Ai chống tự diễn biến, tự chuyển hóa?

Trần Anh Tú Thứ tư, ngày 04/09/2019 07:15 AM (GMT+7)
Hóa ra có nhiều lãnh đạo hay mắc tật “nói vậy mà không phải vậy”. Những tình tiết mới của vụ án MobiFone mua cổ phần AVG càng thể hiện rõ điều đó.
Bình luận 0

Trong khoảng hơn 20 năm làm báo và hơn 10 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi được dự nhiều cuộc họp của Đảng, từ sinh hoạt chi bộ đến hội nghị quán triệt văn kiện. Trong những cuộc họp kiểm điểm nhất là dịp cuối năm, nhiều người, trong đó có không ít lãnh đạo các cơ quan cũ của tôi, thường được hình thức thi đua cao nhất với những lời tự nhận xét như “thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hết lòng, hết sức vì đơn vị, vì quyền lợi cán bộ, nhân viên”.

Không chỉ có tôi, những ai đã từng đi làm, từng là cán bộ, nhân viên, từng dự những cuộc họp kiểm điểm, đều chứng kiến những cuộc bình bầu thi đua tương tự. Và không ít cán bộ, nhân viên của không ít cơ quan, đơn vị, sau này đã bất ngờ khi chứng kiến những lãnh đạo, những cá nhân ưu tú, xuất sắc ấy lại là những người mắc đầy sai phạm. Dám chắc trong số hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị khui ra những vụ dính "phốt", vi phạm, bị kỷ luật, thậm chí dính vòng lao lý... không có ai chưa một lần được vinh dự nhận hình thức thi đua cao nhất với những lời nhận xét tốt đẹp ấy.

Hóa ra có nhiều lãnh đạo hay mắc tật “nói vậy mà không phải vậy”. Những tình tiết mới của vụ án MobiFone mua cổ phần AVG càng thể hiện rõ điều đó.

img

Tổng cộng, hai cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son đã nhận 3,2 triệu USD từ ông Phạm Nhật Vũ.

Báo chí dẫn kết luận điều tra vụ án cho hay, sau khi hoàn thành dự án, MobiFone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, ông Phạm Nhật Vũ đến nhà riêng ông Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông) tại phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đưa cho ông Son 3 triệu USD. Ông Son nhận thức việc đưa tiền vì cựu Bộ trưởng (là ông) đã chỉ đạo thực hiện xong dự án mua cổ phần của AVG.

Bài cùng chuyên mục

Còn Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông nhiệm kỳ sau ông Nguyễn Bắc Son là ông Trương Minh Tuấn thì chỉ thừa nhận sau khi hoàn thành dự án, ông này được đưa số tiền 200.000 USD ngay tại phòng làm việc riêng.

200.000 USD có lẽ mới là phần nổi của tảng băng, nhưng với nguyên tắc “suy đoán vô tội”, chúng ta tạm bằng lòng với những con số này.

Như vậy, bản kết luận điều tra đã nêu rõ, chỉ trong một vụ án cụ thể, 2 ông cựu Bộ trưởng đã nhận hối lộ 3,2 triệu USD (tương đương khoảng 73,6 tỷ đồng) từ một doanh nghiệp. Số tiền này suýt soát số thuế thu nhập doanh nghiệp thu từ các DNNN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2015. Nếu tính trên GDP đầu người cả nước của năm 2016 (khoảng 2.600 USD) thì số tiền “gửi anh chút quà” này tương đương 1.230,76 người làm việc trong cả năm. Chỉ cái phẩy nhẹ tay của 2 cựu Bộ trưởng đã “làm ra” số tiền bằng hơn 1.230 người làm cả năm. Những con số làm sửng sốt nhiều người.

Và phi vụ liên quan đến số tiền hối lộ này đã chờ đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra mới ra con số khổng lồ những “nguy cơ thiệt hại vốn nhà nước” hay “cảm ơn bằng vật chất” mà nếu điện thoại đời cũ có lẽ không đủ khoảng trống cho những số 0. Chuyện không chỉ là những con số. Đây là câu chuyện về sự tha hóa của những cán bộ cấp cao.

img

Ông Trương Minh Tuấn từng làm chủ biên sách chuyên khảo Phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"

Nghị quyết Đại hội Đảng 12 (tháng 1/2016) nêu rõ những nguy cơ “vẫn còn tồn tại” là: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí...

Những khái niệm như “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được chỉ ra trong một cuốn sách do chính ông Trương Minh Tuấn chủ biên, là quá trình tự phủ định, nhưng đó không phải là tự phủ định cái phủ định (phủ định những hạn chế, khiếm khuyết, yếu kém) mà là tự phủ định mặt khẳng định, mặt tích cực của chính bản thân và do đó, nó đồng nhất với sự tự suy thoái, tự đào thải hoặc chuyển sang một hệ thống mới đối lập với hệ thống cũ.

Bài cùng chuyên mục

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc thì nhấn mạnh, những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng đạo đức là: Tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí, bè phái, cục bộ, mất đoàn kết, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của người dân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đang làm cản trở quá trình phát triển đất nước. Tình trạng hối lộ, nhận hối lộ… là nỗi nhức nhối, ai cũng biết mà chưa có phương sách để khắc phục hậu quả.

Đó là những bài học lý luận có lẽ tương đối khó với nhiều lớp độc giả.

Đơn giản hơn, chúng ta có thể nhớ về lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin”. Theo Bác, lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã nói. Hơn nữa, Người nói ít, nhưng làm nhiều, có những vấn đề đạo đức, Người không nói mà chỉ làm.

Học Bác có lẽ không chỉ là viết ra những cuốn sách lý luận. Học Bác từ những lời nhắc nhở rất giản dị.

Nhưng điều này với một số vị quan chức là quá khó. Chả thế mà dân gian mới có câu: Quãng đường dài nhất là quãng đường từ lời nói đến việc làm.

Vậy nên mới có những quan chức từng hùng hồn khẳng định “tôi không nhận bất cứ món quà nào, của bất kỳ một ai đem tặng” thì lại bị khởi tố về tội nhận hối lộ ở khung cao nhất với hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem