Ba Chị Em Brontë Xứ Huế Xưa

Trương Quang Đệ

Thuở xa xưa ấy, tôi đọc say mê các tác phẩm của ba chị em Brontȅ  nước Anh : Jane Eyre của Charlotte Brontȅ, Đồi gió hú (Wuthering Heights) của Emily Brontȅ và Agnes Grey – Gia sư của Anne Brontȅ. Những tác phẩm ấy nói về thân phận của những người phụ nữ, hai người đầy kiên nghị trong Jane Eyre và Agnes Grey, một người có vẻ cá biệt trong Đồi gió hú. Ba chị em Brontȅ không phải là những nhà văn bậc nhất nhưng nếu sau này tôi không còn trí nhớ tốt nữa, tôi sẽ quên Dickens,Thackeray hay Maugham mà chỉ còn hình ảnh ba chị em đó thôi.

Tuần trước một học trò cũ ở Hà Nội gửi tặng tôi cuốn sách vừa mới được Hội Nhà Văn xuất bản: cuốn “Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa”. Cầm cuốn sách trên tay, chưa đọc trang nào,  tự dưng tôi nghĩ đến ba chị em Brontȅ và linh tính báo cho tôi rằng ý nghĩ đó không thể hoàn toàn vô cớ. Vì thế tôi bắt đầu đọc cuốn sách với một nỗi lo lắng khó tả đồng thời một niềm ước vọng sâu kín: khám phá ba chị em Brontȅ xứ Huế xưa. Sách do ba người con gái của ba chị em xứ Huế tuyển chọn, Ba người con gái này kẻ thì ở California, kẻ thì ở Paris, kẻ thì ở Hà Nội. Sách mở đầu với lời giới thiệu của ba người con đó rồi đến ba tác phẩm của ba chị em và cuối cùng là Điếu văn do nhà văn Ngô Thảo đọc trong tang lễ bà Băng  Thanh. Tác phẩm đầu của bà  Minh Đức Hoài Trinh (tên thật: Võ thị Hoài Trinh) có nhan đề “Hai gốc cây”. Tác phẩm tiếp theo của bà Linh Bảo (tên thật: Võ thị Diệu Viên) có nhan đề “Những đêm mưa”. Cuối cùng là những ghi chép của bà Băng Thanh (tên đầy đủ: Võ Tá Băng Thanh) được ghi là “Những mẫu chuyện một cuộc đời”

Ba chị em xứ Huế xưa ra đời ở Huế, trong gia đình ông Võ Chuẩn, một đại quan triều Nguyễn, từng giữ chức Tổng đốc nhiều tỉnh lớn. Ông nội của ba chị em là Thượng Thư bộ Lễ. Cụ Thượng thư cũng như ông Tổng đốc đều có học thức cao, vừa Tây học vừa Nho học, tính tình phóng khoáng, cáp tiến. Mấy chị em xứ Huế xưa hưởng thụ được nền giáo dục đa dạng đó và những gì họ viết ra thể hiện một sự thấm nhuần sâu sắc văn hóa phương Tây cũng như văn hóa truyền thống  phương Đông. Ba chị em viết theo phong cách hiện đại nhưng từ ngữ để mô tả cuộc sống của giới quyền quí ngày xưa rất phù hợp tinh thần nho giáo. Bên cạnh đó trong các tác phẩm của ba người ta tìm thấy rất nhiều thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, một số lượng đáng kể các câu trích dẫn nho học và không thể không kể đến những cách nói hiện đại như “sức mạnh của thời gian” vv.

“Hai gốc cây” của Minh Đức Hoài Trinh thuật lại chi tiết diễn biến cuộc sống gia đình Tổng đốc Võ Chuẩn và một vài khía cạnh liên quan đến cụ Thương Thư Võ Liêm và cụ bà.  Cuộc sống của đại gia đình được mô tả bắt đầu dưới thời Pháp thuộc và kết thúc khi Pháp tái chiếm Huế năm 1947. Đọc chuyện này ta thấy phảng phất chút ít không khí “Hồng Lâu Mộng” với một loạt công tử tiểu thư khuê các. Đồng thời ta cũng thấty phảng phất khung cảnh “Les grandes familles” (Những  gia đình bề thế) của Maurice Druon. Đậm nét là một người phụ nữ, bà Ngọc vợ ông Chuẩn, tân tiến trong tình yêu, hòa nhã trong lễ nghi và kiên nghị với đời.

“Những đêm mưa” của Linh Bảo cũng thuật lại chuyện gia đình nhưng dưới góc độ khác, góc độ một phụ nữ học thức đối phó với những tình huống éo le cho mình và cho người khác. Có nguồn tin cho biết khi tác phẩm xuất hiện ở Miền Nam vào năm 1961, một số nhà văn kỳ cựu đã đánh giá rất cao cách viét của Linh Bảo, Họ thán phục cách phân tích tâm lí nhân vật sắc sảo ít thấy trong văn chương nước nhà. Thực vậy, đọc những trang viết của Linh Bảo ai cũng thấy như đang đọc Stendhal (Đỏ và Đen) hay Flaubert (Bà Bovary).

 Ngòi bút của Băng Thanh, trong mấy trang ghi chép về cuộc đời, sắc sảo không kém gì người chị Linh Bảo và người em Hoài Trinh. Nhưng nếu hai chị em ở Miền Nam có điều kiện sáng tác phong phú và xuất bản dễ dàng thì Băng Thanh ở Miền Bắc không có thời gian để đam mê văn học. Bà trải qua một cuộc sống gian lao vất vả chưa từng thấy. Vào những năm đầu cuộc chiến tranh chống Pháp, bà kết hôn vói nhà thơ Phan Khắc Khoan rồi về ở nhà chồng tại một vùng quê heo hút ở Nghệ An. Từ một tiểu thư khuê các có học vấn cao, bà trở thàng một gái nhà quê gánh nước, nuôi heo, bổ củi, làm ruộng, chăm sóc bố mẹ chồng già yếu và mở lớp dạy cho trẻ em trong làng. Rồi cơn bão Cải Cách Ruộng Đất đưa bố mẹ chồng ra đấu tố, bỏ mặc ngoài đồng đói khát cho đến chết. Vợ chồng bà cùng con cái tìm cách lánh ra sống ở Hà Nội. Chưa được mấy năm sống yên ổn thì đến lượt chồng bà, nhà thơ Phan Khắc Khoan, bị bắt và đi tù tám năm vì một lí do ý thức hệ mơ hồ nào đó. Trong tám năm đằng đẳng ấy, cứ vài ba tháng bà đi hết trại giam này đến trại giam khác ở các vùng heo hút để thăm chồng. Muốn đi phải sắp hàng thâu đêm để mua vé xe sáng sớm mai. Muốn vê phải ngồi bên vệ đường ba bốn ngày để đợi xe đi ngang qua. Nếu không may ngủ quên thì phải chờ thêm vài ba ngày nữa. Một nhà nước nhân văn đúng nghĩa lẽ ra phải tôn vinh những người như vậy. Trong hoàn cảnh bần cùng bi đát đó bà đã nuôi dạy con cháu nên người, truyền thụ cho chúng hiểu biết bao la của bà về văn chương, sinh ngữ, nghệ thuật.

Ba chị em có chung một điểm về nhân cách: nhờ học vấn cao nên nhìn đời một cách phê phán, không cuồng tín, không định kiến, đầy tính khoan dung. Ngay quan hệ trong gia đình cũng vậy, biết bao cảnh các bà mẹ ghẻ xảo quyệt, độc ác, nhưng rồi các chị em đều tha thứ cho họ. Các tác phẩm của hai chị em ở Miền Nam chỉ nói về cuộc sống gia đình nhưng hậu cảnh thấp thoáng những sự kiện thời cuộc: thuộc địa, thực dân, chiến tranh, đảo chính, cách mạng. Bà Băng Thanh ở Miền Bắc ghi lại vài nét về các sự kiện bi thảm như cải cách ruộng đất, những oan khiên của con người như trường hợp chồng bà, trường hợp con hùm xám đường số 4 (Đặng Văn Việt) và các chuyện đời éo le khác.

Tôi tin rằng cuốn sách của ba chị em xứ Huế xưa sẽ mang lại cho ngườii đọc một cảm xúc mạnh về những tấm gương phụ nữ kiên nghị tràn đầy nhân ái. Tin tức trên các mạng xã hội cho biết Trung Tâm Văn Hóa Pháp L’espace ở Hà Nội đã tổ chức hội thảo về cuốn sách trong tháng 9 vừa qua. Báo CAND trong một Phụ bản Văn nghệ ngày 28/9/2019 có bài của Vũ Quỳnh Trang ("Lắng nghe lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa")  giới thiệu căn kẽ gia thế sự nghiệp của ba cô gái Huế xưa.

Để kết thúc bài này tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ chân thành đến các người cháu gái của ba chị em xứ Huế xưa, nhờ họ mà ta được dịp may biết đến các nữ sĩ tài năng đó. Tôi cũng ngưỡng mộ hậu duệ của nhà văn Nguyễn Triệu Luật, học giả Nguyễn Văn Vĩnh, nhờ họ mà ta được tiếp xúc lại với các tác giả quan trọng đó trong nền văn học nước nhà. Giá như các cơ quan chức năng về văn học cũng tâm huyết như hậu duệ các nhà văn đó thì hay biết bao nhiêu!

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 26-11-19