Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Năm 2019, số lượng công trình khoa học công bố quốc tế là 1 công trình.

Thanh Hóa, công trình khoa học
Sở KH-CN Thanh Hóa. (Ảnh: skhcn.thanhhoa.gov.vn)

Ông Nguyễn Đức Quyền – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký báo cáo số 213 về tình hình thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011-2020 tại tỉnh này.

Theo báo cáo, năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN gần 141 tỷ đồng. Trong đó, chi sự nghiệp khoa học hơn 115 tỷ đồng (cao gấp 2,3 lần Trung ương phân bổ); chi đầu tư phát triển KH&CN là hơn 23 tỷ đồng; Trung ương hỗ trợ, bổ sung 1,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 0,47% trong tổng chi ngân sách tỉnh Thanh Hóa năm 2019.

Đáng chú ý, theo báo cáo, hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (có 18 phó giáo sư, 149 tiến sĩ, 1.067 thạc sĩ…), quy đổi sẽ là 1.229 cán bộ nghiên cứu toàn thời gian tương đương (tăng 8% so với năm 2015 là 1.131 cán bộ), đạt tỷ lệ 3,5 người/1 vạn dân.

Năm 2019, số lượng công trình khoa học công bố trong nước là 19 công trình gồm: Sách, 15 bài viết đăng tạp chí, 3 bài viết tham dự hội thảo; 1 bài giảng và có 1 công trình khoa học (bài viết hội thảo) công bố quốc tế.

Báo cáo đánh giá thời gian thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN còn dài, làm chậm ứng dụng kết quả vào sản xuất và đời sống. Những nhiệm vụ KH&CN có tính lan tỏa, đột phá chưa nhiều; tiềm lực KH&CN, hạ tầng cơ sở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động KH&CN còn thiếu thốn, thiếu đồng bộ.

Cũng theo báo cáo, việc đổi mới công nghệ, thiết bị trong các doanh nghiệp còn chậm; sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao còn ít, chưa có những sản phẩm chủ lực mang tầm quốc gia, tạo sự đột phá.

Đến nay, số cán bộ nghiên cứu khoa học chỉ đạt 3,5 người/1 vạn dân, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (7,05 người/1 vạn dân); thiếu các chuyên gia đầu ngành và nhân lực trình độ cao trong một số lĩnh vực. Năng lực và hiệu quả hoạt động KH&CN của đa số các tổ chức KH&CN còn thấp; thiếu những tổ chức KH&CN mạnh có đủ khả năng giải quyết những vấn đề KH&CN lớn.

Về nguyên nhân, báo cáo chỉ ra các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp trong việc chuyển hóa từ nhận thức thành các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể để ứng dụng KH&CN, phát triển KH&CN trong từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho KH&CN còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Việc trích, lập quỹ KH&CN trong các doanh nghiệp còn hạn chế…

Hoàng Minh