“Họa may gặp những gì, họa may”

Lưu trọng Văn

Nam Nguyen

Một đời thơ, một tài năng thơ bị thể chế lãng quên, thơ ông đau buốt phận người. Bài viết làm bao người đọc xúc động!

Xưởng và Quân là bạn học phổ thông với Láu dẫn gã từ Đồng Hới về làng chài Hải Ninh tìm Láu. Xưởng bảo xưa bọn học trò là dân làng chài này giàu nhất lớp, đi học bằng xe đạp, đi dép nhựa Tiền phong có quai. Ấy vậy mà họp lớp vừa rồi, Láu ông bố 11 đứa con còm nhom ngồi xe hơi loay hoay hoài không biết mở cửa ra. Quân kể, Láu cầm quả măng cụt không biết ăn thế nào, Quân chọc, mi bổ đôi ra khều cái ruột trắng rất độc vứt đi, cạp cái vỏ. Rứa mà thằng Láu tin…

Láu không có nhà chả rõ đi… mô. Bọn gã tìm Láu do gã nghe Quân hỏi gã, “ở Quảng Bình ni ông biết nhà thơ ăn mày Dương Ánh Dương không?” Quân đọc mấy câu thơ của nhà thơ có nghề ăn mày đó:

“Tôi như lạc giữa thực mơ

Họa may gặp lại bên bờ sông than

Mưa khóc, gió nổi, trăng tàn

Họa may gặp được muôn vàn thương yêu.

Thôi thôi, đừng lắm lắm điều

Họa may chỉ có những chiều lâm ly

Tôi đành xách gói ra đi

Để họa may gặp những gì, họa may.”

Gã bật nổi da gà khi nghe câu:

“Hoạ may gặp được muôn vàn yêu thương”

và hai câu kết:

“Tôi đành xách gói ra đi

Để họa may gặp những gì, họa may.”

Gã bảo, đi kiếm gặp chàng thi sĩ ăn mày ấy ngay đi! Quân bảo, ông chết vì đói hơn 20 năm rồi. Gã bảo, vậy ta kiếm mộ thắp nén nhang. Quân bảo, nghe thằng Láu có lần kể có biết nhà vợ của nhà thơ ăn mày này.

Tìm nhà Láu là vậy.

Gã hỏi Quân “vì sao biết nhà thơ này làm nghề ăn mày”. Quân bảo, nghe anh em Hội Văn nghệ tỉnh kể có nhận được đơn xin làm hội viên của Dương Ánh Dương, phần nghề nghiệp ghi “ăn mày”, phần địa chỉ ghi “không có nhà, nhưng thỉnh thoảng ngủ dưới gầm cầu Dài và các chợ”.

May quá không cần gặp Láu mà hỏi dân làng chài Hải Ninh từ già đến trẻ, ai ai cũng biết ông Ánh Dương tên thật là Dương Thân Mật, mần thơ và mần… ăn mày. Trong cách trả lời, gã cảm nhận bà con tự hào làng chài của mình có một ông mần thơ lắm, bất chấp ông cũng mần nghề ăn mày.

Thế rồi bọn gã tìm được nhà của ông. Thế rồi, bọn gã len lỏi con đường cát trắng giữa rừng phi lao rì rào sóng biển thắp nén nhang trên mộ ông. Ngôi mộ làm theo một bức vẽ ông vẽ dặn vợ, nếu ông chết giữa đường, giữa chợ bất chợt thì tô màu xanh dương cùng vòng tròn âm dương trên mộ ông.

Bà Chuỗm người đàn bà nhiều năm chung sống với ông kể những gì bà biết qua chính bà và qua những bạn rượu, bạn thơ của ông.

Ông Dương Thân Mật quê Bố Trạch, Quảng Bình, đi lính trận ở Khe Sanh, Quảng Trị, học sư phạm văn rồi thành anh giáo dạy văn. Ông dạy văn được đám học trò yêu lắm vì ông luôn hướng tâm hồn lũ học trò đến vầng ánh dương - Mặt giời. Có lẽ vì vậy khi mần thơ ông lấy tên là Dương Ánh Dương. Ông lấy vợ một cô gái xinh đẹp, nhưng rồi không biết ai rủ rê vợ ông bỏ ông vượt biên. Ông rất đau khổ, đồng thời nỗi đau khổ nhân lên gấp bội khi người ta quy kết ông tiếp tay, dẫn đường cho kẻ vượt biên phản bội Tổ quốc, người ta không cho ông dạy học nữa vì “không xứng đáng.”

Thế là ông đến biển miền Trung xin làm nghề đi biển đánh cá. Một lần ông bị ngã đập đầu vào mỏ neo phải đi cấp cứu. Chủ tàu đánh cá biết Chuỗm, cô gái nghèo quê làng chài Hải Ninh, cùng quê Quảng Bình với ông đang làm thuê ở cảng cá, bèn thuê cô tới bệnh viện chăm sóc ông với lương 600.000 đ/ tháng. Chuỗm chăm sóc ông được ba tháng thì chủ tàu hết tiền, cô tính bỏ đi, ông bảo, nếu em không chê tôi thì tôi xin làm chồng em để trả công em chăm sóc tôi. Và thế là nên vợ nên chồng. Thương vợ bươn chải vất vả nuôi kẻ thương tật, ông bỏ nhà đi ăn mày. Lâu lâu lại về dúi tiền và dúi cả… thơ nữa cho vợ.

Bà Chuỗm cho gã xem những gì ông chồng ăn mày để lại, một nhúm huân chương và một nhúm… thơ.

Bút Rơi

Tôi về tìm lại bạn tôi

Lầu cao. Không có ai ngồi trước hiên

Tôi như điên, tôi tưởng điên

Đừng mở cửa, để ưu phiền cho tôi

Bạn mời,

đâu phải là mời

Ra về ghi lại,

bút rơi nửa chừng.

Chắt Lọc

Ta đã khóc than nhiều lắm

Mà lời khoét đất chui vô

Khóc thế mưa, cười thay nắng

Đoạn trường đọng nửa vần thơ

Thấm thoát đời người mệt mỏi

Mực hết còn lại gian nan

Tâm sự thì xin gởi lại

Phấn mòn sẽ viết bằng than

Nghèo! Biết cùng ai hoan hỉ

Thơ viết chưa trọn xuống dòng

Chắt lọc từng luồng suy nghĩ

Đời người chấm phẩy mênh mông.

Tâm sự

Trăng lặn, gió nổi bồn chồn

Ngồi bên chén rượu mà hồn lên mây

Trăng không có, hỏi sao đây

Sao thì bát ngát chén đầy, chén vơi...

Trăng không có lấy gì chơi

Một mình với rượu dưới trời lặng thinh.

Và gã nhặt những chữ thơ, câu thơ ông xin Giời, Giời cho, hay Giời xin ông, ông cho “nỏ” biết :

- Tay tôi xoè chỉ thấy da

Bạn tôi xoè tóc lửng lơ quá chừng

Nói xoè một chút là thương

Nắng xoè sắc nắng bên đường nắng phơi

- Người mà như thể là chim

Nay đây mai đó biết tìm phương nao

Đường thì thẳng, nói chiêm bao

Đất tròn mang cổ tích vào cho vuông

- Tìm người chưa phải tìm nhau

Tôi tìm ngọn gió ngồi chầu với tôi

Và:

Tôi chưa khóc mà ai khóc trước

Xin một lần thôi nấm đất chui vô

Tôi chỉ thể nằm xuống sâu một thước

Và ai xây cho một một nấm mồ

Ai đó tính viết thêm chữ “thơ” thành “nấm mồ thơ”. Ông ngóc đầu dậy bảo: thánh thần có mồ chứ thơ không có mồ.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn