Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Tin buồn / Albert CLAVIER (1927-2011)

Albert CLAVIER (1927-2011)

- Nguyễn Ngọc Giao — published 10/03/2011 13:29, cập nhật lần cuối 10/03/2011 15:05
Tham gia kháng chiến Pháp từ tuổi thiếu niên, thiểu tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, Albert Clavier từ trần ngày 9.3.2011, thọ 84 tuổi.


Tin buồn



Albert CLAVIER
(1927-2011)




Ở một làng quê hẻo lánh, ven vùng phủ sóng điện thoại, liên lạc bằng điện thoại di động rất khó. Cũng may vào mạng internet dễ hơn. Sáng nay, tôi nhận được đôi dòng ngắn của nhà thơ Dương Tường gửi từ Hà Nội : Albert Clavier ra đi 21g55 ngày 9 tháng ba.


Chắc Albert Clavier từ trần ở nhà dưỡng lão gần nhà ở Saint-Laurent-le-Pont (tỉnh Isère), ở tuổi 84. Hè năm ngoái, cũng với bà Dominique de Miscault, nghệ sĩ nhiếp ảnh, chúng tôi đã lái xe 600 km đến thăm ông. Lần trước, tôi được gặp ông lần đầu tiên, là nhờ đi cùng với anh Dương Tường, người bạn cố tri của Albert Clavier.


Để hiểu tình bạn giữa hai người, tôi xin mời độc giả đọc lại bài Như Edith Piaf hát mà Dương Tường đã viết cho số Xuân Diễn Đàn 2009.


Con người và cuộc đời của ông, tôi đã có dịp phác họa nhân đọc hồi kí De l'Indochine coloniale au Vietnam libre / Je ne regrette rien (nhà xuất bản Les Indes Savantes, Paris, 2008) -- Je ne regrette rien là bàỉ ca nổi tiếng của Edith Piaf, nên nhà thơ Dương Tường đã nhắc trong bài viết kể trên.


Trong bài điểm sách, tôi đã nói đến ba cuộc đời của người chiến sĩ già : (1) 1927-1947 : ra đời và lớn lên ở vùng sơn cước Vercors, 13 tuổi phải bỏ học đi chăn bò, làm tá điền, rồi tham gia kháng chiến, vào Đảng cộng sản ; (2) 1947-1964 : nhập ngũ, vào quân đội của nước Pháp mới giải phóng, nhưng lại bị đưa sang Đông Dương làm công việc bẩn thỉu của quân đội nazi, Clavier đào ngũ, tham gia kháng chiến (bị tòa án binh kết án tử hình vắng mặt); sau Hiệp định Genève về Hà Nội, làm báo, rồi rời Việt Nam vì bất đồng ý kiến trong cuộc đối đầu Trung-Xô ; (3) 1964-1995 : sống ở Budapest trước khi về Pháp nghỉ hưu, bắt đầu làm việc cho Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới rồi trở thành nhà kinh doanh.


Cuộc đời đầy ắp ấy tưởng đã chấm dứt với những năm tháng làm ông ngoại, khi con gái ông (France - Thiên Nga) mang con từ Hà Nội sang đoàn tụ. Nhưng hè năm ngoái, đến thăm Albert Clavier ở nhà dưỡng lão, tôi được chứng kiến cuộc đời thứ tư của ông. Bị xuất huyết não, ông không đi lại được, đã vào nhà dưỡng lão. Nhưng khi tôi đưa Dương Tường xuống thăm ông thì Clavier đã trở về nhà, vì không chịu nổi không khí tinh thần của nhà dưỡng lão -- điều này, tôi hiểu được, sau mấy năm chăm lo cho Georges Boudarel ở ba nhà dưỡng lão Pantin, Paris, Les Lilas. Cuộc trở về cũng chỉ là tạm bợ, vì khi chúng tôi đến nhà, ông ở trên lầu, phải ném chìa khóa qua cửa sổ để chúng tôi mở cửa vào nhà. Ông không thể xuống cầu thang, và nhận thấy phải chấp nhận trở lại nhà dưỡng lão, khi nào họ có chỗ cho ông !


clavier
Albert Clavier (bên phải) tiếp Dominique de Miscault và Nguyễn Ngọc Giao
(tháng 6.2010, ảnh PTTT).

Tháng 6.2010, cùng với Dominique de Miscault, chúng tôi lái xe xuống thăm ông ở nhà dưỡng lão. Trên đường, tôi rất lo, không biết làm sao ông chấp nhận được cuộc sống và không khí một cộng đồng mà hơn 80% những cụ già không còn tự chủ về vật chất và nhiều khi tinh thần. Mừng sao, chúng tôi thấy ông vẫn tinh anh, nhạy bén, tuy ngồi xuống, đứng dậy, đi lại hết sức khó khăn. Sau một phút chào hỏi, chúng tôi khám phá được bí quyết : vào nhà dưỡng lão được ít ngày, ông được bầu làm chủ tịch ban đại diện "lão trại viên". Và hàng ngày, Clavier đối thoại, đấu tranh với ban giám đốc để cải thiện đời sống trong nhà dưỡng lão. Chỉ vào cái máy truyền hình màn ảnh phẳng ngự trị ở cuối phòng khách kiêm phòng ăn, ông mỉm cười khoe : "Phải đấu với tay giám đốc cả tuần mới chịu đặt cái máy này để mọi người ngồi xem giải Euro, thay vì ngồi ru rú một mình trong phòng". Cuộc đấu tranh mà ông đang tiến hành đầu tháng sáu là thuyết phục giám đốc chấp nhận tổ chức sự "giao lưu" giữa nhà dưỡng lão và các trường mẫu giáo, trường tiểu học gần đó. Điều này không có gì mới, nhiều nơi đã bắt đầu, đem lại kết quả thỏa đáng cho cả tuổi già lẫn trẻ nhỏ, phá rào cái "ghetto" mà xã hội Âu Châu đã dựng nên để giam kín người già, loại trừ tuổi già ra khỏi xã hội. Clavier than với chúng tôi : "Tay giám đốc này bảo thủ lắm".


Hôm nay, Clavier không còn nữa. Tôi không biết trước khi mất, ông đã thuyết phục được "tay bảo thủ" đó chưa. Chỉ biết, con người ấy, ở tuổi ngoài tám mươi, thanh thản như một nhà hiền triết, vẫn mỗi ngày, tiếp tục những cuộc chiến đấu nho nhỏ. Vì người. Vì nhân phẩm con người.


Nguyễn Ngọc Giao

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss