Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Ký ức về một làng quê – III

Ký ức về một làng quê – III

- Nguyễn thị Kim Thoa — published 10/04/2014 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Ký ức về một làng quê – Mỹ Lợi


Nguyễn thị Kim Thoa



Phần III (cuối) – Mẹ chồng tôi


Không có một trở ngại tâm lý nào giữa tôi và mẹ chồng từ cuộc giao tiếp đầu tiên đến những năm cuối đời của bà. Cũng như bà Khiêm, mẹ chồng tôi nhẹ nhàng, thân thiện, tự tin trong việc bếp núc và quản lý gia đình.

Cái bếp của bà nhỏ, tranh tre và nền đất nhưng gọn gàng và ngăn nắp. Bệ bếp cao và có hai bộ ông táo (một gạch, một kiềng). Tủ bếp bằng gỗ, nhỏ hơn tủ bếp nhà tôi ở trên Huế, nhưng có đầy đủ các thứ gia vị. Mẹ chồng tôi hay nói: “Nước mắm ngon là con mụ khéo”. Thức ăn thơm ngon một phần nhờ gia vị. Tôi thấy trong ô gia vị có nén (Mỹ Lợi gọi là ném), không có hành. Tôi hỏi, bà nói: “Đất Mỹ Lợi trồng hành củ không thích hợp, ném không thơm ngon bằng hành nhưng khử độc lại tốt hơn. Ở nhà quê rất cần tiết kiệm, cái gì cần lắm mới mua. Tỏi, tiêu… không thể không mua vì đất Mỹ Lợi trồng không được.” Tôi tham dự vào việc bếp núc nhà chồng cứ như là khách du lịch, để cho biết nhiều hơn là nhiệm vụ cần phải làm. Vả lại ở nhà chồng tôi, cái khó là đi chợ, vì chợ ở xa, chứ chẳng phải là việc nấu nướng. Mỗi lần chúng tôi về, mẹ chồng tôi đi chợ mua sắm thứ gì đó con trai bà thích. Có lần tôi theo bà đi chợ, cũng chỉ để cho biết. Chợ Mỹ Lợi vào thời điểm đó tiêu điều, nhưng nếu có tí tiền cũng có thể mua được cá tràu (trong Nam gọi là cá lóc), cá rô đồng, cá hanh và tôm cua của những người dân chài làm nghề trong đêm trên các cánh đồng lúa (ruộng bàu), dọc con kênh và quanh bờ bên này đầm Cầu Hai. Họ cũng cần tí tiền chạy gạo.


Trên đường đi - về chợ, chúng tôi trò chuyện như hai người bạn. Tôi nói:

«Anh Huệ đã đưa con đi thăm qua nhà thờ họ ngoại. Anh nói họ Tô về Mỹ Lợi đến thế hệ anh là đời thứ tư. Con không hiểu do đâu mà nhà thờ họ Tô cũng to lớn khang trang chẳng thua kém bao nhiêu nhà thờ các họ đã đến trước mấy trăm năm.»

Mẹ chồng tôi nói:

«Ông bà cố ngoại thằng Huệ làm nghề buôn bán cau khô đường Huế - Hà Nội, giàu có, về Mỹ Lợi mua vườn lập nghiệp, tiếp tục buôn cau khô và thuốc lá hàng nằm (mua trữ hàng đầu mùa, bán cuối vụ) và gây dựng cơ nghiệp cho sáu ông con trai. Sáu ông con trai có gia đình riêng, mỗi ông có vườn nhà ở liền một dãy hai bên nhà cha mạ mình. Ông bà cố ngoại thằng Huệ qua đời, ngôi nhà và khu vườn là của hương hỏa, trở thành nhà thờ họ Tô như con đã thấy. Trong số sáu ông họ Tô đời thứ hai ở liền một dãy hai bên ngôi nhà thờ thì ông bà ngoại thằng Huệ có cuộc sống bấp bênh hơn hết. Ông là khóa sanh (khóa sinh: người học để đi thi), thi hỏng, làm thầy thuốc, bà tiếp tục buôn hàng nằm và cùng ông trông coi nương vườn. Buôn hàng nằm năm được năm mất. Cau khô, thuốc lá mà tắt đường giao thông Huế - Hà Nội thì cơ nghiệp tan tành. Mạ đi lấy chồng hai bàn tay trắng. Cha thằng Huệ ra riêng cũng với hai bàn tay trắng, nửa thầy nửa thợ, một ít chữ nghĩa hết thời, chân yếu tay mềm chẳng kham nổi công việc nặng nhọc, tính tình nhút nhát, quá ư thận trọng, quá gắn bó với bàn thờ, mồ mả, họ tộc, xóm giềng.

Tụi bay có ăn học nhưng tình cảnh lúc này chẳng khác gì cha mạ lúc ra riêng. Con tiếng là bác sĩ nhưng nếu đi làm cho nhà nước thì lương lậu cũng chỉ vừa đủ gạo cơm mắm muối cho một mình, thằng Huệ lại đang tính chuyện bỏ nhà nước. Rốt cuộc cũng chỉ là hai bàn tay trắng. Mạ thấy hai đứa bay không thể không lo. Cuộc sống gia đình trăm thứ khó khăn nặng nề: Chỗ ăn, chỗ ở, con cái, bệnh tật, học hành… Sức khỏe như thằng Huệ mà tính chuyện đi Buôn Mê Thuột để làm nương - vườn liệu có kham nổi những công việc nặng nhọc? Tại sao không tính chuyện đi Sài Gòn?»

Tôi nói:

«Mạ đừng lo. Thế nào tụi con cũng sống được. Hồi trước cha mạ cũng chỉ hai bàn tay trắng, rồi cũng gây dựng được gia đình, còn cho con cái đi học, còn đóng góp cho kháng chiến.»

Mẹ chồng tôi nói:

«Hồi trước khác. Bây giờ khác. Hồi trước làm ăn riêng. Bây giờ làm ăn chung. Hồi trước chân yếu tay mềm thì đầu óc phải tính toán, lo toan. Bây giờ tụi bay vừa chân yếu tay mềm, vừa bị cấm đoán. Ngày xưa nếu cha mạ bị cấm đoán, trói buộc thì mấy đứa lấy gì ăn học, kháng chiến lấy gì đóng góp. Chuyện kháng chiến đừng nên nhắc lại. Mạ coi như chúng nó đã chết rồi. Nhưng chuyện ăn học thì ở Huế dễ hơn Mỹ Lợi, Sài Gòn dễ hơn Buôn Ma Thuột. Tụi bay không tính chuyện sinh con đẻ cái sao? Tình hình có thay đổi nên cho con theo nghề buôn bán. Nghề buôn bán đỡ nhọc cái thân, đầu óc khôn ngoan, lanh lợi ra”.(Ý mẹ chồng tôi là so sánh với nghề nông).»


*


Câu chuyện giữa tôi và mẹ chồng sẽ còn tiếp tục nếu chúng tôi không về tới nhà. Về tới nhà, chúng tôi mỗi người mỗi việc theo sự cắt đặt của mẹ chồng tôi. Bà bảo tôi phụ giúp nấu ăn, chồng tôi xuống nương hái rau nấu canh chua. Bà lấy gạo vo, tôi nhóm bếp. Bà bảo tôi trông coi nồi cơm, bà đi làm cá. Tôi vừa trông bếp vừa quan sát bà làm cá, lột tôm. Tuổi đã ngoài bảy mươi mà hai tay bà vẫn còn nhanh nhẹn chính xác. Mấy phút sau chồng tôi mang từ dưới nương lên một mụt (gốc) chuối non (chuối thanh tiên), mấy bẹ môn tím, vài trái vả, mấy trái khế chín vàng, mấy trái ớt chín đỏ, rau lốt, rau răm, rau thơm, rau húng và một thứ rau mà sau này tôi mới biết tên: rau ngổ (mẹ chồng tôi gọi là rau ngổ điếc, trong nam gọi là rau ôm). Nhìn mớ rau tôi nhận ra nhiều thứ quen, vài thứ lạ. Rau ngổ tôi mới thấy lần đầu. Rau húng lủi, mẹ đẻ tôi – người Hội An – rất thích, chúng tôi (ở Huế) chưa quen ăn. Mẹ chồng tôi chỉ cho tôi rổ, rá, dao, chậu rửa các thứ, bà bảo tôi xắt, lặt rau. Tôi hỏi bà về mụt chuối. Bà bảo:

«Đó là chuối thanh tiên, giòn và ngọt hơn các loại mụt chuối khác, con cắt bỏ phần cứng và các bẹ ngoài, xắt thật mỏng theo chiều ngang, chia làm hai phần: phần mày (gốc non ở trên) để nấu canh, phần lõi để làm rau ăn sống

Tôi vừa xắt, lặt rau, vừa so sánh các thứ phụ gia để nấu canh chua ở Huế và ở Mỹ Lợi, vừa nghĩ về một bài viết của tác giả Từ Chi: Món ăn Huế, món ăn Mường (bản đánh máy tặng anh Chu Sơn trong một lần vào chơi Huế sau 1975). Theo ông Từ Chi: Giữa người Huế và người Mường có những món ăn gần gũi: Món “loọng” nấu bằng xương trâu, xương heo cùng với nguyên liệu thứ hai là “lõi cây chuối xắt ngang mong mỏng” người Mường nấu để đãi khách vào những đêm “hát mo” trong tang lễ. Ông nhớ lại những ngày chuyển mùa (nắng sang mưa), ngay cả những gia đình trong nội cũng nấu món ăn tương tự như thế. Nhiều năm ông băn khoăn tự hỏi cái món ăn tương tự món “loọng” của người Mường, người Huế gọi là gì? Sau 1975, ông có dịp trở về Huế, hỏi ra mới tìm được lời giải đáp: “Có gì lạ đâu: “lọm”. Loọng, “lọm”, hai biến tấu âm khác nhau của một từ thôi”. (Nguyễn Từ Chi: Góp phần nghiên cứu Văn Hóa và Tộc người, trang 126; nxb Văn hóa Thông tin; tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội 1996). Trước khi vào Huế sau 30 năm xa cách, ông đã nêu vấn đề với Mạ (ông) và các bà bạn gốc Huế của “Mạ” ở Hà Nội, các bà dứt khoát bảo không có món ăn nào của Huế như thế cả, hoặc các bà đã quên. Tôi tiếc là sau 1975 tôi không gặp được ông Từ Chi tại Huế để thưa với nhà học giả mà chồng tôi rất quí trọng rằng: Tôi đã lớn lên tại Huế 25 năm, tôi không biết có món ăn nào của người Huế tương tự như món “loọng” của người Mường cả, tôi cũng không thể “biến tấu” từ “lõi,” qua “lõm,” qua “lọm” và cuối cùng là “loọng”. Vả lại, người Huế cũng không lấy tên của một nguyên liệu phụ để đặt tên cho một món ăn. Ở nông thôn Thừa Thiên - Huế, tôi biết có một món dưa làm bằng lõi cây chuối sứ (xắt ngang) cùng cây kiệu (lá cắt từng đoạn, củ chẻ từng lát) được làm vào cuối năm để ăn kèm thịt heo mỡ kho ruốt trong dịp Chạp mã. Và đây là lần đầu tiên tôi theo lệnh mẹ chồng xắt lõi chuối thanh tiên để nấu canh chua và làm rau ăn sống.

Tôi đã làm xong các thứ theo sự chỉ dẫn của mẹ chồng. Tôi bỏ các thứ phụ gia theo từng nhóm trên rổ (mày chuối non, vả, khế, môn bẹ tím, cà chua, rau lốt, rau răm, ngò gai) và các thứ rau ăn sống (lõi chuối, rau thơm, rau húng và ớt) trên rá. Mẹ chồng tôi nói tiếc là mùa này chưa có thơm, chợ cũng không có măng chua. Bà sai tôi đem các thứ rau mùi ra xắt sợi và chuẩn bị chén đọi, lau bàn, dọn cơm. Tôi vừa thực hiện sự sai bảo của bà, vừa quan sát bà tiếp tục kho nấu. Cá rô đã rim xong, bà đang kho cá hanh, Món canh chua cá tràu bà nấu cuối cùng: khử dầu, um cá (đã ướp gia vị từ trước), lấy cá ra, đổ nước vào soong, bỏ mày chuối và vả vào nấu cho sôi chín, tuần tự bỏ môn tím, cà chua – đợi sôi – lại bỏ cá đã um vào, nêm, bỏ rau mùi vào cuối cùng. Bà nói canh chua ăn nóng mới ngon.

Quan sát mẹ chồng nấu canh chua tôi có mấy nhận xét ban đầu sau đây: Nhìn chung: nguyên liệu chính (cá tràu, cá ngạnh, các loại chả cá như cá phát lát, cá rựa, cá nhồng, cá thu…) và qui trình nấu chua của người Huế và người Mỹ Lợi không có gì khác biệt. Duy chỉ có nguyên liệu phụ, rau mùi, rau sống thì bên ít bên nhiều và cách chế biến có đôi chút khác nhau. Người Huế bấy giờ (1977) chỉ nấu canh chua với thơm, cà chua, măng chua, mỗi thứ một ít. Các loại rau mùi cũng ít hơn: ngò thì để nguyên cọng, hành cây thì xắt, chẻ từng đoạn dài và sợi mỏng, rải lưa thưa trên mặt đọi canh sau khi đã múc. Rau sống ăn kèm thì người Huế quen ăn với bắp chuối sứ xắt sợi mỏng (không ăn lõi chuối cây), cọng rau muống chẻ nhỏ, ít cải con (nếu vào mùa) và vài lá rau thơm. Đọi canh chua của người Huế nước trong và loãng, có vẻ thanh cảnh và bắt mắt hơn đọi canh chua của Mỹ Lợi. Canh chua ở Mỹ Lợi nguyên liệu phụ nhiều hơn, tô canh đậm đặc hơn, chưa ăn tôi đã cảm nhận được nhiều mùi và vị đặc biệt ngoài mùi vị của nguyên liệu chính.

Canh chua nóng hổi, cá rô kho rim, cá hanh kho nước (Mỹ Lợi gọi là kho mẳn), nước mắm ngon xắn ớt đỏ và rau sống xanh, bụng đói, lòng vui…, từ sau khi rời nhà cha mẹ đẻ, tôi ít khi có được một bữa ăn ngon như thế.

Buổi tối cuối cùng của chuyến đi Mỹ Lợi lần thứ ba ấy, chúng tôi thức khuya để trao đổi về cuộc sống của mọi người trong gia đình những năm tháng sắp tới…Cha chồng tôi bảo nếu không trụ được ở Buôn Mê Thuột thì về làng… Mẹ chồng tôi thì khuyên nên về Sài Gòn… Chúng tôi ngủ say, bị thức giấc khoảng gần 4 giờ sáng hôm sau. Người đánh thức là mẹ chồng tôi. Bà nói:

«Lên sớm cho mát thì không thể ngủ nán, còn phải ăn tí chút lót lòng. Buổi sáng không nên để bụng đói mà ra đi.»

Bắt buộc ngồi vào bàn ăn, tôi vô cùng áy náy. Là con dâu, chưa bị làm dâu, mà còn được phục vụ. Tôi không biết mẹ chồng tôi ngủ nghỉ thế nào trong đêm. Tôi không biết bà lấy gì để đong đếm thời gian: Nấu xôi, rang, đâm mè và gọi chúng tôi dậy để đi cho mát. Thấy tôi lúng túng, ngại ngùng, anh Chu Sơn bảo:

«Ăn thôi, người Mỹ Lợi không để bất cứ người khách nào ra khỏi nhà mình mà bụng đói vào sáng sớm, huống hồ gì em và anh.»


*


Buổi sáng hôm ấy tôi và anh Chu Sơn trên chiếc xe đạp đường đi từ Mỹ Lợi ra bến đò Diêm Trường, từ Diêm Trường đi đò ngang qua Hà Trung, từ Hà Trung lên Phú Thứ, lên Hương Thủy, lên Huế, tôi hỏi về những lời khuyên ngược chiều của hai ông bà, anh Chu Sơn trả lời bằng câu chuyện về cha mẹ mình:

«Cha mạ ra riêng không chỉ với hai, mà bốn bàn tay trắng. Ông nội là lí trưởng, mất sớm, bà nội không nghèo khó, nhưng không giàu, và vườn thì không đủ rộng để chia cho ba ông con trai làm nhà. Hai ông bác có gia đình đã tạo dựng cơ ngơi riêng. Cha là con út, chưa có gì, nên ăn riêng, mà ở thì nửa riêng, nửa chung với bà nội.

Phía sau ngôi nhà rường ba gian hai chái của bà nội, cha mạ làm riêng cho mình một cái chòi tranh tre nền đất. Năm đứa con (một gái bốn trai) tuần tự ra đời cách khoảng ba năm một dưới mái tranh um khói hoàng hôn này. Một trong bốn đứa con trai đã chết vì bệnh đậu mùa khi mới hơn một tuổi. Điều này chứng tỏ cái chòi tranh úm khói đã tồn tại lâu dài, đã chứng kiến không chỉ một giai đoạn sống của một gia đình mà cả cái chết. Cái chòi tranh nhỏ không đủ cho chừng ấy con người nên cánh đàn ông con trai lên ngủ nhà trên với bà nội. Cái chòi tuy là của riêng của cha mạ nhưng nó nằm trong khuôn viên của khu nhà rường sẽ là của hương hỏa – phần của ông con trai trưởng. Ông bác, người sẽ trông coi hương hỏa, thấy gia đình chú em cứ “ở lì” sẽ là trở ngại khi bà nội qua đời, nên ngày càng gia tăng áp lực với bà nội để rồi xẩy ra xung đột con dâu - mẹ chồng, và định kiến anh chồng - em dâu ngày một sâu sắc. Trong căn chòi úm khói, mạ không chỉ ngày đêm lo toan chuyện làm ăn mà còn phải tính toán tích góp các điều kiện để nhanh chóng thoát khỏi các bức xúc oan uổng. Nhưng khó khăn không chỉ từ các điều kiện vật chất mà còn từ cái tính thận trọng, rụt rè, cầu toàn trách bị của cha. Cha không muốn ở quá xa bàn thờ. Cha không muốn có một sự thay đổi đột ngột và quá lớn. Cha không muốn vứt bỏ nghề nông để chuyển hẳn sang nghề buôn bán bởi vì suy nghĩ là “nông tang vi bản”. Do vậy mà mạ đã bỏ những cơ hội thoát khỏi tình trạng chung đụng với đại gia đình để được tự do làm ăn sinh sống theo hướng thương mại. Ba lần muốn mua vườn riêng ở làng (trước 1952), một lần muốn chuyển cư lên Huế (1952), một lần muốn ở lại Đà Nẵng (sau biến cố Mậu Thân) đều không thực hiện được.

Từ căn chòi úm khói, để gần gũi bàn thờ và bà nội, cha quyết định ra riêng bằng việc san lấp động cát phía sau vườn nhà bà nội để làm nền móng và khuôn viên cho cái nhà rường một căn hai chái mua lại của một thầy giáo trường tổng. Căn nhà rường không chạm trổ nhưng khá đẹp và kiên cố được làm bằng gỗ thượng hạng (cột kèo bằng gõ, đòn tay kiền kiền). Cô Hoa con gái út của cha mạ được sinh ra trong căn nhà này, cách chú Ân (con trai út) 12 năm. Có được nhà rường và chỗ ở độc lập, sinh con gái út nhưng sức khỏe và sự làm ăn của mạ ngày một sa sút. Đất nước bị chia cắt, đứa con trai đầu (anh Tuệ) đi tập kết, đứa con gái đầu (chị Mau) đi lấy chồng, đứa con trai thứ (là anh) lên Huế học trung học, đứa con trai út (chú Ân) trở nên phá gia chi tử, việc buôn bán cau khô (với miền Bắc) bị ngưng hẳn, trước tình cảnh ấy sức khỏe mạ ngày một sút giảm trầm trọng hơn. Sau này mới phát hiện mạ bị lao phổi. Chắc là căn nguyên bịnh lao phổi của mạ là do lao động, nhịn nhục quá sức trong mấy chục năm liền, trước mắt là do thương nhớ đứa con trai tuấn tú hiền hậu đi tập kết chẳng biết bao giờ về và phiền muộn vì đứa con trai út còn tuấn tú hơn trở nên hư hỏng (trong ba đứa con trai còn sống, anh là đứa ốm yếu và xấu xí nhất). Người có kiến thức y tế đầy đủ chữa bệnh lao trong vòng một hai năm (lúc bây giờ) là dứt hẳn. Anh mù mờ về căn bệnh nan y, lại thường xuyên vắng nhà nên chữa bệnh cho mạ gần 10 năm.

Trong 10 năm đương đầu với căn bệnh nan y, cha mạ cứ tưởng là ngôi nhà rường và phong thổ là nguyên nhân dẫn đến bệnh hoạn nên quyết định bán ngôi nhà rường, mua một khu đất rộng hơn thành lập khu vườn làm nơi an dưỡng tuổi già (lúc bấy giờ chưa biết đất bị nhiễm khuẩn). Khu vườn cha mạ đang ở xây dựng năm 1965. Năm 1968 khi chạy lánh nạn chiến tranh, mạ muốn ở lại Đà Nẵng, nhưng cha quyết định trở về với bàn thờ, mồ mả tổ tiên, với nhà cửa nương vườn xanh tươi thoáng rộng, với họ hàng xóm giềng bà con thân thuộc..


Anh đã nói với em là cha mạ bắt đầu cuộc sống gia đình với bốn bàn tay trắng, vậy ông bà đã làm gì, làm sao vượt qua đói nghèo, hoá giải các mối xung đột nội thân và những khổ nạn chung - riêng để tiếp tục sống chờ ngày đất nước thống nhất, gặp lại con, nhìn thấy cháu?

Không có đất: thuê đất. Không có ruộng: thuê ruộng. Không đi biển được: chung vốn làm ghe, dệt xăm làm lưới và chế biến mắm ruốc. Nhưng làm đất, làm ruộng, làm biển với bàn tay thư sinh và con nhà buôn là vấn đề nan giải. Cha mạ không thể gánh phân từ ngoài bến vô đồng, không thể cáng đáng những công việc nặng nhọc trên ruộng đồng và trên biển. Do vậy, việc gì cần sức vóc thì thuê người có sức vóc, việc gì cần nhiều bàn tay hơn cho kịp thời vụ thì kết hợp với xóm giềng. Nhiều người muốn làm thuê, làm chung với mạ vì bữa ăn mạ nấu vừa đầy đủ vừa ngon và công cán do mạ chi trả bao giờ cũng hai bên cùng có lợi. Tuy nhiên, việc làm ruộng, làm đồng trên những mảnh đất ruộng manh mún chỉ giả quyết được những nhu cầu cấp bách. Để có của dư của để cần phải kết hợp làm nông, làm thủ công và buôn bán. Trồng dâu, nuôi tằm kết hợp với dệt thao, dệt lụa, dệt đũi, dệt vải, dệt xăm. Trồng đậu phụng kết hợp với ép dầu. Trồng thuốc lá kết hợp với trữ thuốc lá. Và đặc biệt: không có vườn thì bửa cau không chỉ lấy công làm lời mà còn mua trữ cau khô đợi đến cuối mùa bán cho người buôn chuyến. Từng bước mạ dành nhiều thì giờ, công sức cho việc buôn bán hàng nằm. Ngôi nhà rường ba gian hai chái của mệ nội và cả ngôi nhà rường một căn hai chái của ông nội chú ở bên cạnh nhiều năm liền đầy ắp cau khô và thuốc lá của mạ. Nhiều năm liền khi đường sắt Huế - Hà Nội thông thương, mạ trở thành người “có tiền” ở trong làng.

Và những năm kháng chiến mạ đã tham gia đánh Tây bằng cách đóng góp một phần của cải tích góp được. Năm 1952 Tây chiếm khu Ba - Phú Lộc, trường trung học Lâm Mộng Quang chuyển lên chiến khu, mạ tức tốc lên Huế thuê nhà để anh Tuệ tiếp tục đi học (Mạ muốn rời Mỹ Lợi lên Huế trong dịp này, nhưng cha không chịu).


Năm 1956 anh học xong tiểu học, một mình làm đơn thi vào lớp đệ thất trường Nguyễn Tri Phương. Thi đậu. Mạ ủng hộ việc đi Huế của anh. Theo mạ buôn bán là việc của người lớn và học là công việc của trẻ em. Nhưng kháng chiến là công việc của mọi người. Mạ nuôi che cán bộ, đóng góp cho kháng chiến, anh làm liên lạc. Mạ muốn chúng ta đi Sài Gòn vì những suy nghĩ như thế.

Một câu chuyện bên lề để em biết thêm về mạ: Đầu năm 1945 trên biển Mỹ Lợi xuất hiện những bành cao su nguyên chất (sau này đọc sách mới biết cao su chuyển vận trên những tàu Nhật bị máy bay Mỹ đánh chìm), ngư dân vớt bỏ rải rác trên bãi, nhưng chẳng biết làm gì. Mạ mua tất cả và thuê họ đem chôn trên động cát phía sau lùm. Sau 1954 trong những chuyến hàng do các cơ sở bí mật tổ chức tiếp viện cho miền Bắc, mạ gởi những kiện cao su này.»


*


Đi Buôn Mê Thuột, đến nơi chúng tôi mới biết Đaklak đang ở trong thời kỳ ông Lê Duẩn Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam và ông Trần Kiên bí thư tỉnh ủy Đaklak ráo riết chuẩn bị các thứ để xây dựng nơi này thành một “công trường Xã hội Chủ nghĩa vĩ đại” và là “thủ đô của các nước anh em trong liên bang Đông Dương”. Tôi tối tăm mặt mày với những trận dịch sốt rét, kiết lỵ, dịch hạch, sốt xuất huyết, viêm não… ở khoa nhi bệnh viện tỉnh. Anh Chu Sơn điên đầu trước công cuộc đưa đất nước tiến nhanh - tiến mạnh lên Xã hội Chủ nghĩa của đảng Cộng sản và bị lao phổi nặng. Tôi sinh con trai đầu (Trần Khải Xuyên), sức khỏe ở trong tình trạng báo động do thiếu thốn, lại làm việc 10 tiếng mỗi ngày (theo qui định của tỉnh Đaklak lúc bấy giờ). Chiến tranh với Campuchia ở biên giới tây - nam, với Trung Quốc ở biên giới phía bắc. Những biến cố lớn của đất nước góp phần tác động trầm trọng vào cuộc sống của mấy trăm ngàn người Đaklak và của bản thân gia đình chúng tôi. Không còn đủ sức tiếp tục ở Buôn Mê Thuột, chúng tôi quyết định về Đà Nẵng chứ không về Mỹ Lợi theo yêu cầu của cha chồng, cũng không đi Sài Gòn theo lời khuyên của mẹ chồng, và cũng chẳng vượt biên theo sự dẫn giải của bác Nguyễn Đình Hối, thân sinh của Nguyễn Thị Hoài, bạn tôi, là bác sĩ đang hàng ngày “bắt muỗi” ở viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Bác Nguyễn Đình Hối lên Buôn Mê Thuột để xắp xếp cho Hoài về Sài Gòn lo chuyện vượt biên. Bác Hối đến thăm, ở lại nhà chúng tôi, khuyên nhủ tôi: “Cháu nói với chồng là không ở với người Cộng sản được đâu. Bác đã tham gia kháng chiến chống Pháp, đã có kinh nghiệm thực tế sống chung với người Cộng sản. Sau 1954 bác tham gia chống Mỹ nhưng đồng thời cho con trai (anh của Hoài) đi du học, mua nhà ở Sài Gòn làm trạm chuyển tiếp. Nhiều gia đình bà con, bạn bè bác ở Huế cũng làm như vậy”. (bác Nguyễn Đình Hối là chủ tiệm buôn Tân Tân đường Trần Hưng Đạo, Huế).

Những lý do để chúng tôi quyết định về Đà Nẵng, sau này nhớ nghĩ lại, có phần ngớ ngẩn và hàm hồ như bản thân cuộc sống. Bởi rất khó để có một chọn lựa chính xác trong tình thế mà mấy trăm năm trước Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã mô tả trong Cung Oán Ngâm Khúc: “Cái quay búng sẵn giữa trời / Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”.

Chúng tôi về Đà Nẵng vào đầu năm 1980. Chữa bệnh cho anh Chu Sơn và nói một cách khoa trương rằng tạm ổn định cuộc sống gia đình mất hai năm. Đầu năm 1982 tôi sinh cháu gái (Trần Hảo Nhiên). Trong hai năm đó, vài ba lần anh Chu Sơn đưa Khải Xuyên ra Mỹ Lợi thăm ông bà nội. Giữa năm 1983, chuyến đi Mỹ Lợi lần thứ tư của tôi có thêm Hảo Nhiên hơn một tuổi, vị chi là bốn người. Từ đó cho đến khi cha mẹ chồng tôi vào Đà Nẵng ở với chúng tôi (1988), hằng năm vào mùa hè, tôi chia hai thời gian nghỉ phép (15 ngày) làm hai, nửa đi Mỹ Lợi, nửa đi Huế. Mẹ chồng gặp lại tôi sau hơn sáu năm xa cách đã nói điều mà tôi phải hỏi anh Chu Sơn mới hiểu hết: “Con là bác sĩ mà chẳng hơn gì mạ. Con nghe thằng Huệ đi lui để nhận phần cực về mình”. Anh Chu Sơn dẫn giải: “Mạ cho rằng quyết định về Đà Nẵng là của anh, em chỉ việc nghe theo. Mạ vẫn trách chúng ta sao không đi Sài Gòn. Trong đời mạ, mạ ấm ức là ba lần nghe lời cha để rồi không mua vườn, ở riêng, cứ quanh quẩn bên bà nội, và hai lần không bỏ được làng để đi Huế (1952), và Đà Nẵng (1968). Mạ nói chúng ta từ Buôn Mê Thuột quay lui Đà Nẵng là để gần nhà, gần làng để lo cho cha mạ: Như thế là chỉ có cực mà thôi.

Quan hệ giữa tôi và mẹ chồng còn lưu lại trong ký ức tôi rất nhiều những kỷ niệm sâu đậm. Ở đây tôi ghi lại vài chuyện rời vì nghĩ rằng nó không nhàm chán đối với bạn đọc:


Chuyện mắm nêm:


Trong sáu lần đi nghỉ phép thường niên ở Mỹ Lợi có ba lần chúng tôi được ăn mắm nêm. Không phải là chuyện tình cờ, mà là chủ ý của mẹ chồng tôi: “Thằng Huệ sắp đưa vợ con về”. Từ vài năm trở lại, mẹ chồng tôi không còn đi chợ được nữa, bà nhờ người cháu gái nhà kế cận đi chợ. Chị ấy kể: “Bà mệ dặn rất kỹ: mua cho được cá cơm sọc đỏ (cá cơm huyết), thật tươi và đều con, cỡ bằng đầu chiếc đũa ăn cơm. Có cá cơm rồi, bà nhờ thằng con tui chạy ù ra biển lấy nước về rửa cho kịp. Tụi tui làm mắm nêm thư thả hơn, không chọn cá kỹ như vậy và chỉ rửa bằng nước muối pha loãng”.

So với ba lần về Mỹ Lợi đầu tiên, những lần đi phép thường niên của tôi ở quê chồng vui và rộn rã hơn. Tôi và cha mẹ chồng đã thân quen, gần gũi nhau hơn, các con tôi làm cho ngôi nhà của hai người già trở nên sinh động. Tôi chủ động hơn trong công việc bếp núc. Đặc biệt những bữa ăn mắm nêm cứ như là những bữa tiệc, hơn rất nhiều những bữa tiệc tự chọn thức ăn ở thành phố. Bữa tiệc mắm nêm của chúng tôi ở Mỹ Lợi còn có sự tham gia chuẩn bị của các thành viên trong gia đình. Trong lúc tôi và mẹ chồng nấu nướng. Khải Xuyên và Hảo Nhiên theo bố ra vườn lục tìm rau trái theo sự chỉ dẫn của ông nội. Ông là người làm vườn, ông biết nên hái thứ gì, ở đâu. Ông ngại anh Chu Sơn và hai đứa cháu nội làm càn, gây hại không cần thiết cho các cây ông trồng và bảo dưỡng. Ông cũng biết nhu cầu của người làm bếp chúng tôi. Ông còn phải trả lời những câu hỏi không bao giờ dứt về cây trái hoa lá của Khải Xuyên.

Mẹ chồng tôi ngồi trên chiếc ghế đặt cạnh bếp để vừa chỉ trỏ cái này cái kia, vừa dặn dò tôi về cách thức làm mắm nêm. Bà nói:

«Ở Đà Nẵng thỉnh thoảng cũng mua được cá cơm sọc đỏ tươi, Con chọn những mớ cá đều con, cỡ bằng đầu chiếc đũa ăn cơm. Cá lớn quá xương cứng, thịt nhiều, ướp nhiều muối thì mắm mặn – ít thơm, ít muối thì sanh thúi (thối). Cá nhỏ quá thì mắm sẽ mau nát, mùi vị nhạt nhẽo. Cá bằng đầu chiếc đũa thì ướp một muối bảy cá, cá lớn nhỏ hơn một chút thì tùy đó mà gia giảm muối. Phải là muối sống và sạch. Cá phải rửa bằng nước biển và rửa tay thật kỹ trước khi mó tay vào cá. Cá tươi và sạch thì mắm nêm mới thơm ngon và có màu sắc đẹp. Mắm ngon và có màu sắc đep còn tùy thuộc vào thời gian mắm chín. Tốt nhất là bảy - tám ngày. Mắm chín quá thì nát, ít thơm. Mắm ăn vội (chưa chín) thì tanh. Nhà ít người chẳng nên ham hố mà làm nhiều. Nhắm vừa đủ để ăn một hai bữa. Mắm nêm hở gió sẽ có màu đen xỉn rất khó coi và hết thơm.

Thịt heo luộc mềm (thịt ba chỉ là tốt nhất), rau sống tươi, đầy đủ các thứ với phẩm chất cần thiết (khế, ớt phải chín, vả không già, rau non và không bầm…) càng làm cho bữa ăn mắm nêm ngon miệng, ngon mắt.»

Trong lúc chúng tôi đang nấu nướng và chuyện trò thì anh Chu Sơn mang từ vườn vào các thứ rau trái: một trái thơm chín, mấy trái khế chín vàng, mấy trái vả xanh, mấy trái ớt đỏ, một mụt chuối thanh tiên non và các thứ rau mùi: rau thơm, rau húng lủi, rau tía tô, rau ngổ điếc, rau ngò gai và cả mấy cây rau “chúa lẻ” (một loại rau mọc hoang đứng lẻ loi một mình đâu đó trong vườn, có vị chua chua chát chát rất đặc biệt).

Mẹ chồng tôi vừa chỉ cho anh Chu Sơn gọt thơm và cắt thành miếng để ăn tráng miệng và xắt lặt rau để ăn ghém, vừa bày tỏ một điều tiếc là thiếu chuối chát. Trong lúc đó Khải Xuyên, Hảo Nhiên còn lẽo đẽo theo ông nội để hỏi han gì đó ở ngoài vườn .

Khi tôi nấu nướng xong, đã bày biện các thứ lên bàn, mẹ chồng tôi mới chỉ thẩu mắm nêm ở trên tủ ăn, bà bảo: “Cũng như canh cá trau nấu chua, mắm nêm nên dọn sau cùng. Con lấy mắm ra hai chén. Một chén cho nhà mình và một chén cho nhà chú Phú” (nhà chú Phú là nhà người cháu gái đi chợ giúp). Từ sáng sớm tôi đã ngửi thấy mùi mắm nêm thơm nhẹ đâu đó. Khi tôi dùng đũa gắp cái vỉ đậy ra khỏi miệng thẩu, mùi mắm tỏa thơm nức cả khu bếp. Mẹ chồng tôi gọi chị cháu gái xuống lấy mắm. Chị hít hà mừng rở cám ơn rối rít. Cha chồng tôi nghe mùi mắm nêm, đưa hai cháu tới giếng rửa ráy tay chân. Mọi người tề tựu vào bàn ăn.

Phần mắm “cho nhà mình” tôi chia thành ba chén nhỏ. Một chén cho ông bà. Một chén để anh Chu Sơn bày cho Khải Xuyên ăn món đặc sản của quê nhà. Một chén cho tôi và Hảo Nhiên để Hảo Nhiên khỏi vấy vít. Hảo Nhiên là đứa biếng ăn, nhưng món mắm của bà nội thì tôi bón không kịp. Tôi vừa chú ý chọn phần mắm nạc không xương để bón cho con, vừa nôn nao phần mình. Vài lát khế, lát vả mỏng, một lát thịt ba chỉ luộc, một con mắm và mấy cọng rau chuối, rau mùi các thứ… là một miếng ăn vô cùng hấp dẫn mà sau này nhớ lại tôi mới nhận ra các mùi thơm thảo, các vị mặn ngọt, chua cay, giòn béo hàm chứa trong đó là do cái gì? Là phụ nữ Huế – người bạn thân thiết của các loại mắm – tôi có lạ gì mắm nêm do mẹ tôi làm, mắm nêm mua từ chợ. Tôi đã ăn bao nhiêu lần không nhớ hết món rau muống hồ Tịnh Tâm luộc tước nhỏ chấm mắm nêm, thịt phay chấm mắm nêm, và đã bao nhiêu lần hít hà ràn rụa nước mắt với món bún mắm nêm ớt đỏ. Nhưng lần đầu ăn mắm nêm do mẹ chồng làm để “chờ thằng Huệ đem vợ con về” là không thể lẫn lộn. Trong cái đặc biệt của một món ăn địa phương còn chứa cả tấm lòng của một Bà Mẹ.


Chuyện chiếc áo may-ô.


Đầu năm 1988 cha mẹ chồng tôi không còn đủ sức để “tự lực cánh sinh” ở Mỹ Lợi, chúng tôi đã đón ông bà vào Đà Nẵng. Trong khi sắp xếp các thứ ông bà mang theo vào tủ, tôi tìm thấy một chiếc áo may-ô ba lỗ rách bươm được gói cẩn thận trong một tấm lụa tơ tằm đẹp còn nguyên vẹn. Cái gói bất thường làm tôi tò mò. Tôi muốn đem vứt bỏ chiếc áo may-ô, nhưng không dám. Tôi hỏi. Mẹ chồng tôi giẫy nẩy bảo: “Con cứ để nguyên gói, bỏ vào bao gối cho mạ”.

Tôi nói đã thay cái gối mới, cái áo may-ô quá cũ, mạ giữ làm gì. Mẹ chồng tôi rơm rớm nước mắt nói:

«Đó là cái áo thằng Tuệ bỏ lại sau khi đi tập kết. Mạ đã để dưới gối suốt mấy chục năm, nhiều đêm nhớ nó quá mạ đem ra hôn hít và khóc một mình. Thằng Tuệ là đứa con thông minh, thật thà và dễ thương nhất của mạ. Cả làng Mỹ Lợi và cả những người quen trên Huế, ai cũng thương, cũng muốn kết thân với nó…»

Tôi cắt ngang câu nói của bà: nhưng anh Tuệ đã về, vẫn mạnh khỏe…và thành đạt, mạ còn giữ cái áo đó làm gì. Mẹ chồng tôi nói:

«Cái áo này là của thằng Tuệ ngày xưa của mạ: thông minh, thiệt thà, tốt bụng. Còn ông Tuệ ngày nay thì mạ nhận không ra. Chẳng biết chánh phủ Cộng Sản đã làm gì để nó ra nông nỗi này. Ông ấy dối trá, khoe khoang và lươn lẹo. Ông ấy khoe là cha vợ làm tướng làm tá gì đó to lớn lắm. Ông ấy còn khoe có hai ba cái nhà ở Sài Gòn. Ông ấy nài nỉ cha mạ vào để ông ấy phụng dưỡng. Cha mạ không đi, ông ấy nài nỉ… Nhưng khi cha mạ nhận đi thì ông viện cớ này, cớ nọ… Khi thì để chuẩn bị chỗ ăn chỗ ở cho tươm tất mới đón cha mạ vào. Khi thì chờ vợ đi công tác ngoại quốc về. Khi thì tìm thuê người giúp việc chưa ra…»

Tôi nói:

«Mạ đã ghét anh Tuệ đến thế thì giữ cái áo để làm gì

Mẹ chồng tôi nói:

«Thằng Tuệ con mạ thì làm sao mạ ghét nó được. Nhưng đau lòng thì không sao cho hết. Ngày xưa dù khó khăn thế nào mạ cũng cố sức cho nó đi học để nó thông minh thêm, giỏi giang thêm, tốt bụng thêm. Mạ cũng thuận theo lẽ phải để nó đi tập kết. Cuối năm 1954 cha nó theo ghe chở hàng ra miền Bắc thăm nó, mạ gởi mấy chục bành cao su, mấy chục thùng dầu lửa, ý là góp thêm để chánh phủ có cái nuôi nó thành người. Chẳng biết chánh phủ đã dạy dỗ, nuôi nấng hay hành hạ nó thế nào để nó ra thân thế tệ hại như ngày nay. Mạ thương cái thằng Tuệ thông minh, thật thà, tử tế của mạ. Mạ không thể thương được cái ông quan tên Tuệ khoe khoang, dối trá và lươn lẹo. Cả làng Mỹ Lợi đói mà ông ấy khoe có hai ba cái nhà. Nó ở miền Bắc đói khổ hai chục năm, mới vào Sài Gòn có mấy năm làm sao có được hai ba cái nhà…?»


Chuyện cái phong bì của ông Phan Trung Thu.


Ông Phan Trung Thu là một trong nhiều ông cán bộ được mẹ chồng tôi che chở, nuôi dưỡng thời chống Pháp và thời Ngô Đình Diệm tố Cộng, diệt Cộng. Sau 1975, từ Hà Nội, ông được điều về làm giám đốc nhà máy cao su Sao vàng Đà Nẵng. Nhà máy rất lớn, trực thuộc trung ương. Ông là nhà quản lý giỏi được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Nghe cha mẹ chồng tôi vào Đà Nẵng hai vợ chồng ông đến thăm. Ông đem đến một phong bì tiền nói là để chú Huệ mua thức ăn cho ông mệ. Cha mẹ chồng tôi nói: “cám ơn và mừng chú được phong Anh Hùng, nhưng tiền bạc thì cô chú mang về, chúng tôi già rồi ăn uống chẳng được bao nhiêu, vợ chồng thằng Huệ còn lo được”. Vợ chồng ông Phan Trung Thu ra về, một mực để phong bì lại. Mẹ chồng tôi bảo: “Thằng Huệ đem phong bì trả cho vợ chồng chú ấy ngay trong chiều nay”. Cha chồng tôi bảo: “Người ta có lòng, nhận cho người ta vui”. Nhưng mẹ chồng tôi dứt khoát: “Mấy năm sau giải phóng, thấy thằng Tuệ thân tàn ma dại trở về, cùng người Mỹ Lợi ăn trầu thay cơm, tôi tiếc là ngày xưa đã cưu mang họ, đã chịu tra tấn, tù tội, đã mất rất nhiều tiền hối lộ mới được tha. Tôi xem như họ đã chết rồi. Vợ chồng thằng Huệ chịu khó nuôi cha mạ, đừng bắt cha mạ ăn tiền của người đã chết. Đem phong bì trả lại cho người ta đi”.


Chuyện quì lạy.


Năm 1999 cha chồng tôi qua đời tại Mỹ Lợi. Chúng tôi về làm đám tang. Anh Tuệ con trai trưởng nhưng không đứng làm chủ tang, không chịu quì lạy theo nghi lễ. Chị Nhu con dâu trưởng, theo như anh Tuệ nói là bận đi công tác ngoại quốc không về kịp. Anh Chu Sơn và tôi là con trai và dâu thứ cùng với mọi người khác trong gia đình nghiêm túc chấp hành nghi thức tang lễ theo phong tục của Mỹ Lợi. Sau lần quì lạy thứ nhất, mẹ chồng tôi kêu riêng tôi ra nói: “Mạ thấy con quì lạy chứ không xếp bè he ngồi lạy như những người khác, phụ nữ mà quì lạy giơ mông, giơ đít cho người ở sau coi không được mắt”. Năm ấy tôi 49 tuổi, nghe lời mẹ chồng, nhiều lần chắp tay cúi lạy theo tư thế ngồi xếp bè he ( khác với tư thế quì lạy mà tôi đã quen từ thuở còn thơ ở Huế), và lo toan mọi việc cho đến khi hết tang lễ. Người rã rời, nhưng lòng thì nhẹ nhàng len lén một niềm vui vì đã tránh được một cử chỉ vô tình nhưng chướng mắt trước bà con họ hàng Mỹ Lợi. Mấy năm rồi cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh, có dịp quan sát người phụ nữ miền Nam thực hành tư thế lạy ngồi xếp bè he trong các lễ hội dân gian, tôi nhớ lời nhắc sửa của mẹ chồng 15 năm trước và nghĩ về cuộc giao lưu tương tác giữa Mỹ Lợi - Huế và miền Nam trong suốt mấy trăm năm. Theo tôi giữa Mỹ Lợi và miền Nam thuở trước có hai điểm rất gần gũi, đó là mô hình qui hoạch, thiết kế, cách làm vườn và cách thực hành nghi lễ lạy của người phụ nữ. Còn chuyện bánh chưng, canh chua và mắm nêm… nữa, có những dấu ấn đậm nhạt khác nhau nào đó của miền Bắc, của Mường, của Quảng Xương - Thanh Hóa, của Thuận Hóa - Quảng Nam, của Chăm, của Khờ me - Nam bộ, và xa hơn nữa… nơi một Mỹ Lợi tôi chưa sáng tỏ. Anh Chu Sơn nói tiếc là không có anh Từ Chi để cùng nhau tiếp tục câu chuyện Món ăn Huế, món ăn Mường, và cội nguồn dân tộc.

Nguyễn thị Kim Thoa



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss