Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 8 - Hai phe lớn đều có nguyện vọng đàm phán

CHƯƠNG 8 - Hai phe lớn đều có nguyện vọng đàm phán

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:15, cập nhật lần cuối 30/05/2015 09:16


CHƯƠNG 8

Hai phe lớn đều có nguyện vọng đàm phán

 

Eden lại đến Genève, chính là vì muốn hoạch định cục diện thế giới mới sau chiến tranh. Hồ Leman vẫn như xưa, nhưng thế giới xung quanh nó đã thay đổi, đối thủ đàm phán cũng thay đổi. Ông hướng mắt đến Vạn Hoa lĩnh [lĩnh=đồi], chú ý đến Thủ tướng Chu Ân Lai, người dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Hội nghị Genève.

 
Chiều 25 tháng Tư, sau khi tham gia cuộc họp nội các khẩn cấp, Eden dẫn những trợ lý của mình rời London. Cuộc họp đã giao cho Eden một sứ mệnh - đó là trước khi đến Genève, thông báo cho Ngoại trưởng Pháp Bidault và Quốc vụ khanh Mỹ Dulles lập trường của Chính phủ Anh. Eden có ý không nói thẳng quyết định của chính phủ cho Đại sứ Pháp tại Anh, điều này là muốn ngầm cho Pháp và Mỹ biết rằng: quyết sách chiến lược quan trọng như vậy nên do người đứng đầu chính phủ Mỹ trực tiếp thông báo cho nước Anh.

Tùy tùng của Eden không nhiều, vốn định đáp máy bay của Pháp bay đến Genève. Nhưng không ngờ rằng, Churchill được biết những ngoại trưởng của các nước lớn khác đều đáp chuyên cơ đi Genève, nên lập tức kiên quyết điều một chiếc chuyên cơ không quân hoàng gia để Eden dùng. Phu nhân Eden là Clarissa đã đợi ở Paris để gặp ông, nên đành phải quyết định để chuyên cơ của Eden sẽ đáp tại Orly, cách Paris không xa, để đón bà lên máy bay. Đoàn Eden rời khỏi London lúc sáu giờ.

Trong đoạn đường ngắn ngủi bay đến Genève, Eden nặng nề nghĩ đến sứ mệnh mà mình phải gánh vác lần này, làm ông không thể không thở dài. Genève là thành phố mà thời thanh niên Eden đã nhiều lần đặt chân tới sau khi đi theo con đường chính trị, đặc biệt là trước và sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, Eden thường xuyên đến Genève để tham gia hội nghị “Quốc liên” (tiền thân của LHQ). Ông đã từng dốc hết toàn lực tính toán để ngăn chặn chiến tranh thế giới bùng nổ, kết quả không được như mong muốn. Ngược lại, ông phải chứng kiến: quốc vương [Kralj] Aleksandar của Nam Tư bị ám sát, đại chiến thế giới nổ ra, Ý xâm lược Ethiopia, lửa chiến tranh của châu Âu cháy lan ra toàn cầu.

Vật đổi sao dời, năm này qua năm khác, thế là đã bảy năm, Eden lại một lần nữa đến Genève. Sứ mệnh lần này vẫn là để ngừng các cuộc chiến tranh, nhưng sự việc và con người thay đổi, nguyên nhân gây nên chiến tranh và hình thức của nó không còn giống trước. Vẫn là hồ Leman xuân sắc không đổi, vẫn thu hút được vô số người.

Eden thầm tự cầu khấn cho mình: hy vọng vận may sẽ đến. Mấy ngày trước, ông thực sự rất mệt mỏi, trải qua những biến đổi kịch tính về vấn đề Đông Dương, đến nay tạm coi đã ổn. Đối với Hội nghị Genève sắp diễn ra, Eden tràn đầy hy vọng song cũng lại hoài nghi vô cùng. Ông biết rõ rằng muốn hội nghị đạt được kết quả như ý là vô cùng khó khăn. Ông lại là một người vô cùng tự tin với bản thân. Ở vị trí là Ngoại trưởng Anh, ông từng lên xuống liên tục, hiện tại chỉ ở dưới mỗi Thủ tướng Anh. Eden không ngại gian khổ, từ trước đến nay đều tự tin rằng mình là một người có khả năng giải quyết mọi việc, nói chi tới lần này quay lại thành phố hòa bình Genève.

Genève có duyên với Eden. Eden bước lên con đường ngoại giao quốc tế cũng chính từ Genève.

Robert Anthony Eden sinh ngày 12/6/1897 trong một gia đình quý tộc nông thôn ở miền Đông Bắc nước Anh. Lúc nhỏ ông đã có thiên hướng bẩm sinh về ngôn ngữ. Năm 22 tuổi ông vào học tại Viện thần học của trường Đại học Oxford danh tiếng, theo học ngành ngôn ngữ phương Đông, từng theo học và nghiên cứu chuyên ngành tiếng Batư, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Ả Rập. Ông du lịch nước ngoài cũng rất nhiều, tiếng Pháp và tiếng Đức nói cũng tương đối lưu loát.

Khi sắp tốt nghiệp đại học, Eden bắt đầu có hứng thú với chính trị. Sau khi tốt nghiệp, ông càng toàn tâm toàn ý với sự nghiệp này. Kết quả là năm 27 tuổi, ông được bầu làm nghị sĩ Quốc hội. Ông thăng tiến nhanh chóng, khi 34 tuổi, tức năm 1931, lên làm Thứ trưởng Ngoại giao. Sau khi nhậm chức, nhiệm vụ đầu tiên là đến Genève tham gia hội nghị giải trừ quân bị quốc tế một năm sau đó. Mùa thu năm 1932, Eden từ Genève trở về London, ông được cử trả lời chất vấn của Quốc hội Anh về dự thảo công ước của hội nghị giải trừ quân bị. Đối thủ tranh luận của ông chính là Thủ tướng sau này của nước Anh - Winston Churchill. Cuộc tranh luận như địch thủ tương phùng, nước lửa không thể dung hòa. Không ngờ rằng, Churchill sau khi nghe xong giải đáp và biện luận của Eden thì cảm thấy vô cùng hứng khởi, về sau cứ hẹn gặp ông để nói chuyện riêng. Vì thế đã xây dựng được nền tảng hợp tác chính trị với Eden.

Hai năm sau, Eden tham gia nội các ở tuổi 37, nhưng công việc chủ yếu của ông vẫn là lĩnh vực ngoại giao. Ông cho rằng nên cải thiện quan hệ với Liên Xô, củng cố an ninh châu Âu.

Tháng 10 năm 1935, Italia thuộc liên minh Phát xít với Đức tung trên trăm nghìn quân xâm lược Ethiopia. Ngoại trưởng Anh lúc đó là [Samuel] Hoare hợp mưu với Ngoại trưởng Pháp, yêu cầu Ethiopia cắt gần mười nghìn km vuông đất cho Italia. Yêu sách này vừa đưa ra đã gặp phải sự ngăn cản của Nội các và Quốc hội hai nước Anh, Pháp. Hoare phải từ chức năm đó.

Ai sẽ đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng? Eden được Thủ tướng [Stanley] Baldwin mời đến khu nhà số 10 phố Downing, Thủ tướng hỏi: “Ai thích hợp nhất để làm ngoại trưởng?”

“[Neville] Chamberlain” Eden trả lời.

“Ông ta đã già rồi, không sử dụng nữa.” Baldwin nói.

Eden lại nêu ra vài cái tên, song đều không được thủ tướng gật đầu. Baldwin liền mở cửa sổ nói: “xem ra ông phải đảm nhiệm chức Ngoại trưởng rồi.”

Ngày 25/12/1935, Eden đi ngựa đến nhậm chức. Lúc đó, hai nước Phát xít là Đức và Italia đang nổi lên ở châu Âu. Eden chủ trương xử lý nhưng khổ nỗi trong tay không có kế sách nào hay.

Tháng 5 năm 1937, Chamberlain đảm nhiệm chức Thủ tướng Anh, quan hệ giữa Eden và ông này ngày càng xa cách, sau này trở thành đối lập, thậm chí Eden xin từ chức vào tháng 2 năm tiếp theo.

Phát xít Đức ngày 15/3/1939 xâm lược Tiệp Khắc, tiếp đó ngày 1 tháng 9 xâm lược Ba Lan. Chiến tranh thế giới thứ thứ hai nổ ra trên toàn châu Âu. Ngày 3 tháng 9, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Tháng 5 năm 1940, Chính phủ Chamberlain đổ, Churchill lại ra làm Thủ tướng, Eden lập tức được triệu đến, ông được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng, sau đó làm Ngoại trưởng.

Trong thời gian diễn ra đại chiến thế giới lần hai, Eden luôn là trợ thủ quan trọng của Churchill. Ông đã phát huy được vai trò quan trọng của mình trong công tác ngoại giao nhằm thiết lập liên minh với Liên Xô và Mỹ để cùng đánh Đức. Churchill sớm đã xác định, một khi ông gặp bất trắc gì thì Eden sẽ đứng đầu chính phủ mới.

Churchill không ngờ được rằng, chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc, ông lại bị thất cử, [Clement] Attlee thuộc Công đảng đối lập lên nắm quyền. Khi Eden từ chức trở về quê đã nói một câu rằng ông không tin đây là điểm cuối trong sự nghiệp chính trị của ông.

Câu nói này quả nhiên đúng. Tháng 10 năm 1951, đảng Bảo thủ lại thắng cử. Churchill - con sư tử già nước Anh năm đó đã 77 tuổi, lại lên làm Thủ tướng. Eden cũng quay trở lại, lần thứ ba đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng, kiêm chức Phó thủ tướng. Trên thực tế, ông đã được nhận định sẽ là người kế nhiệm của Thủ tướng Churchill.

Lần này, tình hình thế giới lại có thay đổi lớn. Các phong trào giải phóng dân tộc nổ ra khắp nơi. Các thuộc địa thực dân của Anh trước đây dần dần độc lập. Ánh mặt trời “không bao giờ lặn trên đế quốc [Anh]” đã lặn về đằng Tây, thế bá quyền đã không còn. Eden đã có nhận thức tương đối về vấn đề này. Ông bình tĩnh xử lý một loạt công việc ngoại giao quốc tế, như đồng ý cho Ấn Độ, Miến Điện độc lập v.v.. Nhưng cũng có một số việc ông làm chưa thành công. Tháng 1 năm 1952 ở Ai Cập dấy lên làn sóng phản đối chế độ thực dân và làn sóng đó đã lên tới mức cao trào. Lúc đó, Eden với tư cách thay mặt cho thủ tướng, đã yêu cầu quân đội trấn áp. Nhân dân Ai Cập phản kháng kịch liệt. Tháng 7, một số sĩ quan trẻ trong quân đội Ai Cập đã tiến hành đảo chính, lật đổ vương triều Farouk thân Anh, và tuyên bố Ai Cập trở thành nước cộng hòa. Churchill buộc phải quyết định rút quân khỏi Ai Cập, kết thúc 70 năm thống trị của thực dân Anh tại Ai Cập.

Đầu năm 1953, Eden lâm trọng bệnh, phải đến mùa thu mới đỡ. Lúc đó, ông bắt đầu nghiên cứu tỉ mỉ các vấn đề Đông Dương và nhiều lần thương lượng đối sách với Dulles và Redford. Những cuộc hòa giải ngoại giao kinh hồn táng đởm cuối tháng Tư năm 1954, đã khiến Eden khó tránh khỏi cảm giác sức cùng lực kiệt. Nhưng ông cho rằng chính sách ngoại giao của Anh là chính xác. Nếu tiếp tục chiến tranh ở Đông Dương sẽ không phù hợp với lợi ích quốc gia của Anh, cũng không phù hợp với lợi ích châu Âu. Đình chiến tại Đông Dương đều tốt đối với hai phe lớn trên thế giới.

Lần này đi Genève, ông quyết tâm gặp gỡ thân mật với Thủ tướng mới của Trung Quốc là Chu Ân Lai, và sẽ cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Vì thế, trước khi khởi hành, ông đã lệnh cho đại biện lâm thời Đại sứ quán Anh ở Trung Quốc là [Humphrey] Trevelyan phải đến Thụy Sĩ trước khi hội nghị Genève diễn ra, để tham gia phái đoàn Anh, cùng giao lưu với các quan chức ngoại giao Trung Quốc.

Sau khi bay qua eo biển Manche, Eden dừng lại ở sân bay Orly của Pháp, không chỉ vì phu nhân của mình, mà Ngoại trưởng Pháp Bidault cũng đợi ông ở đó. Eden nói với Bidault rằng nước Anh thực sự không thể ủng hộ việc không quân Mỹ tấn công Điện Biên Phủ. Các tướng lĩnh Anh đã nghiên cứu kỹ tình hình Đông Dương, và cho rằng chiến trường Điện Biên Phủ nhỏ hẹp như vậy, điều kiện khí hậu ở chiến khu cũng vô cùng khắc nghiệt đối với tác chiến không quân, cho dù sử dụng không quân cũng không giải quyết được gì. Vì thế, nước Anh hoàn toàn ủng hộ việc tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề Đông Dương.

Sau khi nghe xong những lời của Eden, Bidault tuy có buồn nhưng thực ra cũng đã có chuẩn bị tư tưởng từ trước, vì bản thân Bộ Ngoại giao Pháp kỳ thực cũng do dự không quyết có nên cầu cứu nước Mỹ dính líu quân sự với qui mô lớn vào Đông Dương hay không. Nước Pháp luôn coi những công việc tại Đông Dương là công việc thuộc lãnh địa hải ngoại của mình, nên không muốn quốc tế hóa vấn đề Đông Dương. Khi Eden và Bidault trao đổi ý kiến với nhau, thư ký riêng của Eden là Evelyn Shuckburgh có mặt. Ông cho rằng cảm xúc của Bidault vẫn rất lý trí, tuy không tránh khỏi buồn rầu. Sau cuộc đàm thoại ngắn ngủi, Eden tạm biệt “Bidault đáng thương”.

Chuyên cơ không quân hoàng gia lại cất cánh, đưa Eden an toàn đến Genève. Máy bay trước khi đáp xuống có gặp một chút mưa gió nhưng đã mưa tạnh gió yên rất nhanh.

Sau các nghi lễ đón tiếp vô cùng thân tình, Eden đi ô tô đến khách sạn Bolivas. Đây là nơi trước kia ông thường ở tại Genève. Ông vừa mới ổn định chỗ ở thì Dulles đã vội đến hội kiến.

Dulles cũng đến Genève vào ngày 25 tháng Tư, ở tại khách sạn Hoa hồng nổi tiếng (Hotel du Rhone). Dulles không vui chút nào đối với Hội nghị Genève sắp diễn ra. Trước khi đi, ông ta đã nghiên cứu kỹ những thay đổi lớn trong quan hệ Trung-Mỹ những năm trở lại đây, quan hệ Trung Mỹ dưới thời Aitchison phát triển như thế nào, tại sao rơi vào tình trạng lạnh nhạt, trong lòng ông ta nắm tương đối rõ ràng.

Đầu năm 1949, sau khi quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đạt được thắng lợi có tính quyết định trong việc tiêu diệt hơn 1,5 triệu quân Quốc dân Đảng, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu xem xét nên đối xử như thế nào với nước Trung Quốc mới.

Tại chính phủ, một số nhà ngoại giao Mỹ chủ trương thừa nhận nước Trung Quốc mới. Trong số đó có Alan Kirk là Đại sứ Mỹ tại Liên Xô, [John Leighton] Stuart là Đại sứ Mỹ tại Nam Kinh, Wesley Jones là tham tán tại Đại sứ quán Mỹ tại Nam Kinh, Edmund Clubb là Tổng lãnh sự Mỹ tại Bắc Bình, Julius Holmes là đại biện lâm thời Mỹ tại Anh. Họ cho rằng chuyện này không nên kéo dài, nên duy trì ngoại giao với Trung Quốc mới, nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao, từ đó mà duy trì sự cân bằng nào đó giữa Trung Quốc và Liên Xô.

Từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 10 năm 1949, Chính phủ Mỹ yêu cầu 25 vị nhân sĩ thuộc các giới thảo luận những vấn đề về chính sách Viễn đông của Mỹ, trong đó có một vị phản đối công nhận Trung Quốc, còn một người khác cho rằng nên “đợi xem sao đã”. 23 người còn lại đều ủng hộ việc công nhận nước Trung Quốc mới. Khác nhau ở chỗ, có người chủ trương một khi nước Trung Quốc mới tuyên bố thành lập thì lập tức công nhận, có người lại chủ trương phải đợi cho đến khi chính quyền Quốc dân đảng hoàn toàn thất bại ở đại lục, và khi nước Trung Quốc bày tỏ ý muốn đảm nhiệm nghĩa vụ quốc tế thì mới công nhận.

Nhưng trong tầng lớp thống trị Mỹ có một thế lực công kích mãnh liệt Truman, [Clyde] Aitchison “đã để mất Trung Quốc”, yêu cầu chính phủ Mỹ không được thừa nhận nước Trung Quốc mới, và thuyết phục các nước đồng minh “đầu tiên là nước Anh” cũng không thừa nhận nước Trung Quốc mới. Thế lực này tương đối ngoan cố.

Từ tháng 5 năm 1949, Chính phủ Mỹ luôn tỏ rõ với các quốc gia khác rằng Washington không có ý định nhanh chóng công nhận nước Trung Quốc mới, cũng hy vọng các quốc gia đồng minh sẽ thương thảo kỹ với Mỹ trước khi có những hành động công nhận nước Trung Quốc mới. Trên thực tế, Aitchison định cầm trên tay con bài công nhận, đợi đến khi “cát bụi rơi xuống” (tình thế ổn định rõ ràng), khi chính quyền Quốc dân đảng bị đuổi khỏi đại lục, hơn nữa nếu có khả năng bị mất luôn Đài Loan thì sẽ mang con bài đó ra, nhằm đổi lấy một chút “tình cảm tốt” nào đó của Trung Quốc mới. Dựa vào ấn tượng của Ngoại trưởng Anh [Ernest] Bevin sau khi tiếp xúc với Aitchison vào giữa tháng 9 năm 1949, Aitchison đã xem xét rất kỹ việc công nhận nước Trung Quốc mới, nếu không phải xuất phát từ nguyên nhân chính trị trong nước thì ông có khuynh hướng nghiêng theo hướng công nhận Trung Quốc mới. Nhưng dưới sức ép của phe đối lập, Aitchison liên tiếp tung tin nói, ông không chủ trương lập tức công nhận nước Trung Quốc mới.

Đầu năm 1950, Tổng Thư ký LHQ Trygve Lie sau khi Liên Xô tẩy chay hội nghị của Hội đồng Bảo an (HĐBA), đã chuyển sang hy vọng nước Trung Quốc mới có được một ghế trong LHQ. Theo tính toán của Trygve Lie thì lúc đó trong 11 nước tham gia cuộc họp HĐBA LHQ thì có đến năm nước là Liên Xô, Anh, Nam Tư, Na Uy, Ấn Độ đã công nhận nước Trung Quốc mới, ngoài ra có tin Ai Cập cũng sẽ sớm công nhận, như vậy chỉ còn thiếu một phiếu để đạt số phiếu cần thiết là bảy phiếu để biểu quyết vấn đề này. Về sau, khi Trygve Lie tiếp xúc với Ngoại trưởng Pháp [Maurice] Schumann, ông này đã từng bày tỏ rằng nước Pháp có thể sẽ tuyên bố công nhận nước Trung Quốc mới vào đầu tháng 5 hoặc tháng 6.

Trygve Lie căn cứ vào đó mà phân tích rằng Trung Quốc không lâu nữa sẽ có đủ bảy phiếu ủng hộ để vào LHQ. Ông đã hội kiến với Aitchison vào ngày 21/1/1951. Lúc đó, trợ lý Quốc vụ khanh của Mỹ là [Dean] Rusk cũng có mặt. Rusk nói với Trygve Lie rằng, ông dự tính, trong “mấy tuần nữa HĐBA LHQ sẽ có đủ bảy nước thành viên công nhận Chính phủ cộng sản Trung Quốc, lúc đó Trung Quốc sẽ được tham gia LHQ thông qua bỏ phiếu theo trình tự.” Rusk xác nhận với Tổng thư ký LHQ rằng, quyền đại biểu của Trung Quốc tại HĐBA là một vấn đề trình tự.

Liên quan đến vấn đề vị trí của Trung Quốc tại LHQ là các chính sách Đài Loan của Washington. Quay ngược một chút về ngày 26/5/1949, Tưởng Giới Thạch trong trận chiến tại đại lục, sau khi quân bại như núi lở đã đến Đài Loan. Ngày 8 tháng 6, trợ lý vấn đề Viễn Đông thuộc Chính phủ Mỹ là [W. Walton] Butterworth đã chủ trì hội nghị thảo luận vấn đề Đài Loan. Ý kiến của đa số là tình hình Đài Loan cũng như chính quyền này tại đại lục đều “hết thuốc chữa”. Một số lượng lớn nhân viên chính phủ và quân đội tiến vào Đài Loan chỉ có thể dẫn đến sự sụp đổ của hòn đảo nhỏ này. Sự sụp đổ của Đài Loan chỉ còn là vấn đề thời gian, nước Mỹ tốt nhất là nên thoát thân khỏi Đài Loan, nên khoanh tay bàng quan với tình hình ở đó.

Ngày 23/12/1949, Đại sứ của Chính phủ Quốc dân đảng tại Mỹ là Cố Duy Quân yêu cầu Mỹ viện trợ quân sự cho lãnh đạo Đài Loan. Chính phủ Mỹ không có hứng thú với việc này, nên ngày 23 tháng 12 đã phát đi “Văn kiện chính sách tuyên truyền - Đài Loan” liên quan đến những vấn đề Đài Loan. Văn kiện nói rằng, phải đặt ra một sách lược, một khi Đài Loan bị quân đội cộng sản Trung Quốc chiếm đánh thì phải giảm nhẹ những đả kích đối với uy tín của Mỹ, và nhấn mạnh Đài Loan về mặt lịch sử cũng như địa lý là một phần của Trung Quốc.

Ngày 5/1/1950, Tổng thống Mỹ Truman đã lên tiếng phát biểu: Tuyên ngôn Cairo và tuyên ngôn Potsdam đều quy định Đài Loan trả về cho Trung Quốc. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Tưởng Giới Thạch đã tiếp quản Đài Loan. Trong bốn năm qua, Mỹ và các nước đồng minh đều tiếp nhận quyền lực của Trung Quốc đối với Đài Loan. Truman bày tỏ rằng, nước Mỹ hiện tại không có ý muốn giành đặc quyền hay xây dựng căn cứ quân sự tại Đài Loan, sẽ không sử dụng lực lượng vũ trang để can thiệp tình hình hiện tại.

Chiến tranh Triều Tiên nổ ra đã làm cho những chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc thay đổi rõ rệt. Nước Mỹ không chỉ nhanh chóng tiến vào chiến trường Triều Tiên, mà còn phái Hạm đội Bảy tiến vào eo biển Đài Loan, buộc các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch tác chiến giải phóng Đài Loan theo như dự tính. Tháng 11 năm 1950, quân Mỹ tiến vào miền Bắc Triều Tiên và tiêu diệt nhiều chí nguyện quân Trung Quốc. Trong phạm vi quốc tế, nước Mỹ đã sử dụng toàn bộ những chính sách thù địch đối với nước Trung Quốc mới, Dulles chính là đại biểu điển hình cho những chính sách thù địch này.

So với Ngoại trưởng Pháp Bidault, Dulles có kinh nghiệm ngoại giao cao hơn một bậc, thể hiện rõ là một tay lão luyện, ông ta cậy mình ở thế nước lớn cường thịnh, có thể vênh mặt sai khiến. Trong thâm tâm, ông ta không hề hy vọng hội nghị Genève sẽ diễn ra như đã định, nhưng cũng không thể không có sự chuẩn bị.

Chính phủ Mỹ rất có kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề quốc tế, mỗi công việc đều có tính trình tự nghiêm ngặt. Những quan chức và chuyên gia có liên quan đến vấn đề châu Á đã sớm có sự chuẩn bị đối với Hội nghị Genève. Nhóm quan chức này, do người phụ trách các vấn đề Viễn Đông thuộc chính phủ là Butterworth đứng đầu, ngày 22 tháng 3 đã soạn thảo tài liệu “Những lập trường mà Pháp có thể đưa ra tại Hội nghị Genève”. Ngày 24 tháng 3 đã hoàn thành những văn kiện cơ bản là “Những lập trường mà Liên Xô và Trung Quốc có thể sử dụng tại Hội nghị Genève”, và “Lập trường của Mỹ tại Hội nghị Genève”.

Những văn kiện trên nêu phán đoán về lập trường cơ bản của hai nước Liên Xô và Trung Quốc tại Hội nghị Genève là: “Liên Xô cần thời gian để củng cố chính quyền quốc gia về cả mặt chính trị và kinh tế. ĐCS Trung Quốc cũng cần thời gian để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quy mô lớn, và tránh tất cả những trở ngại có thể xẩy ra làm chậm tiến trình này”. Văn kiện xác định rõ lập trường cơ bản của Mỹ là “trong tiến trình của Hội nghị phải tận dụng tất cả khả năng để Chính phủ Pháp tiếp tục thực hiện “Kế hoạch Navarre”, và thực thi hiệp định được ký giữa Pháp và Mỹ vào tháng 9 năm 1953”; đồng thời, giữ nguyên hiện trạng ở Triều Tiên.

Dù đã có một loạt các văn kiện chuẩn bị, trong lòng Dulles vẫn không yên, song cũng không quá hoang mang.

Buổi chiều sau khi đến Genève, Dulles đã hội kiến Sulzberger của “New York Time”. Hội nghị Genève không thể thiếu Sulzberger. Ông là một nhân vật “bão táp” của diễn đàn quốc tế. Giữa tháng Tư, ông đã đến Paris, ngày 12 tháng Tư đã cùng ăn trưa với Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp [Paul] Ely. Trong tâm trạng đầy mâu thuẫn, Ely nói với Dulles tại bàn tiệc rằng nước Pháp quyết không để mất Điện Biên Phủ. Mảnh đất này không có giá trị gì về quân sự, chỉ có một chút tác dụng quân sự khi ngăn chặn quân Việt Nam tiến vào Lào năm ngoái. Nhưng hiện tại, nó đã trở thành một biểu tượng chính trị vô cùng quan trọng. Vì vậy nên chúng tôi không tiếc bất kì giá nào để bảo vệ nó. Hiện tại, không thể giải cứu Điện Biên Phủ bằng đường bộ.

Tối 14 tháng Tư, Sulzberger đã gặp Dulles khi ông này đang ở thăm Pháp. Dulles vừa uống Whisky pha soda vừa nói: “Khi ở Hội nghị Berlin, chúng tôi đã dự liệu rằng, nếu đưa vấn đề Đông Dương vào chương trình nghị sự của Hội nghị Genève thì sẽ thúc đẩy các ĐCS ở Đông Dương tăng cường các hành động quân sự để gia tăng địa vị đàm phán của mình. Tình hình quả là không ra ngoài dự liệu, họ không tiếc những tổn thất lớn nhất để dốc sức tiến lên.”

Chiều 25 tháng Tư, Dulles và Sulzberger lại gặp mặt nhau tại Genève. Dulles nói với Sulzberger rằng ngoài việc tham chiến, Mỹ đã sử dụng tất cả các chương trình viện trợ để giúp những người Pháp đang chiến đấu gian khổ tại Đông Dương. Trong tương lai trước mắt vẫn chưa dự liệu được rằng Mỹ có nên bước qua giới hạn để tham chiến hay không. Nước Mỹ không hy vọng Đông Dương bị mất, nhưng thực tế là có lúc, có những việc mà chúng tôi không mong muốn lại vẫn cứ xảy ra. Chính sách của Chính phủ Mỹ là tránh giao tranh.1

Miệng thì nói như vậy, nhưng trong lòng Dulles lại hy vọng nước Anh sẽ sử dụng cách làm giống Mỹ, ủng hộ Mỹ can thiệp vũ trang vào Đông Dương. Vì vậy, ông rất nóng ruột chờ cuộc hội kiến với Eden.

Tối đó, trong cuộc hội kiến, Eden đã bình thản thông báo với Dulles kết quả cuộc họp Nội các Anh chiều cùng ngày. Dulles không trả lời tại sao ông ta không trực tiếp thương lượng với Ngoại trưởng Anh về việc này. Ông nói: “Xem ra chúng ta thực sự không cùng chung cơ sở chính trị trong sử dụng quân sự”. Thậm chí ông ta còn nói một câu rằng bản thân ông ta cũng cho rằng oanh tạc với quy mô lớn cũng không cứu được Điện Biên Phủ.

Đêm đã khuya, Thư ký riêng của Eden, là Evelyn Shuckburgh, sau khi tham gia cuộc hội đàm giữa hai Ngoại trưởng Anh, Mỹ đã trở về phòng riêng để viết nhật ký, nêu những ấn tượng của ông đối với cuộc đàm thoại của Dulles:

  1. Dulles trong lòng vẫn không thực sự hy vọng tiến hành oanh tạc, ông ta thừa nhận Điện Biên Phủ cuối cùng cũng sẽ mất.

  2. Ông ta quan tâm đến những ảnh hưởng đối với Pháp trong trường hợp bị mất Điện Biên Phủ.

  3. Ông ta không phản đối xem xét sử dụng biện pháp phân chia giới tuyến nhưng lại cho rằng nếu nước Pháp để mất Điện Biên Phủ thì việc phân chia giới tuyến cũng không biết bàn từ đâu.

  4. Vì vậy, ông ta muốn đem đến cho người Pháp “hy vọng được ủng hộ” để họ có thể đánh tiếp.

  1. Chúng ta nên làm thế nào? Chúng ta đã bảo đảm, nỗ lực đạt được một hiệp định giải quyết vấn đề này.

  2. Liệu chúng ta có nên làm nhiều việc hơn nữa để cổ vũ người Pháp?

  3. Điều này được quyết định bởi việc chúng ta có thể dùng hiệu suất và tốc độ nào để tiếp xúc với người Trung Quốc, để tiến hành đàm phán về vấn đề Đông Dương. Nếu chúng ta có thể bắt đầu đàm phán ngay lập tức, đưa ra phương án, đàm phán nhiều lần phương án này, thậm chí bao gồm cả đe dọa rằng người Mỹ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, thì chúng ta có thể hoàn toàn biết được người Trung Quốc rốt cục muốn bàn cái gì.

  4. Đây sẽ là một ván bài Tu-lơ-khơ, chúng ta không thể không cố hết sức để làm cho người Pháp có thể đối mặt được với tất cả.

Trước mắt, đoàn đại biểu Anh nên làm gì? Kết luận của Shuckburgh là:

  1. Căn cứ vào ý của Bidault - bất kể bọn họ thế nào, chúng ta vẫn cần phải xác định rõ ràng lập trường tư tưởng;

  2. Tận dụng hết khả năng để sớm tiến hành thảo luận với người Trung Quốc hoặc người Nga về vấn đề Đông Dương.2

Sự thực là vào lúc này, tại bờ kia của Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Eisenhower đang cân nhắc khả năng sử dụng không quân để oanh tạc vào trận địa của quân đội Việt Nam ở Điện Biên Phủ. Tối 25 tháng Tư, ông ta kết thúc kỳ nghỉ tạm thời tại Kentucky để trở về nhà Trắng. Việc đầu tiên của ông chính là đọc những bản báo cáo vừa được gửi tới từ Paris và London. Eisenhower cảm thấy thất vọng về quyết định của Anh. Nhưng là một chính trị gia, ông vẫn rất bình tĩnh. Ông thừa nhận: “Tôi rất thất vọng, nhưng tôi tin tưởng vào Thủ tướng Churchill và Chính phủ Anh. Vì vậy tôi tiếp nhận quyết định của họ, tin rằng quyết định này là đúng đắn, và nó đã phản ánh được phán đoán chính xác nhất của họ, tức là biện pháp nào là có lợi nhất cho nước Anh. Xét về mặt quan điểm của họ, quyết định đó cũng có lợi nhất cho thế giới tự do.” Căn cứ để Eisenhower đưa ra phán đoán là: cho dù là trong thế giới phương Tây, việc nước Mỹ muốn tìm kiếm những quan điểm ủng hộ sử dụng vũ trang tại Đông Dương cũng không phải là dễ dàng.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Australia Casey, khi đó đã đến Genève, cũng đã đưa ra phán đoán riêng của mình về vấn đề mà Eisenhower đang xem xét. Ông viết trong nhật ký rằng: “Tôi cho rằng Mỹ dự định sử dụng hành động quân sự là sai lầm, vì:

  1. Nó không thể ngăn chặn sự thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ.

  2. Không có được sự ủng hộ của LHQ.

  3. Nó sẽ đẩy chúng ta phải hứng chịu sự phản đối của dư luận thế giới, nhất là dư luận châu Á.

  4. Nó sẽ đẩy Australia vào thế đối lập với Trung Quốc mới.

Nó sẽ gây nguy hại cho Hội nghị Genève.

1 C. Sulzberger, sđd, tr. 260-266.

2 E. Shuckburgh, Descent to Suez, Diaries 1951-1956, published by Weidenfeld & Nicolson, London 1986, tr. 176-177.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss