Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Điện ảnh / Điện ảnh : Rừng Na-uy

Điện ảnh : Rừng Na-uy

- Nam Giang — published 15/10/2010 15:38, cập nhật lần cuối 15/10/2010 17:20
Phim Rừng Na-uy, do Trần Anh Hùng đạo diễn, đã được chiếu ở Festival Venise tháng 9 vừa qua.

Xem phim Rừng Na-uy của Trần Anh Hùng


Để dấu chân người
Im giữ niềm bí mật



Nam Giang



Để em
Có thể nghe nơi vòm dẻ nhuốm vàng kia
Lời nguyện cho nỗi yên hàn. (1)

 

Trong cuộc đời, người ta chỉ có thể yêu một lần hồn nhiên nhất. Dấu ấn mối tình đó có thể sâu đậm, có thể đi theo suốt cuộc đời, cũng có thể bị đặt lại ở một ngăn nào đó trong ký ức. Bị lãng quên đi. Bị bỏ rơi.

Hoặc quay trở lại. Ám ảnh.

---

Tôi đang muốn viết về bộ phim Rừng Na-uy của Trần Anh Hùng (*). Và nếu bạn đọc những dòng này của tôi, thì bạn hãy hiểu rằng tôi đang không viết về tiểu thuyết Rừng Na-uy của Haruki Murakami (**).


Ngay từ những cảnh mở đầu, Trần Anh Hùng đã cho người xem ấn tượng về thế mạnh của anh: những khuôn hình đẹp bởi sự lựa chọn kỹ càng về bối cảnh và cách xử lý ánh sáng tinh tế. Những cảnh đầu tiên của bộ phim là về ba người bạn Naoko - Kijuki - Toru trên cánh đồng xanh thẳm hay những trò đùa nghịch trên phố trong giọng kể đều đều của nhân vật Tôi.

Đó là một đoạn hồi ức đẹp, trong trẻo, an bình. Kijuki xuất hiện ngắn ngủi, nhưng lại cực kỳ ấn tượng, với cảnh quay đặc tả sống mũi cao và đôi mắt sâu buồn vợi khi anh chơi bi-a cùng Toru trong đêm cuối cùng trước khi tự tử bằng hơi ngạt trong xe hơi.

Cái chết của Kijuki là bí mật đối với tất cả mọi người, ngay cả với Toru - nhân vật Tôi - người bạn thân nhất của cậu; hay với Naoko - mối tình thanh mai trúc mã của cậu.

Cái chết đó cũng làm tan vỡ mối quan hệ của bộ ba, để lại một Naoko sầu muộn với đôi mắt mang nhiều dấu hỏi và Toru dường như trở nên trầm tĩnh hơn.

Cho đến một buổi chiều, Toru vô tình gặp lại Naoko - kể từ sau cái chết của Kijuki, để rồi sau đó, Toru nhận ra: Cậu đã luôn yêu Naoko mà không biết.

Kể từ chiều đó, thi thoảng họ lại gặp nhau, và cứ bước bên nhau, đi mãi trên những con đường lá cây khô rào rạo mà không nói với nhau câu nào. Bao giờ Naoko cũng bước trước.

---

Những ngày này Toru bước chân vào đời sống của một sinh viên ở nước Nhật nhiều thay đổi. Cậu có một căn phòng nhỏ và bừa bộn trong ký túc xá. Có những buổi tối rảnh rỗi nhàm chán trong phòng sinh hoạt tập thể. Rồi có bạn - một anh chàng lớn tuổi hơn, từng trải hơn, một anh chàng đào hoa luôn được vây quanh bởi những cô gái - Nagasawa.

Nagasawa là biểu tượng cho thứ kinh nghiệm sinh viên đại học thời đó - bất cần, không quan tâm tới chính trị, sẵn sàng ngủ với bất kỳ cô nàng nào, không ràng buộc.

Toru chọn cách quên đi thực tại đầy biến động của xã hội và trốn tránh sự tẻ nhạt của đời sống sinh viên bằng sách. Cậu đọc bất kỳ khi nào có thể.

Cậu đọc sách ngày càng nhiều hơn, gặp gỡ mọi người ngày càng ít đi, kiếm thêm việc để làm kể từ sau sinh nhật lần thứ hai mươi của Naoko.

---

Naoko bước vào tuổi hai mươi trong một ngày mưa tháng Tư. Ánh sáng vẫn đủ lọt vào căn phòng nhỏ của cô, chiếu lên cơ thể vẫn chưa chín của cô và đôi mắt cứ mở to trống hoác. Họ tìm cách nói chuyện gì đó có liên quan tới cả hai người, nhưng rốt cục chỉ có Naoko nói. Cho tới khi cô đổ sụp xuống Toru lúc đêm đã xuống rất lâu.

Đó là cảnh làm tình xấu, đặc biệt xấu. Những nỗ lực tuyệt vọng của hai cơ thể trẻ tuổi nhưng thiếu sức sống. Ánh sáng để ở độ tương phản cao với độ sạn lớn. Cơ thể của hai nhân vật dường như khô cứng, kềnh càng. Những tiếng thở tắc nghẹn hoặc hậc dài, như hơi thở trút của người hấp hối.

Naoko cố kiếm tìm thứ gì đó từ Toru nhưng có lẽ cô đã thất vọng.

Nỗi thất vọng lớn tới mức, cô không muốn mở mắt ra để nhìn buổi sớm ngày hôm sau đã tới, khi căn phòng vương vãi những chiếc vỏ ly đã cạn rượu và chiếc bánh ngọt nhem nhuốc.

---

Toru bặt tin Naoko từ sau đêm mưa ấy. Cậu trở lại đời sống sinh viên, cố giải tỏa sự tẻ nhạt bằng một việc làm thêm đòi hỏi nhiều sức lao động và những cuốn sách.

Có đôi khi cậu tham gia một số trò với Nagasawa nhưng rồi cũng thấy chán chường. Chán chường nhất là sau cái đêm Nagasawa đưa cậu đi ăn tối với cô bạn gái mà anh vẫn cặp kè bấy lâu - Hajime.

Rồi cậu gặp Midori.

---

Midori - nghĩa là xanh lá cây. Midori có lẽ là nhân vật ấn tượng nhất đối với những ai đã từng đọc tiểu thuyết Rừng Na-uy của Murakami. Một cô gái cá tính, thông minh, có chút gì nổi loạn, hoang dã và đặc biệt cuốn hút. Nếu như sau khi đọc truyện, tôi có cảm giác Rừng Na-uy có ba nhân vật chính: Naoko - Toru và Midori, thì trong phim, có lẽ chỉ có hai nhân vật chính là Naoko và Toru mà thôi.

Midori xuất hiện rất ít, nếu không muốn nói là nhòa nhạt so với mong đợi của những người đã từng đọc truyện.

Cô tới với Toru khi Naoko đã đi chữa bệnh và trong lúc Toru đang chán nản với đời sống ký túc và những biến loạn của xã hội. Như cái tên của mình, cô là một khoảng lặng màu xanh, là nơi để Toru có cảm giác yên ả khi ở bên cạnh, tuy có thể họ chẳng biết gì về nhau hay chẳng có gì để nói với nhau.

Những câu thơ tôi trích ở phần đầu kia thích hợp nhất để nói về Midori. Cô lặng lẽ ở bên Toru, chờ đợi cậu và ra tín hiệu cho cậu, rằng cô chính là nơi để cậu trở về.

---

Lá thư Naoko cho biết cô đang chữa bệnh ở một vùng núi xa, chính là cái cớ để nối lại quan hệ giữa cô và Toru. Chính trong giai đoạn chữa bệnh của Naoko và những lần đến thăm của Toru đã có những cảnh quay đẹp nhất, ấn tượng nhất và cảm động nhất của bộ phim.



lúc nào cũng lạc nhịp


Cảnh quay mùa thu đầy gió với cánh đồng cỏ cao lút người hay mùa đông sườn núi phủ đầy tuyết trắng được máy quay đưa từ xa tới gần, thoại được tiết chế, chỉ âm thanh tự nhiên của gió và tiếng lá cỏ được tận dụng tối đa. Cảnh buổi sớm hai người đi trong cỏ ướt đẫm sương với những bước chân mạnh mẽ, dứt khoát của Naoko đạp trên cỏ, như thể cô cố tình dẫm nát những thứ vô hình đang níu kéo bước chân mình và Naoko lại độc thoại, như những lần cô đã luôn độc thoại khi đang "nói chuyện" cùng Toru. Những cảnh quay này làm tôi liên tưởng tới cảnh quay của những lần gặp giữa Toru và Naoko trước ngày Naoko hai mươi tuổi. Vẫn luôn luôn là Naoko dẫn trước và Toru hụt hẫng bước theo sau. Họ chưa bao giờ có thể đi cùng nhịp. Và Toru bao giờ cũng luôn là kẻ nỗ lực nhưng thất bại.

Lại tiếp tục thất bại khi họ không thể làm tình. Khi Naoko không bao giờ có thể mở ra để đón nhận Toru. Trong suốt cả cuộc đời cô, chỉ một lần duy nhất cô đã thèm khát và đã có thể đón nhận, đó là vào đêm cô hai mươi tuổi.

Cô đã muốn dành điều đó cho Kijuki, nhưng cô đã không thể. Và cô nghĩ rằng, vì thất bại đó, Kijuki đã tự tử.

Cô đã muốn dành điều đó cho Toru sau khi cô nhận ra anh thực sự yêu cô. Và cô tiếp tục thất bại.

Cô không thể cho những người cô yêu thương điều mà cô mong muốn.

Cô không hiểu tại sao cho tới tận khi treo cổ mình.

---

Mùa đông. Toru mất đi người mà anh nghĩ anh đã luôn yêu suốt cả cuộc đời.

Hình ảnh đôi chân đong đưa trên cành của cây cổ thụ trong rừng nơi họ đã từng ngồi cùng nhau và nói cùng nhau những câu chuyện trong các chuyến thăm ngắn ngủi của Toru đã làm cho nhiều người trong rạp bật khóc.

Nhưng Trần Anh Hùng đã xử lý quá tay tâm lý của Toru khi thể hiện nỗi đau đớn mất người yêu. Cậu thanh niên chớm già lỗ mỗ râu tóc khóc rống lên giữa trời lạnh với quá nhiều nước mắt nước mũi. Nó quá kịch để khiến người ta xúc động thêm lần nữa.

Người xem dễ bị cảm động hơn bởi đôi mắt của Naoko, đến khi chết, vẫn cứ trống hoác.

---

Rừng Na-uy là tên một bài hát của The Beatles nổi tiếng vào những năm 1960. Trong một đêm mùa đông ở khu trị bệnh, trong ánh lửa bập bùng, Reiko - cô giáo, người bảo mẫu của Naoko- đã tự đệm đàn và hát ca khúc này.

Reiko có vẻ đẹp của người đàn bà quyến rũ, chín muồi. Naoko và Reiko dường như là sự bổ khuyết của nhau. Naoko trong sáng và trống rỗng. Reiko tư lự và câm lặng. Naoko chia sẻ với Reiko mọi chuyện, kể cả về những người đàn ông của cô.

---

Trở về thành phố trong căn phòng nơi đã thuê được nhờ số tiền tích cóp và số giờ làm công ngày càng dày lên sau những ngày vùi mình trong cô độc vì cái chết của Naoko, Toru bất ngờ gặp Reiko. Họ làm tình với nhau trong buổi tối trước khi Reiko trở lại với đời sống mà cô thuộc về.

Một cảnh quay đẹp, ấm áp, ngọt ngào.

Như thể tất cả những nỗ lực mà Naoko mong muốn giờ đã được Reiko thực hiện.

---

Không hiểu tôi có hiểu đúng ý của Trần Anh Hùng không, nhưng tôi có cảm giác, anh đã hiểu mối tình của Toru dành cho Naoko là thứ mối tình của một người dành cho quá khứ của chính mình. Quá khứ đẹp quá, êm ả quá khiến người ta chỉ muốn đi theo và chìm đắm vào nó. Những biến loạn chính trị với cảnh quay khi Toru đang đi trên đường bỗng bất thần lọt vào giữa một dòng người biểu tình từ hai hướng đổ ép lại khiến tôi gai người. Gai người vì cảm thấy con người bỗng dưng trở nên hẫng hụt khi không biết bấu víu vào thực tại nào? Thực tại của tuổi trẻ? Của biến loạn? Của những ước mơ chưa kịp nhen đã sớm tàn lụi?

Và cái chết của Kijuki, những câu hỏi của Hajime và đời sống không mục đích và không ràng buộc của Nagasawa đã càng làm cho Toru hơn bao giờ hết, mong muốn được ở bên Naoko - hay nói khác đi, chính Naoko - là minh chứng cho sự tồn tại duy nhất của cái thực tại mà Toru muốn bám vào. Naoko là hiện thân cho chuỗi ngày quá khứ đẹp đẽ của bộ ba, là nhắc nhở cho sự mất mát. Có được Naoko, sở hữu được Naoko, là sở hữu được cái quá khứ đó, là chứng minh được sự tồn tại của chính mình.

---

Bộ phim kết thúc nhẹ nhàng khi Toru trở về với Midori trong giai điệu mộc mạc của ca khúc Rừng Na-uy. Lần đầu tiên trong cả bộ phim, Toru được ôm một người con gái, giữ cô ấy bên mình và đi cùng một nhịp với cô ấy.

Midori chỉ muốn Toru hứa một điều: Nếu đã quyết định trở lại với cô, thì anh đừng bao giờ rời bỏ cô nữa.

---

Hơn hai tiếng cho một bộ phim có lẽ là hơi dài với khán giả châu Âu và châu Mỹ. Với khán giả Nhật Bản, thời lượng như thế là bình thường, nếu so với những bộ phim dài tới 3-4, thậm chí 6 tiếng. Tuy nhiên, cho dù ở những thị trường đó, hay với những thị trường mà cái tên của Trần Anh Hùng hay Murakami đã trở nên phổ biến thì Rừng Na-uy vẫn sẽ gặp khó, vì hai lẽ:

- Với những ai chưa đọc Rừng Na-Uy của Haruki Murakami, họ sẽ cảm thấy khó hiểu với nội dung của bộ phim. Sẽ là bộ phim rất đẹp, nhạc rất hay, cảnh quay tinh tế, diễn viên đóng tốt. Nhưng thế thì sao? Bởi vì chúng chỉ là những cảnh quay rời rạc khi thoại được tiết chế, các nhân vật xuất hiện lẻ tẻ và thiếu nối kết. Ví dụ như câu chuyện của Midori về người cha đi Uruguay trong lần đầu Toru tới thăm nhà cô và việc cha cô mất trong bệnh viện, nếu như chưa đọc tiểu thuyết, hẳn người xem sẽ tự hỏi: Thế thì nó liên quan gì ở đây?

- Với những ai đã đọc Rừng Na-uy, và đã trót lỡ tưởng tượng Rừng Na-uy của phim sẽ phải giống như truyện, thì sẽ phần nào thất vọng. Thất vọng nhất có lẽ là sự nhòa nhạt của Midori trong phim và sự thiếu hụt của những nhân vật phụ lẽ ra đã có thể hay, như bạn cùng phòng của Toru. Nhưng sách luôn có khả năng tạo ra một thế giới tưởng tượng lớn lao hơn nhiều so với phim ảnh, nên bạn phải chấp nhận nhìn câu chuyện theo cách nào đó của đạo diễn phim mà thôi.

---

Nếu tôi không biết Trần Anh Hùng là đạo diễn của bộ phim này, có lẽ tôi sẽ nhầm đó là một phim của một đạo diễn Hàn Quốc hay Trung Quốc. Cái mỹ cảm toát ra từ bộ phim là thứ mỹ cảm đặc biệt Á đông - khi cảnh vẫn được sử dụng để nói tình, khi hành động và lời thoại của các nhân vật vẫn được tiết chế để sử dụng nhiều góc cận cảnh trực tiếp vào ánh mắt, đôi môi... Có lẽ, người châu Á sẽ dễ hiểu bộ phim hơn, dễ nhìn ra được những ẩn ý trong cách xử lý kịch bản của Trần Anh Hùng hơn.

Trần Anh Hùng đã viết kịch bản bộ phim bằng tiếng Pháp, nó được chuyển sang tiếng Anh, rồi tiếng Nhật cho các diễn viên. Khi chỉ đạo diễn xuất, ba thứ ngôn ngữ đó cũng được sử dụng theo một trình tự như vậy. Thế nhưng, đây có lẽ là bộ phim mà chỉ đạo diễn xuất của Trần Anh Hùng thành công hơn cả so với những phim trước đó của anh.

Rinko Kikuchi đã biến Naoko trở thành tâm điểm của cả bộ phim với diễn xuất tuyệt vời, tinh tế, chân thực và xúc động. Xuất hiện thoáng qua nhưng diễn xuất tinh tế với khuôn mặt đẹp và đôi mắt buồn bã sâu thẳm của nhân vật Hajime cũng để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Âm nhạc của phim được chọn kỹ với lối acoustic thiên về chất giọng mộc của người hát. Bối cảnh phim đẹp, góc quay sắc và cách xử lý ánh sáng thông minh. Những ưu điểm của bộ phim đã được khán giả đáp trả bằng tràng pháo tay dài suốt hơn mười phút trong suất chiếu đầu tiên của Rừng Na-uy tại Liên hoan phim Venise lần 67 vừa rồi.

---

Bài hát cũ đã nằm lại trong quá khứ. Hiện tại trước mặt Toru và Midori là tuyết trắng toát. Mùa đông sẽ sớm kết thúc và tuyết sẽ xóa đi những Đẹp và Buồn của quá khứ.

Để cỏ
Có thể xanh tựa hồ nước mắt
Để dấu chân người
Im giữ niềm bí mật. (2)

 

Nam Giang 


Chú thích:

(1), (2): Trích từ bài thơ Vườn II - Ý Nhi

(*) Kịch bản và đạo diễn : Trần Anh Hùng
Diễn viên chính: Kenichi Matsuyama (Toru), Rinko Kikuchi (Naoko), Kiko Mizuhara (Midori)
Quay phim : Mark Lee Ping Bin 
Âm nhạc : Jonny Greenwood

(**) Nguyên tác ノル ウェイの森, Noruwei no Mori xuất bản năm 1987
- Bản dịch tiếng Anh Norwegian Wood của Jay Rubin năm 2000, nhà xuất bản Harvill Press (Anh) và Vintage International (Mĩ).
- Bản tiếng Pháp La Ballade de l'Impossible của Rose-Marie Makino-Fayolle, Seuil 1994.
- Bản tiếng Việt :

  • Rừng Na-Uy, bản dịch của Hạnh Liên và Hải Thanh, Bùi Phụng hiệu đính. NXB Văn học, H. 1997
  • Rừng Na-Uy, Trịnh Lữ dịch, Nhã Nam và NXB Hội nhà văn, H. 2006.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss