Các nhà điều hành kinh tế của đất nước có thể thở phào với mức tăng trưởng kinh tế từ 8 - 8,2% cùng với nhiều chỉ số thống kê tích cực khác về kinh tế xã hội khi những ngày cuối cùng của năm 2022 hậu Covid đang dần qua đi.

Một mặt, nền kinh tế hội nhập sâu rộng của Việt Nam phải đối diện với những tác động rất nhanh và trực tiếp của môi trường quốc tế “không có tiền lệ”, “không dự báo được”. Một mặt, nền kinh tế phải xử lý những nghịch lý ngặt nghèo khi các hoạt động bị “đông cứng” tích tụ sau hơn hai năm Covid.

Những thách thức nội tại hiện nay và cho năm tới, biện pháp xử lý và nhiều nội dung khác sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ đồng chủ trì tổ chức vào mai (17/12) tại Hà Nội.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 ngày 5/06/2022

Trước Diễn đàn này, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nói: “Việt Nam chúng ta dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023 trong bối cảnh khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp và khó lường”.

Tăng trưởng giảm sút, lạm phát cao, đồng tiền phá giá, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, giá nhiên liệu biến động, và nhiều nguyên nhân khác ở các thị trường quốc tế, theo ông Tuấn Anh, sẽ gây ra tác động và hệ lụy rất tiêu cực đến các nền kinh tế, nhất là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Ông nhận xét, Việt Nam đang đối diện với rất nhiều vấn đề kinh tế mang tính nội tại và chưa được giải quyết. Ví dụ, những dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản, của thị trường vốn, khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng, khả năng chống chịu, năng lực tự chủ của nền kinh tế... Tất cả những điều này sẽ đặt ra nhiệm vụ rất lớn và khó khăn cho để giải quyết trong năm 2023.

Ông cho biết, Diễn đàn sẽ giúp phân tích, dự báo các kịch bản cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, và đưa ra các đề xuất chính sách, các giải pháp nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giúp giải tỏa các điểm nghẽn trên các thị trường.

“Chúng ta sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023, năm bản lề của kế hoạch 5 năm, góp phần vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước như Đại hội Đảng XIII đã thông qua”, ông nhấn mạnh.

Trước thềm Diễn đàn, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam và Lào, ông Francois Painchaud đánh giá: “Chúng tôi đánh giá có 3 “cơn gió ngược” với kinh tế Việt Nam: Thứ nhất, điều kiện về tài chính toàn cầu đang thắt chặt hơn. Thứ hai, xung đột Nga – Ukraina. Thứ ba, sự giảm tốc trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc…”.

Ở bên ngoài, theo IMF, nền kinh tế Mỹ dự báo sẽ bước vào suy thoái kinh tế từ cuối năm 2022 với tăng trưởng giảm từ 5,7% trong năm 2021 xuống 1,6% vào năm 2022 và dự báo 1% vào năm 2023. Tăng trưởng của Trung Quốc sụt giảm còn 3,2% năm 2022, mức thấp nhất trong 40 năm qua. Tăng trưởng kinh tế của EU chậm lại với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 3,1% vào năm 2022 và chỉ còn 0,5% vào năm 2023.

Trước sức cầu của thị trường thế giới co hẹp, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ kéo dài nên IMF dự báo, năm sau Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8%, đây cũng vẫn là mức tăng trưởng nhanh so với nhiều quốc gia.

Ông Francois Painchaud cho biết, trong nước, IMF nhận thấy hai rủi ro với Việt Nam: Thứ nhất, lạm phát sẽ tiếp tục tăng dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt và thận trọng hơn. Thứ hai, tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại hiện nay. Vì vậy điều hành chính sách phải xuyên suốt, linh hoạt và hài hoà để quản lý rủi ro, tối ưu hiệu quả chính sách giữa tăng trưởng và lạm phát, giảm thiểu ảnh hưởng của sự giảm tốc.

“Rõ ràng đây là yêu cầu lớn với chính sách tiền tệ tập trung vào bài toán lạm phát, có thể thắt chặt hơn nếu lạm phát tăng cao, giữ vững ổn định tài chính”, ông khẳng định.

Trong khi đó, khu vực FDI đặt dấu ấn ngày càng sâu đậm lên nền kinh tế khi đóng góp tới hơn 20% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Doanh nghiệp FDI chi phối 12/24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đóng vai trò chi phối ở 4/5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử và sản xuất đồ đồ gỗ.

Năng lực sản xuất của Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu là gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp; khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu. Công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam chủ yếu là gia công và càng ngày mức độ gia công càng cao hơn.

Thực tế này cho thấy nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực FDI và một số thị trường lớn. Trước tình thế này, Việt Nam sẽ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ như thế nào?

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm cấp cao, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 tại TP.HCM.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, người sẽ chủ trì Diễn đàn này, từng nhấn mạnh, Chính phủ kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; không chuyển trạng thái đột ngột hay điều hành giật cục.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất; giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sát thực tiễn tình hình. Bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ. Chính phủ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong năm 2022 nhưng cả giai đoạn 2021-2022 chỉ tăng trưởng bình quân xấp xỉ khoảng 5,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025.

Vì vậy, năm 2023 được xác định là năm bản lề quyết định để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025 mà Đại hội XIII, đặc biệt là trong khi bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các nước và các tổ chức quốc tế đang từng ngày tác động tiêu cực đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Tất cả các bài toán trên đây và hơn nữa sẽ được đặt ra tại Diễn đàn “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” ngày 17/12/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Tăng trưởng phục hồi nhưng không thể chủ quan“Chống lạm phát trở thành mục tiêu ưu tiên số một; ổn định kinh tế vĩ mô phải được duy trì bằng mọi giá; chính sách tiền tệ và tài khoá tiếp tục thắt chặt”. Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung đã nhận xét như vậy khi nói về nền kinh tế hiện nay.

Tư Giang