Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Cảm nhận từ một diễn từ nhận giải Phan Châu Trinh

Cảm nhận từ một diễn từ nhận giải Phan Châu Trinh

- Lê Học Lãnh Vân — published 25/04/2017 17:00, cập nhật lần cuối 01/05/2017 18:22

Cảm nhận từ buổi nhận giải và diễn từ nhận giải

của Giáo sư Cao Huy Thuần


Lê Học Lãnh Vân



Đó là diễn từ của Giáo Sư Cao Huy Thuần trong ngày nhận Giải “Vì Sự Nghiệp Văn Hóa và Giáo Dục” năm 2017 của Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh.

Tôi, người tham dự, bồi hồi xúc động vì còn nhớ các hoạt động liên tục và bền bỉ của ông suốt sáu mươi năm qua. Từ những ngày sôi động Miền Trung nửa trước thập niên 60, cho tới nửa sau cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai, rồi những năm tháng trước ngày khối Đông Âu từ bỏ hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa… cho tới bây giờ. Lúc nào cũng một Cao Huy Thuần của nền Văn Hóa và vì nền Văn Hóa Việt Nam.

cht

Gs Cao Huy Thuần (ảnh Internet)

Lòng xúc động vì nhớ những năm 1989-1990, khi cuộc cờ thế giới bày ra các vận hội rất lớn cho đất nước, nhiều chỉ dấu lại cho thấy Việt Nam chưa được “Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh” đủ mức như bậc minh triết Phan Chu Trinh kêu gọi. Đó là thời gian của những buổi gặp mặt, thảo luận tại Nhà Việt Nam (Maison du Vietnam – Paris), với Việt kiều Pháp (tôi biết các anh không thích từ này) có Bùi Mộng Hùng, Nguyễn Ngọc Giao, Cao Huy Thuần, Hà Dương Tường, Trần Hải Hạc… trong nước ra có Phan Đình Diệu, Lê Hiếu Đằng, Phan Huy Lê, Đoàn Khắc Xuyên… Vây mà gần 30 năm sau, những con người đó lại quần tụ nhau giữa Sài Gòn, cùng các nhà văn hóa Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Bùi Văn Nam Sơn, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Thế Thanh, tại buổi lễ trao giải thưởng này. Lòng xúc động vì sau nhiều cách chia trắc trở, giờ đây Văn Hóa đã gặp Văn Hóa, Giá Trị đã gặp Giá Trị!

Lòng lại xúc động hơn với từng câu trong diễn từ.

Giáo sư Cao Huy Thuần băn khoăn với “khái niệm khó định nghĩa” Bản Sắc dân tộc. Dù khó định nghĩa, nhưng “có ai dám nói rằng không có bản sắc?”. Bản Sắc khiến Ta KHÁC với Người. Ta là ai? Người là ai? Trong hoàn cảnh trước mắt, hãy tìm trong Bình Ngô Đại Cáo:

Nước non bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác!

Cái KHÁC đó tạo nên Bản Sắc dân tộc. Cái KHÁC đó do Văn Hóa. Chính “văn hóa quyết định bản sắc của mỗi dân tộc”.


Và ông mượn lời của Milan Kundera “Tát cạn văn hóa ra khỏi một dân tộc - nghĩa là tát cạn ký ức và sắc thái độc đáo ra khỏi dân tộc đó - tức là giết chết dân tộc đó”. Làm sao không xúc động trước câu nói đó khi chính lòng tôi cũng đang tự hỏi có phải văn hóa của dân tộc ta đang bị từ từ tát cạn không? Tát khỏi những hình thức tâm linh như lễ hội? Tát khỏi những di tích lịch sử như chùa chiền, nhà thờ, đền đài, miếu mạo, lăng tẩm…? Tát khỏi những truyền thuyết buổi bình minh dân tộc, và khỏi cả truyền thống chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền và lòng kiêu hãnh của tổ quốc?

Những cá nhân chỉ có thể cùng tồn tại trong một thực thể dân tộc khi những cá nhân đó chấp nhận cùng chia nhau một lịch sử, và cùng thỏa thuận sống chung với nhau, cùng xây dựng tương lai chung dựa trên lịch sử cùng nhau chấp nhận. Làm sao không xúc động trước ý kiến của ông khi chính lòng tôi cũng đang tự hỏi dân tộc Việt Nam có cùng chấp nhận một lịch sử và cùng thỏa thuận sống và xây dựng tương lai chung không?

Chưa nói tới ngành Việt Nam Học hiện đại cho rằng dân tôc Việt có một lịch sử lâu dài hàng ngàn năm trước khi Bắc thuộc, là một thành tố của nền văn minh châu Á. Chỉ nói lịch sử Việt Nam từ khi Bắc thuộc đến nay, các thành viên hiện nay trong lòng dân tộc có chấp nhận chia nhau một lịch sử không? Thay vì dựa trên một lịch sử lâu dài hàng ngàn năm bảo vệ và xây dựng tổ quốc, có phải người Việt hiện nay đang dựa vào những sự kiện mới xảy ra gần đây để phân chia lịch sử không? Những danh nhân mà thành viên này tôn kính thì thành viên kia lăng mạ! Phải chăng điều đáng lo nhất là những thành viên đó không hay chưa đối thoại được với nhau trên tinh thần tôn trọng và cầu thị lẫn nhau?

Người Việt Nam hiện nay có cùng thỏa thuận một cách sống và một hướng sống được chấp nhận bởi đại đa số, bởi nhiều thành phần dân tộc khác nhau không? Những thành phần đó có thiện chí, có thành tâm muốn đối thoại với nhau thẳng thắn, thật lòng không?

Đồng bằng sông Cửu Long được tạo nên bởi phù sa sông Cửu Long. Nhiều nhà khoa học, nhà tri thức đang lo sợ nếu con sông này không tưới đủ lượng phù sa như nó đã từng tưới hàng trăm ngàn năm qua thì đồng bằng Cửu Long có nguy cơ bị tan rã. Nếu dân tộc Việt Nam không còn được tưới bằng tâm hồn tổ tiên Lạc Hồng, bằng văn hóa dân tộc hình thành qua bao đời, bằng lịch sử gian khó chung, hy sinh chung, anh hùng chung, vinh quang chung, yêu thương chung… và nếu dân tộc đó cũng đang không cùng chấp nhận một hướng đi chung, thì dân tộc đó có đang đối mặt với nguy cơ tan rã nào không?

Đó là niềm xúc động lớn nhất trong tôi khi nghe diễn từ của giáo sư Cao Huy Thuần vào buổi tối ngày 24 tháng 3 năm 2017.


Nguồn: Báo Duyên dáng Việt Nam, số 44. Tác giả gửi cho Diễn Đàn.

Lê Học Lãnh Vân

(ngày 25 tháng 3 năm 2017)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss