Ảnh hưởng gia tăng của Quân đội trong chính trị Việt Nam

Lê Hồng Hiệp

Giới thiệu

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), kết thúc vào đầu tháng 2/2021, đã dẫn đến một số sắp xếp nhân sự bất ngờ. Một trong số đó là việc bầu Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) kiêm Thứ trưởng Quốc phòng, và Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN, vào Bộ Chính trị. Đây là lần đầu tiên sau 20 năm hai đại diện của Quân đội cùng được bầu vào Bộ Chính trị. Ngoài ra, số lượng đại biểu quân đội trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng tăng từ 20 lên 23, củng cố thêm vị trí khối bỏ phiếu lớn nhất trong Trung ương Đảng của các đại biểu quân đội.

Thượng tướng Phan Văn Giang được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ  trưởng Bộ Quốc phòng

Thượng tướng Phan Văn Giang. Ảnh: TRỌNG HẢI (qdnd.vn)

Lương Cường.jpg

Đại tướng Lương Cường. Ảnh: Ngọc Thắng (thanhnien.vn)

Điều gì giải thích cho việc Quân đội tăng cường đại diện trong các cấp lãnh đạo hàng đầu của ĐCSVN và theo đó là ảnh hưởng ngày càng tăng của Quân đội? Xu hướng này có ý nghĩa như thế nào đối với triển vọng chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam?

Bài viết này tìm hiểu những vấn đề trên. Bắt đầu bằng việc điểm lại vai trò truyền thống của Quân đội trong chính trị Việt Nam trước khi phân tích các yếu tố dẫn đến ảnh hưởng ngày càng tăng của Quân đội trong thập niên qua. Cuối cùng, đánh giá các tác động của xu hướng này đối với Việt Nam.

Đảng kiểm soát quân đội

Năm 1938, nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông từng nói một câu nổi tiếng “Mọi người cộng sản phải nắm được chân lý, ‘Quyền lực chính trị nảy sinh từ họng súng.’ Nguyên tắc của chúng ta là Đảng chỉ huy quân đội, và quân đội không bao giờ được phép chỉ huy Đảng.” ĐCSVN cũng tuân theo nguyên tắc đó và luôn đặt QĐNDVN dưới sự kiểm soát chặt chẽ của mình. Các quan chức và các nhà tư tưởng của Đảng thường xuyên chỉ trích ý tưởng phi chính trị hóa quân đội và hình thành một “quân đội quốc gia” độc lập với ĐCSVN, điều họ coi là một âm mưu của “các thế lực thù địch” nhằm phá hoại sự lãnh đạo của Đảng.

Điều lệ của ĐCSVN quy định rằng Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt”. Đảng thực hiện điều này thông qua các cơ chế khác nhau, trong đó quan trọng nhất là Quân ủy Trung ương (QUTƯ) do chính Tổng bí thư đứng đầu. QUTƯ giám sát công tác đảng trong Quân đội và do Tổng cục Chính trị QĐNDVN làm đại diện ở cấp trung ương. Tất cả các đơn vị của QĐNDVN từ trên xuống tới cấp đại đội đều chịu sự kiểm soát của Đảng, một cơ chế được thực hiện thông qua một hệ thống các chính ủy và chính trị viên.

Đảng cần duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với Quân đội vì Quân đội đóng một vai trò thiết yếu không về quốc phòng mà còn về an ninh chế độ. Mặc dù Đảng chưa bao giờ phải đối mặt với mức độ đe dọa như những gì ĐCS Trung Quốc gặp phải vào năm 1989 khi họ phải huy động binh lính và xe tăng để dẹp tan các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn, nhưng ĐCSVN luôn coi Quân đội như là một công cụ quan trọng giúp Đảng đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh chế độ. Hơn nữa, Quân đội cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngoài việc điều hành hơn 20 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn, Quân đội còn quản lý 28 khu kinh tế – quốc phòng nằm ở các khu vực biên giới. Các khu này do các đoàn kinh tế – quốc phòng phụ trách, là một phần quan trọng trong chiến lược của Đảng nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở những khu vực kém phát triển này.

Tầm quan trọng của Quân đội đối với đất nước và ĐCSVN được thể hiện qua số lượng đại diện mạnh mẽ của Quân đội trong các cơ quan nhà nước và các cơ quan đảng. Quân đội được phân bổ một lượng lớn ghế trong Quốc hội cũng như Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị của ĐCSVN, biến Quân đội thành một chủ thể có ảnh hưởng trong nền chính trị quốc gia. Mức độ đại diện của Quân đội trong các cơ quan này thường đặc biệt cao trong các thời kỳ chiến tranh hoặc có căng thẳng an ninh quốc gia.

Ví dụ, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng năm 1951, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng Quốc phòng) và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) cùng được bầu vào Bộ Chính trị, lúc đó chỉ gồm 7 người. Họ tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ ba năm 1960. Ngoài ra, Đại tướng Văn Tiến Dũng (Tổng Tham mưu trưởng) cũng được bầu làm Ủy viên dự khuyết trước khi được bầu làm ủy viên chính thức vào năm 1972, thay cho tướng Nguyễn Chí Thanh, người đã qua đời năm 1967. Đại hội lần thứ tư của ĐCSVN vào năm 1976, được tổ chức một năm sau khi đất nước thống nhất, chứng kiến ảnh hưởng ngày càng tăng của Quân đội với 3 trong số 14 ủy viên Bộ Chính trị là đại diện quân đội, bao gồm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng Quốc phòng), Đại tướng Văn Tiến Dũng (Tổng Tham mưu trưởng) và Đại tướng Chu Huy Mân (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị). Quân đội tiếp tục duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ tại Đại hội Đảng lần thứ V tổ chức năm 1982. Cụ thể, Đại tướng Văn Tiến Dũng (Bộ trưởng Quốc phòng), Đại tướng Chu Huy Mân (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) và Thượng tướng Lê Đức Anh (Thứ trưởng Quốc phòng) đã được bầu làm ủy viên chính thức Bộ Chính trị mới. Ngoài ra, ông Đồng Sỹ Nguyên, nguyên là trung tướng, thứ trưởng quốc phòng, cũng được bầu làm ủy viên dự khuyết. Mức độ đại diện mạnh mẽ của Quân đội có thể được giải thích bởi việc từ năm 1979, Việt Nam đã bị cuốn vào các xung đột vũ trang kéo dài dọc biên giới với Trung Quốc và tại Campuchia, khiến vấn đề quốc phòng một lần nữa trở thành ưu tiên hàng đầu của đất nước.

Sau khi thực hiện cải cách kinh tế theo chính sách Đổi mới năm 1986, rút khỏi Campuchia năm 1989 và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991, Việt Nam bước vào một giai đoạn hòa bình và phát triển. Phát triển kinh tế trở thành ưu tiên hàng đầu của đất nước và quốc phòng ít được quan tâm hơn. Điều này dần dần dẫn đến việc vai trò của Quân đội trong nền chính trị quốc gia ngày càng giảm, thể hiện qua việc giảm số đại biểu Quân đội trong Bộ Chính trị. Tại Đại hội Đảng lần thứ 9 năm 2001, Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà là đại biểu quân đội duy nhất được bầu vào Bộ Chính trị, hình thành một thông lệ mới kéo dài suốt 20 năm tiếp theo.

Tái gia tăng ảnh hưởng

Tại Đại hội Đảng lần thứ 13, thông lệ chỉ bầu một đại biểu Quân đội vào Bộ Chính trị đã bị phá vỡ khi cả Thượng tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Lương Cường đều được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị. Ngoài ra, số đại biểu Quân đội trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng tăng đều đặn trong 10 năm qua. Năm 2011, 18 trong số 175 ủy viên chính thức của Ban chấp hành trung ương (tỷ lệ 10,3%) là đại biểu quân đội. Năm 2016, khi số lượng ủy viên chính thức của Ban chấp hành Trung ương tăng lên 180 người, số lượng đại biểu của Quân đội cũng tăng lên 20 người (11,1%). Tại Đại hội 13, tổng cộng 23 đại biểu quân đội được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, chiếm 12,8% tổng số ủy viên trung ương chính thức. Do đó, Quân đội hiện đang là khối đại biểu lớn nhất trong Ban Chấp hành Trung ương, cơ quan điều hành tối cao của Đảng giữa hai kỳ đại hội.

Hai yếu tố chính có thể giải thích cho xu hướng này:

- Thứ nhất, căng thẳng gia tăng ở Biển Đông có xu hướng nâng cao vị thế ảnh hưởng của Quân đội. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia luôn là nền tảng quan trọng cho tính chính danh của Đảng, có nghĩa là Quân đội thường có tiếng nói lớn hơn mỗi khi an ninh và chủ quyền của đất nước bị đe dọa. Như đã thảo luận trong phần trước, mẫu hình này đã được quan sát rõ trong quá khứ khi Quân đội có nhiều ảnh hưởng hơn trong các thời kỳ chiến tranh và trong những năm 1980 khi đất nước phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh nghiêm trọng từ Trung Quốc và Khmer Đỏ. Sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông trong thập niên qua đã làm sâu sắc thêm các lo ngại an ninh của Đảng, cho phép Quân đội không chỉ gia tăng đòn bẩy trong các cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng mà còn có thêm nguồn ngân sách. Ví dụ, từ năm 2010 đến năm 2018, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam trung bình tương đương 2,62% GDP. Năm 2018, Việt Nam là quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ 35 trên thế giới với tổng ngân sách quốc phòng khoảng 5,5 tỷ đô la Mỹ.

- Thứ hai, vị thế chính trị của Quân đội dường như cũng được hưởng lợi từ vai trò kinh tế ngày càng mở rộng của lực lượng này. Ngoài việc giúp phát triển kinh tế địa phương ở các vùng sâu vùng xa, vai trò kinh tế của Quân đội còn mở rộng ra nhiều hoạt động khác, bao gồm sản xuất - chế tạo, viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng, giao thông vận tải và xây dựng. Có hai nhóm doanh nghiệp chính do quân đội điều hành. Thứ nhất là các công ty quốc phòng chủ yếu sản xuất vũ khí và trang thiết bị, vật tư quốc phòng cho Quân đội do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Nhóm thứ hai bao gồm các doanh nghiệp phục vụ cả Quân đội và khách hàng dân sự. Sách trắng Quốc phòng năm 2009 của Việt Nam đã liệt kê mười doanh nghiệp lớn trong nhóm này, trong đó đáng chú ý nhất có Viettel, một tập đoàn viễn thông và công nghiệp; Ngân hàng Quân đội; và Tân Cảng Sài Gòn, nhà vận hành cảng container lớn nhất Việt Nam. Trong những năm gần đây, thành công thương mại của các công ty này và sự đóng góp ngày càng tăng của họ vào sự phát triển kinh tế quốc gia đã giúp nâng cao uy tín và ảnh hưởng của Quân đội. Ví dụ, Viettel được coi là doanh nghiệp dẫn đầu quốc gia trong việc phát triển công nghiệp quốc phòng và nâng cao năng lực công nghệ cao của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực 5G. Năm 2016, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, khi đó là Tổng giám đốc Viettel và hiện là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là lần đầu tiên một lãnh đạo doanh nghiệp quân đội được nhận vinh dự này. Tại Đại hội 13, Trung tướng Trần Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, cũng đã được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng.

Ngoài ra, sự cạnh tranh nội bộ giữa tướng Lương Cường và tướng Phan Văn Giang cho vị trí Ủy viên Bộ Chính trị và Bộ trưởng Quốc phòng cũng là một yếu tố quan trọng khác dẫn đến việc cả hai ông được bầu vào Bộ Chính trị. Ban đầu, tướng Cường có lợi thế hơn tướng Giang vì ông giữ hàm cao hơn và đã được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 2016, trong khi tướng Giang chỉ là Ủy viên Trung ương. Hơn nữa, tướng Giang, sinh tháng 10 năm 1960, đã quá tuổi và ban đầu không đủ điều kiện ứng cử vào Bộ Chính trị lần đầu. Như vậy, tướng Cường có lợi thế hơn để trở thành Ủy viên Bộ Chính trị duy nhất đại diện cho Quân đội, điều đáng lẽ đã mở đường cho ông trở thành tân Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên, trong ban lãnh đạo Quân đội ngày càng có sự nhất trí cho rằng nên giao vị trí Bộ trưởng cho tổng tham mưu trưởng thay vì chủ nhiệm tổng cục chính trị, đặc biệt là khi bộ trưởng sắp mãn nhiệm Ngô Xuân Lịch cũng từng là chủ nhiệm tổng cục chính trị. Theo đó, đã diễn ra một cuộc đua giữa tướng Giang và tướng Cường trước thềm Đại hội 13. Cuối cùng, để dàn xếp cho cả hai bên, Đảng đã quyết định coi tướng Giang là một trường hợp đặc biệt, mở đường cho ông trở thành Ủy viên Bộ Chính trị và sau đó là Bộ trưởng Quốc phòng. Trong khi đó, tướng Cường vẫn giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Năm 2016 cũng từng diễn ra cuộc đua giữa Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, và Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng, cho vị trí Ủy viên Bộ Chính trị và Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có tướng Lịch được bầu vào Bộ Chính trị. Do đó việc lần này Đảng quyết định trao ghế ủy viên Bộ Chính trị cho cả tướng Cường và tướng Giang có thể coi là một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng và uy tín của Quân đội ngày càng tăng.

Tác động

Vẫn còn phải chờ xem liệu việc bầu hai đại biểu quân đội vào Bộ Chính trị có phải là một diễn biến đặc biệt chỉ diễn ra một lần hay là một thông lệ mới sẽ được lặp lại trong các kỳ đại hội đảng tiếp theo. Tương tự, vẫn chưa rõ liệu Quân đội có thể duy trì sự hiện diện mạnh mẽ chưa từng có trong các Ban Chấp hành Trung ương Đảng tương lai hay không. Tuy nhiên, nếu tranh chấp Biển Đông gia tăng và các doanh nghiệp do quân đội quản lý tiếp tục đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, thì các tướng lĩnh Quân đội nhiều khả năng sẽ có thể sẽ tiếp tục duy trì được mức độ ảnh hưởng hiện tại của mình.

Có rất ít bằng chứng cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Quân đội sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trong các chính sách chính trị, kinh tế và đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, có thể có những thay đổi nhỏ hoặc từ từ. Về mặt chính trị, mặc dù có ảnh hưởng ngày càng tăng, Quân đội vẫn sẽ chịu sự kiểm soát toàn diện của Đảng. Tuy nhiên, thường được coi là có xu hướng “bảo thủ” và nặng về tư duy an ninh, các tướng lĩnh Quân đội, với tiếng nói lớn hơn trong cả Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, sẽ có xu hướng tán thành các cách tiếp cận thận trọng đối với các vấn đề chính trị, điều có thể làm chậm lại một số cải cách, đặc biệt là những cải cách theo hướng thúc đẩy tự do chính trị.

Về mặt kinh tế, có những dấu hiệu cho thấy việc “an ninh hóa” một số chính sách kinh tế có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ví dụ, Luật Đầu tư năm 2020 đã đề cập đến từ “quốc phòng” 12 lần so với sáu lần trong Luật Đầu tư năm 2014. Đặc biệt, Luật Đầu tư năm 2020 đưa ra các quy định mới, quy định một số dự án đầu tư hay việc mua lại cổ phần, đặc biệt là bởi các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ phải được Bộ Quốc phòng thông qua. Do đó, đã xuất hiện phàn nàn từ một số nhà đầu tư về sự chậm trễ trong quá trình cấp phép. Nếu chính phủ Việt Nam không ban hành các văn bản pháp luật kịp thời để cung cấp hướng dẫn rõ ràng hơn và đơn giản hóa quy trình phê duyệt, các quy định đó có thể sẽ làm xấu đi môi trường kinh doanh của Việt Nam và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế về lâu dài. Đồng thời, trong khi các doanh nghiệp quân đội đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của Việt Nam, thì sự tăng trưởng của chúng có thể gây “chèn ép” các nhà đầu tư tư nhân trong một số lĩnh vực nhất định và dẫn đến một sân chơi không bình đẳng. Điều này là do các công ty quốc phòng, thông qua mối quan hệ chặt chẽ với quân đội và chính quyền, thường được hưởng lợi thế lớn trong việc tiếp cận vốn, đất đai và các ưu đãi chính sách khác.

Cuối cùng, ảnh hưởng của Quân đội đối với chính sách đối ngoại tổng thể của Việt Nam vẫn sẽ rất lớn, nhưng vị thế gia tăng của Quân đội ở trong nước khó có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Tiếng nói mạnh mẽ hơn của Quân đội trong các cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Đảng có thể khiến Việt Nam có lập trường cứng rắn hơn về vấn đề Biển Đông, nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là Việt Nam sẽ có một cách tiếp cận phiêu lưu hơn đối với tranh chấp. Mặc dù Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng các lãnh đạo Quân đội, những người đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh tốn kém trong quá khứ, có xu hướng ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp và tránh xung đột vũ trang nếu có thể. Điều này nhất quán với ưu tiên của Việt Nam là phát triển kinh tế trong nước, điều phụ thuộc vào khả năng duy trì hòa bình và ổn định của Việt Nam. Do đó, mặc dù Việt Nam quyết liệt phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của mình hồi năm 2014, điều Việt Nam coi là một hành vi xâm phạm nghiêm trọng đối với chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, nhưng sau đó Việt Nam đã áp dụng một cách tiếp cận kiềm chế hơn đối với các hành động khiêu khích quy mô nhỏ hơn của Trung Quốc trong các vùng biển của mình.

Tóm lại, ảnh hưởng ngày càng tăng của Quân đội đối với các cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của ĐCSVN có thể có một số tác động đến triển vọng chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, các tác động đó sẽ chỉ ở mức ôn hòa và hạn chế. Với việc Đảng tiếp tục kiểm soát Quân đội, ảnh hưởng của Quân đội dù ngày càng tăng trong những năm gần đây vẫn sẽ nằm trong các ranh giới do Đảng đặt ra. Trong tương lai, ảnh hưởng của các tướng lĩnh có thể giảm trở lại nếu tranh chấp Biển Đông hạ nhiệt hoặc nếu các lãnh đạo cao nhất của Đảng nhận thấy các vấn đề tiềm ẩn phát sinh từ ảnh hưởng ngày càng tăng của Quân đội.

---

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên ISEAS Perspective.

L.H.H.

Nguồn: nghiencuuquocte.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn