Tài chính quốc tế

Hội đàm Alaska: Mỹ-Trung tranh cãi nảy lửa

(VNF) - Cuộc họp cấp cao trực tiếp đầu tiên của các quan chức Mỹ - Trung kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền đã bắt đầu bằng một cuộc tranh cãi nảy lửa.

Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, gồm Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị, tại Alaska vào 18/3.

Cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của các quan chức cấp cao Mỹ - Trung đã diễn ra trong sự ngỡ ngàng của giới truyền thông. Theo đó, phiên khai mạc để các quan chức phát biểu trước phóng viên dự kiến diễn ra trong 4 phút đã kết thúc sau 1 giờ 15 phút do màn "khẩu chiến" đanh thép của cả hai bên.

Hai bên liên tiếp có các bài phát biểu công khai phê phán chính sách của đối phương. Trong khi Mỹ mong muốn Trung Quốc thay đổi hành vi nếu nước này muốn thiết lập lại mối quan hệ căng thẳng hiện nay, Bắc Kinh khẳng định việc Trung Quốc sẽ thỏa hiệp là một hy vọng quá hão huyền.

Các quan chức Mỹ - Trung trong cuộc gặp cấp cao tại Alaska.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mở đầu bài phát biểu: "Chúng tôi sẽ thảo luận về những lo ngại sâu sắc của chúng tôi với các hành động của Trung Quốc, trong đó có vấn đề Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng vào Mỹ, việc Bắc Kinh gây sức ép về kinh tế đối với các đồng minh của Mỹ. Các hành vi này đe dọa trật tự dựa trên quy tắc nhằm duy trì sự ổn định toàn cầu".

Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết, Mỹ không hy vọng có xung đột với Trung Quốc, nhưng sẽ đề cao các nguyên tắc và mối quan hệ đồng minh, đối tác. 

Trong bài phát biểu 15 phút đáp lại phía Mỹ, Ngoại trưởng Vương Nghị lên án Mỹ sử dụng chiêu bài dân chủ để can thiệp vào các quốc gia khác, cáo buộc Washington đang kích động các nước chống lại Bắc Kinh.

"Mỹ sử dụng lực lượng quân sự và quyền bá chủ tài chính của mình để thực hiện quyền tài phán và đàn áp các quốc gia khác. Mỹ lạm dụng cái gọi là quan niệm về an ninh quốc gia để cản trở trao đổi thương mại bình thường và kích động một số quốc gia tấn công Trung Quốc”, ông Vương Nghị nhấn mạnh.

Bắc Kinh coi các vấn đề ở Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan là một phần công việc đối nội của mình, và khẳng định tại cuộc họp rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối sự can thiệp của nước ngoài.

Sau phần phát biểu này, các trợ lý của ông Dương Khiết Trì mời truyền thông rời đi. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken lại cho phép họ tiếp tục ở lại để có thể trực tiếp chứng kiến cuộc đối thoại giữa quan chức cấp cao hai nước.

Tiếp đó, ông Blinken phân tích chính phủ Mỹ cam kết dẫn đầu về ngoại giao nhằm thúc đẩy lợi ích của Mỹ cũng như củng cố trật tự quốc tế dựa trên pháp luật.

“Hệ thống đó không phải là trừu tượng. Nó giúp các nước giải quyết những bất đồng một cách ôn hòa, phối hợp các nỗ lực đa phương một cách hiệu quả và tham gia vào thương mại toàn cầu với sự đảm bảo rằng mọi người đều theo cùng hệ thống luật lệ”, ông Blinken tuyên bố.

Phía Mỹ khẳng định sẵn sàng làm việc với Trung Quốc trên các vấn đề như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19. Ngoại trưởng Mỹ Blinken đồng thời bày tỏ mong muốn Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng với Triều Tiên để thuyết phục nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Buổi hội đàm đầu tiên hầu như thiếu vắng sự đồng thuận giữa Mỹ và Trung đã khép lại bằng lời chỉ trích đanh thép phía ông Dương Khiết Trì: "Mỹ không đủ tư cách để yêu cầu một cuộc hội đàm với Trung Quốc từ vị thế của một nước lớn mạnh".

Cuộc đàm phán kéo dài hai ngày tại Alaska dự kiến sẽ kết thúc trong ngày 19/3 theo giờ địa phương.

Xem thêm >> Mỹ-Trung căng thẳng đỉnh điểm sát thềm cuộc gặp cấp cao tại Alaska

Tin mới lên