Friday, April 26, 2024

10 ngàn người Việt Nam đến Thái Lan dự Thánh Lễ Đức Giáo Hoàng

BANGKOK, Thái Lan (NV) – Có tới 10,000 người Việt Nam sang Thái Lan tham dự Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng Francis chủ tế nhân dịp vị chủ chăn Giáo Hội Công Giáo La Mã tông du ba ngày, từ 20 đến 22 Tháng Mười Một, tại vương quốc Đông Nam Á này, theo VietCatholicNews.

Thánh Lễ được tổ chức tại sân vận động quốc gia Thái Lan ở Bangkok, hôm Thứ Năm, 21 Tháng Mười Một.

Theo tường thuật của kênh YouTube Nửa Vòng Trái Đất TV, nhiều người không có vé vào bên trong để được tận mắt nhìn Đức Giáo Hoàng vẫn chấp nhận ngồi bên sân vận động phụ kế bên, để xem lễ qua màn ảnh truyền hình.

Trước 60,000 người tham dự Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng Francis nhấn mạnh: “Một tông đồ truyền giáo không phải là người làm công trong việc rao giảng niềm tin hoặc một đi tìm những người tân tòng, mà là một hành khất khiêm nhường, cảm thấy thiếu vắng anh em, cha mẹ, những người mà mình có thể chia sẻ món quà hòa giải mà Chúa ban cho tất cả chúng ta.”

Nhân dịp này, nhiều giáo dân Việt Nam bày tỏ mong muốn Đức Giáo Hoàng sớm thăm Việt Nam.

Cô Dương Thanh Tâm, một giáo lý viên thuộc giáo xứ Lạng Sơn, quận Gò Vấp, Sài Gòn, nói với Nửa Vòng Trái Đất TV rằng: “Nói đến việc Đức Giáo Hoàng đến Việt Nam thôi mà tôi đã nổi da gà rồi. Điều này sẽ là sự bất ngờ cho chúng tôi. Mặc dù giữa Việt Nam và Vatican còn một số khác biệt, nhưng tôi vẫn có niềm tin, và đối với Chúa, không có gì là không thể.”

Seour Trần Thị Liên Hoan, thuộc Dòng Trưng Vương, Bùi Môn, Hóc Môn, nói thêm: “Đức Giáo Hoàng mà đến Việt Nam thì sẽ là một vinh dự, mối quan hệ giữa hai bên sẽ tốt hơn, Việt Nam mình sẽ có nhiều ưu đãi hơn.”

Từ trước tới nay, chưa bao giờ có đức giáo hoàng nào đến thăm Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam và Vatican chưa có quan hệ ngoại giao chính thức.

Tân Tổng Giám Mục Nguyễn Năng (phải) gặp Đức Giáo Hoàng Francis. (Hình chụp từ YouTube Giáo Phận Phát Diệm)

Mới đây, Hà Nội đồng ý để Vatican mở văn phòng thường trực tại Việt Nam, bước khởi đầu cho quan hệ ngoại giao giữa hai bên.

Trước đó, vào lúc 6 giờ chiều Thứ Tư, 20 Tháng Mười Một, các giáo dân Việt Nam tham dự một Thánh Lễ tại tại nhà thờ Thánh Don Bossco ở Bangkok, theo VietCatholicNews.

Thánh Lễ do Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, tổng giám mục Tổng Giáo Phận Huế kiêm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chủ tế.

Cùng đồng tế với Tổng Giám Mục Nguyễn Chí Linh có Giám Mục Đặng Đức Ngân, giám mục Giáo Phận Đà Nẵng; Giám Mục Nguyễn Văn Khôi, giám mục Giáo Phận Qui Nhơn; và Giám Mục Đỗ Mạnh Hùng, giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn, cùng hàng trăm linh mục thuộc 27 giáo phận của Việt Nam.

Sau đó, tất cả cùng đi đến một nơi để dự tiệc họp mặt với chủ đề “Đêm Gala Theo Chân Đức Thánh Cha.”

Video của Giáo Phận Phát Diệm cho thấy có sáu giám mục khác như tân Tổng Giám Mục Nguyễn Năng của Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Giám Mục Vũ Đình Hiệu của Giáo Phận Bùi Chu, Giám Mục Nguyễn Thái Hợp của Giáo Phận Hà Tĩnh, Giám Mục Nguyễn Đức Cường của Giáo Phận Thanh Hóa, và Giám Mục Nguyễn Văn Yến, nguyên giám mục Giáo Phận Phát Diệm, cũng sang Thái Lan nhân sự kiện trọng đại này.

Trong ngày Thứ Năm, các giám mục Việt Nam có đến chào Đức Giáo Hoàng Francis.

Tân Tổng Giám Mục Nguyễn Năng nói với Đức Giáo Hoàng: “Cầu mong được đón Đức Thánh Cha tại Việt Nam. Xin Chúa ban cho ngài nhiều hồng ân để lãnh đạo dân Chúa.”

Lên án tình trạng buôn người 

Trong chuyến tông du này, Đức Giáo Hoàng Francis cũng lên án tình trạng buôn người tại Thái Lan.

Theo nhật báo The Bangkok Post, hôm Thứ Năm, trong bài diễn văn đọc trước mặt Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha tại Dinh Thủ Tướng, mặc dù khen ngợi các cố gắng của chính phủ vương quốc Thái Lan trong việc ngăn chặn tình trạng buôn người, vị chủ chăn Giáo Hội Công Giáo La Mã kêu gọi thế giới quyết tâm bảo vệ phụ nữ và trẻ em, “những người đang bị lạm dụng qua nhiều hình thức bóc lột, nô lệ, và tình dục.”

Từ trái, Giám Mục Đỗ Mạnh Hùng, Giám Mục Đặng Đức Ngân, Tổng Giám Mục Nguyễn Chí Linh, và Giám Mục Nguyễn Văn Khôi cùng một số giáo dân và tu sĩ chụp hình tại nhà thờ Thánh Don Bossco ở Bangkok. (Hình: Giáo Phận Đà Nẵng)

Đức Giáo Hoàng kêu gọi mọi người tìm cách “ngăn chặn tận gốc tội ác này và tìm cách khôi phục phẩm giá.”

“Tương lai các dân tộc chúng ta có liên quan đến hành động của chúng ta, bảo đảm một tương lai có giá trị cho con em chúng ta,” Đức Giáo Hoàng nói.

“Tôi hy vọng mỗi quốc gia tìm ra phương cách hiệu quả để bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền cho di dân và người tị nạn, những người đang gặp nguy hiểm, bất định, và bị lạm dụng, trong khi đi tìm tự do và muốn có một cuộc sống đàng hoàng cho gia đình họ,” Đức Giáo Hoàng nói thêm.

Tình trạng buôn người tại Thái Lan 

Liên Hiệp Quốc coi Thái Lan là kinh đô của buôn người cũng như là nơi phát sinh tình trạng lao động cưỡng bách và nô lệ tình dục, có những đường dây buôn người cả trong nước lẫn ngoại quốc, vẫn theo The Bangkok Post.

Liên Hiệp Quốc còn cho biết di dân từ các quốc gia lân cận như Lào, Miến Điện, Cambodia, và Việt Nam, nhất là phụ nữ và trẻ em, thường bị lôi cuốn vào các đường dây buôn người ở các thành phố của Thái Lan.

Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng quy trách nhiệm rằng Thái Lan thất bại trong việc ngăn chặn tình trạng buôn người, chủ yếu đưa phụ nữ và trẻ em vào các động mại dâm hoặc các công ty đánh bắt thủy hải sản.

Chính phủ Thái Lan, trong khi đó, luôn nói rằng họ đạt nhiều tiến bộ trong việc ngăn chặn buôn người và hứa hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc này.

Đối với Đức Giáo Hoàng Francis, ngăn chặn buôn người là một trong những ưu tiên của ngài, kể từ khi còn là tổng giám mục Tổng Giáo Phận Buenos Aires ở Argentina.

Dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng, Vatican tổ chức nhiều hội nghị về buôn người, mời nhiều phụ nữ từng bị làm nô lệ tình dục đến nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm.

Mặc dù mại dâm là bất hợp pháp tại Thái Lan, cảnh sát địa phương hầu như không áp dụng luật triệt để, và doanh thu của kỹ nghệ này tương đương 3% tổng sản lượng quốc gia.

Thánh Lễ cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Francis tại Thái Lan trước khi đi Nhật. (Hình: Paula Bronstein/Getty Images)

Chương trình tại Thái Lan trước khi đi Nhật 

Ngày Thứ Tư, 20 Tháng Mười Một, sau 11 giờ bay, xuất phát từ Rome, Ý, Đức Giáo Hoàng Francis bước xuống phi trường Don Muang, Bangkok, được Seour Ana Rosa Sivori đón tại cầu thang máy bay.

Seour Sivori là em họ của Đức Giáo Hoàng, sống ở Thái Lan 54 năm qua, và đang điều hành một trường học ở Udon Thani.

Seour Sivori cũng là người thông dịch cho Đức Giáo Hoàng trong ba ngày tông du ở Thái Lan.

Đón Đức Giáo Hoàng ở phi trường còn có các giới chức cao cấp của Thái Lan như Tướng Surayud Chulanont, Phó Thủ Tướng Somkid Jatusripitak, Ngoại Trưởng Don Pramudwinai, và các thành viên Hội Đồng Giám Mục Thái Lan.

Ngày hôm sau, trước khi cử hành Thánh Lễ tại sân vận động, ngoài thủ tướng, Đức Giáo Hoàng cũng gặp Quốc Vương Maha Vajiralongkorn của Thái Lan tại cung điện hoàng gia Amphorn, và gặp Đức Tăng Thống Somdej Phra Maha Muneewong, người đứng đầu Giáo Hội Phật Giáo Thái Lan, tại chùa Ratchabophit trong khu phố cổ của Bangkok, và đi thăm bệnh nhân và người khuyết tật tại bệnh viện Công Giáo Thánh Louis.

Qua ngày Thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng gặp gỡ một số tu sĩ Công Giáo,  các giám mục Thái Lan, các giám mục thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, gặp riêng các tu sĩ Dòng Tên, và chủ tế Thánh Lễ cho giới trẻ Thái Lan tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời (the Cathedral of the Assumption).

Đây là lần thứ nhì một giáo hoàng đến Thái Lan.

Năm 1984, Đức Giáo Hoàng John Paul II là lãnh đạo Vatican đầu tiên đến Thái Lan.

Công Giáo bắt đầu xuất hiện tại Thái Lan cách đây 350 năm, tuy vậy, hiện chỉ có chưa tới 400,000 người Công Giáo trong số khoảng 67 triệu cư dân tại vương quốc này, theo Bangkok Post.

Sáng Thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng Francis rời Thái Lan đi Nhật, và sẽ thăm ba thành phố Tokyo, Hiroshima, và Nagasaki trong bốn ngày, theo Vatican cho biết. (Đ.D.)

MỚI CẬP NHẬT