Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 7 - Đàm phán hay oanh tạc

CHƯƠNG 7 - Đàm phán hay oanh tạc

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:13, cập nhật lần cuối 06/02/2009 09:14


CHƯƠNG 7

Đàm phán hay oanh tạc

 

Mạo hiểm mở rộng quy mô chiến tranh, máy bay Mỹ có ý định oanh tạc quân Việt Nam tại Điện Biên Phủ. Một số nhà chính trị Mỹ đương nhiên phải lựa chọn trong tình hình vô cùng nguy cấp. Đàm phán hay là oanh tạc? Câu hỏi lạnh lùng được đặt ra trên bàn làm việc tại số 10 đường Downing. Vào phút chót, Churchill và Eden vẫn chọn giải pháp ngoại giao ở Genève. Điều này cũng khiến Dulles không thể không đi về hướng hồ Leman.

 
Ngày 10/10/1954, khi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vẫn còn đang trên đường từ Bắc Kinh đến Moskva, thì Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles đã đáp máy bay từ Washington đến London để gặp lãnh đạo nước Anh, thương lượng về lập trường của hai bên tại Hội nghị Genève.

Đang ở “ngàn trượng cao”, vẻ mặt của Foster Dulles buồn bã và nghiêm trọng, không thể đoán biết. Tính cách Foster Dulles sống nội tâm, trên vũ đài ngoại giao quốc tế thường được gọi là người có văn hóa giáo dục nhưng cũng lạnh lùng khốc liệt. Ông rất tự tin về những chính sách ngoại giao của mình. Cho dù như thế, kết quả của nỗ lực ngoại giao đến Anh và Pháp như thế nào, chính ông cũng không dám chắc.

John Foster Dulles sinh ngày 25/2/1888 tại thủ đô Washington, Mỹ, trong một gia đình mục sư. Năm 1905 thi vào đại học Princeton. Năm 1907, vì nói lưu loát tiếng Pháp, Dulles lúc đó 19 tuổi đã được chọn tham gia Hội nghị quốc tế La Hay (The Hague) lần 2, đảm nhiệm chức Thư ký đoàn đại biểu Chính phủ triều Thanh Trung Quốc, giúp đỡ xử lý các vấn đề lễ tân và phiên dịch. Hội nghị La Hay đã bước đầu giúp Dulles đi theo con đường ngoại giao, cũng là lần đầu tiếp xúc với các vấn đề về Trung Quốc. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của ông ta.

Năm 1908-1909, khi Dulles đang theo học Thạc sĩ triết học, ông đã có hứng thú với luật pháp, sau đó lại đến Học viện Sorbon tại Paris, Pháp, để học luật quốc tế. Học xong về nước, Dulles trở lại Washington, tiếp tục học tại Học viện luật đại học George Washington. Đến năm 1911, ông ta đỗ cử nhân luật, sau đó trải qua cuộc thi tư cách luật sư toàn nước Mỹ, đã trở thành luật sư.

Sự nghiệp chính trị của Foster Dulles có thể nói là rất thuận buồm xuôi gió. Năm 1917, Dulles được tổng thống [Woodrow] Wilson cử đến Panama và Costa Rica thực hiện sứ mệnh ngoại giao. Sau đó không lâu, ông được đề bạt làm thượng tá hải quân, khi chiến tranh thì lại làm ở Cục thương vụ, đảm nhiệm vai trò tình báo quân sự trên phương diện kinh tế. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ thứ nhất kết thúc năm 1918, Dulles với tư cách là cố vấn đoàn đại biểu Mỹ đã đi Paris để tham gia hội nghị hòa bình. Năm 1919, sau khi hòa ước Versailles được ký kết, ông đảm nhiệm vai trò đại diện Mỹ trong Ủy ban bồi thường sau chiến tranh.

Những năm 20 của thế kỷ XX, Dulles lại trở lại với nghề luật sư và rất nhanh chóng trở thành một trong những luật sư quốc tế nổi tiếng nhất nước Mỹ, đồng thời ông đảm nhiệm cố vấn tài chính cho Chính phủ Anh và Pháp. Thu nhập cá nhân được liệt vào một trong mười luật sư có thu nhập cao nhất thế giới.

Năm 1939, Dulles xuất bản cuốn sách “Chiến tranh, hòa bình và những thay đổi”. Tác giả sau khi nghiên cứu nguyên nhân gây ra chiến tranh và những nỗ lực của con người chống lại chiến tranh, đã đưa ra kết luận: cách thành công để thoát khỏi chiến tranh nhất thiết phải là biện pháp có thể chuyển thành “diễn biến hòa bình”. Quan điểm này đã gây được sự chú ý của giới nhân sĩ chính trị cao cấp Mỹ. Năm 1944, Dulles trở thành Thống đốc bang New York. Từ tháng Tư đến tháng 6 năm 1945, ông chủ trì Đại hội sáng lập LHQ tại San Francisco, và được cử làm cố vấn đoàn đại biểu Mỹ.

Năm 1949, do nghị sĩ bang New York là Robert Wagner xin từ chức sau khi bị bệnh lâu ngày, Dulles đã trở thành nghị sĩ Quốc hội bổ khuyết vào ghế của Wagner. Ông ta đã từ bỏ sự nghiệp luật sư của mình để chuyên tâm theo đuổi sự nghiệp chính trị. Không lâu sau, cuốn sách nổi tiếng “Chiến tranh và hòa bình” lại ra đời. Quyển sách này đã cho thấy Dulles phản đối một cách cực đoan tư tưởng triết học và chính trị của chủ nghĩa cộng sản. Ông ta cho rằng Liên Xô là kẻ thù lớn nhất của thế giới phương Tây, chủ trương “ ngăn chặn” thế tiến công của Liên Xô.

Dù xét từ khía cạnh nào thì Dulles cũng đều là nhân vật nổi bật trên chính trường Mỹ. Ngày 21/1/1953, tân Tổng thống Mỹ Eisenhower đã bổ nhiệm ông làm ngoại trưởng. Eisenhower và Dulles tuy có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, trải qua những thăng trầm khác nhau, tính tình hoàn toàn đối lập, song Dulles lại được Eisenhower tin tưởng. Dulles tự nói rằng mình đã nghiên cứu rất tỉ mỉ sâu sắc luật quốc tế, dù đao to búa lớn thế nào cũng không vượt ra khỏi luật. Mọi người không thể đoán biết được rằng, ông tuyệt đối trung thành với tổng thống, luôn luôn thông báo trước những buổi diễn thuyết quan trọng hay những cuộc gặp quan trọng của mình cho tổng thống, để tổng thống đưa ra những quyết định cuối cùng. Vì thế, mọi người thường đặt câu hỏi rằng không biết trong những chính sách ngoại giao của Mỹ thì có bao nhiêu là của Dulles, bao nhiêu là của Eisenhower?

Sau khi đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng, Dulles trở thành người cổ vũ tích cực cho “chiến tranh lạnh”, ra sức chủ trương những thủ đoạn tiến công phi vũ trang như phong tỏa kinh tế, cô lập chính trị đối với phe Liên Xô để tiến hành “ngăn chặn”. Năm 1954, tư tưởng “báo thù trên quy mô lớn” của Dulles dần dần hình thành, chủ trương ở tất cả các nơi trên thế giới, cứ phàm là nơi Liên Xô tiến công thì phải công kích lại, “làm cho những kẻ xâm lược tiềm ẩn biết rõ rằng xâm lược chính là đạt được không bằng mất đi”.

Về vấn đề Đông Dương, quan điểm trên của Dulles được thể hiện rất rõ ràng. Đối với việc có nên sử dụng vũ lực hay không, ông còn đi xa hơn cả Eisenhower. Quan điểm này giống với quan điểm của [Arthur] Redford là Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng, thuộc “phái diều hâu”.

Ngày 11 tháng Tư, Dulles đến London, ngay tối hôm đó sau bữa ăn tối, ông ta đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Anh Eden tại Đại sứ quán Mỹ ở Anh. Eden tỏ ra như trong lòng có gai đâm. Trước đó, ngày 5 tháng Tư Churchill đã nhận được thư của Eisenhower. Eden thông báo cho Đại sứ Anh tại Mỹ là Roger Makins rằng không được phát tán thông tin về vấn đề nước Anh có tham gia “Liên minh hành động” hay không.

Eden đã nhận ra được xuất phát điểm của nhân vật thuộc phái diều hâu Mỹ là muốn đe dọa gây chiến tranh với Trung Quốc để bắt Trung Quốc ngừng việc viện trợ cho Việt Nam. Eden cho rằng giả thiết này vốn không có căn cứ. Nếu nước Mỹ sử dụng không quân để can thiệp vào chiến dịch Điện Biên Phủ, thậm chí oanh tạc sân bay quân dụng miền Nam Trung Quốc, có thể sẽ đạt được tác dụng uy hiếp nào đó, nhưng còn lâu mới đạt được việc ngăn chặn Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam mà có khi còn ngược lại. Eden khẳng định rằng, nếu việc uy hiếp quân sự Trung Quốc không thành, thì “liên minh quân sự” chỉ có hai con đường có thể đi: một là bỏ qua và không vẻ vang gì; hai là phát động chiến tranh trên quy mô lớn với Trung Quốc.

Eden cho rằng: “đối với Trung Quốc, một là thực hiện phong tỏa, hai là oanh tạc đường giao thông trong và ngoài Trung Quốc, cả hai phương án này đang được Mỹ xem xét. Nhưng kết quả nghiên cứu của các tham mưu quân đội Anh là: nếu tiến hành can thiệp quân sự, nếu so sánh với tình hình chiến tranh Triều Tiên, thì hiệu quả không có gì lạc quan. Ngược lại, làm như vậy sẽ tạo cho Trung Quốc cái cớ để lãnh đạo Trung Quốc đạt được điều ước hòa hảo với Liên Xô, dẫn đến sự can dự của Liên Xô, từ đó sẽ gây nên chiến tranh thế giới. Vì thế, không thể để quân đội Anh tham gia vào chiến tranh ở Đông Dương. Thời cơ để tiến hành chiến tranh cảnh cáo Trung Quốc còn lâu mới chín muồi. Nước Anh nếu có thể xúc tiến đàm phán ở Hội nghị Genève, để đạt được một hiệp định phân trị Việt Nam, thì so với kết quả nếu tiến hành can thiệp quân sự còn tốt hơn rất nhiều. Kết luận của Eden rất rõ ràng.

Sau khi đến London, Dulles nói với Eden rằng sự ủng hộ đối với Pháp không duy trì được nữa, cả về chính trị và quân sự đều không duy trì được. Nếu mất Đông Dương, thì tiếp theo đó Thái Lan cũng sẽ chịu ảnh hưởng, sau đó là Malaysia, Miến Điện [Burma, nay là Myanmar], Indonesia theo hiệu ứng dây chuyền. Hiện tại, chiến dịch Điện Biên Phủ đã đi vào giai đoạn cuối, quân đội Mỹ cho rằng cơ hội thành công của Pháp tại Điện Biên Phủ rất nhỏ. Can thiệp phi quân sự không thể làm thay đổi tình thế. Vì vậy, nước Mỹ đặc biệt hi vọng Anh ủng hộ các chính sách Đông Nam Á của Mỹ, Anh sẽ tích cực tham gia SEATO đang được lên kế hoạch thành lập, và phát huy tác dụng của mình. Thứ hai, Mỹ hi vọng Anh ủng hộ thái độ của Mỹ đối với chiến tranh Điện Biên Phủ, ủng hộ Mỹ một khi quyết định sử dụng chính sách can thiệp quân sự thì sẽ duy trì “liên minh hành động” với Mỹ. Tức là, Mỹ đã chuẩn bị sử dụng cả không quân và hải quân để tiến hành oanh toạc quy mô lớn nhằm vào các trận địa của quân đội Việt Nam ở Điện Biên Phủ. Nước Anh tốt nhất là có thể cử một bộ phận không quân tham gia, cho dù chỉ là mang tính tượng trưng.

Dulles nhấn mạnh, chuyện này một mình nước Mỹ làm không được, nhất thiết phải có điều kiện tiên quyết là hai nước tham gia. Một là Pháp cho Đông Dương độc lập thật sự, hai là Anh phải tham gia. Chỉ cần Anh đồng ý, Quốc hội Mỹ sẽ đồng ý cho tổng thống tiến hành can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Nam Á.

Trả lời của Eden vẫn rất điềm tĩnh nho nhã. Eden nói ông vẫn còn nghi ngờ rằng Quốc hội Mỹ có đồng ý phái quân tiến đánh Việt Nam sau khi vừa đình chiến ở Triều Tiên? Nước Anh rất có hứng thú với SEATO, nhưng không cho rằng tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á đều có hứng thú với nó. Ví dụ như: Ấn Độ, Pakistan, Miến Điện đều chưa nhất thiết phải tham gia SEATO.

Thứ hai, Eden cho rằng, một khi tiến đánh Điện Biên Phủ, sử dụng hải quân, không quân rồi, ai có thể đảm bảo rằng chiến tranh chỉ hạn chế tại đó mà không điều động thêm bộ binh?.

Eden thẳng thắn nói với Dulles, đe dọa quân sự không giúp gì cho việc giải quyết vấn đề Đông Dương, vì thế sẽ vô tác dụng. Ông nói: “Tôi không thấy được có bất kỳ đe dọa nào có thể làm cho Trung Quốc nhẫn nhục phục tùng, mà từ bỏ liên minh với Việt Nam”. Vì thế, Anh không thể tiếp nhận kiến nghị thành lập liên minh Anh, Pháp, Mỹ do Mỹ đề xuất để giải quyết vấn đề Đông Dương. Anh cũng sẽ không xem xét đến hành động quân sự trong vấn đề Đông Dương. Eden nói thêm với Dulles rằng những điều ông nói ở trên không chỉ là ý kiến của riêng ông, mà là ý kiến nhất trí của kỳ họp Nội các Anh hồi đầu tuần. Kỳ họp cho rằng trước mắt, nên tránh tất cả những đối kháng quân sự giữa phương Đông và phương Tây.

Dulles trả lời rằng bản thân ông cho rằng Đông Dương là nơi có thể can thiệp vũ trang, Quốc hội Mỹ có thể sẽ trao quyền cho tổng thống sử dụng hải quân và không quân, thậm chí cả lục quân để tiến vào Đông Dương, tiền đề chỉ là nước Anh có đồng ý cùng tham gia hay không.

Eden nói ông khó có thể tin hai điểm mà Dulles nói. Các tham mưu trưởng quân đội Anh đều nói với ông, chỉ dùng không quân và hải quân tiến vào chiến trường Việt Nam cũng không giải quyết được vấn đề. Eden nhấn mạnh, dư luận cho rằng trước khi hội nghị Genève diễn ra thì không thể để chiến tranh leo thang.

Ngày 12, Dulles và Eden hội đàm một ngày, đến chiều tối đã ký được một tuyên bố liên minh. Dulles cuối cùng cũng đã thuyết phục được Anh tham gia nhiều hơn vào các hoạt động nhằm thành lập SEATO, “xây dựng một liên minh phòng thủ”.

Ngày 13, Dulles bay sang Paris. Pháp tuy rất hy vọng có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề Đông Dương, nhưng cũng không hứng thú với đề xuất liên minh do Dulles đưa ra. Nội các Pháp đã quyết định, về vấn đề “ liên minh” thì phải xem xét kết quả của Hội nghị Genève. Pháp cũng bi quan về khả năng Anh có thể tham gia “liên minh hành động”. Ngoại trưởng hai nước Pháp, Mỹ đã liên tiếp đàm phán hai ngày nhưng không đạt được kết quả. Dulles lập tức bay về Mỹ.

Tại chiến trường Điện Biên Phủ ở Việt Nam, hơn 10.000 quân Pháp đã bị 40.000 quân Việt Nam bao vây chặt. Do sân bay Điện Biên Phủ hoàn toàn nằm trong phạm vi bị trọng pháo của quân đội Việt Nam trực tiếp khống chế uy hiếp, nên việc quân Pháp tìm cách thoát khỏi thế bao vây tại Điện Biên Phủ bằng đường không từ lâu đã không thể thực hiện được. Nhưng tìm đường rút lui trên bộ lại càng không có khả năng, vì tất cả các vùng đất xung quanh đã bị quân Việt Nam khống chế, địa thế toàn núi cao trùng điệp nên quân tiếp viện cũng không thể ứng cứu. Điện Biên Phủ ngay từ đầu đã là nước cờ chết của [Henri] Navarre - Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp.

Bắt đầu từ giữa tháng Tư, không quân Mỹ trực tiếp can dự vào chiến dịch Điện Biên Phủ. 24 máy bay vận tải C-19 của quân Mỹ hầu như ngày nào cũng bay từ Hà Nội đến Điện Biên Phủ tiếp viện từ trên không. Ngoài ra, còn một số máy bay ném bom B-26 do phi công Mỹ lái đã oanh tạc trận địa quân Việt Nam tại Điện Biên Phủ. Những phi công này, núp bóng “dân thường”, được điều từ Đài Loan sang chiến trường Việt Nam, nhưng trên thực tế họ hoàn toàn là binh lính.

Do được điều động, nên đại đa số quân nhân Mỹ không hiểu tiếng Pháp, mà những người nói được tiếng Anh trong quân đội Pháp lại ít như sao buổi sớm. Tại chiến trường Điện Biên Phủ, vấn đề giao lưu ngôn ngữ giữa Pháp và Mỹ là trở ngại lớn. Quân Mỹ thả dù vào Điện Biên Phủ không nghe hiểu những điều động và sắp xếp của chỉ huy chiến trường Pháp, đành phải dựa vào bản đồ hoặc phán đoán của mình để tiếp tế bằng hàng không. Rất nhiều đồ tiếp tế rơi vào trận địa quân Việt Nam nằm ngoài vòng vây trận tuyến. 12 giờ ngày 12 tháng Tư, một máy bay ném bom B-26 do một phi công Mỹ lái đã thả năm quả bom vào trận địa phòng ngự của Pháp, phá tan tành trận địa. Cùng ngày, lúc 2 giờ 25 phút chiều, một máy bay ném bom của Mỹ lại thả bom bên ngoài sân bay Điện Biên Phủ, làm rất nhiều quân Pháp thiệt mạng, và hơn 1.000 quả đạn pháo 105mm nổ tung.1

Trong Chính phủ Mỹ, vẫn có nhiều người ủng hộ Dulles, đứng đầu là Phó Tổng thống [Richard] Nixon. Ngày 16/4, Nixon đã tham gia bữa tiệc của Hiệp hội các nhà biên tập báo chí Mỹ và phát biểu. Ông nói: “người Việt Nam2 thiếu khả năng khống chế cuộc chiến tranh này. Bọn họ đến bản thân còn không kiểm soát được. Nếu Pháp rút quân khỏi đó, thì không đầy một tháng, Việt Nam sẽ rơi vào tay cộng sản”. Nixon cho rằng muốn huấn luyện quân đội Nam Việt thì cần phải có thời gian, nước xa không thể cứu được lửa gần. Vậy phải làm thế nào? Thứ nhất, đây không chỉ là vấn đề vật chất, tình hình đã khác so với 4 tháng trước. Hiện tại cần nhiều quân hơn nữa chiến đấu ở đó. Vấn đề là số quân này lấy từ đâu? Pháp thì không được rồi. Họ đã ngán đến tận cổ cuộc chiến tranh này, cũng giống như chúng ta đối với Triều Tiên.” Nixon chỉ ra rằng, Mỹ nên tham gia Hội nghị Genève, từ đó thay thế Pháp tham gia “công việc” ở Đông Dương.

Có đến mức phải dùng đến quân đội hay không? Nixon nói: “Dư luận cho rằng Mỹ không nên điều quân đội tới đó, nhưng nếu chính phủ cho rằng không thể tránh khỏi việc điều động quân tới đó thì chính phủ sẽ nhìn thẳng vào hiện thực, phải điều quân.”

Những phát biểu này lập tức làm dấy lên làn sóng lớn. Các nghị sĩ quốc hội liên tiếp đưa ra các chất vấn. Ngày 17, Eisenhower đang ở Georgia yêu cầu thư ký báo chí của ông là [James C.] Hagerty liên lạc với Thứ trưởng ngoại giao [Bedell] Smith, yêu cầu Smith truyền đạt đến Nixon rằng: Phó Tổng thống không có quyền nói như vậy.

Sau khi Dulles vội vàng về nước, ngày 20 tháng Tư ông ta cho mời các đại sứ Australia, Anh, Pháp, Canada, Lào, New Zeland, Philippines, Thái Lan và Chính phủ Bảo Đại - Việt Nam đến thương lượng về “liên minh hành động”. Đối với việc này, Thủ tướng Anh Churchill và Phó Thủ tướng Eden nhất trí chỉ thị Đại sứ Anh tại Mỹ là Roger Makins không được tham gia hội nghị. Do thiếu vị trí của Anh nên hội nghị đại sứ 8 nước không thành.

Như vậy là Dulles đành phải tham gia Hội nghị Genève. Ngày 23 tháng Tư, Dulles cùng Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng, Thượng tướng hải quân Redford bay đến Pháp, để tham gia Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại đây. Dulles dừng lại ở Pháp 3 ngày, sau đó trực tiếp đi Genève.

Ngay ngày đầu đến Paris, Dulles đã hội kiến Ngoại trưởng Australia [Richard] Casey đang thăm Pháp. Dulles vừa mới gặp mặt đã nói với Casey rằng, tình hình Đông Dương rất nguy cấp, sức chống cự của Pháp không lâu nữa sẽ hết. Dulles yêu cầu Australia và Anh ủng hộ Mỹ, nếu có thể tham gia “liên minh hành động” là tốt nhất. Nhà ngoại giao lão thành Casey tỏ rõ rằng, nhìn chung ông ủng hộ nước Mỹ, nhưng đối với các chính sách châu Á, Thái Bình Dương thì còn có cách nghĩ riêng của mình.

Sáng 24, Dulles hội đàm với Bidault, cuộc hội đàm bắt đầu không lâu thì Bidault đưa cho Dulles một bản điện báo vừa mới đến của Navarre. Ý kiến của Navarre là nếu không có sự viện trợ trực tiếp của không quân với số lượng lớn thì Điện Biên Phủ chắc chắn không thể cố thủ được. Nếu quân đội Việt Nam chiếm được Điện Biên Phủ, thì “ngoảnh mặt một cái”, trước khi mùa mưa đến sẽ uy hiếp vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Bidault nói, nếu rơi vào tình huống đó, nước Pháp buộc phải tìm cách đình chiến nhanh chóng ở Đông Dương, dù chỉ là đình chiến tạm thời. Còn nước Mỹ có thể thay đổi quyết định ngày 5 tháng Tư hay không, để một khi ngừng chiến không được thì vào giờ phút mấu chốt đó có thể sử dụng không quân để giúp đỡ quân viễn chinh Pháp?

Dulles biểu thị, chuyện này đối với phía Mỹ không quá khó khăn. Quan trọng là thuyết phục được Anh phối hợp nhất trí cùng với Mỹ, chỉ có như vậy quốc hội Mỹ mới có thể phê chuẩn.

Chiều cùng ngày, lúc 3h30, tại Đại sứ quán Pháp ở Mỹ, Dulles và Redford gặp mặt Eden vừa từ London bay tới.

Dulles nói với Eden: quân Pháp tại Điện Biên Phủ không thể cố thủ được nữa, trừ phi Anh, Mỹ liên minh hành động, nếu không nước Pháp sẽ phải thỏa hiệp. Tiếp đó, Dulles đưa ra điện báo cầu cứu từ Sài Gòn của Navarre - Tư lệnh quân viễn chinh Pháp, đọc một lượt cho Eden nghe. Dulles nhấn mạnh thêm lần nữa, nhiều khả năng Điện Biên Phủ chỉ có thể cố thủ thêm ba hoặc bốn ngày nữa. Trong tình hình này, nếu Anh đồng ý cùng hành động với Mỹ, Tổng thống Eisenhower sẽ tìm được sự phê chuẩn của quốc hội Mỹ cho sử dụng lực lượng không quân. Đương nhiên, “tiền đề là liên minh hành động”.

Eden hỏi, cụ thể mà nói, nước Mỹ hy vọng đạt được gì ở Anh?

Redford đáp rằng, cần phải hiệp đồng quân sự nhanh chóng, ông kiến nghị nước Anh phái một hạm đội tàu chiến hướng về vịnh Bắc Bộ.

Eden chỉ ra cho Dulles và Redford thấy rằng, về thái độ của Pháp, giữa những điều mà Chính phủ Mỹ nói và thái độ của Chính phủ Pháp đã thể hiện nhiều lần với Anh là không giống nhau. Ấn tượng của Anh là Pháp vẫn còn có thể tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Đông Dương. Ông khẳng định với hai vị khách Mỹ rằng, dựa vào lập trường kiên định của Anh, ông không thể phản hồi lập tức về London những vấn đề Đông Dương đã được thảo luận với Churchill. Đồng thời ông cho rằng, “việc đề xuất đưa không quân vào can thiệp không thể thay đổi được cục diện ở đó.”

Tiếp đó, Eden hỏi, nước Mỹ có cách nhìn như thế nào về ảnh hưởng của Trung Quốc với tình hình Đông Dương?

Redford nói, nếu không quân Mỹ tham gia chiến tranh Đông Dương, Trung Quốc cũng sẽ không tham gia vào cuộc chiến này, vì khả năng tác chiến của không quân Trung Quốc còn rất thấp. Còn về lực lượng lục quân thì cho đến này vẫn không thấy quân đội Trung Quốc ở Đông Dương. Ông còn nói, nếu không quân Mỹ tiến vào Đông Dương, Liên Xô cũng sẽ không hành động, vì hiện nay họ không muốn lại tiếp tục tham gia một lần đại chiến thế giới.

Eden hỏi Redford: “Có phải ông đã có phương án cụ thể?”

Redford trả lời: “chi viện không thể kéo dài”. Tốt nhất là nước Anh nên tham gia, phái không quân của mình từ Malaysia sang Đông Dương. Vì một khi Điện Biên Phủ thất thủ, thì sau vài ngày tình hình Đông Dương cũng sẽ khó có thể thu xếp được, ý chí đánh Pháp của các dân tộc sẽ lên đến cao trào.

Eden nói: “Nước Pháp từ trước đến nay chưa nói với chúng tôi rằng tình hình lại tuyệt vọng như vậy. Ngược lại, sáng sớm nay tôi nhận được báo cáo của Đại sứ Anh tại Mỹ nói Chính phủ Pháp thông báo với ông rằng, tình hình Điện Biên Phủ rất nguy cấp, nhưng quân đội vẫn cố thủ đến cùng. Như vậy, tướng Redford, ông có cho rằng liên minh hành động không quân Anh-Mỹ sẽ phát huy được tác dụng quyết định, giải cứu được Điện Biên Phủ hay không? Nếu làm như vậy, Trung Quốc sẽ có phản ứng như thế nào? Lúc này, xin lưu ý rằng điều ước hữu nghị giữa hai nước Liên Xô Trung Quốc vẫn tồn tại. Vì thế, vẫn còn tồn tại một khả năng như thế này: tức là nếu chúng ta đánh vào Đông Dương, có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh có quy mô lớn hơn.”

Redford đáp: “Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không tham gia chiến tranh Đông Dương. Nếu không quân Trung Quốc tham gia, không quân Mỹ sẽ oanh tạc sân bay của họ.”

Eden nói rõ rằng Mỹ thiếu sức thuyết phục về ý tưởng sử dụng quân sự một cách giới hạn để tấn công. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ cần có hành động không quân trên quy mô lớn, thì chiến tranh mặt đất cũng sẽ theo đó mà tiếp diễn, quy mô chiến tranh sẽ không thể khống chế được.

Ngoại trưởng hai nước Mỹ, Anh không có trở ngại gì về ngôn ngữ nên nói rất nhanh, chỉ cần 30 phút là đã thảo luận xong. Tiếp ngay sau đó là hội đàm ba nước Mỹ, Anh, Pháp.

Dulles phát biểu trước tiên: “Hiện tại là thời điểm vô cùng quan trọng, cấp thiết. Tóm lại là nếu Điện Biên Phủ thất thủ, Chính phủ Pháp nên dùng chính sách gì với Đông Dương? Tiếp đó, ông đọc bức điện báo vừa nhận được từ Eisenhower, kèm theo điện báo là thư của Thủ tướng Pháp, yêu cầu Chính phủ Pháp tuyên bố công khai rằng cho dù Điện Biên Phủ thất thủ thì nước Pháp cũng sẽ đánh tiếp ở Đông Dương.

Dulles nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Điện Biên Phủ, cho rằng một khi thất thủ, sẽ làm thay đổi tình thế tại miền Bắc Việt Nam. Về ý kiến của thủ tướng Pháp và của cá nhân, Bidault nói cả hai người đều hy vọng sẽ đánh tiếp. Nhưng ông không thể bảo đảm sự phản ứng của cả nước Pháp đối với việc này. Tại thời điểm cấp thiết này, ông trịnh trọng yêu cầu hai nước Anh, Mỹ nỗ lực hợp tác, sử dụng tất cả các biện pháp có thể để cứu vãn cục diện nguy cấp ở Điện Biên Phủ. Nếu không, lợi ích của “thế giới tự do” sẽ bị tổn hại.

Khi nói những lời này, giọng nói của Bidault đã lạc đi.

Eden ý thức được rằng đây là thời khắc đưa ra những quyết sách quan trọng. Ông tóm tắt lại những lời mà vừa nãy đã nói với Dulles. Sau đó biểu thị nhượng bộ. Sự tình đã đi đến thời điểm cấp thiết như vậy, ông sẽ thay đổi kế hoạch, lập tức trở về London để báo cáo với Churchill. Đề nghị Dulles và Bidault đợi hồi âm.

Hội nghị đã kết thúc, Dulles lập tức đi gặp thủ tướng Pháp Laniel. Thủ tướng Laniel nhấn mạnh với Dulles rằng, quân Pháp vẫn cho rằng chỉ cần có viện trợ không quân Mỹ với quy mô lớn là có thể giải cứu Điện Biên Phủ. Hơn nữa, quân chủ lực Việt Nam lại tập trung bên ngoài Điện Biên Phủ. Đây là một cơ hội thuận lợi để đánh bằng không quân.

Sau khi hội kiến với Laniel, Dulles nói với các nhà báo rằng, chính phủ Pháp đã chính thức đề xuất với Mỹ, yêu cầu Mỹ “can thiệp trực tiếp”.

Eden sau khi rời khỏi hội nghị đã gửi điện báo cho Churchill: “Hiện nay đã rất rõ ràng. Chúng ta nhất thiết phải đưa ra một quyết định vô cùng quan trọng, tức là nói với người Mỹ, liệu chúng ta có chuẩn bị cùng họ tham dự hành động quân sự hay không. Sự việc trọng đại, tôi sẽ trở về London tối nay để bàn bạc với các đồng nghiệp.”

10 giờ 20 tối cùng ngày, sau khi đáp máy bay về đến London, Eden đã trực tiếp đi ô tô đến số 10 phố Downing, nơi đặt Văn phòng của Churchill. Trong khi thảo luận, ý kiến của Churchill và Eden vô cùng nhất trí, đều cho rằng nước Anh nên từ chối nghĩa vụ quân sự ở Đông Dương. Ngược lại, phải nghĩ mọi biện pháp để hội nghị Genève sắp diễn ra đạt được thành quả.

Churchill đã lập tức phê chuẩn tám lập trường cơ bản của nước Anh với vấn đề Đông Dương, do Eden vừa nghĩ ra:

  1. “Tuyên bố London” mà hai nước Anh, Mỹ vừa công bố không có nghĩa là nước Anh sẽ lập tức tham gia vào mọi cuộc thương lượng để xem xét khả năng liên minh can thiệp vào chiến tranh Đông Dương.

  2. Trước khi Hội nghị Genève diễn ra, lực lượng vũ trang Anh không gánh vác hành động tại Đông Dương.

  3. Chúng tôi sẽ ủng hộ hết sức về mặt ngoại giao đối với đoàn đại biểu Pháp tại Hội nghị Genève, tranh thủ đạt được một phương án giải quyết thể diện.

  4. Chúng tôi có thể cam kết nếu Hội nghị Genève đạt được một phương án giải quyết, chúng tôi sẽ tham gia các nỗ lực chung để thực hiện hiệp nghị này, và sẽ tham gia liên minh phòng vệ tại Đông Nam Á cùng với Anh, Mỹ như đã trình bày trong “Tuyên bố London”.

  5. Chúng tôi hy vọng hiệp nghị đạt được tại Genève có thể được nhiều nước liên hợp thực hiện, và sẽ ảnh hưởng đến phần lớn khu vực Đông Dương.

  6. Nếu tại Hội nghị Genève không đạt được bất kỳ hiệp nghị nào, chúng tôi sẽ cùng thương lượng với các nước liên minh về các giải pháp liên hợp hành động nên sử dụng.

  7. Hiện tại, chúng tôi không thể đưa ra cam kết, nếu Hội nghị Genève không đạt được hiệp nghị chấm dứt tình trạng đối địch tại Đông Dương, nước Anh sẽ áp dùng biện pháp gì.

  8. Hiện nay chúng tôi phải thương lượng với Chính phủ Mỹ, một khi một phần hay toàn bộ Đông Dương bị mất, cần phải sử dụng các biện pháp bảo vệ các nước Đông Nam Á, trong đó bao gồm Thái Lan và cả Malaysia.3

Ngày 25 tháng Tư là ngày chủ nhật. Khoảng 11 giờ trưa, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Churchill, Nội các Anh họp khẩn cấp, nghe Eden báo cáo tình hình hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ và Pháp về các vấn đề Đông Dương và những vấn đề sắp diễn ra tại Hội nghị Genève. Các tướng lĩnh quân đội Anh phát biểu đầu tiên, nhận định rằng Điện Biên Phủ đã không thể cứu được cho dù có tăng thêm bao nhiêu không quân cũng vô ích.

Tiếp đó Eden phát biểu. Ông cho rằng nước Anh nên kiên quyết giữ vững lập trường, tức là, sử dụng hành động quân sự cũng không làm cho Hội nghị Genève có kết quả. Biện pháp có hiệu quả duy nhất là đạt được hiệp định ngừng chiến tại Hội nghị Genève.

Churchill đã kết luận: “Ý kiến của Eden là chính xác.”

Hội nghị nhất trí thông qua nguyên tắc lập trường tám điểm do Eden đưa ra, tuyên bố nước Anh không có ý định tham gia vào bất kỳ hành động quân sự nào tại Đông Dương, cũng không có ý định gánh vác bất kỳ nghĩa vụ quân sự nào trước khi Hội nghị Genève diễn ra. Chỉ có một điểm mà nước Mỹ có thể hy vọng là nước Anh đồng ý tham gia một số hội đàm quân sự để bảo đảm “an ninh” ở Đông Nam Á.

Hoạt động ngoại giao đã đạt đến mức cao trào nhất. Hội nghị kết thúc, Eden trở về phòng làm việc của mình tại Bộ ngoại giao, lúc 2 giờ 20, đại sứ Pháp tại Anh là [René] Massigli đến đưa cho ông một bức thư của Dulles và Bidault. Trong thư nói, Điện Biên Phủ vô cùng nguy cấp, trừ phi không quân Mỹ trong mấy ngày tới oanh tạc trận địa quân Việt Nam với quy mô lớn, nếu không Điện Biên Phủ sẽ thất thủ.

Đại sứ Pháp chỉ ra cho Eden rằng, Chính phủ Mỹ đã đưa ra bản “tuyên bố chung”, dự tính mời Pháp, Anh, Philippines và ba nước Đông Dương cùng ký kết, tuyên bố vì lợi ích chung những quốc gia này đều quan tâm đến tình thế ngày càng xấu đi ở Đông Dương, và sẽ nhất trí sử dụng những hành động quân sự tương ứng. Nếu nước Anh đồng ý ký kết, Tổng thống Mỹ sẽ yêu cầu Quốc hội phê chuẩn trao quyền. Một khi được phê chuẩn, không quân Mỹ sẽ tiến đánh trận địa Điện Biên Phủ ngày 28 tháng Tư.

Đại sứ Pháp nói, nếu Anh từ chối “liên minh hành động”, không cùng Mỹ và Pháp ký kết tuyên bố này, một kết quả có tính tai họa sẽ đến với Pháp.

Trước tình hình cấp bách như vậy, Churchill và Eden lại vội vàng triệu tập cuộc họp Nội các vừa mới giải tán không lâu vào lúc bốn giờ chiều, thảo luận tin tức mà Đại sứ Pháp vừa mang tới. Cuộc họp nhất trí quyết định, từ chối phục tùng nước Mỹ ký bản tuyên bố mà đại sứ Pháp vừa nói, đồng thời yêu cầu Eden trước khi đi dự Hội nghị Genève nói với Dulles và Bidault lập trường rõ ràng của Anh.

Khi Eden đáp máy bay xuất phát thì Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng Mỹ Redford bay từ Pháp đến London, mang theo lời nhắn của Eisenhower đến Churchill. Redford bản thân cũng hy vọng được nói chuyện trực tiếp với Churchill.

Churchill đã gặp Redford, cùng ăn tối. Ông giải thích với Redford rằng: “tình hình xảy ra tại vùng rừng núi Đông Nam Á xa xôi không thể làm ảnh hưởng đến phán đoán của nhân dân Anh một cách dễ dàng như vậy, mặc dù Anh hiểu rất rõ Mỹ có căn cứ quân sự quan trọng tại Đông Nam Á, hơn nữa lại vừa đánh trận với Trung Quốc.” Churchill nói thêm, năm 1947, Anh đã quyết định bỏ đi các vùng thuộc địa mà nước này đã đô hộ hơn 250 năm là Ấn Độ, Miến Điện. Nếu đã như vậy thì Anh tại sao lại ủng hộ nước Pháp tiếp tục chiếm lĩnh Đông Dương?4

Tối hôm đó, Redford mang bộ mặt u ám lên máy bay trở lại Washington.

1 Bernard B. Fall, Hell in a very Small Place – The Siege of Dien Bien Phu, Da Capo Press Inc., tr. 241-242.

2 chỉ miền Nam Việt Nam [Đúng ra là chính quyền Bảo Đại], TG.

3 Sir Anthony Eden, sđd, tr.116-118.

4 John Prados, sđd, tr. 122-126.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss