Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 16 - Hai phe ranh giới rõ ràng

CHƯƠNG 16 - Hai phe ranh giới rõ ràng

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:13, cập nhật lần cuối 06/02/2009 09:14

 

CHƯƠNG 16

Hai phe ranh giới rõ ràng

 

Chiến tuyến không có ranh giới rõ ràng, bộ đội Việt Nam đều có mặt trong các cuộc chiến đấu đan xen nhau giữa địch và ta tại ba nước Đông Dương, nên coi đó là một cuộc chiến thống nhất của Đông Dương, hay tách ra thành tình huống khác nhau của ba nước riêng rẽ để thảo luận? Vấn đề mấu chốt của Đông Dương bị ách tắc. Chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ làm cho lập trường của ông Phạm Văn Đồng trở nên cứng rắn. Về vấn đề Đông Dương, lúc đầu hội nghị cho là việc dễ, nay hóa ra lại khó khăn.

 
Chiều 10/5, Hội nghị Genève về Đông Dương họp phiên thứ hai, do Molotov chủ trì.

Phạm Văn Đồng phát biểu đầu tiên, ông tuyên bố về việc phóng thích các tù binh Pháp bị bắt ở Điện Biên Phủ, làm cho Bidault vốn thần kinh bị căng thẳng mấy ngày qua, nay cảm thấy dễ chịu đôi chút. Ông Đồng tuyên bố:

Trong cuộc chiến tranh này, Chính phủ nước Việt Nam DCCH luôn luôn thực hiện chính sách nhân đạo, nhất là đối với tù binh và thương binh. Xuất phát từ chính sách nhân đạo này, chính phủ chúng tôi chuẩn bị cho phép chuyển số quân viễn chinh Pháp bị thương nặng trong số tù binh Pháp bị bắt giữ ở Điện Biên Phủ, nếu chính phủ Pháp muốn đưa số thương binh này về, đại diện của Bộ tư lệnh hai bên sẽ cùng nhau bàn bạc các biện pháp cụ thể.

Sau khi nghe xong tuyên bố, Ngoại trưởng của chính quyền Bảo Đại là Nguyễn Quốc Định phát biểu, ông ta vừa trao cho chủ tịch hội nghị một bức thư yêu cầu chính phủ Hồ Chí Minh thả số thương binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt yêu cầu thả số binh lính người Việt Nam.

Molotov lập tức tuyên bố: Chúng tôi nhận được thư của ngài Nguyễn Quốc Định khi phiên họp vừa mới bắt đầu, hiện còn đang dịch, cho nên tôi chưa biết nội dung bức thư. Molotov nói, tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng đã “thể hiện ý kiến của những người tham dự hội nghị. Cử chỉ nhân đạo đối với binh lính Pháp bị thương rõ ràng sẽ cải thiện điều kiện cho thương binh đồng thời cũng phù hợp với nguyện vọng chung của chúng ta.” Molotov mời Phạm Văn Đồng tiếp tục phát biểu.

Lúc này, Bidault xin được nói chen vào, ông ta phát biểu bày tỏ hoan nghênh tuyên bố của ông Đồng.

Tiếp đó, ông Đồng đọc bài phát biểu dài. Ông nhắc lại quá trình lịch sử Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ và cuộc chiến đấu giành lại độc lập của nhân dân Việt Nam. Ông Đồng nói: Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lâp của Việt Nam như sau:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem hết tinh thần và lực lượng, sẵn sàng hy sinh tính mệnh và của cải để giữ vững nền độc lập đó.”

Cuối cùng ông Đồng đưa ra “đề nghị tám điểm”:

  1. Nước Pháp phải công nhận chủ quyền và độc lập của Việt Nam, Lào và Campuchia.

  2. Trong thời hạn mà hai bên giao chiến thỏa thuận, phải rút hết quân đội nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Campuchia và Lào. Trước khi rút quân, hai bên sẽ thỏa thuận về địa điểm tập kết quân đội Pháp tại Việt Nam, đặc biệt lưu ý địa điểm tập kết quân đội phải được giới hạn trong phạm vi nhỏ nhất và cần qui định rõ quân đội Pháp không được can thiệp vào công việc của chính quyền địa phương nơi họ tập kết.

  3. Tổ chức bầu cử tự do tại ba nước Đông Dương, thành lập chính phủ thống nhất, nước ngoài không được can thiệp.

  4. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng ra tuyên bố về việc tham gia khối Liên hiệp Pháp một cách có điều kiện.

  5. Ba nước Đông Dương công nhận nước Pháp có lợi ích kinh tế và văn hóa hiện có tại ba nước Đông Dương.

  6. Hai bên giao chiến bảo đảm không khởi tố, trả thù những người đã hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh.

  7. Thực hiện trao đổi tù binh.

  8. Trước khi thi hành các biện pháp trên đây, trước hết phải chấm dứt mọi hành động thù địch tại Đông Dương và ký kết các hiệp định:

    1. Quân đội hai bên tham chiến hoàn toàn ngừng bắn;

    2. Chấm dứt việc đưa nhân viên vũ trang và vũ khí đạn dược từ nước ngoài vào;

    3. Thành lập một Ủy ban giám sát do hai bên tham chiến lập ra để giám sát việc thi hành các điều khoản của hiệp định.

Sau khi đọc xong bài phát biểu đã được chuẩn bị trước này, ông Đồng lại cầm mấy tờ giấy vừa mới viết ra và nói: tôi còn muốn nói đôi lời về bài phát biểu cách đây hai ngày của đại diện Pháp. Chủ yếu tôi muốn nói hai điểm: một là trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, nhà cầm quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã đầu hàng Nhật Bản, vì vậy sau chiến tranh, nhân dân Việt Nam đã đứng lên khởi nghĩa giành độc lập và giành lại chính quyền. Hai là đề nghị của Pháp đã “không tính đến một số sự thật, trong đó có sự phát triển về mặt quân sự ở Đông Dương”.1

Phạm Văn Đồng dùng cách nói ngoại giao. Ông Đồng muốn nói rằng đề nghị của Pháp đã không suy nghĩ, cân nhắc tới yếu tố quan trọng là vừa bị thua trận ở Điện Biên Phủ, cho nên đã đặt giá quá cao mà không biết thực lực của mình đáng bao nhiêu.

Tiếp đến, các đại diện của Vương quốc Campuchia và Vương quốc Lào lần lượt phát biểu, lặp lại lời chỉ trích là có QĐND Việt Nam hoạt động trên đất nước mình.

Eden phát biểu, ông ta nói muốn thảo luận kỹ bài phát biểu của ông Phạm Văn Đồng sau, bây giờ chỉ xin nói một số ý kiến bước đầu. Eden nói ông ta tin tưởng rằng bài phát biểu của ông Phạm Văn Đồng đại diện cho nguyện vọng của dân tộc Việt Nam, tuy nhiên ông ta không tán thành sự chỉ trích của ông Đồng đối với Mỹ, về điểm này, phát biểu của các đại diện Campuchia và Lào cũng đã nói rõ vấn đề. Nhưng Eden không có ý định thảo luận ở đây xem ai đúng, ai sai, bởi vì việc triệu tập hội nghị Genève không phải nhằm mục đích này, mà là nhằm tìm biện pháp để giải quyết vấn đề. Eden bày tỏ mình hiểu rõ đề nghị của Bidault, đề nghị này là một đại cương, các vấn đề cụ thể có thể giải quyết thông qua đàm phán sâu hơn.

Eden nêu ra những khó khăn trong việc giải quyết vấn đề ngừng bắn ở Đông Dương: không có một đường ranh giới phân chia rõ ràng, vì thế không thể chấp nhận việc ngừng bắn một cách đơn giản. Eden cho rằng cần phải có biện pháp cách ly hai bên tham chiến, làm cho quân đội hai bên rút về phạm vi được phân định rõ ràng, đồng thời tổ chức việc giám sát ngừng bắn. Eden đề nghị những người tham dự hội nghị này sẽ tiến hành nghiên cứu, đề ra một kế hoạch chi tiết trong tuần này.

Smith lên phát biểu, tỏ ý hài lòng với tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng phát biểu khi khai mạc phiên họp, sau đó Smith nói nên lấy đề nghị của Bidault làm cơ sở để tiến hành thảo luận. Sau bài phát biểu của Smith, phiên họp trong ngày kết thúc.

Hồi 7 giờ 30 phút tối cùng ngày, Molotov mở tiệc chiêu đãi Smith ngay tại nơi ở của Đoàn đại biểu Liên Xô.

Sau mấy câu hàn huyên và nói chuyện về cảnh đẹp thiên nhiên mùa xuân bên hồ Leman, Molotov lái câu chuyện sang vấn đề Đông Dương. Smith nói tiến trình của hội nghị hiện nay là “khó khăn nhất” mà Smith từng phải trải qua, tràn đầy nguy hiểm. Molotov đồng ý và nói vấn đề Đông Dương hiện nay “nóng” hơn nhiều so với vấn đề Triều Tiên và việc Dulles rời khỏi Genève vào thời điểm này quả là không nên!

Ba giờ chiều ngày 12/5, hội nghị Genève về Đông Dương lại họp dưới sự chủ tọa của Eden.

Đại diện Vương quốc Campuchia Tép Phan phát biểu trước, chính phủ ông ta gửi tới một bức điện thông báo cho ông ta biết rằng tại một địa điểm ở Campuchia có người Campuchia bị một số người nước ngoài giết hại. Xem ra, “người nước ngoài” ở đây là có ý ám chỉ quân đội Việt Nam ở trên đất Campuchia.

Đại diện chính quyền Bảo Đại là Nguyễn Quốc Định lên phát biểu, nội dung chính gồm hai điểm: Thứ nhất rêu rao rằng chính quyền Bảo Đại là người có tư cách “chính thống”; thứ hai là ngày 28/4 chính phủ Pháp và chính quyền Bảo Đại đã ký kết một bản “Tuyên bố chung”, vì vậy có thể nói là Việt Nam đã được độc lập. Với tiền đề đó, Việt Nam nên thực hiện chỉ có “một chính phủ”, “một quân đội”. Chính phủ Bảo Đại đã được chính phủ nhiều nước trên thế giới công nhận, ông ta yêu cầu biên chế QĐND Việt Nam vào trong quân đội của Bảo Đại.

Tiếp đó, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc, Chu Ân Lai lên phát biểu. Ông nói:

Hội nghị Genève đã đi vào thảo luận vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra trước mắt chúng ta là, trên cơ sở công nhận các quyền lợi dân tộc của nhân dân Đông Dương, chấm dứt ngay các hành động thù địch, khôi phục lại hòa bình ở Đông Dương. Thế nào là công nhận các quyền lợi dân tộc của nhân dân Đông Dương? Đó là phải thừa nhận nhân dân Việt Nam, Campuchia và Lào hoàn toàn được hưởng các quyền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tự do dân chủ trên đất nước mình và được sống cuộc sống hòa bình trên mảnh đất của tổ quốc mình.

Chu Ân Lai nêu rõ: “Nước CHND Trung Hoa không thể không chăm chú theo dõi chặt chẽ cuộc chiến tranh hiện nay tại nước láng giềng gần gũi và những nguy cơ mở rộng cuộc chiến tranh này. Nhân dân Trung Quốc cho rằng cuộc chiến tranh Triều Tiên đã chấm dứt, tương tự như vậy, cuộc chiến tranh Đông Dương lúc này cũng nên chấm dứt.”

Chu Ân Lai nói:

Chính phủ Trung Quốc cho rằng, các nước châu Á cần phải cùng nhau tôn trọng độc lập và chủ quyền của mỗi nước, chứ không nên can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cần giải quyết sự tranh chấp giữa các nước bằng phương pháp hiệp thương hòa bình, không nên sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nên thiết lập và phát triển các mối quan hệ bình thường về kinh tế và văn hóa giữa các nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, chứ không cho phép phân biệt đối xử và hạn chế. Chỉ có thực hiện như vậy mới có thể làm cho các nước châu Á tránh được tai họa khủng khiếp bị chủ nghĩa thực dân mới lợi dụng người châu Á để đánh người châu Á và do đó mớí được hưởng hòa bình và an ninh.”2

Đó là lập trường nguyên tắc của Đoàn đại biểu Trung Quốc về vấn đề Đông Dương.

Eden, đại diện chính phủ Anh phát biểu. Tại phiên họp cách đây hai ngày, Eden đã có bài phát biểu ngắn, tỏ ý không chủ trương lãng phí thời gian của hội nghị vào các vấn đề lịch sử, mà nên tập trung sức giải quyết vấn đề hiện thực cấp bách nhất. Lần này, Eden lại nói: Nếu chúng ta không nhất trí về quan điểm lịch sử, tôi hy vọng rằng điều đó không có nghĩa là chúng ta không có nhận thức chung về những việc chúng ta cần phải làm hiện nay. Mọi người chúng ta đều nhất trí rằng công việc phải làm đầu tiên là thực hiện ngừng bắn theo phương thức công bằng. Eden đưa ra năm vấn đề có liên quan đến thực hiện ngừng bắn, đề nghị hội nghị thảo luận:

  1. Mọi người có đồng ý quân đội của hai bên tham chiến phải tập kết vào khu vực chỉ định hay không?

  2. Hội nghị có cho rằng vấn đề Lào và Campuchia khác với vấn đề Việt Nam không? và quân đội Việt Nam có phải rút khỏi hai nước đó không?

  3. Ai là người qui định khu vực tập kết của quân Việt Minh? Theo tôi, liệu có nên cử một vị Tổng Tư lệnh đứng ra làm việc này theo yêu cầu của Hội nghị này hay không ?

  4. Liệu chúng ta có đồng ý rằng, sau khi toàn thể lực lượng bộ đội chiến đấu đã được tập kết vào khu vực qui định, tất cả các nhân viên chiến đấu không chính qui đều phải giải giáp vũ trang hay không?

  5. Chúng ta có đồng ý tổ chức lực lượng giám sát quốc tế không? Nếu đồng ý, thì hình thức nào là tốt? Chúng tôi3 thiên về sự giám sát của LHQ. Tại đây tôi muốn nói rõ, Hội nghị Thủ tướng năm nước châu Á đang họp tại Colombo, khi kết thúc Hội nghị cũng đã bày tỏ rằng họ hy vọng LHQ đứng ra thành lập một cơ cấu để thực thi các quyết định của Hội nghị Genève về vấn đề Đông Dương.

Các vấn đề do Eden đưa ra làm cho việc thảo luận về vấn đề Đông Dương tại hội nghị được cụ thể hóa.

Sau phiên họp chiều 13/5, cả Smith và Bidault đều đến nhà riêng của Eden. Tâm trạng của Bidault có vẻ đã được cải thiện. Bidault nói cho Eden biết là mình rất lo lắng về số phận của chính phủ Laniel, Quốc hội Pháp sắp tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với chính phủ. Bidault đã gọi điện nói chuyện với Laniel là nếu có 313 phiếu phản đối chính phủ hiện nay thì tôi sẽ vẫn kiên trì ở Genève, còn nếu có 314 phiếu phản đối chính phủ, tôi sẽ từ chức.

Eden không bắt theo câu chuyện của Bidault, ngược lai, ông nói với cả hai vị khách: liệu tôi có nên đến thăm Chu Ân Lai để hỏi xem rốt cuộc ông ta định làm cái gì tại hội nghị Genève này? Ông ta tuyệt đối không phải đến hội nghị để chửi Mỹ?

Smith tán thành ý nghĩ của Eden. Smith nói với Eden: hôm qua tôi đã gặp Molotov. Tôi nói với Molotov rằng, tôi không lo vấn đề Triều Tiên, “bởi vì lúc này ở đó không còn có chuyện bắn nhau nữa”. Vấn đề Đông Dương thì khác, ở đó đầy rẫy nguy cơ chiến tranh, và có khả năng lan rộng. Molotov đồng ý với quan điểm của Smith và bày tỏ rằng ông ta cũng sẽ cố gắng làm cho Chu Ân Lai chấp nhận quan điểm này.

Ngày 14/5, đại diện Liên Xô, Molotov đưa ra đề nghị hai điểm. Một là trong đề nghị của mình, Pháp đã nói sẽ bảo đảm đi đến ký kết hiệp định tại hội nghị này. Pháp đề nghị: “Các nước tham dự hội nghị Genève cung cấp sự bảo trợ cho các hiệp định này. Một khi xảy ra bất kỳ hành động nào phản đối hiệp định, các nước này cần lập tức hiệp thương bàn bạc, nhằm có các biện pháp thích đáng một cách đơn phương hoặc tập thể.” Molotov cho rằng có thể chấp nhận được “nguyên tắc hiệp thương” này, nhưng mục đích tiến hành hiệp thương phải là nhằm dùng biện pháp tập thể để bảo đảm việc thi hành hiệp định.

Đề nghị thứ hai của Molotov được nêu ra trên cơ sở đề nghị của Phạm Văn Đồng. Molotov nói, trong các đề nghị của Việt Nam, có một điều khoản nói đại diện của hai bên tham chiến ở Đông Dương cùng nhau lập ra một Uỷ ban Liên hợp để giám sát việc thực hiện hiệp định ngừng bắn. Molotov nói: “Để hỗ trợ và phối hợp hai bên tham chiến thực hiện hiệp định chấm dứt hành động thù địch, trong hiệp định nên qui định thành lập một Uỷ ban Giám sát gồm các nước trung lập”.

Đề nghị của Molotov đã được bàn bạc cùng các đại diện Trung Quốc và Việt Nam trước khi đưa ra hội nghị, tức là thôi không kiên trì ý tưởng thành lập uỷ ban giám sát của hai bên tham chiến nữa, mà đổi thành “Uỷ ban các nước trung lập”. Điểm này dễ được đa số các nước chấp nhận.

Cùng ngày, hãng thông tấn ANTARA của Indonesia công bố bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phóng viên hãng tin này. Bài trả lời phỏng vấn lần này hoàn toàn giống với nội dung trước đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Thụy Điển “Express”. Nội dung trả lời phỏng vấn lần này như sau:

Hỏi: Mục đích chiến đấu của nhân dân Việt Nam là gì ?

Trả lời: Nhân dân Việt Nam anh dũng chiến đấu nhằm mục đích thực hiện một nước hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và tự do.

Hỏi: Nhân dân Việt Nam có thể giành được thắng lợi của cuộc đấu tranh bằng con đường nào?

Trả lời: Nhân dân Việt Nam luôn luôn hy vọng thông qua con đường hòa bình để giành độc lập và giải phóng đất nước. Chính vì vây, năm 1946, nước Việt Nam DCCH và nước Pháp đã ký kết Hiệp định Pháp-Việt. Chỉ sau khi bọn thực dân Pháp phản bội hiệp định và tiến hành chiến tranh chống nhân dân Việt Nam, buộc nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí tiến hành kháng chiến. Hiện nay, nhân dân Việt Nam vẫn chủ trương giải quyết vấn đề Việt Nam bằng phương thức hòa bình.

Hỏi: Chủ tịch có ý kiến gì về việc Mỹ viện trợ quân sự cho Pháp ở Đông Dương?

Trả lời: Tập đoàn thống trị Mỹ đang rắp tâm phá hoại việc hòa bình giải quyết vấn đề Việt Nam, đang tích cực can thiệp vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương và mở rộng cuộc chiến tranh này, nhằm biến Đông Dương thành thuộc địa của Mỹ, nô dịch nhân dân Đông Dương, phá hoại hòa bình ở Viễn Đông và trên thế giới. Nhân dân Việt Nam kiên quyết phản đối âm mưu và hành động xâm lược của tập đoàn thống trị Mỹ.

Hỏi: Điều kiện cơ bản để đàm phán với Pháp là gì ?

Trả lời: Để thực hiện ngừng bắn, đình chiến và khôi phục hòa bình ở Đông Dương, lập trường của chúng tôi về đàm phán với Pháp là: Làm cho nước chúng tôi được thật sự độc lập, thống nhất và dân chủ tự do.

Hỏi: Theo Chủ tịch, cần có những điều kiện cần thiết gì để thực hiện hòa bình thế giới lâu dài ?

Trả lời: Nếu các nước trên thế giới, trước hết là các nước lớn đều có thiện chí giải quyết các cuộc tranh chấp giữa các nước thông qua con đường hiệp thương, đồng thời, nếu nhân dân thế giới không bị những kẻ gây chiến lừa bịp và tự mình đảm đương nhiệm vụ bảo vệ hòa bình thế giới, thì hòa bình thế giới có thể thực hiện được.

Hỏi: Chủ tịch có cho rằng, hội nghị Genève, thông qua hiệp thương hòa bình giải quyết cuộc xung đột ở Đông Dương và Triều Tiên, có khả năng thành công hay không ?

Trả lời: Tôi chân thành hy vọng hội nghị Genève có thể đạt được thỏa thuận về hòa bình giải quyết vấn đề Đông Dương và vấn đề Triều Tiên, hoặc sẽ giúp ích vào việc giải quyết các vấn đề này.

Hỏi: Theo Chủ tịch, Indonesia có thể làm gì để sớm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương ?

Trả lời: Tất cả mọi nỗ lực của nhân dân Indonesia trong cuộc đấu tranh cho hòa bình ở Viễn đông và thế giới đều góp phần tác dụng vào việc giải quyết vấn đề Đông Dương. Theo tôi, việc nhân dân Indonesia kiên quyết phản đối âm mưu của Mỹ định thành lập Liên minh quân sự ở châu Á, đồng thời ra sức thúc đẩy nhân dân các nước châu Á đoàn kết và chung sống hòa bình đã có tác dụng to lớn góp phần vào việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương.

Hỏi: Chủ tịch có nhận xét gì đối với chính sách ngoại giao tích cực và độc lập của chính phủ các nước Ấn Độ, Indonesia và Miến Điện?

Trả lời: Chúng tôi hoan nghênh chính sách của chính phủ các nước Ấn Độ, Indonesia và Miến Điện phản đối mở rộng chiến tranh xâm lược, ủng hộ việc hòa bình giải quyết vấn đề Đông Dương và Triều Tiên. Chính sách đó góp phần vào sự nghiệp hòa bình ở Viễn Đông và thế giới. Tất cả các nước châu Á đã hoặc đang lâm vào cảnh thuộc địa, bị chủ nghĩa đế quốc đô hộ, cần phải đoàn kết, đấu tranh chống lại chính sách đô hộ và xâm lược của chúng.

Hỏi: Chủ tịch có ý kiến gì về đề nghị của Thủ tướng Indonesia về việc triệu tập hội nghị các nước Á - Phi ?

Trả lời: Chúng tôi hoan nghênh các Hội nghị quốc tế góp phần vào việc thiết lập nền hòa bình ở Viễn Đông và thế giới.

Hỏi: Thưa Chủ tịch, Ngài có ý kiến gì đối với âm mưu của Mỹ định thành lập khối Liên minh quân sự châu Á–Thái bình Dương?

Trả lời: Bọn Mỹ hiếu chiến đang tích cực xây dựng Liên minh quân sự ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, đây là một hành động tội ác hòng mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ở châu Á để phá hoại hòa bình của châu Á và đô hộ nhân dân châu Á. Tôi tin rằng toàn thể nhân dân châu Á nhất định sẽ phản đối hành động này.

Hỏi: Đối với yêu cầu của nhân dân Indonesia về việc thu hồi vùng Irian Barat4, Chủ tịch có ý kiến gì?

Trả lời: Nhân dân Indonesia yêu cầu thu hồi vùng Irian Barat là chính đáng, vì đó là lãnh thổ của nước Cộng hòa Indonesia. Chúng tôi ủng hộ yêu cầu này của nhân dân Indonesia.

Ngày 14/ 5/ 1954.

Bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ chí Minh nhằm mục đích phối hợp với hội nghị Genève. Một tuần sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tiêu điểm chú ý của hội nghị Genève là giải quyết vấn đề tù binh Pháp như thế nào. Là người có kinh nghiệm giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh ở Triều Tiên, Chu Ân Lai chủ trương quân đội Việt Nam tại mặt trận Điện Biên Phủ nên nhanh chóng thả tù binh Pháp, nhất là số thương binh nặng. Làm như vậy đều có lợi cả về chính trị lẫn quân sự.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam đã bắt sống được 10.903 tù binh Pháp (kể cả thương binh), trong đó có chuẩn tướng De Castrie. Theo phương án bàn bạc giữa Tổng bộ Việt Minh và đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, số tù binh chiến tranh sẽ được phân loại theo quốc tịch, tách riêng sĩ quan với binh lính, cứ 50 người làm thành một đội, do bộ đội bộ binh Viêt Nam quản lý, nhanh chóng di chuyển khỏi Điện Biên Phủ, đưa vào các trại tù binh được xây dựng tại vùng rừng núi miền Bắc Việt Nam. Các thương binh nặng được giữ tại chỗ, không di chuyển.

Ngày 13/5, Chu Ân Lai gửi điện cho Vi Quốc Thanh ở mặt trận Điện Biên Phủ đồng thời điện cho Trung ương ĐCS Trung Quốc:


Các nước phương Tây đang lợi dụng vấn đề thương binh ở Điện Biên Phủ để gây khó khăn cho Liên Xô. Các nhân sĩ tiến bộ và bạn bè quốc tế hy vọng có thể kịp thời nhận được tài liệu về tình hình giải quyết thương binh đối phương ở Điện Biên Phủ. Vì vậy, mong sớm điện thông báo cho biết tình hình cuộc đàm phán giữa hai bên về việc thả các thương binh nặng của đối phương ở Điện Biên Phủ và diễn biến cụ thể của việc thả, vận chuyến số thương binh này, để chúng tôi chuyển cho đồng chí Phạm Văn Đồng và đoàn đại biểu Liên Xô, và căn cứ vào đó để tiến hành tuyên truyền, đập tan âm mưu của địch. Đồng thời, nếu có thể động viên một số sĩ quan cao cấp của địch bị bắt ở Điện Biên Phủ nói về các biện pháp nhân đạo, ưu đãi đối với tù binh chiến tranh, đối với thương binh và việc thả thương binh nặng… thì càng tốt, nhưng đừng ép họ miễn cưỡng phát biểu.”5


Cùng ngày, Phạm Văn Đồng gửi điện về báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh tình hình các ý kiến phát biểu về vấn đề Đông Dương tại hội nghị Genève mấy ngày qua. Ông nói rõ: tính đến hôm nay, hai phe đã bộc lộ rõ chủ trương của mình về các vấn đề.

Thông báo với Bộ Chính trị Trung ương ĐLĐ Việt Nam, Phạm Văn Đồng nêu rõ: điểm bất đồng giữa đôi bên là, phe phương Đông yêu cầu giải quyết toàn diện vấn đề Đông Dương, còn phía Pháp lại chủ trương giải quyết trước vấn đề quân sự, tức là vấn đề ngừng bắn, còn vấn đề chính trị sẽ bàn sau. Trái lại, đại diện của chính quyền Bảo Đại đã nêu ra vấn đề chính trị, nói rằng chúng đã cùng Pháp ký kết hai hiệp định, một là Pháp công nhận Việt Nam hoàn toàn độc lập; hai là qui định việc Việt Nam gia nhập khối Liên hiệp Pháp.

“Liên bang Đông Dương” đều chủ trương tách vấn đề Campuchia và Lào ra khỏi vấn đề Việt Nam, chủ trương điều kiện giải quyết vấn đề này là QĐND Việt Nam rút ra khỏi Campuchia và Lào. Phạm Văn Đồng không muốn chấp nhận chủ trương này.

Nguyên do là, thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm cho Phạm Văn Đồng, trong lúc vui mừng, đã nảy sinh ý nghĩ mới đối với phương châm đàm phán đã được xác định trước đó. Phạm Văn Đồng cho rằng, về vấn đề Việt Nam, cần kiên trì phương án cơ bản là thực hiện “ngừng bắn tại chỗ, có điều chỉnh đôi chút, chờ ngày tổng tuyển cử”. Nếu đối phương không chịu chấp nhận, lúc đó mới tính đến phương án phân chia hai miền Nam Bắc đồng thời cố gắng hết sức đẩy đường giới tuyến chia cắt hai miền xuống phía Nam, ở vĩ tuyến 15, thậm chí vĩ tuyến 14, cố gắng chiếm giữ được hơn 2/3 lãnh thổ.

Sự tính toàn này khác với sự phán đoán tình hình của Chu Ân Lai. Ý tưởng tổng thể của Chu Ân Lai là: cố gắng hết sức nhằm đạt được một số thỏa thuận về vấn đề Đông Dương, chấm dứt chiến tranh, làm dịu tình hình quốc tế căng thẳng, từ đó tranh thủ một thời kỳ hòa bình, làm cho phe XHCN có thể tập trung sức tiến hành xây dựng kinh tế trong nước.

Chu Ân Lai cho rằng, cần phải xuất phát từ thực tế, căn cứ vào điều kiện hiện thực, tranh thủ giành được thành quả cao nhất. Có thể tham khảo mô hình Triều Tiên về phân chia Nam-Bắc, đại thể là lấy 16 độ vĩ Bắc làm giới tuyến. Như vậy, diện tích lãnh thổ hai miền Nam-Bắc Việt Nam rộng gần bằng nhau, miền Bắc rộng hơn chút ít. Quân Pháp ở phía Bắc đường giới tuyến phải rút đi hết, còn QĐND Việt Nam ở phía Nam vĩ tuyến 16 phải rút về phía Bắc giới tuyến. Còn đưa ra phương án vĩ tuyến 15 hoặc vĩ tuyến 14, sợ rằng đối phương sẽ không chấp nhận. Về sách lược, cần tranh thủ để cho phía đối phương đưa ra trước phương án phân chia giới tuyến của họ. Còn phương án cũ của Việt Nam vốn định đưa ra các nguyên tắc trước, đó là trên cơ sở các khu vực mà lực lượng quân sự của hai bên đã chiếm giữ, vạch ra một đường hoặc mấy đường ranh giới có bảo đảm, để chia thành các khu vực chiếm đóng của hai bên..

Tuy nhiên, Phạm Văn Đồng kiên trì cho rằng, vấn đề Lào và Campuchia nên được coi là một bộ phận trong toàn bộ vấn đề Đông Dương để cùng xem xét giải quyết, và phải căn cứ theo nguyên tắc, phương pháp và trình tự như nhau, đồng thời cùng một lúc chấm dứt hành động đối địch ở cả ba nước Đông Dương, như thế mới tốt.

Đối với quan điểm trên đây của phía Việt Nam, lúc đầu, cả Trung Quốc lẫn Liên Xô đều không đưa ra ý kiến gì khác, thiên về ủng hộ Phạm Văn Đồng, phản đối việc tách ra thảo luận riêng rẽ vấn đề Việt Nam với vấn đề Campuchia và Lào. Ý thức rằng bản thân mình cần phải có thêm những hiểu biết sâu sắc hơn nữa về những diễn biến lịch sử của vấn đề Đông Dương, Chu Ân Lai kiên trì lắng nghe những ý kiến của Phạm Văn Đồng. Vương Bỉnh Nam nhớ lại: “Tại hội nghị, bốn đoàn Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam trước sau luôn luôn hợp tác chặt chẽ. Trong các buổi thảo luận về vấn đề Đông Dương, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam đoàn kết nhất trí, đấu tranh kiên quyết và kiên trì đàm phán với Mỹ, Pháp. Tất cả mọi chiến lược, sách lược, phương án và đối sách liên quan đến cuộc đàm phán hồi đó đều được ba đoàn cùng bàn bạc thảo luận rồi mới quyết định. Bản thân tôi đã được Thủ tướng Chu Ân Lai chỉ thị nhiều lần đi gặp Phạm Văn Đồng, có rất nhiều cuộc tiếp xúc với ông Đồng, thông báo tình hình cho nhau, cùng nhau trao đổi ý kiến. Hồi đó, đề phòng đối phương nghe trộm, chúng tôi vào phòng rửa mặt, mở vòi nước ra cho nước chảy rồi mới nói chuyện, có lẽ ngài Phạm Văn Đồng vẫn còn nhớ!”6

Theo chỉ thị của Chu Ân Lai, tại mặt trận Điện Biên Phủ, Vi Quốc Thanh và Võ Nguyên Giáp kịp thời cùng nhau bàn bạc, quyết định nhanh chóng phóng thích số tù binh Pháp bị thương.

Ngày 13/5, Pháp cử một đoàn đại biểu Hội chữ thập đỏ, do giáo sư [Pierre] Huard làm trưởng đoàn, bay đến Điện Biên Phủ, cùng đại diện của quân đội Việt Nam thảo luận việc chuyên chở các thương binh nặng. Hai bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận, do sân bay Điện Biên Phủ khó có thể sửa chữa ngay được, phía Pháp sẽ dùng máy bay lên thẳng và máy bay vận tải cỡ nhỏ để vận chuyển thương binh. Thời gian này, phía Pháp bảo đảm ngừng ném bom khu vực ngoại vi lòng chảo Điện Biên Phủ 10 km và đoạn đường từ quốc lộ 41 đến Sơn La. Hai bên Pháp - Việt quyết định tổng cộng có 858 người trong số thương binh được xác định là loại thương binh nặng, không phân biệt quốc tịch của họ, do phía Pháp dùng máy bay lên thẳng để chuyên chở họ khỏi chiến trường Điên Biên Phủ.

Thỏa thuận này đều có lợi về mặt chính trị lẫn quân sự đối với phía Việt Nam. Quân đội Việt Nam tranh thủ thời cơ này để vận chuyển hàng loạt vật tư thu được ở Điên Biên Phủ, đồng thời di chuyển tù binh Pháp về hậu phương. Phía Pháp sớm ý thức rõ được điểm này, định xé bỏ hiệp định, cho nên ngày 16/5 họ lại cử đại diện bay đến Điện Biên Phủ để đưa ra đề nghị mới, yêu cầu sửa sân bay, dùng máy bay vận tải cỡ lớn để chuyên chở thương binh và đòi hủy bỏ lệnh cấm máy bay Pháp bay trên vùng trời dọc đường quốc lộ 41.

Bộ Tổng chỉ huy mặt trận của quân đội Việt Nam không đồng ý những yêu cầu này.

10 giờ sáng ngày 14/5, Eden cùng các trợ lý của mình là Caccia, [William D.] Allen và Trevelyan đến biệt thự Vạn Hoa chào Chu Ân Lai và trao đổi ý kiến về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Eden chưa có sự chuẩn bị trước về mặt tâm lý cho cuộc gặp gỡ trực tiếp lần này. Trong cuộc nói chuyện lần đầu tiên với Chu Ân Lai tại biệt thự của Molotov cách đây nửa tháng, Eden tự nhận là quá nghiêm túc, ông ta và Chu Ân Lai ngồi rất nghiêm chỉnh và thiếu vẻ tự nhiên, trao đổi quan điểm với nhau bằng những từ ngữ rất gay gắt, ông ta nghĩ “Chu Ân Lai là một người chống Mỹ lạnh lùng và đầy uất hận.”.

Chu Ân Lai hôm nay nhã nhặn, ôn tồn và lịch sự, dùng cốc trà xanh Long Tỉnh để tiếp ngài Bộ trưởng Ngoại giao Anh. Cùng dự tiếp có Trương Văn Thiên, Hoạn Hương và Chương Văn Tấn; Phổ Thọ Xương làm nhiệm vụ phiên dịch.

Eden nói với Chu Ân Lai một cách thẳng thắn rằng ông ta đến đây là vì vấn đề Đông Dương. Eden nói ông ta đến đây với tư cách Chủ tịch Hội nghị Genève để cùng ngài Chu Ân Lai bàn bạc vấn đề các phiên họp sau này nên tiến hành như thế nào. “Tôi càng quan tâm vấn đề Đông Dương, vì cứ theo cái đà hiện nay, đến hội nghị, mọi người phát biểu thóa mạ lẫn nhau, sợ rằng sẽ rất nguy hiểm.” Eden đề nghị từ nay trở đi chuyển sang tổ chức các “cuộc họp có tính hạn chế”, quy mô hẹp hơn để tiến hành đàm phán thực chất. “Tôi đã nêu ra năm vấn đề, nếu ngài cho năm vấn đề đó là tốt thì có thể bàn về năm vấn đề đó tại cuộc họp hạn chế. Nếu cho năm vấn đề đó là không tốt, không biết liệu còn có cách nào khác để tiến hành cuộc họp nữa không?”.

Chu Ân Lai nói: “Ngài đưa ra năm vấn đề, chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu. Tại hội nghị Genève về vấn đề Triều Tiên, chúng tôi đã tiến hành thí điểm một phiên họp có tính hạn chế, có thể thí nghiệm lần nữa.”

Eden nói: “Tôi sở dĩ quan tâm vấn đề Đông Dương bởi vì có một số vấn đề của các nước sở tại, tôi vốn không thông thạo các vấn đề này. Tôi lo ngại rằng các nước lớn cứ kiên trì lập trường riêng của mình về vấn đề Đông Dương thì sẽ dẫn đến khủng hoảng quốc tế.”

Chu Ân Lai nói rõ với Eden rằng Trung Quốc ủng hộ các đề nghị có tính toàn diện của Phạm Văn Đồng, yêu cầu hòa bình, nhưng có kẻ lại muốn tiếp tục mở rộng chiến tranh Đông Dương, dẫn đến nguy hiểm. “Về điểm này, ngài Eden hiểu rõ hơn tôi nhiều.”

Eden nói: “Theo tôi biết, mọi người đều hy vọng dừng cuộc chiến tranh lại.”

Chu Ân Lai hỏi: “Về năm đề nghị ngài đưa ra, chúng tôi chưa hiểu vấn đề thứ nhất, tức là vấn đề tất cả quân đội của hai bên đều phải tập kết vào khu vực được qui định, tôi muốn đề nghị ngài giải thích.”

Eden nói: “Suy nghĩ của chúng tôi là, quân đội của hai bên phải rút về khu vực qui định, để tránh cho hai bên xảy ra xung đột. Những khu vực được qui định này, có thể do Tư lệnh quân đội hai bên quyết định, sau đó do hội nghị chúng ta phê chuẩn.”

Chu Ân Lai nói: “Như chúng tôi đã nói, việc giải quyết vấn đề Đông Dương phải bảo đảm cho cả hai bên đều dược công bằng, hợp lý và vẻ vang. Chúng tôi cho rằng, với địa vị của nước Anh hiện nay, nước Anh còn có thể làm thêm một số việc để giúp cho hai bên hiểu biết lẫn nhau, đàm phán phải tiến hành trên cơ sở hai bên đều bình đẳng. Tình hình hiện nay là, đối phương không làm như vậy, mà là mưu toan gán ép cho phía bên này.”

Eden hỏi tiếp: “Ngài thấy không bình đẳng ở phương diện nào ?”

Chu Ân Lai đáp: “Pháp né tránh không nói đến vấn đề chính trị của cuộc đình chiến.”

Eden nói: “Vấn đề ngài nhắc đến, cả hai bên đều có một số điều chỉ trích nhau.”

Chu Ân Lai chỉ rõ: “Không phải như vậy. Điều tôi muốn nói không phải là việc đó. Tôi muốn nói là Pháp đã không trả lời phần nói về vấn đề chính trị trong đề nghị của ông Phạm Văn Đồng, mà chỉ công nhận Bảo Đại là đại diện của toàn thể Việt Nam, phải do Bảo Đại thống nhất Việt Nam. Đó hoàn toàn không phải là suy nghĩ hợp lý.”

Eden nói: “Cách nghĩ của nước Pháp hãy để cho các thành viên Liên bang Đông Dương nói trước. Tôi được biết là chiều nay có thể người Pháp sẽ phát biểu, chúng tôi hy vọng trong vấn đề Đông Dương, hãy tranh thủ đạt được vấn đề đình chiến trước, sau đó sẽ bàn đến vấn đề chính trị. Vấn đề đình chiến hoặc có thể coi là vấn đề thực tế số một nên được thảo luận trong cuộc họp có tính chất hạn chế. Cuộc họp có tính hạn chế có thể sẽ được tiến hành vào tuần sau.”

Chu Ân Lai nói: “Về đề nghị tiến hành cuộc họp có tính chất hạn chế, chúng tôi còn phải bàn bạc với đoàn đại biểu Liên Xô và Việt Nam.” Chu Ân Lai tiếp tục hỏi Eden về nội dung các “cuộc họp có tính hạn chế”.

Eden đáp: “Suy nghĩ của tôi là, ngoài các trưởng đoàn đại biểu ra, mỗi đoàn chỉ được cử hai, ba cố vấn tham dự, nội dung hội nghị không được công bố với giới báo chí. Trong thời gian hội nghị Berlin, chúng tôi đã áp dụng thử các biện pháp này, rất có tác dụng. Việc đạt được thỏa thuận về triệu tập hội nghị Genève về Đông Dương là kết quả của biện pháp đó mang lại.”

Chu Ân Lai nói: “Tôi muốn bổ sung thêm mấy câu. Trung Quốc mong muốn chung sống hòa bình với các nước láng giềng châu Á. Gần đây, việc Trung Quốc và Ấn Độ ký kết hiệp định buôn bán và đi lại giữa địa phương Tây Tạng của Trung Quốc với Ấn Độ đủ để chứng tỏ điều đó. Trong lời nói đầu của hiệp định, hai nước Trung - Ấn tuyên bố tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau, không xâm phạm nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, chung sống hòa bình.”

Đây là lần đầu tiên Chu Ân Lai tuyên truyền về “năm nguyên tắc chung sống hòa bình” đối với các nhà lãnh đạo cấp cao của phương Tây.

Chu Ân Lai còn nói: “Về vấn đề Triều Tiên, tôi cũng nêu ra là phải rút quân đội nước ngoài trước, trong đó có quân tình nguyện Trung Quốc. Chỉ có làm như vậy mới có thể bảo đảm vấn đề hòa bình và an ninh.”

Lúc này, Eden muốn nói mấy cấu với tư cách Thủ tướng nước Anh: “Chúng tôi rất hy vọng được thấy bốn nước lớn…”. Eden lập tức cảm thấy mình lỡ lời, vội vàng xin lỗi và cải chính: “Xin lỗi, tôi nói nhầm, chúng tôi rất hy vọng năm nước lớn, tức là Anh, Mỹ, Trung, Pháp, Xô, cùng nhau cố gắng làm dịu tình hình thế giới căng thẳng, tiến hành hiệp thương bình thường. Tuy nhiên, trước khi thực hiện được điều đó, cần phải giải quyết xong vấn đề Đông Dương. Hơn nữa, bản thân vấn đề Đông Dương đã quan trọng, nhưng điều càng quan trọng hơn là không nên vì vấn đề này mà để ảnh hưởng đến quan hệ giữa năm nước lớn.”

Chu Ân Lai nói: “Trung Quốc giành được vị trí nước lớn là xứng đáng, đó là sự tồn tại thực tế. Chúng tôi sẵn sàng có những cố gắng chung vì nền hòa bình thế giới, nhất là nền hòa bình ở châu Á. Tuy nhiên, chúng tôi cần nói một cách thẳng thắn rằng, không được coi đây là một điều kiện.”

Eden đáp: “Không, tuyệt đối tôi không nói đó là điều kiện, tôi chỉ muốn nói rõ quan điểm của chúng tôi về vấn đề này. Tôi lo rằng Hồ Chí Minh có thể muốn giành được quá nhiều thứ. Có thể ông ta có khả năng đó, nhưng nếu ông ta làm như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các nước lớn.”

Chu Ân Lai nói: “Tôi nghĩ, người muốn giành được nhiều thứ hơn hiện nay không phải là Hồ Chí Minh mà là Bảo Đại. Đoàn đại biểu của nước Việt Nam [Bảo Đại] đưa ra đề nghị, trong đó không chỉ đòi hỏi phải công nhận Bảo Đại hiện nay là lãnh tụ duy nhất của Việt Nam, mà còn đòi sau tổng tuyển cử, do LHQ đứng ra bảo đảm cho Bảo Đại là lãnh tụ duy nhất của Việt Nam. Ngược lại, Hồ Chí Minh không hề đưa ra yêu cầu đó”.

Trước những lời lẽ sắc bén của Chu Ân Lai, Eden lùi một bước và nói: “Điều tôi muốn nói vừa rồi không phải là nội dung các bài diễn văn, mà là những suy nghĩ đằng sau các bài diễn văn đó.”

Chu Ân Lai hướng câu chuyện vào sát các vấn đề cụ thể hơn, nói: “Không biết ngài Eden đã nghiên cứu những đề nghị của ông Phạm Văn Đồng chưa? Trong đề nghị của mình, tôi có nói là, trước khi thống nhất, hai bên tự quản lý các khu vực do mình đang kiểm soát, như vậy là công bằng.”

Eden nói: “Chúng tôi hy vọng quân đội hai bên rút về khu vực qui định. Ý kiến của Pháp hình như cũng không bác bỏ điểm này. Vì vậy chúng tôi và Pháp cùng có điểm chung về vấn đề này.”

Chu Ân Lai nói: “Người Pháp cho đại diện của Bảo Đại trả lời phần nói về chính trị trong đề nghị của ông Phạm Văn Đồng, nhưng câu trả lời của họ quả thật là chả ra sao cả. Trước đây, Tưởng Giới Thạch cũng đã từng đưa ra yêu cầu như vậy, gọi là một chính phủ, một lãnh tụ, một quân đội, còn lại đều phải tiêu diệt hết, tôi nghĩ ngài Allen, ngài Trevelyan biết rõ điều đó. Nhưng mọi người chúng ta đều biết rõ kết cục của Tưởng Giới Thạch như thế nào rồi.”

Eden nói: “Suy nghĩ của tôi là đình chiến trước, sau đó sẽ bàn vấn đề chính trị. Vấn đề đình chiến có thể được coi là vấn đề thực chất số một và đưa ra thảo luận tại cuộc họp có tính hạn chế.”

Lúc này, Chu Ân Lai đã kiên trì chủ trương của mình: “Vấn đề chính trị phải được thảo luận đồng thời với vấn đề đình chiến.”

Cuộc nói chuyện đến đây bị bế tắc, không khí trong phòng khách trở nên nặng nề. Cả Chu Ân Lai lẫn Eden đều có vẻ nghiêm túc, các trợ lý của họ cũng ngồi im lặng, không ai nói gì.

Eden lão luyện trong hoạt động ngoại giao, ông ta bình tĩnh không hoang mang, lập tức chuyển đề tài, Eden nói: “Một lần nữa xin cám ơn ngài đã để tôi tới thăm ngài.”

Chu Ân Lai lập tức đáp lại: “Tôi cũng sẽ đến thăm ngài”.

Eden nói: “Tôi rất hoan nghênh. Tôi còn phải cảm ơn Ngài đã cử người đến gặp ngài Trevelyan. Họ nói chuyện với nhau rất tốt, cả hai đều hài lòng.”.

Eden muốn nhắc đến cuộc gặp gần đây giữa Trevelyan và Hoạn Hương, làm cho quan hệ Trung - Anh dịu đi một cách rõ rệt. Về việc này, Chu Ân lai nói với Eden: “Ngài Trevelyan và ngài Hoạn Hương gặp nhau có nêu ra một số vấn đề, trong đó rất nhiều vấn đề có thể giải quyết được, mấy hôm nữa, ngài Di Hương sẽ còn gặp ngài Trevelyan để nói chuyện.”7

Hai bên nói chuyện khoảng 30 phút, Eden đứng lên cáo từ ra về, ông ta nói với Chu Ân Lai là còn phải đến chỗ ngài Molotov.

1 Tuyển tập văn kiện Hội nghị Genève, sđd, tr.138-162.

2 Tuyển tập văn kiện Hội nghị Genève, sđd, tr.163-169.

3 “chúng tôi” trong nguyên bản, không rõ Eden muốn chỉ những ai, TG.

4 Tức Tây Irian, ngày nay là tỉnh Papua, Indonesia.

5 Phòng Nghiên cứu văn kiện Trung ương ĐCS Trung Quốc (biên soạn), Chu Ân Lai niên phổ: 1949-1976, 1997, tr. 367.

6 Vương Bỉnh Nam, sđd, tr. 12.

7 - Lý Liên Khánh, Chu Ân Lai – nhà ngoại giao lớn t.2, Thiên Địa Đồ Thư, Hongkong, 1994, tr. 109-113;

- Chu Ân Lai niên phổ: 1949-1976, sđd.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss