Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Mừng giáo sư ĐẶNG ĐÌNH ÁNG 80 tuổi

Mừng giáo sư ĐẶNG ĐÌNH ÁNG 80 tuổi

- Nguyễn Xuân Xanh — published 19/01/2007 10:49, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Một nhà toán học, một người thầy, một nhạc sĩ. Có lẽ phải thêm : một nhà hiền triết.

MỪNG GIÁO SƯ TIẾN SĨ ĐẶNG ĐÌNH ÁNG 80 TUỔI


NGUYỄN XUÂN XANH


NHÀ TOÁN HỌC LỚN

NGƯỜI THẦY TẬN TUỴ

MỘT NHẠC SĨ SAY MÊ


Trong sự nghiệp của tôi, tình thương là tinh thần dẫn dắt.

GS Đặng Đình Áng



Vào những ngày giữa tháng Ba năm 2006 có một sự kiện mà chắc nhiều người trong giới toán học Thành phố đã cảm nhận: Giáo Sư Đặng Đình Áng tròn 80 tuổi! Đó là một sự kiện rất đáng vui mừng. Đáng vui mừng vì GS Áng vẫn còn khoẻ mạnh, vẫn còn tự chạy xe Honda, tiếp tục làm toán và thổi sáo, rất hăng say với công việc, như một dòng sông lúc sắp đổ ra biển: chảy càng mạnh, càng rộng lớn ra và càng mang nặng phù sa. GS là người đã đóng góp đúng 46 năm liền không mệt mỏi cho ngành toán học nước nhà, không phải chỉ căn cứ trên số lượng lớn trên 130 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế về nhiều đề tài nghiên cứu trong toán học và có nhiều đầu sách chuyên đề, trong đó có một chuyên đề được xuất bản bởi nhà xuất bản nổi tiếng Đức Springer, mà chính ở ý nghĩa GS là người được giới toán học thế giới công nhận như một nhà toán học uy tín của Việt nam, đã từng làm vị khách được mời phát biểu ở nhiều hội nghị quốc tế, được mời làm giáo sư thỉnh giảng ở nhiều đại học quốc tế như đại học Utah, Orléans, viện nghiên cứu Mauro Picone (Ý), đại học Paris, mời đọc bài giảng tại đại học Cambridge…; từng được học bổng nghiên cứu DFG (Deutsche Forschungsgesellschaft) của Đức nghiên cứu Toán tại đại học (tự do) Berlin, một học bổng nghiên cứu dành cho những nhà nghiên cứu có tiếng; học bổng nghiên cứu tại đại học Tokyo; GS là người kết nối Việt Nam với năm châu, hướng dẫn và cùng hướng dẫn chung với giáo sư nước ngoài cho nghiên cứu sinh Việt Nam; nhiều giáo sư nước ngoài quen biết với GS đã vào Việt Nam tham dự nhiều hội nghị toán tại Việt Nam; GS đã đào tạo được rất nhiều nghiên cứu sinh thành đạt đang làm việc trong và ngoài nước; vui mừng vì chúng ta vẫn còn một người thầy khả kính mạnh khoẻ với chúng ta và là người rất yêu âm nhạc với chiếc sáo bạc đã 50 mươi năm đi theo GS.

dda

Phải nhìn lại nền toán học non trẻ Việt Nam những năm 60 ở thế kỷ trước. Ở phía Nam có thể nói nó mới manh nha cũng vào lúc GS Áng sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở Hoa Kỳ về nước được giao ngay trọng trách làm trưởng ban toán của Đại học Khoa học Sài Gòn năm 1960, lúc đó GS mới 34 tuổi, vào lúc đại học đang cần chuyển ngữ và chuyển quyền. GS tham gia vào việc cải tổ chương trình đào tạo đại học. Chứng chỉ Toán Đại Cương là cái cửa ải khó lọt “rùng rợn” nhất đối với hàng trăm sinh viên lính mới, mỗi năm chỉ có vài người lọt qua được thôi! GS Áng đã giúp thay đổi tình hình thi “thách đố” đó, kéo nó về tình trạng bình thường. GS cũng là người đã đầu tiên mang toán học hiện đại vào như một luồng gió mới, đào tạo ngay những lớp sinh viên đầu tiên cho sinh viên toán và sư phạm trong các môn toán hiện đại. Không khí học toán trong sinh viên lúc bấy giờ rất hồ hởi, sôi động. Toán học đại học khác hẳn với toán học đã từng được học ở trung học hàng chục năm liền, nó gây bỡ ngỡ, nhưng cũng gây thích thú, mở rộng tư duy và tầm nhìn của sinh viên. Toán học cũ như toán học của Euclide, Pythagore, còn toán học mới như toán học của Cantor, Weierstrasse, Hilbert. Toán học đại học như một “đền thờ” riêng của nó mà người sinh viên phải biết tự tìm đường vào. Có một sự đứt khoảng thực sự về trình độ, khái niệm, phương pháp, nhãn quan.

Toán học phía Nam đã nhanh chóng có tính chất hiện đại của thế giới, lan dần ra như một đóm lửa nhóm lên xung quanh GS Áng và các học trò. Các sinh viên của GS sau khi tốt nghiệp đi nước ngoài không bị bỡ ngỡ. Đặc biệt mặt bằng trình độ cũng được nâng cao hẳn lên bằng các chứng chỉ “toán thâm cứu” I và II nhằm đưa sinh viên sau cử nhân đến gần với nghiên cứu và sáng tạo. Sinh viên không phải học để trở thành “ông cử” mà có thể bước vào con đường khám phá cái mới. Có những sinh viên qua đó đã có ngay những bài nghiên cứu đầu tay được đăng trên báo nước ngoài, nhờ đó mà tìm được học bổng du học. Còn gì khích lệ bằng! Toán học đã có một người thầy dẫn đường “hội nhập” vào quốc tế, một hạt giống của những hạt giống tương lai. GS như cái cổng để sinh viên bước vào các trường đại học quốc tế. “Cả sự nghiệp của đời tôi là đào tạo. Muốn dạy giỏi, người thầy phải nắm vững những kiến thức mới mẻ nhất. Muốn nắm vững, bản thân ông thầy phải có đóng góp chứ không thể nhắc lại kiến thức của người khác”“Tôi rất thích học, thời Pháp học, thời gian vào Sài gòn, ở CalTech học, về đây tiếp tục học, bây giờ cũng còn học, học những bậc thầy đi trước”, như GS khiêm tốn nói. Đó chính là tinh thần nghiên cứu kết hợp giảng dạy của nhà cải cách đại học Đức Wilhelm Humboldt đầu thế kỷ 19, một cải cách đã đem lại cho nền đại học Đức một thời kỳ phát triển vô cùng rực rỡ.


Ba mươi năm qua GS đã chọn con đường ở lại để tiếp tục đóng góp cho ngành toán học TP và đào tạo các lớp sinh viên trẻ có năng khiếu, một quyết định cũng không phải là đương nhiên đối với một nhà khoa học được đào tạo theo Tây học từ nhỏ, đã từng du học và sống ở nước ngoài, từng được mời ở lại giảng dạy ở đó, có đủ điều kiện để có một cuộc sống thăng hoa và dễ dãi ở nước ngoài. Cuộc đời xung quanh là một chuỗi đứt gãy, nhưng GS vẫn giữ mình không bị cảm ứng tiêu cực, mà vẫn lành lặn, trong sáng, và luôn luôn vững bước tiến lên trong sự nghiệp khoa học của mình, mặc cho những khó khăn trước mặt. Dường như đối với GS chỉ có phương trình mới có giá trị vĩnh cửu như một cái đích đi tới không gì làm lệch hướng được. Vì sao GS vẫn lưu luyến nơi này, nhận đại học Sài gòn làm mái trường hoạt động với tất cả thiếu thốn của nó? Nó có là một đại học đầy đủ ý nghĩa không? Nó có tên tuổi trên thế giới không? Hay nó chỉ giống như một túp lều nghèo, hẻo lánh xa xôi trên bản đồ thế giới? Tài liệu khoa học không có, thư viện thiếu thốn muôn bề. Sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông tin hầu như không có. Người làm nghiên cứu phải luôn nhờ cậy vào nguồn yểm trợ tư liệu từ nước ngoài một cách vất vả. Ngày xưa thế, bây giờ cũng không khá hơn bao nhiêu. Cái có lẽ cái duy nhất và cũng là lớn nhất đã níu kéo GS ở lại chính là quê hương. Ông đã tìm thấy ở quê hương miếng đất để mình bám rễ cho sức sống, và giúp vượt qua mọi khó khăn thử thách. Ông đã sống với tất cả mệnh lệnh của trái tim, của tình yêu quê hương, không phải bằng mệnh lệnh nào khác. Ông luôn tin vào tài năng của con người, mảnh đất Việt Nam: “Đây là mảnh đất tốt, rất màu mỡ, rất nhiều hạt giống tài năng” và “Tôi tin tưởng rất nhiều vào tiềm năng của người Việt Nam ta, đặc biệt là của lớp trẻ. Tuy nhiên, muốn biến tiềm năng thành hiện thực thì phải biết tổ chức, phải có thầy. Thầy là những người có khả năng chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp và quan tâm đến học trò”. Những cái bắt tay đầy sự hiểu biết và cảm thông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng giáo dục Tạ Quang Bửu và GS Trần Đại Nghĩa đã làm GS vững thêm niềm tin cho sự chọn lựa của mình. Phải nói đó là sự chọn lựa của một người bản lãnh. Năm 1980 GS được nhà nước phong danh hiệu giáo sư trong đợt phong giáo sư đầu tiên sau ngày giải phóng như một sự công nhận trân trọng và khích lệ đối với GS.


vngdda
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Đặng Đình Áng tại hội nghị toán học 1977 tại Hà Nội

Vì những đóng góp và lý do trên, GS Áng đáng là người đáng để được chúng ta cám ơn và trân trọng. Cám ơn GS đã là một “ngọn đèn” để khêu lên những tài năng trẻ khác, một viên ngọc quý của nền toán học nói chung của Việt Nam. Chúng ta cám ơn một người con của đất nước suốt đời tận tuỵ với nghề nghiệp, có tình cảm gắn bó sâu sắc với quê hương, với xã hội, với sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ để vươn lên với thế giới, đã đưa giới toán học quốc tế trong ngành mình đến gần Việt Nam, cũng như đưa toán học Việt Nam vươn ra quốc tế. Đó là một tấm gương sáng để các thế hệ sau học hỏi, vừa là một nhà toán học, vừa là một nhân cách.


“Mỗi lần về thăm làng, tôi lại ra tắm ở cái hồ lớn, rồi nhìn về núi Trầm và tôi lại nhớ da diết những ngày còn bé, tôi cùng anh (Đặng Đình) Hưng thường ra đó. Chúng tôi cùng nhìn lên núi, mỗi người theo đuổi một ước mơ. Về sau, tôi thường tự hỏi: có phải chính ngọn núi này đã khơi gợi cho anh em tôi những khát vọng trong đời?”


“Tôi mê sáo tre từ nhỏ, sang Mỹ thì mua được cây sáo bạc. Âm nhạc có tác dụng rất quan trọng với việc học tập và nghiên cứu toán của tôi. Cũng như âm nhạc, toán là một nghệ thuật”.


Hai câu nói cho thấy GS đã có một sự định hướng, một khao khát trong thế giới nội tâm từ thuở nhỏ mà ngọn núi Trầm chỉ là cái sự thể hiện bên ngoài và cũng là để đánh thức thêm sự định hướng vươn lên đó bên trong. Thứ hai, tiếng sáo tre cũng là âm thanh đánh thức cái sở thích âm nhạc đã tiềm tàng trong GS.


Trong Ngần Bóng Gương

là tập kỉ yếu mừng giáo sư Đặng Đình Áng thượng thọ 80, do Nhà xuất bản TRI THỨC phát hành tháng 12.2006. Sách do Nguyễn Dũng và Nguyễn Xuân Xanh chủ biên, với sự tham gia của 35 tác giả, 384 tr.

Bạn đọc ở xa, tìm mua, có thể liên lạc với Nguyễn Xuân Xanh : diemxanh@vnn.vn

Âm nhạc có tác dụng sâu xa đến sự sáng tạo con người mà khoa học chưa hiểu hết. Nó muốn diễn tả cái gì mà con người chưa diễn tả được. Người ta thường thấy GS xuất hiện với chiếc sáo bạc, làm liên tưởng đến hình ảnh Einstein với cây đàn vĩ cầm, ngay cả khi vào họp trong hàn lâm viện. “ Chơi sáo hàng ngày là làm tiêu tan căng thẳng, làm cho tâm trí sáng sủa hơn, người khoẻ mạnh hơn. Chơi nhạc là một cách dưỡng sinh, một cách thiền” như giáo sư nói. …”Âm nhạc mà nhất là nhạc cổ điển như một phép dưỡng sinh, giúp tôi thấy thanh thản, tĩnh tâm, yêu đời”. Âm nhạc đưa tâm hồn con người về cội nguồn của từ thuở nào không ai biết. Đó là cội nguồn của của sự sáng tạo, trực giác, của tình thương, niềm tin, sự thánh thiện, hy vọng và cả sự chịu đựng nữa. Tiếng sáo tre của tuổi thơ là sự báo hiệu của cội nguồn được đánh thức. Mỗi lần chơi sáo hay nghe nhạc là trở về cội nguồn đó để xua tan đi những sự chối tai của xã hội và tiếp sức cho cuộc hành trình sáng tạo. Âm nhạc đã giải phóng con người khỏi sự hạn hẹp của không gian, thời gian của cuộc sống thường nhật, bằng cách làm cho con người cảm nhận được một vương quốc bình yên, vĩnh cửu. Pythagoras được xem là ông tổ đã khám phá ra quan hệ giữa âm thanh và con số. Khoa học của người Hy lạp luôn luôn là khoa học của sự hài hoà. Sự hài hoà chiếm một vị trí trung tâm trong giáo dục của Hy lạp. Cái đẹp cũng là cái hài hoà. Kepler là người khám phá ra “quy luật âm nhạc của vũ trụ” ở các định lý thiên văn của ông. Đặc biệt nhạc của Mozart, như một nhà khoa học Đức nói, “đẹp và tinh khiết” đến độ có thể được xem như “vẻ đẹp nội tâm của vũ trụ”. Đó cũng là âm nhạc GS thích nhất. Âm nhạc cộng với sở thích văn học của GS, đó là miếng đất văn hoá đem lại sức sống và nuôi dưỡng sự sáng tạo không ngừng, làm cho GS tuy tuổi cao nhưng không già, tuy tóc bạc nhưng tâm hồn vẫn xanh tươi, tuy sức khoẻ phải được gìn giữ nhưng những ngọn sóng của tư duy và cảm hứng yêu đời vẫn dạt dào trong trái tim như xuất phát từ một đại dương không bờ bến.


GS là một nhà toán học, nhưng trước hết là con người văn hoá, nhân văn. GS tuy được đào tạo với một nền văn hoá Tây học, bảy năm sống ở nước ngoài, nhưng tầm hồn luôn luôn đầy ấp những tình cảm Việt Nam. “Tôi thổi Mozart bằng tâm hồn Việt. Thổi để không quên dân ca mình. Tôi ăn món ăn nước ngoài cũng bằng dạ dày Việt. Ăn để thấy các cụ nhà ta thật sành…ẩm thực”. Miếng đất văn hoá đã giúp cho GS dù sống ở đâu tinh thần vẫn rộng mở và sáng sủa. Trong những giai đoạn khó khăn, GS cũng vẫn hoạt động toán học không ngừng nghỉ, trong giai đoạn biến động, GS luôn luôn vững vàng như một tảng đá.


Triết lý sống ở đời của GS? Là nhân hậu, vị tha, có trước có sau. Là thương yêu xã hội, thương yêu con người, thiên nhiên. “Phải có tình thương mới làm được việc lớn”. Ông đã vượt lên mọi cái chối tai của xã hội để tâm mình vẫn luôn trong sáng và nhân hậu.


Hạnh phúc là gì? Hãy xem căn phòng đơn sơ cũ kỹ tĩnh lặng bên cạnh tiếng xe ồn ào của GS ở 162 Điện Biên Phủ. Hạnh phúc không nằm ở vật chất mà ở thế giới tinh thần, ở cái vô cực cũng như những cái hữu hạn, hay những số epsilon vô cùng nhỏ của toán học, ở lao động sáng tạo, ở những bản sonate, giao hưởng, các buổi hoà nhạc, sinh hoạt văn hoá, ở sự hài hoà với xã hội, với vũ trụ, ở đào tạo và dẫn dắt học trò.


Lời khuyên của GS đối với thanh niên trẻ? Đó là: “Đừng háo thắng mà không đi xa được, việc học cũng giống như chạy marathon 42 km, phải biết giữ sức, những cây số đầu không mấy quan trọng, không học nhồi học nhét, không ham ánh hào quang hão huyền, làm sao để càng về sau càng khổng lồ, đó mới là kết quả thực sự”. GS là một con người thực say mê trải rộng cả cuộc đời, say mê không bao giờ dứt, say mê toán học cũng như âm nhạc. Cuộc chạy Marathon của GS không phải 42 cây số, mà là 50 năm!


Tôn giáo? Không có, GS chỉ sống với “đạo làm người”, muốn gieo cái tốt, cái thiện và tránh xa cái xấu, cái dữ. Nhưng có lẽ nói như Einstein, “Trong xã hội phổ biến nhuốm màu vật chất chủ nghĩa thì những người nghiên cứu (khoa học) nghiêm túc là những người duy nhất có tín ngưỡng sâu xa”. Họ như những người đi tìm cái “Đạo” trong thế giới khoa học vậy.


Tháng 12 năm nay sẽ có một hội nghị toán học quốc tế tại TP để mừng GS 80 tuổi. Đó cũng là cái mốc mới kỷ niệm sự nghiệp sáng tạo của GS. Chắc người ta cũng sẽ thấy GS với chiếc sáo bạc thổi tại Hội nghị.


Trong một bài báo đăng trên báo SGGP năm 2000, GS Áng đã viết:


Quê hương là dải đất, có núi có sông, có cây cỏ, có những con người cùng chung quyền lợi vật chất và tinh thần, nhưng không phải chỉ là thế, sâu xa hơn thế là các nấm mồ người đã khuất. “Chính tro tàn của người quá cố đã tạo ra quê hương”, một văn hào Pháp, trong một bài thơ bất hủ về tình yêu quê hương, đã thốt ra như vậy”.


Thưa GS, Quê hương cũng còn được tạo ra bởi những người vẫn còn sống yêu quê hương và miệt mài lao động để cho đất nước mau chóng vươn lên giành một chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng thế giới, ngẩng nhìn mặt trời như đất nước ta bao đời nhìn mặt trời hừng đông trên biển cả nhưng chưa được toại nguyện giấc mơ. Trong những người còn sống làm nên quê hương đó, có GS.


Xin chúc GS nhiều sức khoẻ để sống hạnh phúc với gia đình, học trò, bè bạn và để chứng kiến đất nước ngày càng đổi mới, tài năng trẻ ngày càng phát triển, cùng vươn lên, lột xác để thực hiện giấc mơ của cha ông, và cũng là mơ ước của những người tâm huyết đi trước dẫn dắt như GS đã làm nửa thế kỷ qua. Xin chúc sức khỏe của Cô Minh Thi, người vợ hiền thục của GS không thể thiếu được trong sự nghiệp và hạnh phúc của GS. Chúc tiếng sáo của GS tiếp tục ngân lên hoà quyện với những giai điệu mới của toán học.



Nguyễn Xuân Xanh


TP Hồ Chí Minh ngày tháng 3/2006

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss