“Ngay cả rắn…” – Kỷ niệm về một chuyến đi Singapore

Phuc-Eltern-Singapore-1997

Lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay gia đình tôi đến Singapore là vào mùa thu 1997. Lúc đó Phúc, con trai chúng tôi mới một tuổi rưỡi, đấy là lần đầu tiên cháu về Việt Nam. Có lẽ cũng vì sự kiện đặc biệt này mà bố mẹ cháu đã sắp xếp một lộ trình khác hẳn so với những chuyến về nước trước và sau đó: Cả nhà bay từ Berlin đến Singapore, dừng chân ở đó trong ba ngày hai đêm, theo chế độ dịch vụ Stopover của Singapore Airlines. Tiếp theo đó chúng tôi bay tiếp về Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi lấy khách sạn xong lại ra sân bay Tân Sơn Nhất đón cha mẹ tôi bay cùng ngày từ Hà Nội vào. Cả gia đình với ba thế hệ lại có thêm một chương trình cũng lên kín lịch nữa trong ba ngày ở Sài Gòn trước khi bay ra Hà Nội.

Trước khi rời Berlin, chắc cũng do nhiễm thói quen của người bản xứ ở chốn quê hương thứ hai của mình, tôi đã mượn từ thư viện thành phố tất cả những cuốn sách hướng dẫn du lịch có thể có để đọc trước về xứ sở sẽ đến. Có một câu nói mà tôi vẫn còn nhớ từ một trong những cuốn sách này là ở Singapore ngay cả rắn cũng phải mang theo mình một … cuốn sổ “Beißbuch”. Không, không phải sổ hộ khẩu, mà là một cuốn “sổ cắn”, ý của tác giả là cả rắn ở Singapore mỗi lần cắn ai đó/con nào đó cũng phải kê vào sổ để trình báo với cảnh sát. Kể cũng vui, mặc dù người Đức biết rất rõ và khâm phục thành tựu hiện đại hoá của quốc đảo này, trong hình dung của họ về Singapore vẫn phải có chút ẩn dụ rắn rết này, ừ thì cũng chẳng sai, dù sao đây cũng là một xứ nhiệt đới. Thú vị hơn nữa là người Đức, một dân tộc nổi tiếng và khét tiếng về tinh thần kỷ luật, lại tìm được một quốc gia khác còn tuyệt đối hoá kỷ cương hơn cả mình – có lẽ câu chuyện tiếu lâm về cuốn “sổ cắn” này cũng có thêm cả chức năng của một sự giải toả ẩn ức tâm lý dân tộc 🙂

Vâng, với những hình ảnh và thông tin cập nhật như vậy, tôi, một gã trai sinh ra và lớn lên ở một đất nước nhiệt đới khác, đã từ Berlin đến Singapore vào dạo đó. Tuy nhiên ngay nghiệm trải đầu tiên ở cửa khẩu sân bay Changi đã làm lung lay đến tận gốc vốn kiến thức phái sinh này. Nhà tôi và con trai tôi (cháu đi cùng hộ chiếu với mẹ) được đóng dấu nhập cảnh luôn, đến lượt tôi thì bị ách lại và hỏi thị thực nhập cảnh đâu. Xin kể thêm là do không tìm hiểu kỹ trước khi khởi hành nên chúng tôi không biết là nếu ở quá 24 tiếng đồng hồ (đại loại như vậy) thì phải xin thị thực nhập cảnh từ trước đó. Viên cảnh sát cửa khẩu cho biết tôi phải chờ, và tất nhiên là nhà tôi và cậu con trai bé bỏng, mặc dù đã chính thức nhập cảnh vào lãnh thổ Cộng hoà Singapore, cũng phải nán lại cùng bố. Một lát sau, khi hàng người làm thủ tục đã vãn, tôi cùng gia đình được dẫn vào “đồn” (thì cũng phải dùng từ này thôi, có từ nào khác đâu). Viên sỹ quan chỉ huy (tôi đoán như vậy, vì vốn tiếng Anh dạo đó còn lõm bõm hơn nhiều lần so với ngay cả trình độ vẫn hết sức khiêm tốn hiện tại) cho biết nhà tôi và cháu bé đi kèm do có hộ chiếu công vụ nên được miễn thị thực nhập cảnh, còn tôi mang hộ chiếu phổ thông nên phải có thị thực. Lại nói thêm là cả nhà tôi và tôi đều mang quốc tịch Việt Nam (đến bây giờ vẫn vậy). Nhưng do nhà tôi sang CHDC Đức cũ theo diện công nhân hợp tác lao động nên có hộ chiếu công vụ, và gần mười năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ nàng vẫn cứ sở hữu một cuốn hộ chiếu có đóng dấu “Service” đỏ chót! Nói tóm lại là khi được thông báo tình hình như vậy thì cũng chỉ biết “Sorry” và chuẩn bị tinh thần nộp phạt, hay thậm chí không được nhập cảnh nữa. Vào thời điểm đó câu chuyện con rắn ở xứ Singapore phải có sổ hộ khẩu hay “sổ cắn” đã đọc được ở Berlin trước đó chắc hẳn đã hiện về không dưới một lần trong tâm trí của đương sự. Thật không ngờ là ngay sau đó viên Officer thông báo cho tôi biết là mình được phép nhập cảnh, không phải đóng một đồng lệ phí nào, bác ấy lại còn tươi cười chúc ông và gia đình có một chuyến đi tốt đẹp ở Singapore, lần sau ông lưu ý xin thị thực trước khi nhập cảnh. Vâng, ngày nay thì đi lại trong khối ASEAN đương nhiên đều được miễn thị thực xuất nhập cảnh, bất kể anh mang hộ chiếu phổ thông hay công vụ. Nhưng trong “hoàn cảnh lịch sử” của gần 20 năm trước, quyết định như vậy của nhà chức trách cửa khẩu ở một quốc gia nổi tiếng kỷ cương nhất hành tinh không phải là một điều hiển nhiên.

Phuc-Singapore-1997

Ba ngày hai đêm ở Singapore hầu như chúng tôi không có một lúc nào nghỉ ngơi. Với tinh thần tận dụng thời gian triệt để của bà chủ gia đình, cả nhà hết đi Tour xe buýt tham quan thành phố, xem Viện Bảo tàng Quốc gia, đi tàu cáp treo, tham quan công viên hoa phong lan đến thăm bể cá dưới biển, tham gia một chuyến Night Safari v.v. và v.v., anh cu con đương nhiên lúc nào cũng có mặt cùng, hoặc được mẹ bế, hoặc ngồi trên xe đẩy. Dạo đó tôi rất chăm chỉ quay phim, bây giờ vẫn còn giữ hàng tiếng đồng hồ tư liệu video, có dịp xem lại chắc sẽ được sống nguyên cảm giác ngây ngất của dạo đó. Hai ấn tượng bao trùm lớn nhất từ chuyến đi này đối với tôi là hình ảnh phố xá với các toà nhà chọc trời mà trước đó mình chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy và các cảnh sinh hoạt, ăn uống ở các khu phố người Hoa. Oskar Negt, một nhà xã hội học Đức, có viết đâu đó về “die asiatische Moderne” – về xã hội hiện đại Á đông – với đức tin về tiến bộ vô tận và tinh thần lạc quan cố hữu của nó, như là đối trọng với một châu Âu già cỗi, bi quan, “hậu hiện đại”. Có lẽ đây cũng là cảm nhận lớn nhất của tôi trong chuyến đi lần đó ở Singapore, một cảm nhận mà tôi cũng có lại trong một chuyến đi vào mùa hè khó quên năm 2009 tại một địa danh châu Á khác, tỉnh Vân Nam và thủ phủ Côn Minh của nó, tất nhiên với tất cả những ấn tượng trái ngược mà Trung Hoa lục địa mang đến cho du khách từ “Tây phương”. Trong những ngày này, sau vụ tai nạn máy bay thảm khốc do phi công tự sát của hãng hàng không Đức Germanwings gây nên, hơn bao giờ hết bầu không khí diễn ngôn trên công luận nơi tôi đang sống lại tràn ngập tinh thần ảm đảm về tính bất an của kỹ thuật – công nghệ, về sự giá lạnh của xã hội tự do mới, về vực thẳm của tâm hồn con người…

Còn hai mẩu chuyện nữa tôi muốn kể trong bài viết ngắn về chuyến đi Singapore đã từ khá lâu này của mình này, được khơi dậy nhân sự kiện cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu vừa ra đi. Chuyện thứ nhất, thực ra không phải chuyện, mà là một ấn tượng tôi có được khi đến thăm Viện Bảo tàng Quốc gia Singapore. Tôi không muốn kể, chẳng hạn về các hoạt cảnh đường phố đầu thế kỷ 20 được tái dựng trong toà nhà bề thế này, với tất cả những hình ảnh, âm thanh sống động mà trước đó tôi chưa hề được chứng kiến ở một viện bảo tàng nào khác. Tôi chỉ muốn nhắc đến một câu nói của Lý Quang Diệu mà tôi đã đọc được ở đó, đại ý trước đây (khi còn sống ở Anh?) ông vẫn nghĩ ông là một người Trung Hoa, nhưng sau này, khi đã trở về đây, ông mới biết rằng mình là một người Singapore. Một ý tưởng thật mạch lạc, nhưng không dễ gì có được, nếu người ta không phải là một Lý Quang Diệu.

Chuyện thứ hai thì đúng là chuyện thật, mặc dù chỉ là một mẩu chuyện rất nhỏ, trong chuỗi của rất nhiều câu chuyện mà người ta trải qua dọc đường, phần lớn sau đó sẽ quên đi ngay, nhưng có lúc còn đọng lại mãi trong trí nhớ. Dạo đó chúng tôi ở trong một khách sạn quá cảnh khá xấu xí, nằm ngay cạnh hay chính trong khu Chinatown. Và cũng vì sống liên tục mấy ngày ở đây nên huyền thoại về một Singapore sạch sẽ, không có một cọng rác trên đường phố, đã nhanh chóng bị bác bỏ. Nói một cách công bằng thì các đường phố, không gian công cộng khác quả đúng là sạch như lau như li vậy. Nhưng không phải là ở khu Hoa Kiều, cảnh ở đó tôi thấy vẫn chẳng khác gì cảnh Chợ Lớn trong phim “L’Amant/Người tình” của Jean-Jacques Annaud, hay trong các Chinatown thứ thiệt mà mình được tận mắt chứng kiến ở Boston hay New York City sau này. Phải mở ngoặc để nói ngay là tôi đã ngạc nhiên một cách thích thú về cú “giải huyền thoại” này, phần vì nhờ đó mà rõ mười mươi rằng ở Singapore thì cũng chỉ là người, không phải “rắn” đã đành, mà cũng không phải là siêu nhân hay rô bốt, phần vì trong những ngày đó, lần đầu tiên trong đời, được thoả thuê thưởng thức các món hấp Quảng Đông, mì Tàu, vịt Bắc Kinh v.v. của chính người Tàu nấu cho người Tàu.

Còn mẩu chuyện mà tôi muốn kể chỉ đơn giản như thế này: Hôm ấy, vào một buổi sáng, nhà tôi và tôi đẩy xe chở anh cu con sang một khu chợ Tàu để ăn sáng. Thật tình tôi không còn nhớ mình đã đặt món gì nữa, nhưng đến giờ vẫn còn nhớ như in là gia đình tôi ngồi cùng bàn với một người đàn ông đứng tuổi gốc Trung Hoa (thì hẳn là thế!). Bác ấy đặt một nồi cháo chim hầm và ngồi đánh chén ngay trước mặt chúng tôi. Từ “đánh chén” ở đây không hề có hàm ý bất nhã, thật tình tôi chưa thấy ai ăn một cách sung sướng, ăn say sưa, ăn quên mình và quên hết thế giới xung quanh như vậy. Chi tiết đáng nhớ nhất (lúc chứng kiến thì cũng hơi … ghê ghê!) là lúc ăn bác ấy rất tự nhiên, nhổ và khạc xương xuống ngay mặt bàn. Nói không hề ngoa là xương bắn tung toé ngay xung quanh niêu cháo, và như đã nói, bác ngồi cùng bàn và đối diện trực tiếp với chúng tôi!

Cao trào, hay bước ngoặt kịch tính của câu chuyện diễn ra sau khi bác ấy ăn xong: Bác rút một tờ giấy ăn, thu lượm hết tất cả đám xương cho vào nồi, lau sạch sành sanh chỗ bàn mình ngồi rồi đứng dậy, lúc đó rất thư thái, bê nồi, thìa, đũa trả về quầy. Trong một khoảng thời gian ngắn tôi có cảm giác như đã học được bài học lớn nhất về xứ sở này: bản năng gốc Trung Hoa, thái độ tự tin bất cần toàn bộ thế giới còn lại của nó VÀ tinh thần kỷ luật (hay văn hoá?) Singapore.

Từ chuyến đi đầu tiên ấy, như đã nói, tôi chưa có dịp nào quay lại xứ sở này. Có thể là câu chuyện mình nghiệm trải ngày nào chỉ là một chi tiết hoàn toàn ngẫu nhiên, dần dần qua ký ức đã bị huyền thoại hoá, trở thành một hình dung về căn tính dân tộc từ giác độ “bản chất luận”, hay một “điển phạm dân tộc” (!) Có đến gần 20 năm đã trôi qua, bác thực khách ngày nào giờ cũng đã thuộc về một lớp người cổ rồi. Biết đâu ở Chinatown ngày nay chẳng thể còn một hoạt cảnh một-mình-ăn-uống-náo-nhiệt như vậy nữa, và ký ức có thật này của tôi đã trở thành một thứ di chỉ dân tộc học – khảo cổ học!

Vâng, nếu vậy thì hơi bị buồn, nếu ẩn dụ hài hước mang ý vị phương xa từ một cuốn sách hướng dẫn du lịch bằng tiếng Đức ngày nào sẽ trở thành sự thật: Ngay cả rắn cũng phải mang theo mình sổ cắn.

4 thoughts on ““Ngay cả rắn…” – Kỷ niệm về một chuyến đi Singapore

  1. Pingback: 20150331. BÔ XÍT LỖ THẬT LÃI GIẢ VÌ CHỌN THẦU | Ngothebinh's Blog

  2. Pingback: ĐIỂM TIN THỨ BA 31-3-2015 | Ngoclinhvugia's Blog

  3. Pingback: 20150401. ĐẢNG HÀNH ĐỘNG NHÂN DÂN SINGAPORE (APP) | Ngothebinh's Blog

  4. Pingback: Đối Thoại Điểm Tin ngày 31 tháng 3 năm 2015 | doithoaionline

Bình luận về bài viết này