Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / mặc áo dài...

mặc áo dài...

- Nguyễn thị Kim Thoa — published 11/03/2013 18:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Người mặc áo dài
xin nói về áo dài.


Nguyễn thị Kim Thoa



aodai1 Năm nay tôi đã quá cái tuổi mà các đấng mày râu theo truyền thống Khổng Mạnh tự cho rằng mình đã biết mệnh trời. Ngày xưa người phụ nữ không bao giờ được biết mệnh trời, đơn giản vì phụ nữ dù tuổi tác có cao cũng không thể tri thiên mệnh: “Thập nữ viết vô” mà. Khổng Mạnh đã nói như thế từ mấy ngàn năm rồi còn gì!

Thế, tuy nhiên, bởi vì tôi là phụ nữ, lại là phụ nữ Huế, nên tôi có thể góp vài suy nghĩ về chiếc áo dài của phụ nữ chúng tôi: “Áo dài Việt Nam” – Cái áo một thời góp phần làm nên bản sắc của cố đô, cái áo mà rất nhiều người, nhất là những vị có thẩm quyền về văn hóa mỹ thuật đều thừa nhận là một thành tựu thẩm mỹ không phải là của một địa phương và cũng không phải là sản phẩm của một thời vang bóng. Chiếc áo dài đã đi vào thi ca, văn học, nghệ thuật và lịch sử dân tộc.

Tôi hoàn toàn nhất trí với những ai ca ngợi chiếc áo dài. Đôi khi những lời ca ngợi ấy cánh phụ nữ chúng tôi xem như là được nhắm vào mình và lấy làm hãnh diện. Đã có một thời mà nhiều chị em chúng tôi tự ngắm nhìn mình qua gương mỗi khi mặc áo dài. Ngay cả lúc này đây ở cái tuổi mà nhiều người gọi bằng bà chẳng những ở những nơi giao tiếp mà ngay tại nhà mình bởi các cháu nội, cháu ngoại, tôi lấy làm tiếc là không còn hoàn cảnh, điều kiện may mặc áo dài để tự làm đẹp mình, làm đẹp phố phường. Mỗi năm tôi chỉ được mặc áo dài đôi ba bận, trong các dịp lễ lạc, tết nhất. Và không phải mình tôi mà nhiều phụ nữ Huế khác cũng đã “kính nhi viễn chi” chiếc áo dài đẹp nhất của mình để mặc các y phục khác thích hợp hơn.

Tại sao vậy?

Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin ghi lại những kinh nghiệm áo xống của mình và sau đó xin có ý kiến về chiếc áo dài và việc ăn mặc của những người phụ nữ quanh tôi.

Hồi còn là học sinh tiểu học, tôi đi đến trường trong những chiếc áo đầm màu hoặc áo đầm có họa tiết hoa văn. Thời tiểu học của chúng tôi không có đồng phục. Tùy hoàn cảnh của mỗi gia đình mà cha mẹ cho con ăn mặc đến trường theo điều kiện mình có, miễn là tươm tất, sạch sẽ. Con nhà trung lưu thường mặc áo đầm, con nhà nông thôn thường mặc quần dài đen áo màu đậm (áo may kiểu gài nút giữa, cổ kiền hay cổ cánh sen, tay dài). Với trang phục như vậy chúng tôi chơi đùa, chạy nhảy, nghịch phá thoải mái. Là con gái, chúng tôi cũng leo trèo, chui lỗ chó hàng rào không kém lũ con trai. Hoàn toàn chúng tôi không thấy có sự cách biệt giữa hai lối trang phục.

Khi vào trung học đệ nhất cấp (lớp 6 đến lớp 9 bây giờ) đồng phục của chúng tôi là áo đầm trắng hoặc áo dài trắng tùy sự lựa chọn của gia đình. Phần đông những đứa nhỏ con, chưa nẩy nở đầy đủ cha mẹ thường cho mặc áo đầm trắng, “các chị” lớn hơn một tí, đã có ít nhiều đường cong thì chọn áo dài trắng. Các bộ đồng phục này theo chúng tôi suốt sáu ngày trong tuần.

Lên cấp ba trung học, thời đó là đệ tam, đệ nhị, đệ nhất (bây giờ là lớp mười, mười một và mười hai), chúng tôi bắt buộc đồng phục áo dài trắng. Việc thay đổi trang phục góp phần thay đổi tính cách của tôi. Bạn bè tôi cũng có sự thay đổi tương tự, tuy mỗi đứa có mức độ khác nhau.

Những ngày đầu mặc bộ đồng phục này chúng tôi cảm thấy không thoải mái tí nào. Từng bước đi, dáng đứng chúng tôi phải giữ gìn, thận trọng, dịu dàng, khoan thai, nếu không thì bộ đồng phục sẽ nhàu bẩn khó coi. Vào mùa mưa – mà mưa ở Huế thì thúi đất – áo dài nữ sinh là một khổ nạn đối với chúng tôi. Vì dù có mặc áo mưa đi nữa, dù ống quần đã xăng lên tận gối, vạt áo có nhét vào tận lưng nó vẫn bị ướt sũng.

Mặc áo dài trong mùa mưa xứ Huế còn khốn khó hơn đối với những cô gái con nhà nghèo ở vùng ven. Chỉ được cha mẹ may cho một bộ đồng phục duy nhất, các cô phải tự xoay xở thế nào đó để ngày hôm sau đến trường khỏi bị phạt kỷ luật vì không mặc đồng phục, mặc dù trời cứ mưa gió, đường cứ lầy lội.

Những ngày mùa đông mưa lê thê ấy, mỗi đêm cái bàn ủi than con gà bằng đồng đã giúp chúng tôi ủi khô bộ đồng phục áo dài phin nõn, quần vải xa xị trắng duy nhất để sáng mai đến trường.

Thu Sa, Thu Sương và tôi nhà ở bên kia Đập Đá, những ngày mưa lụt, đập tràn, đi học chúng tôi phải lội nước và khi nước dâng cao phải đi đò. Lội nước lụt hay đi đò với chiếc áo dài quả là một điều bất tiện và khổ ải. Do sáng kiến của Thu Sương, bọn tôi chỉ may hai tấm vải làm hai vạt áo, hai vạt áo này được xếp bỏ vào trong cặp, quần dài vo lên tận gối. Đến trường, tại nhà để xe, chúng tôi lấy hai vạt áo đó ra, dùng kim băng găm vào áo cánh lót. Bên ngoài đã có áo len phủ kín nên trông vẫn giống như hai vạt áo dài. Với cách thức đó chúng tôi luôn có “áo dài” khô ráo khi vào lớp. “Mốt áo dài Thu Sương” theo ba chúng tôi trong những ngày mưa lụt của thời cấp ba trung học Đồng Khánh.

Tuy vậy riết rồi cũng quen. Sự chịu đựng đã trở thành bản chất thứ hai của phụ nữ Huế chúng tôi. Sự lúng túng, khó chịu ban đầu ngày một bớt đi và lần hồi chiếc áo dài đã gắn bó tưởng chừng không bao giờ tách rời cuộc sống thường ngày.

Khi bước chân vào giảng đường đại học, ngoài chiếc áo dài trắng thời trung học, các nữ sinh viên còn có thêm những chiếc áo dài màu, áo dài hoa. Chiếc áo dài trắng đồng phục nhiều năm không có gì thay đổi lắm, nhưng những chiếc áo dài màu thì có nhiều mẫu mã, dài ngắn, rộng hẹp, có cổ không cổ, cổ cao cổ thấp, đường nét biến động không ngừng. Những biến tấu, những đổi thay, những điểm tô chứng tỏ khát vọng làm đẹp của chúng tôi. Nhiều lúc chúng tôi tự hỏi phải chăng chính cơ thể phụ nữ Việt Nam đã làm đẹp chiếc áo dài hay chiếc áo dài đã góp phần tôn tạo nhan sắc cho phụ nữ Việt Nam? Và phải chăng chiếc áo dài chỉ dành riêng cho người phụ nữ Việt Nam chứ không cho phụ nữ của bất cứ dân tộc nào?

Thời học đại học, những suy nghĩ của tôi về y phục đã thay đổi. Tôi vẫn thấy vẫn cảm nhận vẻ đẹp, vẻ gợi cảm và tính chất tân kỳ của chiếc áo dài. Tuy nhiên nếu phụ nữ chúng tôi chỉ mặc những chiếc áo dài đó để đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, ở bất cứ điều kiện khí hậu thời tiết nào là một vấn đề cần được xem xét lại. Việc chọn ngành, chọn trường học đã ảnh hưởng đến quyết định thay đổi y phục của chúng tôi. Lúc bây giờ các nữ sinh viên Sư phạm, Văn khoa, Luật khoa vẫn hay đến giảng đường với áo dài bay bướm. Còn sinh viên các trường Y khoa, Khoa học, Bách khoa, Nông lâm thì tùy lúc tùy nơi để thay đổi y phục của mình. Những giờ lý thuyết lên lớp thì có thể mặc áo dài, nhưng những buổi thực tập ở phòng thí nghiêm, bênh viện, cơ xưởng thì phải đành “nhịn” áo dài và bắt đầu mặc quần tây – áo sơ mi hay mặc váy với sơ mi. Việc đổi mới chẳng đặng đừng này ban đầu khá khó chịu, ngỡ ngàng đối với tôi và một số chị em khác. Tuy vậy chúng tôi không thể làm gì hơn bởi vì chúng tôi đã gặp khá nhiều phiền toái, trở ngại, bất tiện khi mặc áo dài vào phòng thí nghiệm, bệnh viện…, và nhất là khi chúng tôi phải chạy tất bật hết nơi này, nơi kia theo yêu cầu giờ giấc, điều kiện kỷ luật học tập và lao động. Dù muốn hay không chúng tôi phải chọn cho mình những loại y phục khác thích hợp hơn. Đối với tôi: sơ mi – quần tây vừa tiện dụng, vừa rẻ tiền lại vừa phải chăng về mặt tâm lý cá nhân, gia đình và xã hội bấy giờ. Nhiều nữ sinh viên khác bạo hơn thì mặc váy và sơ mi. Các tập quán cũ của thành phố nổi tiếng nệ cổ, nề nếp đã bị phá vỡ và lần hồi chúng tôi đi đến nhận thức rằng có hàng trăm loài hoa đua nở vẫn thích hơn chỉ có một loài duy nhất, dù là hoa Hướng Dương trong khu vườn y phục.

Những người phụ nữ tùy theo hoàn cảnh sinh hoạt, học tập, lao động hay vui chơi mà thay đổi y phục cho hợp lý, hợp tình thì vẫn hay hơn, đẹp hơn.

Thế là trong tủ áo quần đã có một hội tụ mà chỉ vài ba năm trước đó thôi chính tôi cũng không thể hình dung được. Bên cạnh những chiếc áo dài lại có thêm nhiều chủng loài y phục khác. Các loại y phục này đã thuyết phục tôi bởi các tính năng ưu việt của chúng.

Thực tế của cuộc sống sinh động và phong phú là người tạo mốt thông minh và biết điều. Sau 1975 chúng tôi tự động giã từ chiếc áo dài hoặc cải tạo nó. Dài biến thành ngắn, lớn thu thành nhỏ, cũ hóa ra mới và đôi khi lụa là của mẹ đổi thành thuốc men, sách vở cho con. Tồn tại là vấn đề mấu chốt của cuộc sống và đôi lúc chúng tôi đã quên đi cái đẹp. Thời gian này, người phụ nữ tham gia vào đời sống xã hội sâu rộng hơn, sau khi rời giảng đường, phòng thí nghiệm, bệnh viện, nhà máy, cơ quan, chúng tôi còn phải chợ búa hay lao động chân tay tại một nơi nào đó để tăng thêm thu nhập. Và tất nhiên sơ mi quần tây tiện dụng hơn áo dài. Hơn nữa, trong bối cảnh mà ở đâu cuộc sống của bà con cũng khó khăn cực nhọc thì sự ăn diện chải chuốt là một hành động lố lăng, thiếu thẩm mỹ không thể chấp nhận được. Trong số bạn bè chị em tôi, không ít người đã tạo cho mình nét duyên dáng, mặn mà, khỏe mạnh khi mặc áo sơ mi kaki.

Trong thập niên 1975 - 1985, câu chuyện thời trang áo xống không còn là vấn đề để bàn cãi nữa. Kinh tế thời bao cấp, chúng tôi có cái gì mặc cái đó. Áo dài đã được sửa thành áo cụt hay áo cho trẻ con. Ở thành phố lớn phụ nữ còn mặc quần tây áo sơ mi, nhưng ở các thành phố nhỏ hay ở nông thôn phụ nữ đã đổi sang mặc quần đen áo sơ mi hay áo may cổ kiền hoặc cổ cánh sen, đôi khi là áo bà ba.

Thành phố Huế cổ kính vắng bóng chiếc áo dài.

Tôi có hai kỷ niệm khó quên trong thời kỳ này.

aodai-2 – Năm 1977, cậu tôi, kiều bào tại Pháp ra đi từ những năm “lính thợ” (lời của cậu ) về thăm quê hương, nơi viếng thăm đầu tiên của cậu là thành phố Huế. Nơi mà: ngày xưa “Học trò trong Quảng ra thi – thấy cô gái Huế chân đi không rời”. Lang thang hai ba ngày trên các nẻo đường cố đô để tìm lại hình ảnh chiếc áo dài tím năm nào, nhưng chẳng thấy. Về hỏi đứa cháu gái:

“ Cháu còn mặc áo dài không?

“ Thưa cậu, trước kia thì có, bây giờ thì không?

“ Sao vậy?

“ Chắc cậu cũng biết tại sao rồi.

“ Cháu còn giữ chiếc áo dài nào không?

“ Dạ có.

“ Cháu mặc cho cậu chụp vài tấm ảnh để khi về lại Pháp cậu còn cái để nhớ về Huế.

Thế là tôi mặc chiếc áo dài đẹp nhất còn lại của mình theo cậu trên các con đường chính của Huế để chụp ảnh dưới ánh mắt tò mò, xoi mói, bình phẩm của nhiều người qua đường.


– Một kỷ niệm đáng nhớ khác về áo dài: hình như vào năm 1977 hay 1978 gì đó, trong dịp đi ăn cưới họa sĩ Bửu Chỉ, nhà tôi cách nhà họa sĩ Bửu Chỉ chừng 500 mét, tôi thả bộ cùng anh Chu Sơn trên con đường làng cùng chiếc áo dài ưng ý nhất của mình.

aodai3 Trên đường về, gặp một người đàn ông trung niên tay cầm máy ảnh, gặp chúng tôi anh rất vui mừng và tự giới thiệu: anh là kiều bào tại Canada xa quê từ năm 1963, nay đất nước thống nhất anh về thăm nhà, đi tìm lại bóng dáng chiếc áo dài xưa, nhưng chẳng thấy một hình ảnh nào. Anh ngỏ ý xin chụp một tấm ảnh chiếc áo dài mà tôi đang mặc. Cuộc gặp gỡ xảy ra trước cổng nhà tôi, chúng tôi mời anh vào nhà chơi và chụp ảnh cho tự nhiên. Anh chụp đôi ba tấm rồi ngồi hát nhỏ một mình:

“Một chiều lang thang bên giòng Hương giang tôi gặp một tà áo tím… rồi chợt nghe tin qua lời gió nhắn, người áo tím qua cầu và áo tím phai màu…”

Rất tiếc tôi không còn chiếc áo dài tím nào để thỏa mãn nỗi nhớ của cả hai người. Màu áo tím đã phai rồi…

Vào những năm 1986 khi bắt đầu đổi mới, thấp thoáng đâu đó những chiếc áo dài trở lại trên đường phố Huế và nhất là khi ông giám đốc sở giáo dục Thừa Thiên Huế Lê Phước Thúy ra quy định: cô giáo lên bục giảng phải mặc áo dài, chiếc áo dài lại có cơ hội tung bay trên những nẻo đường cố đô.

Vai trò của y phục không những để che thân, để bảo vệ cơ thể, để tôn tạo vẻ đẹp, để khoe các đường nét, những dáng vẻ duyên dáng, yêu kiều, hấp dẫn của những cơ thể trời cho mà còn để khắc phục, để hạn chế, để che lấp những khiếm khuyết, nhược điểm nơi những cơ thể ít may mắn hơn. Cũng như bản thân các chủ nhân thân thiết của mình, mỗi loại y phục đều có điểm yếu, điểm mạnh khác nhau. Bộ áo dài kỳ diệu của phụ nữ Việt Nam cũng không một là ngoại lệ.

Áo dài Việt Nam chỉ phù hợp với những cơ thể nẩy nở đều đặn, không to mập quá cũng không gầy ốm quá và dáng đi thì nhẹ nhàng, uyển chuyển khoan thai. Áo dài Việt Nam hoàn toàn bất lợi trước những phụ nữ to cao, vai rộng, dáng đi nặng nề, thô cứng cũng như những cơ thể xương xẩu, gầy lép, cử chỉ tất bật vội vàng, dù có cải tân, biến tấu bao nhiêu cũng chỉ giảm đi đôi phần chứ không hoàn toàn thích hợp bằng các trang phục khác.

Với các nữ sinh trước tuổi dậy thì, áo dài hạn chế các hoạt động vui chơi, hồn nhiên. Và cũng thật bất tiện cho các cô học trò khi cần vào phòng vệ sinh, nhất là khi hệ thống vệ sinh công cộng ở các trường trung học hiện nay chưa đáp ứng được cả về chất lượng và số lượng. Không ít các em nữ sinh mắc chứng rối loạn tiểu tiện do sợ phải vào phòng vệ sinh của trường, và có em đã phải chịu nhịn khát không dám uống nước trước khi vào lớp. Theo tôi áo dài tà rộng, dài lượt bượt hiện nay hoàn toàn không thích hợp cho học sinh trung học. Được ngắm nhìn một đàn cò trắng tung bay vào giờ tan trường đẹp thật, lãng mạn thật, nên thơ thật. Những ai đã gắn bó với chiếc áo dài với hai mùa mưa nắng cũng sẽ có cùng một cảm nhận chung là rất bất tiện, mặc dù họ rất hãnh diện và vui sướng khi người khác phái ngắm nhìn đắm đuối…Nên chăng có một kiểu áo dài riêng phù hợp cho lứa tuổi này cả về mẫu mã và chất liệu?

Ở những nơi, những thời điểm có thời tiết khí hậu khắc nghiệt không nên mặc áo dài. Thật là thiếu lịch sự khi có ai đó mặc áo dài mà mồ hôi nhễ nhại dính lưng, dính bụng. Những chiếc áo ngự hàn cũng che lấp hết các tính năng ưu việt của nó.

Trước 1975, báo chí ở Sài Gòn mỗi lần viết về Huế cổ kính, thanh lịch không bao giờ quên những tà áo dài. Thậm chí họ còn ca tụng những phụ nữ ở vùng ven mỗi lần gánh hàng rong vào thành phố bán cũng mặc áo dài, chèo thuyền trên sông cũng mặc áo dài. Tôi hoàn toàn không đồng tình với những lời khen ngợi ấy. Bởi những ngưới đó do điều kiện công việc gánh gồng nặng nhọc họ phải quần xăng áo bo để làm, như thế chiếc áo dài còn gì vẻ đẹp và bản thân người lao động chẳng thấy thoải mái, thiếu vệ sinh, không tạo cho mình một vẻ đẹp và cũng không đóng góp được một hình ảnh dể coi cho phố phường. Có chăng chỉ để quay vài thước phim hay bấm vài tấm ảnh.

Một đôi khi xem lại những tấm hình của các thế hệ phụ nữ mẹ chị trước đây, vào những thập niên 60 với chiếc áo dài bó sát eo, dài lê thê phết gót tôi có cảm nhận rằng: đẹp thì có đẹp, nhưng mặc như thế làm sao thở một hơi dài thoải mái được, chỉ cần thở mạnh một tí cũng đã làm bung cúc áo rồi. Cái đức tính thứ hai chịu khó ấy quả là đáng khâm phục.

Cảm nhận cái đẹp, vận dụng các phương tiện vật chất để làm đẹp trong ăn mặc, trang điểm là những khả năng hoàn toàn có tính tương đối. Cùng một kiểu áo, người này mặc trông bắt mắt ưa nhìn, người kia lại thất bại. Không có một mẫu, một mốt nào dành cho tất cả mọi người, tất cả mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm và mọi thay đổi của thời tiết, khí hậu.

Ngày nay chiếc áo dài đã biến tấu, cách điệu với rất nhiều mẫu mã, nhiều chất liệu, người phụ nữ có nhiều cách để chọn cho mình một chiếc áo dài ưa thích. Hằng năm lễ lạc, hội hè không bao giờ vắng bóng các nhà tạo mẫu với những Đêm áo dài, Ngày áo dài. Áo dài với Cố đô. Áo dài với Phố Hội … Những dịp đó giúp cho cánh phụ nữ có nhiều cơ hội lựa chọn cho mình chiếc áo dài thích hợp để tự làm đẹp mình, góp phần làm đẹp phố phường, làm đẹp đất nước non sông.

Bản thân chiếc áo dài cũng rất cần đổi mới. Và đổi mới không dừng lại ở chiếc áo dài. Chảy đi sông ơi.


Nguyễn thị Kim Thoa


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss