Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Chợ yếm xưa

Chợ yếm xưa

- Nguyễn Thị Minh Thái — published 22/03/2009 23:16, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Ở số 38 phố Hàng Đào hiện nay, còn một ngôi đình của chợ bán yếm lụa ngày xưa


Chợ bán yếm lụa xưa 
ở phố Hàng Đào


Nguyễn Thị Minh Thái


Hàng Đào là phố cổ Hà Nội

DL

Yếm ngoài phố chợ (amthuc365.vn)

Năm 1995, Ban quản lý các dự án thí điểm phố cổ, phố cũ, trực thuộc Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội được thành lập. Năm 1998, Ban đổi tên thành Ban quản lý phố cổ, do phó chủ tịch thành phố làm trưởng ban, chủ yếu giải quyết vấn đề phố cổ ở quận Hoàn Kiếm. Năm 1995, Ban đưa ra con số 1000 ngôi nhà cổ. Năm 2000, sau nhiều “vật đổi sao dời”, con số này đã sụt xuống số trăm. Tháng 10.1999, kiến trúc sư Tô Thị Toàn, phó Ban quản lý phố cổ cho biết: Mới có ngôi nhà cổ 87 phố Mã Mây, nằm theo chiều lượn sông Hồng, được tôn tạo với kinh phí 330 triệu đồng VN. Năm 2000, tháng 4, ngôi đình số 38 Hàng Đào được tôn tạo với 600 triệu đồng. Hai ngôi nhà được tôn tạo do hảo tâm của thành phố Toulouse, CH Pháp, tài trợ.

Thế là trong đầu dãy phố buôn bán sầm uất nhất Hà Nội, bắt đầu từ Hàng Đào, Hàng Ngang, kéo đến Hàng Đường và mặt tiền chợ Đồng Xuân mới, đã xuất hiện một ngôi đình được phục chế với hệ thống cổng, sân, nhà hai tầng bên trong, các câu đối, các vách ngăn… đến sân sau trồng hoa cỏ, hẹp và thắt lại, khuôn theo địa hình truyền thống của các ngôi nhà hình ống vốn san sát bên nhau ở phố Hàng Đào.

Dừng lại ở ngôi nhà số 38, ngước nhìn lên cổng giữa, ta sẽ thấy hàng chữ Hán màu đen nổi bật trên nền vôi vàng. GS. Trần Quốc Vượng giải thích: 5 chữ Hán này nghĩa là “Đồng Lạc quyến yếm thị”. Đây là ngôi đình của chợ bán yếm lụa ngày xưa, mang tên Đồng Lạc. Thăng Long vốn là lịch sử một thành phố sông-hồ, nhà số 38 Hàng Đào này xưa đã tồn tại chợ bán yếm của một phường nghề dệt nhuộm truyền thống. Dãy nhà số chẵn được xây dựng theo thuật phong thuỷ, phải thấp hơn dãy nhà số lẻ. Ngày xưa, bên kia phố Hàng Đào có hồ Thái Cực thông với Hồ Gươm bằng một con lạch nhỏ, sau bị lấp lại thành phố Cầu Gỗ. Ngày xưa ấy, hai phường Đồng Lạc và Thái Cực chung một phố bán hàng, bởi Hà Nội ba mươi sáu phố phường xưa đã có tình trạng đặc thù: “một phường hai phố” và “một phố hai phường”.

Những người tôn tạo ngôi đình đã rất chú ý đến cổng đình. Các cánh cửa ra vào vẫn được phân bổ theo truyền thống: cửa giữa to cao, cửa hai bên thấp. Các chữ Hán ở cổng đình, ở câu đối của gian trong, cách cổng đình một sân giời, và ở gác hai ngôi đình, đều được cán bộ Viện Hán Nôm đến dập chữ, rồi thuê thợ phục hồi như cũ.

Vật thể quan trọng nhất còn lại của đình Đồng Lạc là tấm văn bia gắn trên tường bên phải gần điện thờ tầng 2. Tấm văn bia dầu dãi nắng mưa này đã rất khó đọc, song, GS Trần vẫn đọc được bốn chữ “Quyến yếm thị đình”, (diễn nôm: ngôi đình của chợ bán yếm lụa). Người soạn văn bia là ông Phạm Đình Hoãn, cử nhân, quê ở phủ Khoái Châu Hưng Yên. GS. Trần cho hay: Đình Đồng Lạc có từ thời Hậu Lê, do ông Nguyễn Công Trung và bà Nguyễn Thị Từ dựng lên, và từng bị hoả hoạn trước năm 1856.


Phố Hàng Đào xưa là chợ bán yếm lụa


Từ cứ liệu trên, có thể hình dung: nửa đầu Hàng Đào xưa là chợ bán yếm nhộn nhịp người bán kẻ mua nhất ở đất Thăng Long.

Tất nhiên, trước khi có văn hoá mặc yếm, phải có nghề dệt vải cổ truyền đã. Theo truyền thuyết, nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa đã có từ thời Hùng Vương. Công chúa Thiều Hoa con vua Hùng thứ 6 đã phát minh nghề dệt lụa. Quanh Thăng Long xưa, nghề dệt vải đã nuôi sống những làng dệt cổ truyền: làng Nghi Tàm, làng Dâu, Thuý Ái…

Tơ tằm nhả từ con tằm ăn lá dâu, đã cho ra các sản phẩm phong phú: lụa, lượt, là, gấm, vóc, nhiễu, the, đoạn, lĩnh, dũi, địa, nái, sồi, thao, vân… Thế kỷ XVIII, người Việt còn dệt được vải lụa đẹp nõn nà, mang tên các loại vân tinh xảo: vân tứ quý, vân hồng điệp, vân trúc điều, vân phương thọ, vân chữ hỉ, chữ triệu… Trong sách “Vương quốc đàng ngoài”, tác giả Baron mô tả: “Kỹ nghệ dệt tơ lụa ở đây rất phát triển đến nỗi kẻ giàu, người nghèo đều mặc quần áo bằng tơ lụa”. Cuối TK XVIII, đầu XIX, giáo sĩ Bissachèse nhận xét: kỹ thuật nghề dệt ở Thăng Long và Bắc Kỳ đã đạt tới cực thịnh.

Trong tổng thể bộ trang phục phụ nữ Việt xưa, cái yếm là đồ lót mặc trong cùng, ôm lấy khuôn ngực, che chắn và làm đẹp bên trong cho chiếc áo cánh mặc ngoài. Và bộ cánh đẹp nhất trong văn hóa mặc của phụ nữ Việt, mặc đi trảy hội lẫn khi làm ruộng vẫn là yếm, áo cánh và váy.

Yếm, trong cách mặc cổ truyền vốn là miếng vải gần như vuông, đặt chéo lên ngực người phụ nữ, góc trên cổ khoét tròn. Yếm cổ xẻ khoét xuống thấp hơn, hình chữ V. Nếu khoét sâu hơn nữa, gọi là yếm cánh nhạn. Nhưng yếm được tạo dáng rất ý tứ, không để quá lộ vùng ngực như yếm bây giờ.

Theo nề nếp, phụ nữ Việt thường đi chợ mua tơ tằm tự may yếm. Bởi vậy, có thể hiểu Thăng Long-Kẻ Chợ đã có cả một cái chợ dành cho phường bán yếm. Trong cái chợ rực rỡ “yếm lụa” xa xưa ấy, từ các làng quê, những sản phẩm tuyệt hảo của tơ tằm đã đổ về đây, quyến rũ, bắt mắt đàn bà con gái Thăng Long, đặc biệt là trước những ngày lễ hội. Họ rủ nhau tấp nập chọn tơ tằm may yếm, và sắm sửa lụa là gấm vóc để may váy áo tứ thân, năm thân, áo cánh, thắt lưng, khăn vấn và cả đồ trang sức vàng bạc …

Yếm đẹp đến mức, đầu TK XX, hai họa sĩ “Tây học”: Lê Phổ-Cát Tường dù đã phát minh áo dài tân thời, thì vẻ đẹp tân kì, pha trộn hài hòa Đông-Tây của nó vẫn cứ phảng phất giữ lại vẻ đẹp của chiếc yếm thưở nào.

Về tỉ lệ, tính từ vai xuống eo thon thắt đáy, áo dài phô hết phần dương tính theo cách mặc phương Tây, ở phần thân trên của người đẹp Việt: cổ áo ôm lấy cổ kiêu ba ngấn, vai áo ôm tròn, eo cũng ôm khít “lưng ong”, và áo xẻ tà hai bên cho hở lườn thấp thoáng đủ gợi cảm. Ta có thể nghĩ: khi để hở chút da thịt ở eo lưng, áo dài hiện đại đã cố níu lại vẻ đẹp dân dã đa tình xa xưa của yếm thắm cổ truyền, từng được quan niệm: “Đàn ông đóng khố đuôi lươn/ Đàn bà yếm thắm hở lườn mới xinh”. Thế nhưng, áo dài lại không phải là áo cánh, nên chiếc yếm, vốn là áo lót cổ truyền, đã bị thay thế bằng áo lót phương Tây, nâng cao ngực- người Việt quen gọi nôm là xu-chiêng (từ tiếng Pháp: “soutien”). Mặc lòng, khi áo dài và áo lót hiện đại ấy đã cáo chung chiếc yếm cổ truyền ở không gian đô thị, thì đến nay, yếm vẫn tồn tại trong xống áo của các bà cụ răng đen, nhai trầu bỏm bẻm ở các làng quê châu thổ Bắc Bộ. Và đặc biệt, chiếc yếm vẫn cứ phải là áo lót mình, mặc bên trong bộ trang phục cổ truyền của các cô gái quan họ trong các làng quan họ vùng Kinh Bắc.

GS.Trần Quốc Vượng, (sách “Truyền thống phụ nữ Việt Nam”), cho biết: Vị cố đạo người Italia Cristoforo Borri, từng ở Việt Nam từ năm 1618 đến 1621, viết Ký sự Đàng Trong, đăng trên Đông Dương tạp chí số 4,1909, tr. 361-367, đã ca ngợi phụ nữ Việt Nam: “tính khí êm dịu hơn bất cứ dân tộc nào khác ở phương Đông”, “đón tiếp khách khứa rất nồng hậu, mời ăn cơm và coi như bạn bè”. “Tâm tình khoáng đạt, thoải mái”, “dáng đi thong thả uy nghi”, và kết luận: “quần áo của họ có lẽ là kín đáo nhất vùng Đông Nam Á”… Trong những lời khen tặng đó, chắc chắn có sự dự phần duyên dáng và ý nhị của chiếc yếm cổ truyền!


Nguyễn Thị Minh Thái

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss