Ai chịu trách nhiệm để mất cổ vật?

Minh Quân 09/05/2020 08:00

Liên tiếp trong thời gian qua tại các di tích (đình, đền, chùa) đã xảy ra hàng loạt các vụ mất cổ vật. Dù đã được các cơ quan chức năng cảnh báo trước nhưng việc quản lý tại các di tích vẫn khá lỏng lẻo, cá biệt có cổ vật đã mất đến 3 lần.

Ai chịu trách nhiệm để mất cổ vật?

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê có pho tượng bị mất trộm lần thứ ba.

Thiếu sự quan tâm

Chỉ trong tháng 3/2020 trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã liên tiếp xảy ra 4 vụ mất cổ vật tại chùa Bối Khê, đình Đại Định, chùa Dư Dự, chùa Từ Châu. Kẻ gian đã lấy đi tổng cộng 26 cổ vật. Đặc biệt bức tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen đã mất trước đó 2 lần. Tại Bắc Giang, với vụ mất cắp 7 pho tượng có niên đại hơn 300 năm tại chùa Sàn (huyện Lục Nam), 6 pho tượng từ thời Trần tại chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng); chùa Cao Lôi (Việt Yên) mất cắp 7 vụ, tổng số cổ vật bị mất cắp là 19 pho tượng, 13 đạo sắc phong; chùa Vân Cốc (Yên Dũng) mất một lư hương bằng đồng nặng gần 50kg; chùa Bổ Đà (Việt Yên) cũng bị trộm đột nhập hai lần lấy đi chiếc chóe và đôi lục bình… Hay như chùa Kim Long ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã bị mất cắp đến 39 pho tượng quý, có niên đại 300 năm; đình Hoàng Châu (xã Hoàng Châu, Cát Hải, Hải Phòng) bị mất đi chiếc khám thờ Mẫu Liễu Hạnh mấy trăm năm tuổi; Tượng Quan Thế Âm ở chùa Mễ Sở (Hưng Yên) bị mất trộm hai lần...

Có thể thấy, dù đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhưng việc quản lý cổ vật tại các di tích còn khá lỏng lẻo, nếu không nói là sự thiếu trách nhiệm của địa phương. Thậm chí nhiều cổ vật có hình dáng to lớn, có cân nặng hơn 100kg cũng dễ dàng bị kẻ gian lấy đi. Bởi thực tế ngoài một số di tích lớn được trang bị các thiết bị an ninh, có người trông coi cẩn thận thì hầu hết đang được quản lý khá hời hợt. Nhiều điểm di tích, hệ thống tường rào, cửa, khóa đều rất tạm bợ, không có bảo vệ trông coi ban đêm mà chủ yếu là các sư trụ trì, thủ từ tự cai quản. Việc tuần tra, phòng gian bảo mật chưa được quan tâm đúng mức. Và trên thực tế, ngay cả ở những di tích đã xếp hạng, Ban Quản lý di tích chỉ là hình thức. Hầu hết các di tích chưa có sổ theo dõi di vật, cổ vật, chưa được lập hồ sơ khoa học để kiểm kê, bảo quản.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho rằng: Nếu tình trạng chảy máu cổ vật không sớm được ngăn chặn thì cổ vật Việt Nam dù có phong phú đến mấy, đa dạng đến mấy, rồi cũng bị mất hết. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề nghiên cứu khoa học cũng như văn hóa, lịch sử của nước ta. Bởi vì, những hiện vật bị trộm cắp đang trôi nổi trên thị trường hoặc thuộc sở hữu của một cá nhân nào đó phần lớn đều chưa được nghiên cứu, giám định. Ngay cả với những hiện vật đã được nghiên cứu, giám định vẫn cần được cất giữ để phục vụ quá trình nghiên cứu lâu dài của các thế hệ con cháu sau này, cũng như các nhà nghiên cứu nước ngoài đến Việt Nam. Một khi các hiện vật bị mất đi, quá trình nghiên cứu coi như phải dừng lại.

Mất bò mới lo làm chuồng

Cổ vật tại di tích không thuộc về cá nhân mà thuộc về cộng đồng nên chính quyền địa phương và cộng đồng phải có trách nhiệm bảo vệ. Để bảo đảm an ninh ở khu vực các di tích, cần xác định và làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác cần phân cấp mạnh hơn để chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu chịu trách nhiệm chính với sự an toàn và nguyên vẹn của di tích, di sản. Khoản 4, Điều 13, Luật Di sản văn hóa có quy định nghiêm cấm mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài. Thế nhưng lại chưa quy định rõ trách nhiệm khi để mất cổ vật tại đình, chùa.

Theo nhà nghiên cứu Mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế: Đình chùa miếu mạo của Việt Nam là không gian mở, không có thành cao hào sâu nên dù đóng cửa vẫn không hoàn toàn khép kín. Chúng tôi đi điền dã, nghiên cứu nhiều di tích đều thấy lo lắng cho các cụ cao niên trông coi ở nhiều ngôi đình cổ trống trải. Các cụ đều có tâm đức với đình, chùa nhưng tuổi cao sức yếu nên việc trông nom không dễ dàng. Để giải quyết vấn nạn này theo ông Thế, hiện ý thức bảo vệ của người dân, người quản lý ở các di tích quốc gia đã được nâng lên, nhưng cần phải nâng cấp các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm an ninh cho cổ vật quý. Các giải pháp đó có thể tốn kém nhưng không làm thì khó lòng giữ được di sản. Nếu có thể thì gắn hệ thống báo động tốt hơn, gắn chíp điện tử vào cổ vật để có thể lần theo dấu vết khi chuyện không may xảy ra.

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng: Từ những vụ mất cắp cổ vật, hiện vật thời gian qua cho thấy, nguyên nhân cơ bản là trách nhiệm và biện pháp trông coi tại các di tích chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Không thể quy định hết trong các văn bản là công trình này, công trình kia phải lắp đặt hệ thống an ninh như thế nào. Hiện vật quý đã được phân loại và cất vào khu vực có nhiều tầng khóa, cửa rất tốt, nhưng cũng có những di tích mặc dù có cửa nhưng rất dễ bị phá, nên đáng lẽ phải cắt cử người trông coi thường xuyên thì lại chưa phân công cụ thể... Để bảo vệ được tốt các cổ vật hơn cả là ý thức và trách nhiệm của toàn xã hội. Chẳng hạn như người dân nên từ chối mua bán hiện vật nghi là của di tích. Tôi tin khi cộng đồng cùng tham gia có trách nhiệm bảo vệ di tích trên địa bàn mình sinh sống, ngành công an cũng vào cuộc mạnh mẽ, thì hiện tượng mất cắp cổ vật sẽ giảm đáng kể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai chịu trách nhiệm để mất cổ vật?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO