Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Các Bạn Chung Labo

Các Bạn Chung Labo

- Lê Học Lãnh Vân — published 21/02/2021 11:00, cập nhật lần cuối 21/02/2021 11:16

Các Bạn Chung Labo


Lê Học Lãnh Vân



Bàn luận xong về đề tài nghiên cứu mà Vương sẽ tham gia, André vỗ vai Vương đưa sang phòng ngách liền bên, nơi một chị đầm áo xanh đang đánh máy, đó là chị Cécile Cuanon, thư ký của André và của cả phòng thí nghiệm. Đứng dậy tươi cười chào đón, hai tay xòe ra lịch sự, Cécile nói chị sẽ hỗ trợ Vương hết mình. Chị giữ lời hứa suốt bốn năm, và còn hơn thế nữa, với nụ cười luôn thấy, chị thường nói với Vương những câu khôi hài dí dỏm. Một mùa Noel, Cécile tặng Vương tấm áo len do chính chị đan trong một bao giấy tinh tươm do chồng chị gói, không sang trọng lắm mà giản dị, mộc mạc có nét thôn quê, với lời đề tặng rất bằng hữu của hai vợ chồng chị.

Từ phòng của giáo sư André Adoutte bước ra, Roland dẫn Vương đi một vòng Labo giới thiệu với từng người.

Trước hết là với Anne Baroin, người đón Vương tại ga Orsay. Cô bạn này rất nghịch ngợm, không để Roland kịp giới thiệu đã trợn mắt nhe răng, đưa tay làm vuốt đe dọa. Rồi vỗ mạnh một cái vào tay Vương, cười lí lắc nói chúng ta sẽ còn nhiều năm cãi lộn nhau. Anne trong nhóm nghiên cứu của Roland, cô là người sẽ chỉ Vương một số thủ thuật thí nghiệm và sau đó tiến hành một số thí nghiệm chung với anh.

Phòng nuôi cấy tế bào chuyên nuôi cấy các sinh vật đơn bào, tức sinh vật mà cơ thể chỉ được cấu tạo bởi một tế bào. Phụ trách phòng là chị Anne, cũng tên Anne, cũng rất vui tính, chị này tháo vát, đi nhanh, nói nhanh, chưa dứt câu đã thấy chị vẫy vẫy tay từ cách xa vài bước. Chung phòng là Anne-Marie, một cô đầm nhỏ nhắn có khuôn mặt thanh tú, và Nicole luôn tươi cười, nói chuyện từ tốn, ra đời tại Việt Nam khi cha chị làm việc tại Sài Gòn cuối những năm 1940. Nicole còn giữ nhiều tập ảnh của gia đình về Việt Nam.

Kế đó là phòng của Nicolette. Tên có đuôi ette hàm nghĩa trẻ, nhưng chị lại không trẻ so với đồng nghiệp, nét mặt và phong thái lúc nào cũng tất bật. Sau này có người kể cho Vương rằng gia đình Nicolette bị giam trong trại giam của Đức thời thế chiến hai, chị được sinh ra sau chiến tranh vài năm trong cảnh khó khăn. Dưới bề ngoài có vẻ lo toan, khắc khổ so với đồng nghiệp, sau này Vương mới biết chị là một trong vài tiến sĩ của phòng thí nghiệm Sinh Học Tế Bào mà tài năng được nhiều người trong giới nghiên cứu quý trọng. Chị rất tốt bụng, ít khi cười, nhưng khi chị cười Vương thấy nét hồn nhiên và cả thánh thiện trên môi.

Kế bên là phòng của hai anh người Pháp, trong đó có một bạn là giảng sư (maitre de conférence), chỉ giảng dạy chứ ít tham gia nghiên cứu. Bạn này hiền lành, miệng luôn nhoẻn nụ cười nhưng ít tham gia sinh hoạt vui chơi của Labo hoặc tham gia thì cũng ngồi lặng lẽ. Vương mến bạn, và rất buồn khi sau này bạn bị trầm cảm nặng phải nghỉ làm.

Có hai phòng Kính Hiển Vi Điện Tử, cô đầm Renée, lớn tuổi và nghiêm nghị, là trưởng nhóm chịu trách nhiệm cả hai phòng. Ban đầu, nhìn vẻ ngoài, Vương có ý né cô, về sau mới biết cô ngầm giúp đỡ anh nhiều chuyện. Những ngày mưa hay trời lạnh, nhất là mùa đông khi sau bốn giờ trưa trời đã sụp tối, Renée thường hỏi Vương có muốn cô, trên đường về, đưa anh tới chỗ ở trên đồi Les Ulis hay tới ga RER Orsay không.

Làm chung phòng với Renée là Julienne, một phụ nữ Việt một trăm phần trăm từ vẻ ngoài tới cách sinh hoạt, chỉ Pháp về ngôn ngữ. Khi được giới thiệu lần đầu, cô bập bẹ, Vương, Vương, ơ… tui nghe Roland ơ, ơ… nhắc. Vương, Vương, tui ơ… tui Việt. Tui Marie Curie, ơ… Sài Gòn ơ… Vương! Ý cô muốn nói cô đã được nghe Roland nhắc tới anh, cô tự giới thiệu mình là người Việt Nam, xưa học tại trường Marie Curie ở Sài Gòn.

Julienne là dược sĩ. Sau đó cô theo học ngành Hóa hợp chất thiên nhiên, ngành học về các chất trong cây cỏ. Mục đích là để khi hết chiến tranh cô về sống và làm việc tại Việt Nam, xứ cận nhiệt đới với hệ thực vật phong phú quanh năm, cô mơ ước sẽ ly trích các chất có dược tính làm thuốc. Sau năm 1975, cô ghi tên về nước, nhưng được khuyên nên chờ đợi vì đất nước chưa đủ điều kiện. Rồi người những bà con thân thuộc của cô đi học tập, rồi chiến tranh, rồi đất nước sa sút trầm trọng, rồi thuyền nhân ùn ùn bỏ nước ra đi… cô lập gia đình và chọn đời lặng lẽ tại một phòng thí nghiệm Pháp, mỗi tháng gởi tiền về giúp người thân. Một lần cô nói với Vương rằng cô buồn lắm vì không ngờ một chuyến du học tưởng sáu bảy năm thành ra suốt đời! Rất tình cờ, Julienne cùng thế hệ với chị Hai của Vương, có những người bạn chung mà khi kể lại thì nhận biết nhau. Khi mùa lạnh tới, Julienne dặn Vương chuẩn bị để cô chở đi siêu thị mua thịt bò, cô nói thịt máu đỏ giúp cơ thể chống lạnh cho nên giúp chống cúm, chống sưng phổi.

Roland và André nhận xét thấy Julienne hành xử như một người chị lớn của Vương, Julienne vui vẻ hơn từ khi Vương tới. Tiếng Việt của Julienne tiến rất nhanh, từ buổi đầu bập bẹ, cô nói chuyện với Vương bằng tiếng Pháp thỉnh thoảng chen tiếng Việt, mấy năm sau tiếng Việt của cô đã lưu loát trở lại.

Cuối dãy có một phòng rộng, gọi là Xưởng (atelier). Bước vào Xưởng, trên tường, đập vào mắt là hàng chữ in MỖI VẬT ĐÚNG CHỖ CỦA NÓ (chaque chose à sa place). Hàng chữ gây xúc động vì là lời khuyên dạy Vương được nghe từ lúc còn rất nhỏ bởi một bâc trưởng thượng trong gia đình, người được Pháp dạy nghề cơ khí từ trước thế chiến một.

Xưởng được chia ba ngăn. Ngăn ngoài cùng là nơi để vật dụng linh tinh như những chiếc bàn đẩy di động bằng kim loại, các tấm vải, các thanh gỗ, các cuộn băng keo rộng bản... Phòng này có Noelle ngồi, nhiệm vụ của chị là phục vụ các việc lặt vặt nên thời gian rảnh chị thường ngồi may vá hay đan len. Noelle trạc tuổi Vương, có anh bà con là người bán trái cây trong một chợ truyền thống tại Orsay. Lâu lâu Noelle tặng Vương một túi nylon trái cây ngon.

Ngăn nhỏ nhất là ngăn tối dùng làm phòng tráng phim, là nơi Phòng Thí Nghiệm tráng những tấm phim chụp tế bào dưới kính hiển vi điện tử. Những tấm hình rất sắc nét về sinh vật đơn bào rất rất nhỏ có kích thước khoảng vài mươi micro mét, tức một phần triệu mét hay một phần ngàn mili-mét, chúng hiện ra lồ lộ cùng với các chi tiết và bào quan ánh lên chất nhuộm trông đẹp lạ lùng. Vẻ đẹp say người về nghệ thuật lẫn về khoa học.

Nghiên cứu của Vương dùng đồng vị phóng xạ gắn vào các phân tử di truyền rồi chụp ảnh nên anh thường dùng phòng tối này.

Ngăn rộng nhất, khoảng bốn mươi mét vuông, mới đúng là xưởng, bên trong bày dụng cụ cưa, khoan, bào, giũa, eto… rất thứ tự. Phụ trách ngăn này là Hubert, có vai trò chỉnh sửa, bảo trì máy móc và chế tạo dụng cụ theo yêu cầu nghiên cứu, những dụng cụ có chức năng, hình dạng riêng biệt nên cần được chế tạo riêng.

Hubert cũng là người phụ trách chung cả ba ngăn. Con người gọn ghẽ, thứ tự, kỷ luật, đúng giờ, nhanh nhẹn và vui tính này cười nhiều nói ít, nhưng nói câu nào ra câu đó. Vài năm sau, Vương biết được Hubert là người góp tiền đều đặn giúp Việt Nam trong những năm khó khăn sau chiến tranh.

Có thể nói tất cả các thành viên phòng thí nghiệm đều hỗ trợ, yêu quý Vương. “Phải nói, phải nói ra khi bạn cần điều gì thì chúng tôi mới biết mà h trợ”, họ thường dặn anh như vậy. Biết lòng chân thành của họ nhưng cẩn thận và giữ gìn, Vương chưa từng nhờ vả ai điều gì, anh né tránh tất cả những cơ hội họ đề nghị giúp đỡ. Lần nọ bị cúm, Anne-Marie mang tới phòng ở trong ký túc xá của Vương một giỏ thức ăn to nói là của các bạn Labo cùng mua tặng. Soạn giỏ ra thấy đầy trái cây, thịt, thức ăn nguội chuẩn bị sẵn đủ dùng nửa tháng. Và bốn chai Coca Cola một lít rưỡi! Lòng cảm động, Vương nhớ có lần nói với các bạn mỗi lần uống Coca Cola anh thấy khỏe. Họ không quên những chi tiết như thế này!

Mỗi năm, Labo tổ chức một buổi chiên bánh crêpe và một bữa ăn Noel (repas de Noel) trong thư viện. Vài người thử chiên nhưng André, rất sành chiên, là người chiên chính. Khi trở mặt bánh, ông cầm chảo tung bánh lên cao cho nó đảo mặt và đón bánh rớt xuống với mặt trước kia hướng lên trên giờ hướng xuống áp đáy chảo. Chiếc bánh đầu tiên ông dành cho Cécile và chiếc thứ hai dành cho Vương. Bánh crêpe dùng với mật ong hay sô-cô-la lỏng. Nếu buổi chiên bánh được tổ chức lúc xế trưa, một chai sâm-banh cùng rượu trái cây ngọt gắt được khui ra, mọi người quây quần trò chuyện rồi sau đó chia tay ra về.

Vương rất thích bữa ăn Noel quây quần tất cả các thành viên của Labo. Năm nọ, vài người cùng lúc có việc kẹt vào dịp lễ, Labo đã tính không tổ chức bữa ăn Noel năm đó. Tuy nhiên tới ngày tiệc vẫn được tổ chức. Julienne nói riêng với Vương rằng các bạn trong Labo biết Vương thích bữa ăn Noel, và sợ Vương buồn vì dịp lễ ở một mình xa gia đình nên họ dặn nhau vẫn tổ chức cho anh vui.

Vương hiểu, anh không đủ khéo léo và dễ thương để nhận được lòng yêu quý đó. Trường Orsay chịu ảnh hưởng của cuộc kháng Đức trong thế chiến hai, chịu ảnh hưởng của cánh tả, có cảm tình với một nước Việt Nam bao nhiêu năm chiến tranh và bây giờ hòa bình trở lại hơn mười năm mà vẫn còn lặn ngụp trong khó khăn giữa một thế giới đang nhanh chóng giàu mạnh lên. Qua những gì họ nói, khi thì trực tiếp, khi thì bàn luận riêng mà Vương được nghe kể lại sau đó, anh hiểu họ yêu quý, muốn giúp đỡ anh, một người tới từ Việt Nam.

Với sự hiểu biết và cảm nhận như vậy, Vương không quên mình đang hưởng phước đức của quê hương!

L.H.L.V.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss