Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 159 - 02.2006 / Hát lễ

Hát lễ

- N.L. — published 15/11/2011 18:35, cập nhật lần cuối 23/11/2012 11:59
Bút Ký
 

Số 159 - tháng 02. 2006

Hát lễ

N. L.

Trong cái xóm lao động hỗn tạp và phần lớn lụp xụp, lầy lội của tôi, với những con đường đất chạy ngòng ngoèo, né tránh những căn nhà mọc ra và lớn lên thật bất ngờ và bất trắc, vậy mà lại có gia đình một ông Tây. Ngay cả nhiều người trong xóm, ở xa con lộ chính một chút thôi, cũng ít biết về ông Tây này.

Nói cho chính xác ra thì lão Nico là một ông Tây đảo Corse. Về cái tên Nico, khi mới nghe lần đầu, tôi cũng nửa tin nửa ngờ. Vì nó được loan truyền qua mụ Năm, vợ lão. Cái bà vừa nói tiếng Tây giọng Quảng Nơm vừa nhai trầu, hút thuốc vấn. Cái điếu thuốc rê bự bằng ngón tay cái. Nghe đâu, vợ trước lão Nico là em mụ Năm. Bà này không biết ốm đau sao đó, chết sớm, để lại một ông chồng Tây và hai đứa con lai. Mụ Năm thương cháu, xung phong điền vô chỗ trống, gọi là để phụ giúp lão Nico nuôi dạy hai đứa trẻ nhỏ xíu, mồ côi mẹ.

Trở lại vụ cái tên. Tôi có hồ nghi về cái tên lão Nico thì cũng có căn có cơ. Cứ nghe mụ Năm rang rảng giới thiệu hai đứa con là thằng Năng và con Ệt, thì _ sau khi ôm bụng cười cho đã _ ai còn dám tin mấy cái tên Tây do mụ đưa ra ? Người bập bẹ tiếng Tây thì chắc cũng phải vò đầu bứt tai để mà đoán hai cái tên gốc của thằng Năng và con Ệt. Sau điều tra, gạn hỏi, lọc bỏ các cách bỏ dấu qua cái giọng Quảng đặc sệt của mụ Năm, mấy người mới truyền cho nhau hai cái tên như sau : Fernand và Henriette. Sau này, khi đủ lớn, hai cô cậu con lão Nico đã có dịp xác nhận tên mình với lối xóm.

Trong gia đình tôi, người đầu tiên phát hiện và nói đúng được hai cái tên đó lại là má tôi. Ba cái chữ Tây còn sót lại thời sơ học bổ túc của má tôi té ra cũng có chỗ dùng. Nếu nói về đàng chữ Tây thì chắc má tôi cũng dám qua mặt mụ Năm một đoạn dài. Nhưng, xí xô xí xào với ông Tây, dù là ông Tây Nico, thì má tôi thua xa mụ. Má tôi nói, nghe bả xì xồ với ông Tây, tao có hiểu trời đất gì đâu. Vậy mà ông Tây cũng gật đầu lia lịa, như con bữa củi bị dí dưới ngón tay thằng em tôi. Tôi xía vô, chắc gì ông Tây hiểu bả ? Người hài lòng với hai cái tên Năng và Ệt trong gia đình tôi là bà Ngoại. Còn ông già tía của hai đứa nó thì Ngoại tôi chỉ kêu, ông Tây la-de. Vì lão Nico làm đại lí bia và nước ngọt cho hãng BGI, “ người sành điệu uống nước ... bọt con cọp ”. Ngoại tôi nói, tao thì hổng có Ni-cô bà vãi gì hết, tiếng Tây tiếng u nói trẹo họng, phát mệt.

Thằng Năng và con Ệt học trường Tây, có xe đưa đón. Cái xe chở học sinh đầu tiên, và duy nhất trong một thời gian dài, ghé qua đầu xóm tôi ở. Dù vậy, hai dứa cũng không sạch được hết dấu vết lem luốc của cái xóm lao động của chúng tôi. Ở nhà, chúng nó chỉ chơi với một vài đứa ở thật gần nhà. Lớn lên một chút, con Ệt dạo xóm nhiều thêm một chút. Chỉ thua mụ Năm. Cả hai đứa nói được một thứ tiếng Việt lơ lớ. Người lớn vẫn kháo nhau là hai đứa con Tây lai đứa nào cũng ngộ hết sức. Thằng Năng cao ráo, tóc nâu hơi quăn, tròng mắt xám xanh, trong veo. Con Ệt thì có hơi bụ bẫm, nước da trắng nỏn, tóc hoe hoe, mặt có nhiều chấm tàn nhang chung quanh mũi, dưới mắt. Con nhỏ trổ mã sớm. Có lần, tôi nghe lóm, má tôi nói với mụ Năm : Sao bà hổng chỉ biểu cho nó ăn mặc coi cho gọn gàng chút vậy bà. Con gái con đứa, trọng cải rồi, trổ mã rồi, ăn bận lệch xệch, vú mớm cứ nơ nơ ra đó coi sao được. Mụ Năm cười hô hố, không cãi, mà hình như cũng không nghe. Vì sau đó tôi vẫn thấy con Ệt "nơ nơ" ra đó, chạy quanh xóm.

 

Không biết do đâu, mụ Năm lại rất ưa má tôi. Lúc rỗi rãnh mụ cũng hay chạy qua chơi với má tôi, kể lể đủ thứ chuyện. Cha tôi có lí thuyết : Má bây kín miệng, lại không hay dạo xóm, mụ Năm qua nhà mình đía không sợ bả đi rao lại cho cả xóm. Nghe cũng có lí. Mụ còn đòi làm xui gia với má tôi nữa, mới động trời chớ. Mụ nói, con Ệt là tây trắng, thằng Chi là Tây đen, hai đứa xứng đôi. Chi là thằng em kế tôi. Anh em nhà này được trời cho, nước da đậm đà hơn nước da bánh mật đâu cũng tới vài "tông", Chi lại là đứa đậm nhứt nhà. Lúc đó, hai đứa nhỏ chắc mới đâu chừng 13, 14 tuổi.  Nghe mụ Năm nói, má tôi cười ngất, nhưng cũng không bao giờ đối đáp lại loại đề tài đó của mụ. Riêng thằng Chi, nó đâm ra nực con Ệt. Bà Ngoại tôi nói, chưa biết đâu à nghe con. Mai mốt, lớn thêm chút nữa, coi chừng bây lẻo đẻo chạy theo nó hụt hơi. Thằng Chi lén liếc xéo bà Ngoại, tức tối ra mặt.

Tiên đoán của bà Ngọai tôi rồi không xảy ra. Con Ệt mang bầu rồi bồng về một đứa nhỏ, dắt theo một thằng chồng lúc nó đâu 16, 17 gì đó. Con trên tay, nó càng xồ xề hơn, mà cũng vẫn cứ nơ nơ. Không lâu, thằng chồng mặt búng ra sữa biến khỏi xóm.

*   *
*

Nhưng, mối “ giao tình ” giữa hai gia đình thì phải nói là gắn bó ở cấp cao : hai ông gia trưởng.

Lão Nico là một “ thằng cha Tây mập mà lùn ”. Nói gọn, kiểu con nít trong xóm, là như vậy. Người lớn có người nói, lão Nico là Tây mà có tướng ngũ đoản. Cái cục mịch của lão hình như cũng giúp lão trộn vô với xóm dễ dàng hơn một chút. Lão quần quật suốt ngày, bưng, khiêng, vác không mệt mỏi mấy “ kết ” la-de, nước ngọt, bỏ lên xe ba bánh cho khách mua, lại chất cũng các thứ ấy lên chiếc xe cam-nhông-nết Citroen 2CV cà tàng của lão, xành xạch chạy đi giao hàng. Giữa những cơn bận bịu đó, món giải trí của lão là cất nhà và sửa nhà. Toà nhà hai căn, cao hai từng của lão là một cái gai đâm vô mắt ai còn tưởng nhớ tới cái đẹp. May là lối xóm hình như không có ai thuộc tạng đó. Lão Nico tự làm hết mọi thứ. Lão là kiến trúc sư, kĩ sư xây cất, kiêm thợ hồ, thợ mộc, thợ điện, thợ ống nước, lót gạch, quét vôi, v.v.. Nếu có mướn người làm phụ, lão chỉ thuê người trộn hồ, bưng gạch, làm những việc lặt vặt. Bà Ngoại tôi chê, “ Tây gì mà kẹo, rít chúa ”. Bà Ngoại càng bực, sau khi cậu họ tôi sang xin việc thợ hồ với lão Nico và bị lão từ chối phăng.

Cha tôi có lần nhận xét : Cái nhà của cha Nico bị bỏ bom cũng không sập được. Cha tôi rành. Vì ông cũng mắc bệnh ghiền cất nhà, sửa nhà hạng nặng. Ông theo dõi, quan sát, và nhào vô bàn bạc góp ý với lão Nico qua từng chặng thi công trong cái công trình không ai còn nhớ ngày khởi đầu, và hình như cũng không ai dám ước lượng ngày hoàn tất. Bù lại, lão Nico sẵn sàng truyền nghề làm bê-tông cốt sắt, xây gạch, tô vách cho cha tôi. Quan hệ hợp tác hai bên còn đi thêm một nấc : cho nhau mượn đồ nghề. Từ lâu, cha tôi dành riêng ra một mớ cưa, bào, đục bị ông coi là tệ, để dành cho người quen và lối xóm mượn. Đồ nghề kiếm cơm thì cha tôi gìn giữ nghiêm nhặt lắm. Phải là tay nghề cỡ nào đó thì may ra cha tôi mới cho mượn. Cỡ lão Nico thì cũng chỉ được mượn mấy thứ hạng nhì. Vì, theo cha tôi, cha Nico mà thợ mộc nỗi gì. Chỉ có tài “ đập vập, bẻ quéo ”. Cha tôi thì thỉnh thoảng qua căn nhà quét vôi màu lá cây của lão Nico, vác về những cái máy đóng đầy xi măng và vôi, hình thù dị hợm, không còn ra hình dáng gì. Bà Ngoại tôi chê, giống ba cái đồ ve chai. Cho tao cũng hổng thèm. Cha tôi cãi lại, vậy mà mua không nổi đó, Má.

Đến đây, có lẽ tôi đã ít nhiều làm cho người đọc có cảm tưởng là cha tôi tệ gì cũng lỏm bỏm tiếng Tây, hay lão Nico cũng bập bẹ được đôi ba câu tiếng Việt (dù là với giọng Quảng). Tức cười là, cả hai ông, người này dứt khoát không nói, không nghe được ngôn ngữ của người kia. Nếu cố gắng lắm, thì cha tôi có thể quì, nông, có thể mẹc-xi, ô-voa, bông rua bông xoa chút đỉnh, hay vài ba đối đáp khác, ở mức một chữ, một lời như vậy. Suốt thời gian dài, theo dõi cái quan hệ của lão Nico với cha tôi, anh em chúng tôi, và cả má tôi nữa, vẫn không thể không thắc mắc và tức cười. Qua nhiều lần nghe lỏm cuộc đàm thoại giữa hai người, thường tôi nghe lão Nico phát biểu rõ hơn cả là “ bông ! Bông ! ”, còn lại là những tiếng lầu bầu kềm giữ trong cổ họng.

*   *
*


Nếu tôi nhớ đúng, lần ấy cha tôi đang ngồi trước nhà sửa sang lại một chiếc đèn ngôi sao, ông tự làm lấy đâu cũng vài năm trước. Anh em tôi cũng đã không khỏi ngạc nhiên khi lần đầu thấy cha tôi bỏ công làm một chiếc đèn ngôi sao để treo dịp lễ Noel, vì cha tôi đã bỏ nhà thờ lâu rồi. Từ trước khi ông gặp Má tôi.

Và lão Nico ghé qua. Sau màn “ bông rua ” nồng nhiệt, lão chỉ chiếc đèn, hỏi “ Noël ? ”. Cha tôi : “ Noël ! ”. Lão Nico có vẻ ngạc nhiên, lão chỉ vào cha tôi, xong thu tay về, huơ qua lại trước ngực, làm dấu. Cha tôi cười, chỉ vào lão xong quay lại chỉ vào ngực mình, “ ca-tô-lic ”. Lão Nico giơ cả hai tay lên trời, cười khoái trá. Xong, lão hạ tay xuống, một tay chỉ vô ngực, nói : “ catholique ”, nhưng lão liền đưa tay kia ra tức thì, bàn tay đưa ngang cỡ lưng quần, xoè ra, úp lòng bàn tay xuống đất. Cha tôi nhìn, ngẫm nghĩ. Một lúc, ông như tìm ra chữ để nói : “ garçon ? ”. Lão Nico khoái trá vừa vỗ vỗ vô ngực mình, đầu gật, miệng nói “ petit garçon, petit garçon ”.

Sau đó, cả cha tôi và lão Nico đều im lặng. Hình như, cả hai người đều tìm cách để tiếp tục cuộc “ đàm thoại ”. Và, trong lúc không ai ngờ nhất, lão Nico cất tiếng hát. Giọng lão khô đặc, âm thanh phát ra như hoen rỉ, bị gãy vụn, tiếng nghe được, tiếng không. Chỉ có cha tôi là chăm chú lắng nghe. Nét vui dần hiện rõ. Và, cũng thật bất ngờ, cha tôi cũng cất giọng hát theo...

Sau chừng chục “ câu ” hát của hai ông, tôi bắt đầu nhận ra một điều gì đó khá quen thuộc. Tiếng hát lễ ! Dẫu không là tiếng hát trong veo, ngọt ngào của các chú đồng nhi phụ lễ, và phần ê a trầm bổng thì mất tiệt đâu đó, tôi vẫn nghe được từ trong ấy những tiết điệu của những bài hát lễ. Cái phần âm thanh phảng phất của những buổi sáng sớm chủ nhật, tôi, đứa nhỏ 7, 8 tuổi, vừa ngủ gà ngủ gật vừa lẽo đẽo đi theo cô tôi đi xem lễ. Và tôi đã hiểu. Thì ra, lão Nico nảy ra ý nghĩ, biết đâu cha tôi xưa cũng đã từng giúp lễ ở nhà thờ ; và nếu vậy, rất có thể cha tôi cũng thuộc, và còn nhớ, những bài hát lễ bằng tiếng La tinh, như lão. Và lão đã đoán đúng.

Và hai người đàn ông xồn xồn, lam lũ, một Tây một ta, vào một buổi chiều tháng Chạp dương lịch, gân cổ lên để hát lễ với nhau. Những bài hát có lẽ ít gì cũng đã vài chục năm họ chưa một lần có dịp để hát. Và chúng tôi, đám con của một trong hai ông “ đồng nhi ” ấy, chỉ biết lặng người ra để mà nhìn, để có dịp nhận ra và gặp lại, một hình ảnh khác nữa của cha mình... Bài này sang bài khác, chẳng ai trong chúng tôi biết các ông hát đúng hay sai. Và hình như cả hai cũng không thèm để ý ai hát đúng, ai hát sai. Hai kiểu phát âm rõ ràng khác biệt. Có chung được chút nào là cái âm hưởng giúp người này tìm ra và bắt vào câu xướng của người kia.

Tôi không biết những bài hát lễ kia có đưa lão Nico vượt ngàn dặm về lại quê hương đảo Corse của lão hay không. Có chăng là chút vui phảng phất trên khuôn mặt khắc khổ, lởm chởm râu ria. Và cha tôi ? Cha tôi đang cảm thấy gì khi lục lọi trí nhớ, tìm lại những câu hát chôn sâu của nhiều năm trước ? Cha tôi có đang bay bổng qua những chặng đường, qua những chiếc bắc, để bắt chuyến đò ngang từ mé chợ M.L. qua bên cù lao G., chỗ bến đò có những cây ô môi già ? Quay về, để nhìn lại gác chuông ngôi nhà thờ xưa, nơi xóm đạo cha tôi đã một thời yêu thương. Và một lần lẩn trốn, bỏ xứ mà đi như một kẻ tội phạm. Vì cha sở không thể nào chấp nhận một con chiên của ông dám rời đàn, nho nhoe “ làm quốc sự ”.

Tất cả một thời thơ ấu, tất cả nỗi nhớ nhung ấy chừng như đọng lại trong những bài hát lễ, trong một buổi chiều tháng chạp ?

N. L.

(tưởng nhớ và ghi, 2-1-2006)

 

© http://www.diendan.org

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss