Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Người tráng sinh cuối cùng đã ra đi

Người tráng sinh cuối cùng đã ra đi

- Phạm Quang Đẩu — published 11/10/2008 14:54, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Trong dòng người đến viếng, không còn thấy những người bạn đồng niên, đồng tuế của bác Kim thời học ở Cao đẳng khoa học Hà Nội khoá 1941-1944 và cùng là tráng sinh trong đoàn hướng đạo Lam Sơn ngày ấy nữa. Bác Kim trong số những tráng sinh cuối cùng của một thế hệ đặc biệt một thuở, đã ra đi!


Người tráng sinh cuối cùng đã ra đi


Phạm Quang Đẩu


Trưa ngày 8-10-2008 tôi đến nhà tang lễ của Viện quân y 108, Hà Nội viếng bác Nguyễn Như Kim. Người nằm xuống đã bước sang tuổi 87, từng du học tại Pháp những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước; khi hoà bình lập lại trên miền Bắc, trở về nước trong số những cán bộ đầu tiên xây dựng trường Đại học Bách khoa, Hà Nội; rồi nhiều năm làm giám đốc Viện Thông tin khoa học kỹ thuật thuộc Uỷ ban khoa học nhà nước; sau đó là tham tán khoa học đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hoà Pháp. Trong dòng người đến viếng, không còn thấy những người bạn đồng niên, đồng tuế của bác Kim thời học ở Cao đẳng khoa học Hà Nội khoá 1941-1944 và cùng là tráng sinh trong đoàn hướng đạo Lam Sơn ngày ấy nữa. Bác Kim trong số những tráng sinh cuối cùng của một thế hệ đặc biệt một thuở, đã ra đi!

Tôi có may mắn được biết bác Kim cách đây khoảng 8 năm về trước, do liên quan đến công việc làm báo, viết văn của mình. Hôm ấy, trong buổi gặp mặt truyền thống tại một công ty chuyên làm bóng đèn, phích nước ở Hà Nội, ông tổng giám đốc vốn là sinh viên trường Bách khoa, giới thiệu tôi với một người đang đứng gần. Người đó dong dỏng cao, mái tóc đen nhánh, nước da mịn hồng hào, cử chỉ lời nói toát lên vẻ bặt thiệp, thân mật. Ông tổng giám đốc bảo: “Thầy Nguyễn Như Kim, chủ nhiệm khoa điện tử- cơ khí đầu tiên của trường Bách khoa đấy”. Ông tổng giám đốc chưa đến năm nhăm, mà trò đứng cạnh thầy chẳng thấy trẻ hơn là mấy và tôi thật ngỡ ngàng khi biết bác Kim lúc đó đã vừa vào tuổi “bát thập”. Rồi có một ông tóc bạc phơ chạy đến, trịnh trọng bắt tay “thầy Kim”, tổng giám đốc mới nói nhỏ với tôi: vị này là cựu bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, học Bách khoa khoá một, kém thầy đến cả chục tuổi mà nom còn già hơn. Tôi chỉ biết thầm thán phục: sao lại có người giữ được sự thanh xuân dài đến vậy!

Sau buổi gặp, tôi có vài lần đến thăm bác Nguyễn Như Kim nhà ở phố Nguyễn Chế Nghĩa, hàng xóm với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Việt kiều ở Pháp về, từng là giám đốc nhà xuất bản Thế giới. Một sự tình cờ khác là, căn hộ không lấy gì là rộng rãi của bác Kim lại chung tường ngăn với ngôi biệt thự công bề thế mà ông Hoàng Văn Nghiên vốn có thời cũng giảng dậy ở trường Bách khoa trước khi lên làm chủ tịch thành phố Hà Nội, đã để xảy ra tai tiếng, khi cuối đời làm quan ông này định rắp tâm chiếm ngôi biệt thự công đó mà không thành do bị báo chí kịp thời phanh phui.

Cuộc đời hoạt động của bác Kim từng gặp nhiều gian truân, thăng trầm chứ không như cái dáng vẻ ung dung tự tại bề ngoài của bác. Sau cách mạng tháng 8-1945 ở Hà Nội, anh thanh niên Nguyễn Như Kim cùng một số bạn học trường cao đẳng khoa học, hăng hái đi theo hai huynh trưởng Đoàn Hướng đạo Việt Nam là Hoàng Đạo Thuý và Tạ Quang Bửu lên chiến khu Việt Bắc tham gia cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp. Có một sự kiện liên quan đến bác mà cách đây vài năm báo chí mới tiết lộ. Đó là vào giữa năm 1948, lúc đó bác là phó giám đốc kỹ thuật đài phát thanh ở chiến khu, đã được đích thân thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu giao nhiệm vụ mang vàng sang Thái Lan mua sắm thiết bị khí tài cho chính phủ kháng chiến. Một mình mang 18 ký lô vàng, ròng rã suốt hơn nửa năm vượt qua bao gian nguy trong rừng già Trường Sơn, qua Lào, sang đất Thái, rồi bàn giao đầy đủ cho cơ sở cách mạng Việt kiều bên ấy, không thiếu một ly, một lai. Tình huống thể hiện “phẩm chất vàng mười” của những trí thức quên mình vì lý tưởng như thế của bác thật hiếm có. Vậy mà khi tôi hỏi lại cho kỹ hơn, bác chỉ kể qua loa, không mấy hào hứng, tôi thầm hiểu bởi đã gợi lại một chuyến đi đời người đầy hiểm nguy, mà kết thúc lại không có hậu như thế. Chuyện tiếp theo là, đến giữa năm 1949, sau khi đã mua đủ số khí tài, thiết bị, hàng được đưa về nước theo đường biển. sau mấy tháng lênh đnh trên biển thuộc hải phận quốc tế, tầu của bác vòng vào vịnh Bắc Bộ, khi gần đến đảo Hải Nam (Trung Quốc), đụng phải chiến hạm Pháp. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra chóng vánh, bác cùng thuỷ thủ đoàn nhẩy xuống biển sau khi đã đổ xăng đốt cháy toàn bộ số hàng. Rồi bác bị Pháp bắt, đem về giam ở bót Catinat Sài Gòn. Địch dùng cực hình tra tấn, không cung khai, cuối cùng sau một năm giam cầm, bác được thả, đưa ra Hà Nội trong sự luôn “để mắt” của Phòng nhì Pháp. Đầu năm 1951, Nguyễn Như Kim cùng người vợ trẻ mới cưới là Trần Thị Ân sang Paris du học. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện tử (bà Ân cũng có bằng tiến sĩ dược học), vừa ấm chỗ, có được nhà lầu xe hơi, theo lời nhắn gọi của huynh trưởng Tạ Quang Bửu lúc đó là Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học nhà nước, kiêm giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, bác lại cùng toàn gia hồi hương. Trong câu chuyện về ngày ấy, bác Kim thường nói với tôi, cuộc đời hoạt động của mình luôn gắn với một người mà bác rất kính trọng, ngưỡng mộ về tài năng và nhân cách là giáo sư Tạ Quang Bửu. Hồi còn trẻ trong Đoàn hướng đạo, ông đã truyền cho tráng sinh của mình lòng yêu nước thương nòi; rồi ông khuyến khích họ rời bỏ nơi đô hội sung sướng lên rừng xanh núi đỏ làm cách mạng; đến khi đất nước đã giải phóng cần người có kiến thức để xây dựng lại, ông lại kêu gọi họ trở về…

Cách đây hơn hai năm, tôi nẩy ra ý định viết một cuốn tiểu thuyết sử thi mà nhân vật chính xuyên suốt cả một giai đoạn lịch sử của đất nước, tôi nghĩ ngay đến bác Nguyễn Như Kim. Bác là chứng nhân, là gương mặt của một thời, hội đủ các đức tính. Và người của thế hệ ấy còn sót đến ngày hôm nay thật quý hiếm, song trong con mắt bọn trẻ thời nay lại đích thị là “ông già Khốttabit” không hơn không kém. Sau một năm viết miệt mài, tôi đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết, với tựa “Một ngày là mười năm”. Nhân vật chính xuyên suốt tất nhiên là phải dụng công hư cấu, song trong đó có bác Nguyễn Như Kim gần như được lấy nguyên mẫu trong đoạn đầu đời nhân vật. Tôi nhớ lần cuối cùng được gặp bác, cách đây 2 năm, khi bác vẫn rất phong độ, trẻ trung. Vậy mà sáng gặp, thì chiều bị đột quỵ. Không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy đến với mình theo quy luật sinh-lão- bệnh- tử nghiệt ngã với muôn loài. Và bác phải nằm bất động, sống đời sống thực vật suốt hai năm qua, trong sự chăm sóc tận tình của bác gái cùng những đứa con hiếu thảo.

Tôi thì cứ thầm tiếc, giá không có cơn đột quỵ ác nghiệt kia, biết đâu bác sẽ xem hết bản thảo cuốn tiểu thuyết khá dầy của tôi (sẽ được xuất bản vào đầu năm tới). Tôi hồi hộp lắm. Không biết thầy sẽ phê thế nào cho “bài làm” ấy đây? Nhưng tôi biết chắc một điều, dù mình có cố đến mấy cũng không thể nào lột tả hết được những năm tháng sôi động trong suốt chiều dài lịch sử của một đất nước chiến tranh triền miên đã tạo ra vô vàn số phận bi kịch, cùng những người trong cuộc như bác Nguyễn Như Kim từng hiện diện bên ngoài cuộc đời này với phẩm cách khác lạ như thế.

Hà Nội 8-10-2008

P.Q. Đ

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss