50 năm Hiệp định Paris (1973-2023): Hai lá cờ năm 1973

22/01/2023 14:00 GMT+7

Chuyện “cắm cờ giành đất” xảy ra vào những ngày trước và sau Hiệp định Paris là một chuyện “kỳ lạ” chỉ có trong Chiến tranh Việt Nam.

Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy hai lá cờ xuất hiện ở đầu làng. Một, nửa xanh nửa đỏ giữa có ngôi sao vàng và một nền vàng ba sọc đỏ. Đó là vào sáng 27.1.1973, ngày Hiệp định Paris có hiệu lực, chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Nửa thế kỷ đã trôi qua, chân cột cờ ngày ấy giờ chỉ còn là một nấm đất.

Chỉ có vùng “da beo”, tức ban đêm quân Giải phóng về còn ban ngày lính Cộng hòa kiểm soát, thì mới thấy cảnh hai lá cờ “có mặt” tại một địa điểm như thế. Chuyện “cắm cờ giành đất” xảy ra vào những ngày trước và sau Hiệp định Paris là một chuyện “kỳ lạ” chỉ có trong Chiến tranh Việt Nam.

Ở vùng “da beo”

Vùng “da beo” hay còn gọi là vùng “cài răng lược”, lúc thì quân Giải phóng giữ, khi thì lính Cộng hòa kiểm soát. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê như thế nên buộc phải thích nghi với hoàn cảnh “xôi đậu” này. Nghĩa là đêm đó nếu có mấy anh du kích trong làng về “thăm mẹ”, nhân tiện xin một ít lương thực để mang lên vùng giải phóng thì sáng hôm sau, lính Cộng hòa hỏi: “Hôm qua, Việt cộng có mò về không?”, thì hoặc là nói “cháu ngủ sớm nên không biết”, hoặc là “dọa” ngược lại: “Có thấy, toàn nói giọng trọ trẹ, mang khẩu súng gì như có gắn trái bắp chuối”, ý chỉ bộ đội chủ lực mới nói giọng “trọ trẹ” và mang súng B40! Cái này thì còn tùy vào cách bày vẽ của mấy anh du kích để mà nói sao cho hợp ngữ cảnh.

Trên đường tiến vào Sài Gòn năm 1975, lá cờ Mặt trận luôn có mặt bên các chiến sĩ giải phóng

Tư liệu Bảo tàng lịch sử

Thực ra thì chẳng có gì thật sự rõ ràng về khái niệm Quốc gia hay Việt cộng ở những vùng “da beo” thời ấy cả. Vì phần lớn là người cùng làng, không anh em ruột thì cũng họ hàng xa. Nhiều gia đình có cả con đi lính Cộng hòa lẫn theo quân Giải phóng. Tôi có người bác họ, bà dặn hai người con ở hai phía chiến tuyến rằng, đi đâu thì đi chứ rằm tháng 10 âm lịch thì nhất thiết phải về để... ăn bánh xèo, đúng theo phong tục của người Quảng Ngãi. Nhớ một đêm của năm 1972, bánh xèo vừa dọn lên bàn, bỗng súng nổ đùng đoàng đầu xóm, tức là hai bên đang đánh nhau, hai người con lặng lẽ, ông xách khẩu AK, người kẹp khẩu AR-15 rời nhà, bỏ lại đĩa bánh xèo còn nghi ngút hơi cùng ánh mắt thảng thốt của người mẹ già.

Đêm trước ngày ký Hiệp định

Vì là vùng “da beo” nên việc tiếp nhận thông tin thời sự chiến tranh lúc ấy khá khó khăn. Chiếc radio hiệu National mà cha tôi có được không rõ ông mua hết bao nhiêu vàng thời ấy đã thành “chỗ dựa” thông tin cho cả nhà mỗi tối. Có chiếc đài, vừa thuận tiện cho việc tiếp nhận thông tin nhưng nó cũng sẽ mang lại cho gia chủ nhiều phiền toái. Nếu nghe đài Hà Nội mà bị bắt quả tang thì mấy ông Cộng hòa không để cho yên thân; ngược lại, nếu nghe đài Sài Gòn mà mấy ông Giải phóng biết được thì cũng sốt rét trọc đầu vì phải đi “cải tạo” tận trên núi cao! Nhưng việc nghe đài để nắm thông tin, bất luận bên nào, vẫn là nỗi khát khao của con người trong chiến tranh. Không chỉ là thỏa mãn trí tò mò muốn biết tình hình chiến sự đến đâu, mà hơn thế nữa, cuộc chiến kết thúc càng sớm thì những người lính cả hai phía của làng tôi sẽ không còn đổ máu nữa.

Các chiến sĩ lái xe tăng cùng lá cờ Mặt trận trước cổng Dinh Độc lập năm 1975

Tư liệu Bảo tàng Lịch sử

Không biết từ nguồn tin nào mà đêm hôm đó, tức 26.1.1973, cha tôi chỉ nghe đài một mình, BBC hẳn hoi. Ông là Việt cộng nên việc nghe lén “đài địch” như thế thì sự nguy hiểm tăng lên bội phần vì bốn bên nhà tôi lúc bấy giờ, đều có quân Giải phóng. Nhưng sự nóng ruột của người cha bặt tin đứa con trai từ mặt trận suốt mấy năm qua khiến ông đánh liều.

Chưa lúc nào cha tôi vui như bữa sáng hôm đó của gia đình. Ông thông báo một tin ngắn gọn với mẹ tôi: “Hòa bình rồi mẹ nó ơi!”. Ông không giải thích gì thêm vì có nói thêm về cái hiệp định mà “cãi chày cãi cối” suốt 6 - 7 năm mới ký được như thế thì mẹ tôi cũng chả hiểu gì. Những đứa trẻ như tôi, lại càng không hiểu. Mọi người trong nhà chỉ biết rằng, ngay từ bây giờ làng mình không còn bom rơi đạn nổ nữa.

Như bao đứa trẻ của làng, tôi lùa bò ra đồng còn đẫm hơi sương. Bất giác, đập vào mắt bọn trẻ là một lá cờ, lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy, nửa phía trên màu đỏ, nửa phía dưới màu xanh, ở giữa có ngôi sao vàng, được cắm trên một thân tre già cao vút, chôn ngay ở đầu làng. Dấu đất lấp cột cờ còn mới toanh, chứng tỏ cờ vừa mới được cắm đêm qua.

Lục lại trí nhớ, tôi vỡ ra rằng, từ chiều hôm trước, quân Giải phóng đã đuổi mấy ông lính Cộng hòa xuống tận quận lỵ! Sau đó, lá cờ Mặt trận được cắm lên. Sau này xem tài liệu tôi mới biết, một trong những điều khoản của Hiệp định Paris là nơi có cờ của bên nào thì đất và dân thuộc bên ấy! Điều đó có nghĩa, làng Hà Nhai xã Tịnh Hà huyện Sơn Tịnh của tôi, ngay từ lúc cắm cờ, đã hoàn toàn thuộc về quân Giải phóng. Riêng bọn “trẻ trâu” chúng tôi thì chả hiểu gì, chỉ thấy lá cờ ấy trông thật đẹp và lại “oai hùng” hơn lá cờ nền vàng ba sọc đỏ mà chúng tôi từng thấy mỗi khi đi học dưới thị trấn.

Nhân chứng của một thời nước mắt

Trên lý thuyết là nơi có cờ bên nào thì đất và dân thuộc bên ấy nhưng thực tế không phải vậy. Vừa tan sương, đã thấy những người lính Cộng hòa tay lăm lăm khẩu AR-15 xăm xúi đi về phía cột cờ. Họ tiến hành hạ cờ, lấy lá cờ của Mặt trận xuống và treo lá cờ của VNCH lên! Chiều xuống, quân Giải phóng lại rượt đuổi lính Cộng hòa ra khỏi làng, và cờ của Mặt trận lại thế chỗ! Cứ thế, cuộc “thay cờ” được lặp lại suốt nhiều ngày.

Giờ đây ngay đầu làng tôi giờ còn một “nấm mộ”, bên dưới không phải là xương người mà là một trái pháo 105 mm cùng quả lựu đạn từng được gài dưới cột cờ. Có lẽ đó là “nấm mộ” kỳ lạ nhất của làng. Người dân quê tôi đã chôn một cuộc chiến tranh tại đó. Họ đã tự tay mình vùi lấp những hận thù.

50 năm qua, nấm đất nơi đầu làng tôi vẫn còn nguyên đó. Đã có lần, ông xóm trưởng làm tờ trình xin công binh đến gỡ quả pháo 105 mm cùng trái lựu đạn ấy nhưng các bô lão không cho. Để “nấm mộ” ấy ngay đầu làng, các cụ muốn nhắc nhở cho đám con cháu đừng bao giờ quên rằng chính nơi đây, xương máu của cả hai bên đã từng đổ xuống, cốt nhục đã từng phân ly, lớp cháu con đừng bao giờ lặp lại những gì mà cha anh mình đã buộc phải nếm trải trong quá khứ đớn đau.

Bây giờ, mỗi khi có dịp về làng, nhìn vào nấm đất ấy, bao giờ cũng hiện lên trong tôi hình ảnh của hai lá cờ: một nửa xanh nửa đỏ, giữa có ngôi sao màu vàng và một của lá cờ nền vàng ba sọc đỏ. Nơi ấy những người du kích và lính Cộng hòa, là con em của làng đã từng ngã xuống…

(Làng Hà Nhai, tiết lập Đông năm 2022).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.