu số bị bỏ rơi không được bảo vệ." Còn Lenin hiểu rõ quyền lực là gì trong cuộc tranh đấu nắm và xây dựng chính quyền. Tất nhiên nếu ta có cảm tình với Lenin, ta có thể biện luận rằng phát biểu đó là tranh luận trong thời phong trào cộng sản đang tranh đấu nắm chính quyền và sau này ông ta có thể nghĩ khác, hoặc ít cảm tình hơn thì cho rằng ông ta ngờ nghệch tin rằng con người "cách mạng " có thể dùng quyền lực đúng đắn. 

Đúng như Kornai viết :

Marx đã bỏ qua bản thân vấn đề, bỏ qua toàn bộ lĩnh vực vấn đề khó giải quyết về sự bảo vệ chế định của các quyền tự do và quyền con người. Sự khinh thường nhạo báng này [của Marx] đã ăn sâu vào Lenin và vào những môn đồ trung thành của ông.

......

Ngày nay đã có thể thấy rằng sự khinh bỉ dân chủ trong các bài viết của Marx dường như đã chuẩn bị mặt bằng mà trên đó tòa nhà chuyên chế Leninist–Stalinist–Maoist được dựng lên, đã làm tê liệt sự kháng cự chống áp bức trong những tín đồ của tư tưởng Marxian.


Vấn đề không chỉ là dân chủ vì số đông có thể bỏ phiếu đa số truất quyền của phụ nữ, truất quyền suy nghĩ độc lập như trong xã hội muslim quá khích hiện nay, và có khi có lúc trong xã hội cộng sản thời Stalin và Mao dân chúng cũng có thể sẵn sàng bỏ phiếu như thế. Vấn đề còn là quyền (tự do) của thiểu số, quyền (tự do) của cá nhân, hay nói chung là quyền con người. Tức là làm sao hạn chế quyền của những người nắm quyền lực của nhà nước. Ở chủ nghĩa xã hội thì đây là vùng trắng, vì không có thể chế cân bằng và kiểm soát quyền lực.

Cải cách ở Việt Nam hiện nay và trong tương lai về cơ bản cũng đòi hỏi việc giải quyết vấn đề quyền lực và lạm dụng quyền lực trong xã hội. Và nói theo kiểu Marx thì đây là cuộc vận động biện chứng giữa các lực lượng trong xã hội. Tôi nói "theo kiểu" có nghĩa là tôi không dùng quan niệm đấu tranh giai cấp ở đây.   

Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản hiện nay sẽ đưa đến một chủ nghĩa tư bản với các pháp quy cần thiết nhằm hạn chế quyền lực thao túng thị trường tài chính, và tất nhiên là ngày càng có yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mọi người, đồng thời hạn chế việc lạm dụng quyền lực chính trị, kinh tế trong xã hội  tư bản hoặc toàn cầu chứ không thể dẫn đến một loại chủ nghĩa Marx kiểu mới được.

Vũ Quang Việt

New York, 12.05. 2009

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss