Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Vĩnh Biệt Hoàng Anh Tuấn

Vĩnh Biệt Hoàng Anh Tuấn

- Văn Ngọc — published 01/09/2006 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Bút ký của Văn Ngọc về Hoàng Anh Tuấn : một vài kỷ niệm thời học sinh ; giới thiệu tập thơ "Về Provins".


Vĩnh biệt Hoàng Anh Tuấn (1932 - 2006)



ChanDung HAT

Một vài kỷ niệm về

Hoàng Anh Tuấn thời học sinh

và tác phẩm " Về Provins "


... Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?

Vũ Đình Liên , Ông đồ, 1936

Văn Ngọc


Những người quen biết Hoàng Anh Tuấn thời còn là học sinh ở trường trung học tỉnh Provins vào những năm 50-54, nay chẳng còn mấy ai nữa. Hoạ chăng còn Lê Trạch Lựu (tác giả bài hát Em tôi), mà đã lâu lắm rồi tôi cũng bặt tin tức. Những người khác, những người quen biết anh sau này, khi Hoàng Anh Tuấn đã học xong trung học và lên Paris vào năm 1954, như : Trần Bích Lan (Nguyên Sa), Trần Ái Phan, Tố Lỹnh (bút danh), Long "râu", Vũ Trừng Huy (bút danh của Vũ Thanh Phương), Nguyễn Chính Tường, v.v. nay cũng đã ra đi gần hết cả rồi. Còn lại hai ba người, không biết bây giờ ở đâu, và có còn nhớ đến người bạn thời tuổi trẻ của mình không ?

Ngày đó tôi học ở Compiègne, một tỉnh nhỏ ở cách Paris 70km về phía bắc, nên không có cái may mắn được gần gũi Hoàng Anh Tuấn nhiều. Tuy nhiên, những gì xảy ra ở Beauvais, Coulommiers, hay Provins (cách Paris 90km về phía đông-nam), chúng tôi đều phong thanh biết hết. Chẳng hạn như chúng tôi đều được nghe đồn nhiều về những "nhân vật" tài ba xuất chúng ở Provins, như : Hoàng Anh Tuấn làm thơ, Lê Trạch Lựu " tài hoa " đến mức chinh phục được cả trái tim của một bà bá tước trẻ, đẹp, và giàu có ở tình này ! v.v.

Tôi được đọc thơ của Hoàng Anh Tuấn vào thời gian này cũng là do bạn bè từ mấy trường có nội trú kể trên gửi cho đọc ké.

Bài thơ đầu tiên đã gây ấn tượng cho tôi ngày đó, là bài " Anh Đi ", sau này được đăng lại trên tờ Văn hoá Liên hiệp, hoặc một tờ báo nào khác của phong trào Việt kiều ở Pháp những năm 50, nay có thể tìm lại được trong tập thơ Yêu Em Hà Nội (2004) :

" Những bông lúa còn xanh màu tuổi trẻ
Những nương dâu chịu nắng đã gần say
Anh đã về trời mát như bàn tay
Cô thôn nữ ngồi quay xa chăm chỉ
Làn(g) trinh tiết, giòng sông cười ý nhị
Mặc đồ nâu, anh đẹp như lòng anh
Nhạc núi rừng chuyển trong bước chân nhanh
Màu hoang dại in trên gò má rám...
[...] Anh lại đi chuyến đò chiều lặng lẽ
Nắng tươi cười như nắng hỏi ngô nghê
"Rau muống đồng bằng nhớ sắn bên kia
Anh có nhớ đoàn nhi đồng bến Đặng ?"
Anh nhìn trời , mắt ngời trong ánh nắng...

Đêm nay trăng nhàn nhạt vương vương
Một việt kiều hướng về nẻo quê hương
Mơ bóng dáng người anh trong khói lửa."

Hoàng Anh Tuấn, Anh đi (1949-50 ?)

Ngày đó, cứ thấy có bài thơ nào hay, bất cứ là của tác giả nào, là chúng tôi lại chép tay gửi cho nhau và thường thường là học thuộc lòng (Ngày đó đã làm gì có máy vi tính !). Tôi còn nhớ mãi một bài thơ khác hồi đó đã làm cho tôi vô cùng xúc động. Đó là bài " Trở về " của Xuân Diệu, nội dung và nhịp điệu bài thơ hợp với cái tâm trạng của tôi và một số anh em lúc ấy :

" Cũng bởi vì tôi nhớ, tôi mong
Một sớm mai hồng, tôi sẽ lên đường trở lại...
[...] Tôi sẽ trở về, chân vui rón rén
Như hương đi những đêm xuân hò hẹn,
Như mắt yêu len lén,
Như tay vuốt quen quen ;
Như đứa trẻ con nhay vú mẹ hiền,
Trong lòng đời tôi lại về náo động.
Bà mẹ du dương tay mở rộng,
Tôi nằm tròn như một giọt sương hoa,
Hỏi cỏ cây mình có nhớ thương ta ?
Ta nhớ thương mình, nên trở lại.
[...] Tôi phải về vì quá đỗi yêu thương
Những con người làm bằng máu và xương.
Vì thắc mắc sau khi mình đã chết
Hội vui quá thế mà mình không biết..."

Xuân Diệu, Trở về, 1948

Tôi nhớ hình như đâu đó Hoàng Anh Tuấn có nhắc nhở đến Xuân Diệu như một người anh cả, với tất cả sự trìu mến. Nhưng chắc hẳn Hoàng Anh Tuấn không chỉ chịu ảnh hưởng của riêng mình Xuân Diệu, mà còn tiếp thu nhiều ảnh hưởng khác, kể cả các nhà thơ Pháp. Sự việc sau đây, và nhất là tác phẩm " Về Provins " sẽ soi rõ thêm về con người thơ của anh.

Lần đầu tiên tôi gặp Hoàng Anh Tuấn và cũng là lần cuối, đó là ở một buổi gặp gỡ văn nghệ thân mật, làm ở một tiệm cơm nhỏ đường Polytechnique, chỗ phía đầu đường, gần ngay trước cửa ngôi trường nổi tiếng này, một tiệm cơm rất hẹp, bây giờ có lẽ vẫn còn, chúng tôi phải chen nhau đứng ra tới tận hè đường.

Tôi cũng không còn nhớ lúc đó mình được ai mời, và với tư cách gì, nhưng chắc chắn là chỉ có thể là vào mùa xuân năm 1955, sau trại Baillet, một Trại mùa xuân do Liên hiệp Việt kiều tổ chức cho học sinh, sinh viên, trong một cơ ngơi của công đoàn CGT, hãng Renault, mà lần này là lần thứ hai tôi tham dự.

Ngày ấy tôi mới học xong trung học, vừa mới ở Compiègne ra, lạ nước lạ cái, chưa quen biết ai mấy. Ở trại, tôi đã làm quen với Vũ Thanh Phương, Long "râu", Phạm Tư Hùng, Nguyễn Đình Khánh, Nguyễn Chính Tường, v.v. , một vài người trong đám này đã đóng góp tích cực vào việc thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam Hải ngoại vào cuối năm 1954, và sau đó sẽ ra tờ Sáng Tác (1955).

Ở trại Baillet, tình cờ tôi đã hát một hai bài hát để giúp vui trong những buổi "văn nghệ", và đã được mọi người để ý, nhưng phải chờ đến Hè năm ấy, đi trại Argentan, tôi mới thật sự trổ hết cái tài mọn của mình (thực ra đã được mài rũa từ thời kỳ Cách mạng tháng Tám) , và liền được phong trào xung công ngay, để Tết năm đó lên hát ở Maubert, cùng với Bích Liên, thay thế cho Phạm Kỳ Nam, lúc đó hình như đang chuẩn bị sắp về nước.

Chắc có lẽ một người nào đó trong đám Hội Văn nghệ Việt Nam Hải ngoại đã kéo tôi đến dự buổi gặp gỡ này, nên mới có người biết tôi hát được, và đã đề nghị tôi lên hát. Nhưng không hiểu sao, hôm đó tôi lại không chịu hát, sau này nghĩ lại hơi hối hận, vì đã không đóng góp được gì vào cuộc vui của mọi người, và nhất là đã phụ lòng Hoàng Anh Tuấn hôm đó làm "animateur" của buổi gặp gỡ, và người bạn đời sau này của anh là Ngô Thi Liên, một người phụ nữ khá sắc sảo và tình cảm.

Hôm đó, tôi mới thật sự khám phá ra cái con người rất "tếu", nhưng đồng thời cũng rất trải đời, và dường như chẳng sợ gì ai hết, của Hoàng Anh Tuấn, nhất là về mặt ăn nói, anh có cách ăn nói táo bạo, chắc chắn không phải loại người rút rát.

Hôm đó, Hoàng Anh Tuấn và Long "râu" diễn một vở kịch thơ (trích đoạn) của Hoàng Cầm, tên là " Đêm Liên hoan ", trong đó nhân vật là hai người lính, lời thơ cũng là lời tâm sự và đối thoại của họ, rất là trữ tình, có phần nào hơi cường điệu. Nhưng tuổi trẻ hay nhạy cảm với loại thơ như thế, và màn kịch thơ đã làm cho chúng tôi xúc động. Giọng Hoàng Anh Tuấn quả là rất hợp với thơ Hoàng Cầm : trữ tình, lãng mạn, dài hơi, và ...hơi cường điệu một chút.

Đến trại hè năm ấy (8-1955) ở Argentan, thuộc vùng Normandie, Long "râu" và tôi diễn lại màn kịch thơ ấy, và được mọi người rất thích, nhất là anh Nguyễn Khắc Viện. Tôi còn nhớ rõ nét mặt hân hoan và nụ cười tươi như hoa của anh sau khi xem xong màn kịch. Ngày đó chưa xảy ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Sau đó, nếu tôi nhớ không lầm, thì trên tờ Sáng Tác, cũng như trên tờ Quyết Thắng, hoặc Văn hóa Liên hiệp, đều có đăng thơ của Hoàng Cầm. Không thấy ai đặt ra vấn đề gì cả, cho tới khi nổ ra vụ NVGP. Cũng như chuyện tránh hát những bài của Phạm Duy trong một thời gian dài, từ sau 1954...

Sau đó, bẵng đi hai, ba năm, tôi không được gặp lại Hoàng Anh Tuấn nữa. Thời gian đó, cũng là thời gian xảy ra nhiều vụ việc trong phong trào Việt kiều ở Paris. Hội Liên hiệp Việt kiều đi vào bí mật. Riêng tôi, thi được vào trường Mỹ thuật rồi, liền phải chúi mũi vào học, vừa đi học vừa đi làm (từ sau năm 1954, tôi không còn nhận được tiền gia đình gửi qua nữa), nên cũng mất liên lạc với nhiều người. Một vài người trong đám tôi quen dạo ấy, cũng lẳng lặng khăn gói về nước, những người như : Vũ Thanh Phương, Long "râu", v.v. trong đó có những phần tử " pur et dur ", về vì lý tưởng, vì nghĩ rằng về có thể giúp được cái gì, mặc dù trong những điều kiện khó khăn đến thế nào đi nữa, như Vũ Thanh Phương, v.v., nhưng cũng có những phần tử bó buộc phải về vì hoàn cảnh gia đình, hoặc vì học xong rồi, ở đây cũng không biết làm gì nữa, như Long "râu", v.v. Nếu tôi không lầm thì đợt đầu tiên về nước ồ ạt (về miền Bắc) bắt đầu từ năm 56. Tôi vẫn thường ngậm ngùi nghĩ đễn Vũ Thanh Phương (cái tên đệm của anh, lâu ngày tôi cũng quên đi, nên để tạm là Thanh, để cho đỡ lầm với Vũ Quần Phương, nhưng không biết cái tên " Thanh " có đúng không). Anh người Thái Bình, nói giọng Thái Bình đặc, mặt mũi thư sinh, như hệt Nam Cao, làm thơ rất hay. Vào những ngày cuối cùng, trước khi về nước, không nhớ trong một dịp nào, anh đã đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ rất dài, như một bản trường ca, hơi thơ cũng rất dài, nghe xong, âm hưởng còn đọng lại trong chúng tôi rất lâu. Lẽ ra Phương, hay Lê Trạch Lựu mới là những nhân chứng xứng đáng để nói về buổi thiếu thời của Hoàng Anh Tuấn, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn không biết hai người này hiện ở đâu ?

Tôi không nhớ đã được đọc các tập Giai Phẩm của nhóm NVGP, hoặc các trích đoạn, vào năm nào, có lẽ cũng phải đến năm 57 các tác phẩm này mới lọt sang được đến Pháp. Nhưng nếu Hoàng Anh Tuấn về nước (về miền Nam) vào năm 1958, thì chắc chắn anh đã phải được đọc các tác phẩm này rồi, trước khi về nước. Típ người như Hoàng Anh Tuấn về miền Nam lúc đó cũng chỉ là hợp lý. Còn về làm được việc gì, có giữ mình được không, lại là một chuyện khác. Hoàng Anh Tuấn không phải là một người có máu chính trị, nên về đâu thì cũng gian nan thôi. Tư tưởng "chính trị" và nhân đạo của Hoàng Anh Tuấn, có thể thấy được trong một vài bài thơ riêng lẻ của anh và nhất là qua tập thơ " Về Provins ", do Hội Văn nghệ Việt Nam Hải Ngoại xuất bản, Paris 12.1954 . Đây thực ra là một bài thơ dài , như thể một trường ca, chứ không phải là một tuyển tập thơ, như tập " Yêu em, Hà Nội " (2004).

Vào năm 1954, tập thơ " Về Provins " đã đến với đám trẻ chúng tôi như một sự kiện rất mới mẻ, hợp với tâm tư, tình cảm, cũng như hợp với những ý tưởng về thẩm mỹ, về ngôn từ và nhịp điệu thơ của mình lúc đó, mặc dầu biết rằng, đây đó tác giả vẫn không tránh được những khuôn sáo cũ, nhưng ngôn ngữ nào mà chẳng có những khuôn sáo, những ước lệ ? Điều đó không ngăn cản sự sáng tạo ra những cái mới.

Riêng tôi, vẫn coi " Về Provins " là tác phẩm trữ tình, lãng mạn nhất, trẻ trung nhất, và tiêu biểu nhất cho tài năng thơ của Hoàng Anh Tuấn.

Văn Ngọc

Về Provins

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss