Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Nét “đẹp” là …đường đi …

Nét “đẹp” là …đường đi …

- Thái Kim Lan — published 01/11/2008 18:23, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Tiểu sử Thái Bá - Hoạ sĩ


Nét “đẹp” là …đường đi …
Tiểu sử Thái Bá - hoạ sĩ.



Thái Kim Lan



thaiba

 Thái Bá, tên thật là Thái Nguyên Bá, sinh ngày 09. 06. 1938 tại An Ninh Hạ, Xuân Hoà, Thừa Thiên Huế, con thứ hai nhưng thành trưởng (người anh đầu mất sớm) của ông Thái Nguyên Trinh và bà Tôn nữ thị Nhơn, trong gia đình vốn 6 nhưng còn 4 anh em. Mồ côi cha năm lên chín tuổi, anh được mẹ tận tụy nuôi nấng ăn học trong sự tương thân của đại gia đình Thái tộc, nhất là dưới sự bảo trợ của cố bà cô Thái thị Huệ Khanh, phu nhân của Thượng thư Nguyễn Trừng, tại tư thất ở đường Hàng Đường (nay là 180 Bạch Đằng). Đặc biệt anh được bà nội và bà cô cũng như chú bác anh chị thương quí vì vẻ đĩnh ngộ tuấn tú và tính tình hiền lành.

Từ khi biết cầm bút, Thái Bá đã làm ngạc nhiên bạn bè và anh em trong gia đình về năng khiếu hội hoạ của anh. Anh có thể hí hoáy tài tình vài nét tiêu biểu (caricature) về vẻ mặt hay thói quen đi đứng các nhân vật trong gia đình làm cho anh em xấp xỉ tuổi thích thú bất ngờ nhận ra cá tính của mỗi người.

Theo học tiểu học trường Thượng Tứ Huế rồi sau đó trường tiểu học Gia Hội Huế, Thái Bá đã sớm gây chú ý nơi các thầy cô về tài vẽ, nhất là cố họa sĩ Tôn Thất Đào (trường Mỹ Thuật Đông Dương), đã nhận ra thiên khiếu của Thái Bá nên khuyến khích anh chuyên về môn hội hoạ. Sau khi học xong Trung học (Quốc học), tháng 10 năm 1955 Thái Bá vào Nam thi và đậu tuyển vào khóa hai trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định - Sài gòn. Anh trở nên học trò tâm đắc của cố họa sĩ Lê Văn Đệ, nhất là về kỹ thuật aquarel trên lụa (anh đã đoạt nhiều lần giải thưởng về tranh lụa) cũng như kỹ thuật sơn dầu đang phái triển tại miền Nam.

Trong khoảng thời gian theo học trường Mỹ thuật (1955 – 1959), Thái Bá đoạt nhiều giải thưởng và huy chương về hội họa trong các cuộc thi vẽ của trường và của chính phủ đương thời. Huy chương bạc trong cuộc thi “Tranh cổ động du lịch” Việt Nam năm 1958, giải nhì toàn khóa bài thi tốt nghiệp về đề tài “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” trên lụa (đã được đưa vào Bảo tàng viện Mỹ thuật đương thời) đã tạo cho anh cơ hội được học bổng du học Pháp tại trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris năm 1960, sau khi hoàn tất thêm bằng tốt nghiệp Sư phạm Mỹ Thuật tại Sài gòn năm 1959.

Trong lúc du học tại Pháp về kiến trúc nội thất (architecture interieure), anh tiếp tục tham gia thành công những hội chợ Mỹ thuật Việt nam do Thành Lễ tổ chức tại Paris.

Sau khi tốt nghiệp trường Mỹ thuật Paris (1966), Thái Bá du lịch nhiều nơi (Nam Dương, Phi Luật Tân, nơi anh hấp thụ kỹ thuật in lụa batik, Trung Hoa, Nhật Bản, nơi anh học hỏi thêm về tranh lụa và bút pháp Thiền hoạ thủy mặc).

Khoảng năm 1972 anh chuyển sang Mỹ. Dự tính trở về Việt nam sau đó không được thực hiện vì cuộc chuyển biến chính trị năm 1975. Anh ở lại Mỹ và nhập quốc tịch Mỹ năm 1977.

Từ cuối thập niên 70, cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt tại Mỹ, tên Thái Bá được biết qua nhiều khía cạnh nghệ thuật: hội hoạ, sơn mài, gốm Thái Bá, lịch, thiệp, lụa batik, design nội thất… trên khắp nước Mỹ. Và căn hộ trên đường Dillow tại Quận Cam Cali một thời đã là nơi gặp gỡ sinh hoạt văn hoá của những kẻ xa nhà.

Bác sĩ Võ Văn Tùng đã bày tỏ trong lời tiễn biệt cuối cùng: “Trong nỗi nhớ của người tha hương, Thái Bá đã đem chúng tôi trở lại gần gũi hiện thực với quê hương bằng nét vẽ tài tình của anh: cảnh bến nước, cổng chùa, màu phượng đỏ, mái tóc thề, tà áo trắng… Chúng tôi đã mừng vui như được trở lại nhà xưa… và cơn mộng nhớ quê được vỗ về… cuộc tương phùng nhớ Quê nhớ Huế như thế trong bao năm. Cám ơn Thái Bá”.

Có thể nói hiếm có một nghệ sĩ hội tụ được nhiều “năng khiếu” và “vốn học hỏi cũng như kinh nghiệm đào tạo” trên lãnh vực hôi hoạ như Thái Bá

Sinh hoạt nghệ thuật đa dạng của anh cho thấy bàn tay của người nghệ sĩ này không ngừng xúc tác chất liệu thiên nhiên ở đâu anh sống để tìm cảm hứng sáng tạo, nồng nhiệt đến nỗi trong nhiều tác phẩm, cảm giác vội vàng nắm bắt sự vật xuất hiện trong mắt người nghệ sĩ để theo kịp với thôi thúc ‘tạo thành” nơi bàn tay còn đọng lại rõ rệt trên nét vẽ.

Chính sự đa dạng này làm cho họa sĩ Thái Bá trở thành “bình dân” (populaer) đối với mọi người những ai cần đến và những ai thưởng ngoạn. Anh làm nhiều thứ từ tranh vẽ cho đến mỹ nghệ thực dụng… Nhưng có lẽ chính sự phân tâm này đồng thời cũng làm giảm sức đào sâu và phát triển thiên khiếu sở trường của anh.

Tranh lụa Thái Bá một thời đã dẫn đầu trào lưu hội hoạ miền Nam (sau Mai Thứ, Lê Văn Đệ v.v.) trong khoảng các thập niên 50, 60 với những mô típ điển hình về con người, phong cách sống và phong cảnh miền Nam, trong đó nổi bật “tính Huế” hay “tình Huế”. Những mô típ này có thể trở thành “prototype” và khuôn sáo nếu sự chuyển biến tinh tế đầy nhạy cảm của bàn tay nghệ nhân trong thao thức sáng tạo bị buông thả. Ngày nay chúng đã trở thành mẫu đại trà vô số tranh “lưu niệm” nhan nhãn khắp nơi cho khách du lịch, nhưng tiếc thay Thái Bá vẫn chưa tìm ra con đường mới khác cho anh.

Có lẽ những biến chuyển thời cuộc bên ngoài và những thất bại tư riêng về gia đình bên trong (li dị vợ, sống xa con gái) đã tạo nên những khủng hoảng vô thức trong sự nghiệp hội hoạ của Thái Bá. Nói như thế không phải để qui vào cái nghiệp tài hoa trở nên “tài tử” mà anh mang lấy vào thân thay cho một lời xin lỗi về những vô định mà Thái Bá đã không định được cho mai sau, cho người kế thừa. Anh nổi tiếng tài hoa “tài tử” đến nỗi khi ra đi vĩnh viễn chỉ với một túi xách hầu như rỗng không, và hai bàn tay trắng (tác phẩm của anh rải rác khắp nơi, chưa được sưu tập) như một người bạn đã nhận xét.

Nhưng Thái Bá được nhiều sự mến yêu của mọi người đã gặp anh hay tác phẩm của anh. Trước hết bản tính hiếu hòa và đôn hậu của anh đã gây trong lòng bà con và bằng hữu xa gần sự quí mến tha thiết hiếm có. Ngay trong giờ phút lâm chung, các anh em họ hàng bạn hữu đã vây quanh anh với tình thương vô hạn, thân ái ít người sống tha hương bì kịp.

Trong tất cả những thăng trầm thế sự làm chao đảo cuộc đời, mà anh gọi là “trần ai khổ ải” trong nỗi đau bị cơn bệnh đục khoét sức người từng giây, điểm nổi bật trong tranh Thái Bá lại chính là màu sắc tươi vui, hầu như ngây thơ trong bản chất, trẻ thơ hồn nhiên trong điệu cách, khác hẳn với định kiến về sắc màu ủ dột, chìm đắm siêu hình un đúc tâm hồn Huế.


thaiba-ve


Thái Bá không quanh co đau khổ với tranh, với hội hoạ, anh đơn thuần trong cảm nhận, như tuồng mọi tri giác về vẻ đẹp của sự vật đều là “chi sơ”, đều là “hỉ lạc”: màu xanh trong tranh Thái Bá có sắc tươi gần như là tiếng reo của trời xanh vùng Linh Mụ một sáng tinh sương dội lên trên nền lục thủy mặt nước sông Hương, hòa lẫn với âm giai xanh mực tàu bao trùm núi Kim Phụng một ngày xuân, trở nên sắc màu tuerkis, rất mới đến nỗi không thật, và làm ngỡ ngàng cho cảm nhận ban đầu. Nhiều lần người nhìn ao ước phải chi có một lớp bụi phủ trên màu xanh ấy để tranh thật đời hơn màu xanh huyền thoại trong truyện cổ tích, rốt cùng lại nhận ra đó chính là cảm nhận nguyên thủy của Thái Bá nơi anh bắt đầu hành trình cuộc đời. Màu xanh ấy phản chiếu cảnh vật nơi khúc sông đẹp nhất kinh thành chốn anh sinh ra, lại chính là phản ảnh bản tính tự nhiên yêu đời Thái Bá. Anh đã một lần thấy (vừa thực vừa mộng) vẻ đẹp tươi và ghi nhớ mãi phút ban đầu ấy, không bụi nào có thể làm mờ phai.

Anh nhớ không quên một chi tiết nào những hoài niệm thời trẻ, chúng đã giúp anh biểu hiện những nét hoạ sketsch độc đáo đã từng là phương thuốc chữa bệnh nhớ nhà cho người xa quê.

Nhưng có lẽ chính người trị bệnh lại mang bệnh nhiều hơn ai. Nỗi nhớ nhà đã thôi thúc anh sau gần 40 năm tha hương trở lại Huế. Có thể nói anh Huế hơn mọi người Huế nào trên trái đất. Từ 1994 cho đến khi mãn phần cuộc đời, Thái Bá trở về Việt Nam thường xuyên. Một trong những việc đầu tiên của người con xa quê là cùng mẹ già tình nguyện góp công tu sửa Từ đường, và sau đó tiếp tục xây dựng toàn thể lăng mộ tổ tiên. Điều này làm cho mọi người trong gia tộc thương mến anh.

Dự tính trở lại với hội họa lại bị đẩy lui vì những bận rộn mới của người xa quê lâu năm: mê mải tìm lại thời gian đã mất nơi từng ngõ ngách xứ sở đang nóng hổi dưới chân, đang phơi phới trước mắt… Cuộc tìm này được anh thể hiện bằng công phu sưu tập các cổ vật trong vùng Thần Kinh: gốm, đồ đồng, phát hoạ mẫu… Hiện sưu tập này đang bị mất mát tẩu tán hoặc dang dở chưa được xếp hạng, vì Thái Bá vốn lạc quan và chủ quan, chưa nghĩ đến một ngày chính anh không thoát khỏi qui luật “lão, bệnh, tử” của cuộc đời.

Tháng giêng 2008 phát hiện dấu hiệu ung thư phổi tại Huế, nhưng anh chủ quan. Cuối tháng 7 anh quyết định (khá trễ) trở lại Mỹ hi vọng được điều trị có kết quả. Sau cuộc giải phẫu cấp tốc cứu anh thoát chết nhất thời vì nghẽn tim, bác sĩ Mỹ cũng bó tay trước bệnh phổi nan y.

Khi gặp nhau lại trên nước Mỹ cuối thàng 9, lần đầu tiên anh áo não bi quan nói với tôi lời chiêm nghiệm từ những cơn đau vật vã: “Đời người như một chuyến tàu, nếu lên không kịp, tàu đi mất, anh trễ chuyến rồi…”

Anh đã dừng lại bỏ chuyến đi…trút hơi thở cuối cùng vào lúc 3 giò 43 phút sáng rằm 14 tháng chín âm lịch năm Mậu Tý (12. 10. 2008). Đêm ấy Cali trời trở gió quái, trăng sáng lồng lộng sắc lạnh về khuya. Anh ra đi nhẹ như tấm màn cửa đang lay động, mà mới đó lúc chiều anh toan tính tìm cách vén ra từ chỗ nằm để được nhìn trời.

Tôi ngồi một mình với anh, anh em bây giờ chỉ cách nhau một hơi thở…Gương mặt anh lành lặn bình yên kỳ lạ như chưa bao giờ bị đau đớn dày vò.

Chưa bao giờ tôi nhìn anh lâu đến như thế, từ khi tôi biết nhìn và muốn nhìn như thế mãi. Anh nằm đó đẹp an hoà nhu tuấn như một hoạ phẩm toàn bích trên thế gian: không là của anh mà là của Ba Mạ, duy nhất không phiên bản. Tôi nghe tôi gọi liên hồi trong tim tiếng gọi từ ngày anh em còn có nhau trong lòng mẹ.


Thái Kim Lan

Viết trên chuyến đi từ Cali trở lại Huế,
tháng 10/2008.


PS: Hiện nay tranh Thái Bá tản mát khắp nơi, chúng tôi rất mong hoàn thành một kỷ yếu tranh Thái Bá và rất đội ơn nếu được những thân hữu có tranh Thái Bá giúp đỡ hình ảnh và bài viết về hoạ sĩ Thái Bá.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss