Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Georges, Henri... và hôm nay Pierre

Georges, Henri... và hôm nay Pierre

- Nguyễn Ngọc Giao — published 27/12/2022 10:55, cập nhật lần cuối 28/12/2022 16:38
Cập nhật ngày 28.12.2022 (xem khung cuối bài, của H.V.)

Georges, Henri...
và hôm nay Pierre

Nguyễn Ngọc Giao




pb
Pierre Brocheux, tại trường đại học Denis Diderot (Paris 7) – nguồn : báo Tia Sáng

Sáng nay, thức dậy ở Hà Nội. Ngày mai, chị Phạm Chi Lan hẹn đưa chúng tôi đi thăm làng Bát Tràng. Tôi chưa được vào thăm thôn làng nổi tiếng này, nhưng địa danh Bát Tràng đã gắn bó với ký ức cá nhân : cách đây ba năm, vào một sáng mưa phùn gió lạnh, cùng với nhà văn hóa Hữu Ngọc (năm nay đúng một trăm tuổi) và nhiều anh chị em, chúng tôi đã tới bờ sông Hồng, sát đình làng Bát Tràng để trải một phần di cốt của Georges Boudarel.

Quan hệ cá nhân của tôi với Georges Boudarel bắt đầu ở những năm giảng dạy ở Trường đại học Denis Diderot. Đối với chúng tôi, Boudarel là một trong "ba chàng ngự lâm pháo thủ" (Les Trois Mousquetaires), tên gọi vui mà chúng tôi gán cho ba nhà sử học chuyên về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á : Georges Boudarel, Daniel Hémery, Pierre Brocheux. Cũng như trong cuốn tiểu thuyết của A. Dumas, ba người thực ra là bốn. Người thứ tư là Jean Chesneaux, người đi đầu trong nghiên cứu Việt học từ cuối thập niên 1940. Trong suốt mấy thập niên, ba chàng ngự lâm đã đào tạo cả một thế hệ những nhà Việt học "trẻ" đang hoạt động sung sức ở các nước Pháp, Anh, Nhật, Mỹ, Canada, Úc... Hành lang Khoa Toán ngay gần hành lang Khoa Sử, tôi thường chạy sang nghe lóm những xêmina hàng tuần của các anh. Học hỏi nhiều hơn cả, là trong các cuộc đi bộ, ra uống nước tại các quán cà phê chung quanh quảng trường Jussieu. Từ Boudarel, tôi hiểu được hoàn cảnh và tâm trạng hai cụ Phan đầu thế kỷ 20. Từ Hémery và Brocheux, không khí kỳ lạ của thập niên 30 tại Sài Gòn, "hợp tác và đấu tranh" giữa hai nhóm đệ tam và đệ tứ trong nhóm "La Lutte"...

Với riêng Pierre Brocheux, mối quan hệ của tôi gắn bó với hai nhân vật : Hồ Chí Minh (anh là tác giả hai cuốn tiểu sử giá trị nhất, không chỉ đối với riêng tôi), và Henri Van Regemorter, nhà vật lý thiên văn, qua đời cách đây 20 năm (Brocheux vừa cho phép Diễn Đàn đăng lại bài viết của anh về những năm 1950 tại Cư xá quốc tế đại học Paris của Henri). Tất nhiên, còn Georges Boudarel mà chúng tôi chăm sóc từ khi "Bouda" bị bọn cực hữu đả kích (1991-92) và trong suốt những năm ở nhà dưỡng lão.

Sáng nay, khi đọc dòng thư ngắn, báo tin Pierre Brocheux từ trần, tôi thật bàng hoàng. Ba năm cô-vi, chúng tôi ít có dịp hàn huyên. Lần chót, chúng tôi ăn trưa với anh và Daniel Hémery để "báo cáo" về việc trải tro Boudarel xuống dòng Sông Bé, Sông Hồng và ngoài khơi Cửa Đại Hội An cách đây ba năm. Từ đó, Pierre và tôi đôi lần gặp nhau... ngoài chợ. Từ ngày dọn nhà vào nội thành Paris, tôi ở gần chợ Jeanne d'Arc (quận 13), chung quanh nhà thờ Notre-Dame de la Gare. Pierre ở gần quảng trường Italie, cách xa chợ Jeanne d'Arc gần hai cây số, nhưng anh thường tập thể dục bằng cách đi bộ. Mỗi sảng chủ nhật, từ ngày chị Michèle từ trần, ông già độc thân thường đi bộ tới chợ Jeanne d'Arc, và chúng tôi gặp nhau, chuyện trò vài phút.

Trong diễn từ gửi Ban tổ chức giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh năm 2018 khi anh và Daniel được tặng giải "nghiên cứu Việt học", Pierre tóm tắt cuộc đời và 40 năm nghiên cứu sử học như sau :

Cho phép tôi trong vài lời bày tỏ cùng quý vị hành trình cá nhân và nghề nghiệp của tôi. Tôi càng dễ nhạy cảm hơn trong thức nhận về các công trình chép sử của tôi khi nó bắt nguồn từ đất nước mà tôi gọi là đất mẹ của tôi trong khi tổ quốc tôi là đất nước của cha tôi. Nhà Brocheux vốn thuộc một dòng họ vùng Normandie còn mẹ tôi lại thuộc dòng họ Trương mà cái nôi sinh thành là Phan Thiết và sau đó đã di cư về Vĩnh Long.”

Lịch sử trải nghiệm sống của tôi ghi khắc trong một lịch sử được chia sẻ giữa tổ quốc tôi và đất mẹ của tôi, một lịch sử khi thì tối tăm và đau đớn song lại có lúc màu mỡ. Được cảm hứng bởi một chủ nghĩa Marx ngầm hiểu tôi đã bắt đầu các tìm tòi của mình bằng nghiên cứu về kinh tế và xã hội Việt Nam, các vùng nông thôn và các thành phố (châu thổ sông Cửu Long, những người lao động ở thành phố và các đồn điền, giai cấp tư sản). Từng bước đi tới trong việc phân tích và diễn giải các cấu trúc và các trạng huống, tôi nhận ra những biến đổi xã hội, văn hóa và chính trị, được thực hiện ở cấp độ tập thể và ở cấp độ cá nhân. Trong những sắc thái đó, tôi quan sát vai trò của trào lưu cải cách và hiện đại hóa mà Phan Châu Trinh là người dẫn đầu và người truyền cảm hứng hăng say. Định hướng ưu trội trong viết sử đó của tôi không đánh giá thấp cũng không đẩy lùi vào bóng tối tính năng động của trào lưu cách mạng vì độc lập của Việt Nam: tôi đã viết hai cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh người chủ trương phương pháp ngược với phương pháp cải cách của Phan Châu Trinh nhưng vận động và cứu cánh cuối cùng tương hợp với Phan Châu Trinh.”

Chiều nay được tin lễ hỏa táng Pierre Brocheux sẽ cử hành ngày 2.1.2023 tại Nghĩa trang Père Lachaise, nơi cách đây 20 năm chúng tôi tạm biệt “anh Henri” Van Regemorter, 19 năm Georges Boudarel. Ở bên kia trần thế, anh sẽ gặp lại người anh và người bạn chí cốt, gặp lại người bạn đời chung thủy Michèle Brocheux. Các anh chị biết rằng họ sống mãi trong tâm khảm những người ở lại.

Hà Nội, 27.12.2022

Nguyễn Ngọc Giao


Piere Brocheux : Những chuyên khảo



Ngoài những bài nghiên cứu đăng trên các tập san chuyên ngành, Pierre Brocheux cũng là tác giả (hay đồng tác giả) của nhiều sách chuyên khảo chung quanh chủ đề giải thực, đặc biệt là ở Đông Dương. Có thể kể:

- Histoire de l'Asie du Sud-Est : révoltes, réformes et révolutions [Lịch sử Đông Nam Á : nổi loạn, cải cách và cách mạng], Presses universitaires de Lille, 1981

- The Mekong Delta. Ecology, Economy and Revolution. 1860-1960 [Châu thổ sông Cửu Long: Sinh thái, Kinh tế và Cách mạng]. Wisconsin University Press, 1995, tái bản năm 2009

- (viết chung với Daniel Hémeery) Indochine, la colonisation ambiguë, Paris, La Découverte, coll. « Textes à l'appui/ série histoire contemporaine », 1995, 427 p. Cuốn này đã được Giải thưởng văn chương về châu Á năm 1996 của Hiệp hội các nhà văn viết tiếng Pháp (Prix littéraire de l'Asie de l'Association des écrivains de langue française 1996), và đã tái bản năm 2000. Được dịch ra tiếng Anh do NXB Đại học California (University of California Press) xuất bản năm 2013. Nó cũng đã được dịch ra tiếng Việt với nhan đề Đông Dương: Một Nền Thuộc Địa Nhập Nhằng / Giai Đoạn 1858 – 1954, Nxb Thế Giới 2022.

- Hô Chi Minh Une Biographie, Presses de Sciences Po, coll. « Références/Facettes », 2000, được Claire Duiker chuyển ngữ sang tiếng Anh, nhà xuất bản ĐH Cambridge University ấn hành năm 2007. Theo GS David G. Marr, Đại học Quốc gia Úc, cuốn tiểu sử này là “Một công trình nghiên cứu có cách tiếp cận tinh tế nhất về nhân vật lịch sử phức tạp cũng như biểu tượng Hồ Chí Minh mà tôi đã được đọc từ trước đến nay. GS Brocheux cho chúng ta thấy cách kiến giải riêng của ông về Hồ Chí Minh mà không bị sa vào lối viết mang tính giả tưởng”. 

- Hô Chi Minh, du révolutionnaire à l’icône [Hồ Chí Minh, Từ nhà cách mạng tới một biểu tượng], Payot, 2003, được giải thưởng mang tên Auguste Pavie của Hàn Lâm Viện Pháp quốc Hải ngoại (Prix Auguste-Pavie 2003 de l'Académie des sciences d'outre-mer), và dịch ra tiếng Anh với nhan đề Vietnam Expose, and New biography of Ho Chi Minh. Tác giả đã trả lời đài BBC Tiếng Việt về cuốn sách này, ở đây.

- Une histoire économique du Viet Nam : 1850-2007 : la palanche et le camion [Một lịch sử kinh tế của Việt Nam: 1850-2007: Chiếc đòn gánh và Xe tải], Les Indes savantes 2009.

- Histoire du Vietnam contemporain : la nation résiliente [Lịch sử Việt Nam đương đại: Một dân tộc bền bỉ], Fayard, 2011.

- Les décolonisations au XXe siècle : la fin des empires européens et japonais [Những cuộc giải thực trong thế kỷ XX, sự kết thúc của các đế quốc châu Âu và Nhật Bản], A.Colin, 2012 (PB là chủ biên và đồng tác giả). 

- Viet Nam Exposé. French Scholarship on Twentieth Century Vietnamese Society, The University of Michigan Press, 2002 (PB cùng Gissèle Bosquet là chủ biên và đồng tác giả).

H.V.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss