Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Trường ca Hồi ức về những con đường... / Hồi ức về những con đường đất tôi đã đi qua (21-25)

Hồi ức về những con đường đất tôi đã đi qua (21-25)

- Nguyễn Thanh Hiện — published 19/10/2013 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Nguyễn Thanh Hiện


TRƯỜNG CA


HỒI ỨC VỀ NHỮNG CON ĐƯỜNG ĐẤT

TÔI ĐÃ ĐI QUA




Hai Mươi Mốt,


Và Tôi Cũng Đã Có Lần Trở Lại
Khu Vườn Cũ Của Em,



hãy chia cho tôi nỗi khổ của em
như tôi đã chia cho em nỗi nhớ,


như vẫn còn nguyên cả

tôi đã trở lại khu vườn cũ của em thử tìm lại âm vang ngày ấy

nhưng nếu chỉ có thế thôi

nếu chỉ có tiếng ve trên hàng keo

và tiếng sóng vỗ

những hàng chữ nơi cổng vườn dấu hiệu của tham muốn một thời vẫn nhìn tôi như người ngoại cuộc

không

tôi nhất quyết rằng chẳng phải chỉ có thế

con ve nào nơi hàng keo vẫn chẳng tiếc lời trong bản giao hưởng chuyển mùa

và tiếng sóng đang da diết vỗ

tất cả như chẳng tiếc lời

chỉ trừ người giữ vườn

vẫn ánh mắt ấy

vẫn còn nguyên những ngôn từ khắt khe của một thời những qui ước tầm thường ngự trị

em biết không

lúc bấy giờ là đương ngã xế

tôi đưa tay gạt đi lớp bụi mờ

bóng cây phượng già nơi tôi đang đứng chợt rung rinh

một dáng đi

không

cũng chẳng phải ánh mắt cũng chẳng phải nụ cười

chẳng phải là gì cả

giữa tiếng biển gào và giọng hát quen thân của bầy ve tháng bảy

tôi đã nhận ra

cũng chẳng phải là nhận ra

em biết không

sau lớp bụi mờ tôi vừa xua tan đó

là em,


và cũng từ đó là tôi hay nhìn thấy những chuyến đi cùng em

những chuyến đi trong mơ

những giấc mơ vẫn diễn ra trong dòng suy nghĩ của tôi,



Phụ Lục,

Những Giấc Mơ Giữa Ngày,


có tháng chạp mưa rừng ướt áo
tôi chờ em
mây núi phủ ngang vai
có tháng sáu gió lào buốt mặt
tôi tiễn em
nghe nắng đốt trong tim
nhưng đã lỡ làm thân cát bụi
mỗi tình em
nước mắt thành sông,



[ miền cổ tích ]



lũ các người hãy cứ việc
đi tìm những thứ chẳng bao giờ có

LỜI CỦA CÁC VỊ THẦN NÚI NUNG,


Đây là làng ven sông. Mình hẹn gặp nhau ở làng ven sông, anh quên rồi sao? Đây là làng của người. Từ đây đến đầu nguồn của sông còn xa. Em phải đi cùng anh. Ta phải cùng đi mới đến được đầu nguồn của sông.

Không biết là nàng từ trong ý nghĩ của ta bước ra. Hay là từ dưới sông bước lên. Ta thấy là nàng từ dưới sông bước lên. Và chào ta. Mừng rỡ. Như là vừa đi đâu đấy. Và gặp lại. Ta nói là ta có nhớ. Làm sao quên được. Ta nói. Và cứ thấy là mình có hẹn với nàng thật.

Từ đây đến đầu nguồn của sông còn rất xa. Anh phải đi cùng em. Lúc cha em còn sống ông có nói là phải đến đầu nguồn sông mới tìm lại được những gì đã mất. Mà anh đã nói với em là anh cũng phải đến đó để tìm lại những gì đã mất.

Phải. Ta nhớ là ta đã nói với nàng như thế. Rằng ta cũng phải đến đó để tìm lại những gì đã mất. Hồi cha ta còn sống ông cũng nói rằng ta phải đến đó. Nguồn của con sông là nguồn tất cả. Ông nói. Dòng họ nhà ta thuộc tộc người đa số. Nhưng dẫu có đông mấy thì cũng phải chết dần mòn trong nỗi đau mất mát. Con phải đến đó để tìm lại những gì dòng họ nhà ta đã bị đánh mất. Cha ta nói. Ông nói trong cơn hấp hối. Buổi chiều cha ta hấp hối thì ruộng đồng làng ta cũng đang hấp hối. Có thể ăn cỏ để sống qua ngày được không. Cha ta hỏi. Đã sắp ngửa hai bàn tay trắng ra đi mà cha ta vẫn cứ thấy luyến tiếc cái mặt đất đầy thương tích. Mặt đất thì đầy thương tích mà con người trên mặt đất thì bơ phờ như tàu chuối sau hè sau bão tố. Nhà ông nó hãy yên lòng nhắm mắt ra đi. Mẹ ta nói. Và bà vội nhắm hai mắt lại như thể để khỏi nhìn thấy sự gầy guộc sắp vĩnh viễn thôi tồn tại. Nhưng ta biết làm sao cha ta yên lòng được vì con người sắp ăn cỏ, làm sao yên lòng khi những con người chất phác đang bước theo bước chân trâu trên ruộng bỗng hóa ra kẻ ăn nói ngược ngỗ, bề trên, bỗng hóa ra kẻ khác, bỗng nói ra những lời xấc xáo, thần thánh, khiến ruộng đồng điên đảo. Con hãy đến đó, đến đầu nguồn của sông. Lời cuối cha ta nói ra khi ruộng đồng làng ta không còn đủ sức đem lại cơm áo cho con người.

Thì chẳng phải anh đã nói với em rằng anh cũng mất mát như em hay sao. Anh nói là cha anh cũng không còn. Thì chẳng phải em cũng thuộc tộc người đa số như anh, và dòng họ nhà em cũng chết dần mòn trong nỗi đau mất mát hay sao. Cái buổi chiều cha em ra đi thì những người thân nhà em cứ gào lên, rằng kẻ ra đi là có thể sẽ yên ổn hơn những người ở lại, kẻ ra đi là sẽ mãi mãi chẳng còn nghe thấy những lời lẽ nửa điên khùng nửa thần thánh của kẻ trông coi cơm áo những người còn sống, chẳng còn nghe thấy cái giọng ngả ngớn, ngu ngốc suốt sáng suốt chiều, ngu ngốc ngả ngớn mà cứ làm như thông thái, dạy đời, chẳng còn nghe thấy cái giọng nịnh nọt, hèn đớn của đám quan thu thuế của triều đình đang ngày đêm cúc cung tận tụy, những người thân của nhà em là cứ gào lên, họ cứ gào lên là mình đang mất hết tất cả.

Không biết là nàng từ trong ý nghĩ của ta bước ra. Hay là từ dưới sông bước lên. Ta thấy là nàng cho thuyền ghé vào mép nước. Rồi bước lên bờ. Khi đến làng ấy thì ngựa của ta bỗng dừng lại. Và nàng thì từ dưới thuyền bước lên bờ. Để gặp ta. Đang vào thu. Cứ nghe như có thứ tiếng động mơ hồ nào đó đang nhẹ nhàng gõ lên ký ức của ta. Êm ái. Xa xăm. Đã từng gặp em ở đâu đấy sao? Tra hỏi như thể để đền bù những nỗi đau mất mát. Và ta bỗng nhận ra rằng mình đã gặp nàng từ rất lâu. Rất lâu. Chúng ta yêu nhau trong nỗi đau mất mát. Ta nói. Và nàng thì cứ nhìn ta. Em đã chờ anh suốt mấy ngày qua. Nàng nói.

Nhưng giờ thì em đã có anh. Giờ thì anh và em cùng đi tìm những gì đã mất. Là đang mùa thu. Mùa của những mất mát. Nhưng không sao. Vì chúng ta đã gặp lại nhau.

Thì bấy giờ ta vẫn nghĩ là ta đã quen nàng từ rất lâu. Giờ, anh và em đã gặp nhau, tốt rồi. Ta nói. Chúng ta yêu nhau trong nỗi đau mất mát. Nàng nói. Và mùa thu như thể đang ngừng lại để chiêm ngưỡng cuộc tình có vẻ tiền định giữa ta và nàng. Sắc vàng của lá trên các vòm cây hai bên bờ con sông là như thể đang chuyển lại thứ màu sắc của thuở ban đầu. Anh có nhầm không em? Ta hỏi. Không nhầm đâu. Nàng khẽ đáp. Và từ nơi ngôi làng ven sông như lúc ẩn lúc hiện vang lên những tiếng thét như đang có ai đó áp bức ai đó. Chẳng làm gì được ta đâu. Nàng nói. Và ôm chặt lấy ta. Ta nghe thấy như đang chảy bồng bềnh một dòng sông khác. Dòng sông ước mơ. Ngàn năm ước mơ. Trăm năm ước mơ. Một ngày ước mơ. Lấm tấm mưa trên con nước bồng bềnh trần thế. Bồng bềnh khúc tự tình mùa thu. Đấy là dòng sông vĩnh hằng em à. Ta nói. Dạ, là dòng sông vĩnh hằng. Nàng nhắc lại lời ta. Và từ ngôi làng ven sông người ta khiêng ra nơi bờ sông một người đang bị trói chặt. Chẳng biết là người của bộ tộc nào trói người của bộ tộc nào. Cũng chẳng biết là người của vua đất nước nào trói người của đất nước nào.

Không sao đâu anh. Mấy ngày nay chờ anh trên dòng sông này em vẫn thường thấy bọn họ làm như thế. Là bọn họ vẫn ăn nhau như thế

Con ngựa của ta cứ nhảy chòm lên. Và rống lên. Còn bọn họ thì cứ lặng lẽ làm công việc của mình. Những người không bị trói là dùng búa để bửa đầu người bị trói. Để coi nó có còn đầu óc chống lại vua. Những người không bị trói vừa bửa đầu người bị trói ra nhiều mảnh, vừa nói, vẻ khiên cưỡng, như thể là bọn họ đang phải nhắc lại những lời ai đó buộc họ phải nhắc lại.

Hay là anh hãy xuống thuyền đi cùng em. Đi trên bờ nhiều phiền toái lắm. Cứ để cho ngựa đi một mình ở trên bờ. Còn anh và em thì đi bằng thuyền. Họ đã chẳng thèm ăn chúng ta, thì cũng chẳng thèm ăn ngựa của anh đâu.

Nhưng chẳng phải như nàng nói. Lũ cá trên sông là đã gây phiền toái. Trong lúc nàng cất tiếng hát để lấy đà chèo thuyền đi, lũ cá đã tập hợp lại thành một dải dày đặc ở trên sông. Mấy ngày nay chờ anh, em vẫn hát như thế, em hát, và lũ chúng thì lắng nghe. Nàng nói. Thì lòng ganh tỵ của lũ cá cũng chẳng kém con người, không cho em chèo thuyền đi là vì lũ chúng trông thấy có anh ở bên em. Ta nói. Và nàng đành để cho ta trở lên bờ. Phải đến đó cho bằng được, nghe anh, đến đầu nguồn của sông. Nàng căn dặn. Vẻ tha thiết. Và hôn lên vầng trán của ta. Ta đã yên vị nơi yên cương, nhưng con ngựa của ta cứ chòm lên như thể là không chịu đựng được mùi máu người đang chảy lan khắp bờ sông.


Và dưới dòng sông, em vừa chèo thuyền, vừa ngửa mặt về phía tôi, hát

Sao chúng ta lại nhận ra nhau giữa trần gian muôn nẻo

Hãy cùng em đi về phía ấy

Phía đầu nguồn của sông

Trôi lên trời một khúc sử,



[ vẫn ẩn ức một miền cổ tích ]



sao các dòng sông vẫn cứ chảy hoài như thế

LỜI THỞ THAN CHÂN TÌNH CỦA LŨ RONG RÊU,


Và giờ đây trong tâm tưởng tôi cứ thấp thoáng một dòng sông. Con nước đầu nguồn. Và cuộc tìm kiếm gian truân. Khi tôi và em hẹn gặp nhau ở con nước đầu nguồn thì mặt đất vẫn còn bao nhiêu bất trắc. Con đường dẫn đến đầu nguồn của sông mỗi lúc một tách xa dòng sông. Lúc đầu còn nghe thấy tiếng hát của em. Chỉ nghe hát cũng hình dung được em một thân một mình bơi thuyền trên sông nước. Có một người con gái đang ngược dòng sông định mệnh đi tìm cái có thể. Cháy bỏng niềm khao khát. Lúc đầu còn nghe thấy tiếng hát như rút ruột gan của em. Nhưng sau đấy thì tôi chỉ còn nghe tiếng lũ chim đi trốn đông lạc trong tiếng gió gào. Bấy giờ là đang vào đông. Gió từ phía thượng nguồn thổi lại, giá buốt. Tôi thì lo cho em mỗi mình ở trên sông nước. Còn con ngựa của tôi thì có vẻ như chán ngán với con đường trước mặt. Như đang đếm từng bước chân mệt mỏi. Con đường dẫn về đầu nguồn của sông mỗi lúc một khó khăn hơn. Hết lên dốc. Lại xuống dốc. Và những làng xóm dị thường. Ở ngôi làng ấy có vẻ như đang có lễ hội gì đó. Từ xa nhìn thấy cảnh người nhốn nháo ra vào. Nhưng lúc đến nơi mới biết chẳng phải là lễ hội. Người ta đang in sách của vua. Không phải in bằng mực, mà là bằng máu người làng. Sách, lớp còn đang in dang dở, lớp đã xong, đang đem phân phát cho người làng. Tôi và con ngựa của tôi chẳng phải cư dân của làng, nhưng để tỏ lòng trung thành với vua, tôi cũng phải làm công việc chở sách của vua đi phân phát cho người làng. Cứ theo sách của vua mà làm ăn. Sách nói. Cuối cùng thì cả tôi lẫn ngựa đều bê bết máu người. Ở ngôi làng kế đó thì lũ trẻ nhỏ đang tự trói tay lại mà hát. Trói bằng những sợi dây mà lũ chúng nói với tôi là những người lớn đi lấy trên dãy núi trước làng. Thấy chúng vất vả trong việc tự trói tay, tôi toan trói giúp cho lũ chúng. Nhưng chúng bảo là không được. Ở làng này trẻ nhỏ phải tự trói tay trước khi ca hát, người lớn phải tự trói tay trước khi đi ngủ và đi cày. Lũ chúng nói. Và bắt đầu hát bài hát ngợi ca vua. Lũ con dân sống được là nhờ có vua. Chúng cứ gân cổ lên mà hát. Như thế là thế nào. Tôi đi hỏi thử một ông cụ, cũng đang tự trói tay ngồi trông coi nhà cửa. Khi con người ta đã mất hết tự do là thế. Ông cụ bảo. Tôi nói mất tự do thì mất, việc gì phải tự trói tay. Khi anh bị tước mất hết tự do thì anh sẽ hiểu. Ông cụ bảo. Đêm, tôi ngủ lại nhà ông cụ ấy. Vào khoảng nửa khuya, con ngựa của tôi cứ nhảy lồng lên, còn tôi thì cứ thấy bức rứt, đứng ngồi không yên. Tôi nghĩ do nhớ em, ngủ không được. Nhưng ông cụ bảo là phải tự trói tay chân đi thôi. Tôi đi trói chân ngựa. Rồi tự trói tay chân mình. Nhưng cũng chẳng thể ngủ được. Chờ sáng ra tôi mới tháo chân cho ngựa, và tháo tay cho mình, rồi từ giã ông cụ, ra đi. Người đưa thư mang thư em đến giữa lúc tôi đang chìm đắm trong những suy nghĩ về việc bị tước mất tự do. Của một người con gái đang đi thuyền trên sông. Người đưa thư bảo. Em phải ghé vào trạm chuyển thư ở trên bờ để viết thư cho anh. Bằng giá nào anh cũng phải đến được đầu nguồn của sông. Ở đó anh và em sẽ nhìn thấy cái có thể. Một tình yêu vĩnh hằng trong một thế giới vĩnh hằng. Chưa kịp viết hồi âm cho em, người đưa thư đã quất ngựa lên đường, nên tôi chỉ còn biết vói theo ông ta, là hãy nói giúp với người con gái ấy, rằng, nếu còn sống thì tôi sẽ gặp nàng ở đầu nguồn của sông. Và tôi bắt đầu chìm đắm trong nỗi lo sợ bị tước mất tự do. Nếu một lúc nào đó tôi cũng bị tước mất tự do, như những người ở làng ấy, thì tôi cũng phải tự trói tay mình, tôi cứ mường tượng cái ngày tôi cũng phải tự trói tay mình để sống, có nghĩa, chẳng còn có cuộc tìm kiếm nào cả, em sẽ chết dần mòn trong sự đợi chờ nơi đầu nguồn của sông, còn tôi thì chết dần mòn trong cuộc sống đã bị tước mất hết tự do. Lũ chúng mày hãy đi đi, hãy bay đi cho thật xa chốn này. Tôi cứ gào lên với lũ chim đi trốn đông cho vơi đi nỗi lo sợ. Dường biết nỗi lo lắng của tôi, con ngựa của tôi cứ chốc chốc dừng lại, ngoái cổ nhìn tôi với ánh mắt buồn bã. Cuối cùng, tôi cũng đã đến được đầu nguồn của sông. Em ngả vào vòng tay tôi. Tình yêu em dành cho anh là cả những nghìn ngày gộp lại. Em nói với tôi. Và ngả vào vòng tay tôi. Đêm, tôi gối đầu lên người em để ngủ. Em đã hát cho tôi ngủ. Tôi đã trông thấy khúc hát nghìn năm thương nhớ đang trôi lên trời. Tôi cứ gối đầu lên người em mà nghe hát. Nhưng đến khi tỉnh ngủ thì tôi biết là tôi đang gối lên cánh tay mình để ngủ giữa cuộc tìm kiếm gian truân,


[…]







Hai Mươi Hai,


Và Tôi,
Chàng Hiệp Đương Đại Bất Phùng Thời,



và cũng chỉ là trong phút chốc
tôi và em nhận ra lửa nguyên sơ
một mình em
cùng với một mình tôi
có một thuở cũng một mình trời với đất
gió bạc đầu nghe núi thức
đợi chờ nhau không còn nhớ tuổi
em sẽ vui khi sờ lên năm tháng
thấy nguyên sơ còn nguyên trong cỏ biếc,


tôi một mình bước vào thế kỷ u buồn

và gặp em

như kẻ sắp chết vì cô độc thì nghe có ai gọi

em đã gọi tôi giữa lúc những kẻ ngông cuồng của thế kỷ đang hò reo trèo lên ngọn núi thần có kẻ phát hiện được hồi thế kỷ trước núi tuy đã già nhưng vẫn còn đủ sức quyến rũ những ai lần đầu nghe nói đến núi chốn non tiên ai đem đặt giữa trần gian khổ lụy luôn nghe thoảng lại mùi hương thanh khiết thứ hương thơm tỏa ra từ thịt da của những kẻ đang hạnh phúc núi là nơi cư ngụ của những kẻ hạnh phúc em gọi tôi giữa lúc những kẻ ngông cuồng của thế kỷ đang trèo lên ngọn núi thần của thế kỷ vừa trèo lên ngọn núi thần vừa hò hét hoan hô niềm vinh quang của thế kỷ hoan hô những kẻ đi tìm hạnh phúc giữa trần gian khổ ải hoan hô những nhà thông thái đương đại xứ sở tôi vốn gồm những người cày ruộng con mắt quen bó lại giữa quãng đồng chật hẹp chỉ thấy có chút thắc thỏm trong lòng cũng chẳng buồn cũng chẳng vui chỉ thấy thắc thỏm trong thứ xúc động lịch sử coi như được thừa hưởng từ dòng ký ức loài giống khi nghe tiếng hò hét của những kẻ ngông cuồng của thế kỷ hãy giết hết chúng nó lũ người nguy hiểm đối với xứ sở em đã gọi tôi giữa lúc bỗng dưng em bị coi như kẻ nguy hiểm đối với xứ sở và vì sao người ta chưa giết em hay đuổi em khỏi xứ sở thì tôi không biết tôi chỉ đến với em khi nghe em gọi để cùng em đi tìm cái có thể,


tôi một mình bước vào thế kỷ u buồn

và gặp em

cuộc tìm kiếm của tôi và em như đang diễn ra giữa buổi con người chưa có lời nói

những nghĩ ngợi chân thành được nói ra đều trở nên vô nghĩa giữa buổi con người chưa có lời nói

người ta không chịu nghe tôi và em nói

nhưng người ta lại nói về tôi và em

kể từ hôm tôi cùng em đi tìm cái có thể

người ta chưa nói với tôi điều gì

nhưng tôi biết là người ta vẫn nói với nhau

rằng tôi cũng là kẻ nguy hiểm đối xứ sở,


tôi một mình bước vào thế kỷ u buồn

và gặp em

cuộc gặp gỡ như một thứ thời sự đương đại

cuộc tình giữa tôi và em

như một thứ thời sự đương đại,


và tôi đã trở lại khu rừng thông nơi vẫn ngồi viết trong bao nhiêu năm vì cứ thấy nhớ tiếng gió gào

cứ thấy nhớ đến đêm đầu tiên tôi gặp em trong buổi diễn thuyết nơi rừng thông có tiếng gió gào

nhà thông thái cai quản ca đoàn rao giảng văn minh từng mời tôi diễn thuyết đã nhìn tôi với ánh mắt khác

anh vừa đi săn tìm cuộc tình tiền sử trở về phải không

nhà thông thái chỉ nói với tôi mỗi lời ấy

rồi bỏ đi

lời nói tựa cơn gió chướng thổi vào miền đất vốn chẳng bình yên,






Hai Mươi Ba,


Nhưng Hậu Quá Khứ Là Thời Nào Vậy Em,



tôi vẫn dấu kỹ lời em vào năm tháng
giữa mờ mịt bụi trần gian
vẫn còn mới tinh khôi
lời em nói với tôi
thuở ấy
đã thành hồn phách kẻ lãng du
và đất khách
và khoảnh trời xa ấy
chẳng còn xa trong cơn mơ lữ khách,


trong cuộc hành trình cùng em đi tìm cái có thể, vào một hôm, ngay giữa ban ngày, nơi rừng thông ấy, tôi đã rơi vào cơn mơ kỳ dị, có tiếng con bò rừng, hay tiếng con voi ma mút rống lên đâu đó, và từ những hang động thâm u bước ra những con người mình đầy lông lá, hay anh và em đã lạc vào thời tiền sử, em rỉ tai tôi, vẻ sợ hãi, tôi bảo cứ bình tĩnh chờ xem, và, như có sức quyến rũ nào đó của sự sống, đám người lông lá và trần truồng lao về phía trước, bọn họ cũng rống lên, tiếng rống dội vào vách núi, nhưng chẳng phải tiếng rống có tính cách gọi đàn của lũ bò lũ voi, mà như một lời thề quyết tử, và lát sau, như có ai đó thư thả bước ra từ tòa lâu đài to lớn ở phía bên kia những hang động, kìa, nhà thông thái từng dạy em cách tẩy rửa linh hồn, em lại rỉ tai tôi, vẻ hoảng hốt, tôi bảo hãy cứ bình tĩnh xem sao, và liền đó thì nhà thông thái của em bước lên chiếc bục cao lớn làm bằng nhựa kê ở sân tòa lâu đài, bắt đầu thuyết giảng về nền văn minh nhân loại, vì cách khá xa nên tôi và em chỉ nghe câu được câu mất, đương thuyết giảng, ông ta bỗng la thật to, lần này thì tôi và em nghe rất rõ, xin chào các vị đến từ xứ sở mặt trời mọc và mặt trời lặn, xin chào, nhà thông thái của em cứ gân cổ, rống lên, hình như là có tiếng súng từ phía lâu đài, em lại rỉ tai tôi, vẻ kinh hãi, còn tôi thì lại nhìn thấy đám phụ nữ ăn vận sang trọng đang thay nhau ôm hôn nhà thông thái, hoan hô con người trí tuệ của thời đại, đám phụ nữ cũng rống lên, và liền sau đó thì bọn họ, đám phụ nữ và những nhà thông thái, bấy giờ thì từ trong tòa lâu đài bước ra rất nhiều nhà thông thái và rất nhiều phụ nữ, hết thảy bọn họ đều trần truồng, là bọn họ ôm nhau giãy dụa ở trên đất có vẻ đang rất vui sướng, tôi và em nhìn thấy mồ hôi mồ kê và các thứ chất lỏng từ cơ thể bọn họ chảy ra lênh láng trên sân tòa lâu đài, rồi lại có tiếng súng nổ, tiếng kêu cứu, rồi tiếng hoan hô và đả đảo vang lên đâu đó, rồi tôi lại nhìn thấy ai đó đang giang tay đỡ lấy những hòn đá từ trời cao đang rơi về phía mặt đất, hay là chúng ta đã lạc vào thời hậu quá khứ, tôi buột nói với em, nhưng cũng chẳng biết mình nói thế có nghĩa là sao, và khi tỉnh ra thì tôi thấy em đang ôm giữ lấy người tôi, rất chặt,


gió

và những con đường đầy cát

dường có ai vừa mới gào lên trên những ngọn thông

tôi nói là những linh hồn của đám tuổi trẻ đã chết trong những cuộc đụng độ giữa con người với con người trong quá khứ

nhưng em bảo đấy là tiếng hát của ông già mù (*) chết hồi năm trước,


________


(*) Ghi Chú Về Ông Già Mù Chết Hồi Năm Trước,



ông bắt đầu hát tự lúc người ta mới bắt đầu đem giấy bút ra sao chép những lý lẽ trong cuốn cổ thư được làm ra tự những thế kỷ trước

những lý lẽ tựa những lời tỏ tình đầy quyến rũ

nhưng tiếng hát của ông già mù thì như tiếng vó ngựa gõ lên mặt đường sỏi đá như đang làm nát nhừ xương cốt quá khứ,


ta nhìn trần gian trong từng nhịp chảy trong huyết quản của ta, buổi sớm mai nghe chim hót trên những ngọn thông thấy thảnh thơi trong từng nhịp thở, ta biết là ở một nơi nào đó trên mặt đất có kẻ đang yêu nhau, đêm, nghe nỗi giận dữ của những vị thần vừa bị tước hết quyền lực giữa buổi đương đại, máu trong huyết quản ta cứ di chuyển theo thứ cung cách làm cho ta cứ cảm thấy buồn cười, vào những hôm bão tố phủ lên mặt đất, nghĩ đến những kẻ không cơm áo không nhà đang chui rúc dưới gầm trời thế kỷ, máu trong huyết quản ta cứ di chuyển theo thứ cung cách cứ làm cho ta muốn khóc, trần gian với ta là những nhịp đập bất thường nơi huyết quản của ta, máu trong huyết quản ta là những nỗi niềm, ta vẫn ngồi yên giữa thế kỷ nhìn mây bay trên bầu trời trên đầu và trông thấy những người đi mở đất những nghìn năm trước, những người mở đất có con mắt mở bước đi giữa giá băng lạnh buốt, bước đi giữa gai góc nguyên sơ, mò mẫm bước và ít khi còn sống sót là cách thức bước đi của những người mở đất buổi nguyên sơ, ta vẫn ngồi yên giữa thế kỷ để nhìn nỗi giận dữ của những người mở đất những nghìn năm trước, những người mở đất giận dữ nhìn về phía hậu thế khi những kẻ ngông cuồng của thế kỷ đang làm hoen ố đất đai,


người ta vẫn tiếp tục sao chép những lý lẽ trong cuốn cổ thư được làm ra tự những thế kỷ trước

còn ông già mù thì vẫn hát

ông hát từ lúc lũ chim bắt đầu hót trên những ngọn thông cho đến khi nghe tiếng cú cầm canh

ông hát giữa niềm vui và nỗi buồn nhân gian

hát giữa mưa và nắng

hát giữa rừng thông đầy cát,


những con đường đầy cát băng qua rừng thông vẫn thức dậy cùng với tiếng hát của ông vào những hôm có gió chướng thổi về

những nhà thông thái đương đại đã nói với những người cai quản rừng thông về sự nguy hiểm của tiếng hát của ông

rằng tiếng hát của một người mù làm chậm bước đi lên của xứ sở,


và người ta đã đưa ông đến một viện cô đơn dành cho những người già hồi năm trước

viện cô đơn rất xa rừng thông,


con chim không còn khoảnh trời tự do để hót

con chim chết,






Hai Mươi Bốn,


Và Bây Giờ Thì Trên Những Nẻo Đường
Làng Vang Lên Lời Ngợi Ca Xứ Sở,



vào những tháng năm ấy, ngài trưởng xứ đã
ký sắc lệnh cho phép hết thảy người dân trong
xứ sở được dùng đến hai tiếng anh hùng trong
khi nghĩ về những con người đã có công trong
công cuộc tiếp cận với đất ở ngôi làng ấy,


tháng sáu hun hút gió lào

ngay từ phút đầu tiên đặt chân lên con đường làng là tôi và em đã bị rơi vào cõi hun hút bụi mù thế kỷ,


làng đang tiễn đưa em bé con nhà ai về nơi an nghỉ cuối cùng

biết là em bé bởi nhìn thấy chiếc áo quan nhỏ xíu lủng lẳng trên chiếc đòn khiêng

đám tang đi giữa những lời ngợi ca xứ sở đầy phấn khích

bởi các người là thuộc về niềm vinh quang của thời đại

những lời ngợi ca vang lên từ những ngọn cây hai bên con đường dẫn đến gò thổ mộ của làng

con đường sỏi đá vung vãi đầy xác những xiêm y võng lọng tàn tích cuộc đại yến vinh thăng người làng diễn ra tự mấy năm trước

đám tang đi giữa những bia công tích làm bằng xi măng cốt thép

những bia ghi công về sự nghiệp tiếp cận đất đai của con người đã được dựng lên khắp nẻo đường làng tự buổi người làng được vinh thăng

những bia công tích như đang nhắc nhở những người đưa tang rằng các người là những người hùng trong công cuộc tiếp cận đất đai,


bởi các người là thuộc về niềm vinh quang của thế kỷ

xứ sở của tôi và em thuở ấy rợp bóng những lời ngợi ca chiến thắng

trên khắp các nẻo đường vào xứ sở đâu cũng nghe thấy những lời ngợi ca đầy phấn khích,


những nhà thông thái đương đại muốn đẩy lùi toàn bộ những nghĩ ngợi không phải là những nghĩ ngợi được chép trong cuốn cổ thư được làm ra tự những thế kỷ trước

nhưng dẫu đó là xu hướng triết học, là hệ hình tư tưởng, là chủ nghĩa này hay chủ nghĩa kia

hết thảy cũng chỉ là những thứ thời khắc trong dòng chảy bất tận của cuộc trường kỳ tiến hóa của loài giống con người,


tháng sáu hun hút gió lào

tôi và em đã nhìn thấy những bờ cỏ cháy khô và những đồng lúa cháy khô

điều này có nghĩa trâu bò đang thiếu cỏ ăn và con người đang thiếu cơm áo

hết thảy như đang bị đè bẹp bên dưới thứ sức ép tàn nhẫn của đất trời,


tôi và em lại cùng với người làng tiễn đưa con người về nơi an nghỉ cuối cùng

lần này là một người già

cũng đi lại trên con đường sỏi đá trong những lời ngợi ca xứ sở đầy phấn khích

con đường đến gò thổ mộ của làng vẫn còn nguyên xác những xiêm y võng lọng tàn tích cuộc đại yến vinh thăng diễn ra từ mấy năm trước

lần này thì những bia công tích trên con đường sỏi đá cũng nói với những người đưa tang

rằng các người không được quên mình là những người hùng của thời đại,






Hai Mươi Lăm,


Và Sáng Ấy Tôi Khờ Khạo
Bước Đi Dưới Bóng Lá Xà Cừ,



chẳng thể nói với người tôi yêu
lời dối trá
trăm năm sau cũng những điều của trăm năm trước
chó cũng sủa
trâu cũng nằm nhai lại
khi đã hiểu thấu lời con dế hát…


sự tinh khiết của những giọt nước vẫn cố xếp đặt lại bao vụn nát

và lấp đi những hố thẳm làm bằng ti tiện nhỏ nhen

vụn nát nào chẳng chịu nối lại giữa cuộc đời

thì non cao vẫn là điều nguyên vẹn

những ý nghĩ vụn nát lại diễn ra

và tôi đang bước đi dưới bóng lá xà cừ

tháng tám

tôi bước đi dưới bóng lá xà cừ thỉnh thoảng dừng chân lấy thư em ra đọc

những dòng chữ

nỗi niềm

như vọng lại từ cơn giông tố

mỗi khoảnh khắc thôi

nhưng nhìn thấy được cả chuỗi dài năm tháng,


cát bụi

lạ lùng lắm

buổi mai như đọng lại trong tôi hết thảy những lời giông tố,


thì hãy cứ bắt đầu và mãi mãi là sóng gió đi

tôi nguyện sẽ mãi mãi làm giọt nước đầu mùa để rưới vào nỗi đau khổ trong mắt em,




(còn tiếp)


Xem các bài đã xuất bản tại đây



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss