06/06/2018 11:49 GMT+7

Ba thách thức trong mô hình phát triển và bài toán đặc khu kinh tế

TS. VŨ MINH KHƯƠNG (ĐHQG Singapore)
TS. VŨ MINH KHƯƠNG (ĐHQG Singapore)

TTO - Dự án xây dựng đặc khu kinh tế nên được đặc biệt coi trọng và cần được thiết kế hết sức thận trọng. Nó nên gồm hai đạo luật là Tổ chức quản lý đặc khu kinh tế và Chính sách ưu đãi cho đặc khu kinh tế.

Ba thách thức trong mô hình phát triển và bài toán đặc khu kinh tế - Ảnh 1.

TS Vũ Minh Khương - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các ý kiến phong phú mà phần đông là trái chiều về dự thảo Luật đặc khu kinh tế (ĐKKT) mà Quốc hội đang bàn là những tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Việt Nam cần nhận thức thấu đáo không chỉ về sự non yếu của dự thảo luật này, mà quan trọng hơn, là những những khiếm khuyết của mô hình phát triển hiện tại cho dù nó đã đem lại những thành công ấn tượng trong 30 năm đổi mới vừa qua. 

Bài viết này chỉ ra ba thách thức lớn trong mô hình phát triển hiện nay của Việt Nam và trình bày một số suy nghĩ về đề án xây dựng các ĐKKT. 

Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước những những biến động chưa từng có trên toàn cầu với những cơ hội và thách thức rất lớn, bài viết này muốn góp phần tìm ra phương cách giúp đẩy nhanh công cuộc phát triển của đất nước ta trên chặng đường phía trước.

Ba thách thức lớn trong mô hình phát triển hiện tại

Thách thức thứ nhất là sự thiên lệch trong nỗ lực xây đắp bốn trụ cột phát triển: thị trường, nhân lực, thể chế và văn hóa. 

Đó là sự chú trọng thiên lệch vào trụ cột thị trường và sự coi nhẹ ba trụ cột nhân lực, thể chế và văn hóa. 

Trong đó, coi nhẹ trụ cột nhân lực làm người dân thiếu lòng tự trọng và khiếm khuyết trong năng lực vươn lên. Coi nhẹ trụ cột thể chế làm người dân mất lòng tin vào hệ thống chính trị. Coi nhẹ trụ cột văn hóa làm xã hội sa sút về lòng nhân bản và sự gắn kết cộng đồng. 

Sự thiên lệch này không chỉ gây ra những tổn hại trước mắt như tình trạng tội phạm gia tăng và sự hoành hành của các loại "cò" trong giao dịch xã hội mà còn làm đất nước tê liệt khả năng đề kháng khi có khủng hoảng trong khu vực hoặc thế giới.

Thách thức thứ hai là thiếu tầm nhìn chiến lược trong phát triển. Đề xuất và nỗ lực của nhiều bộ ngành và địa phương vẫn nặng về tháo gỡ khó khăn hơn là thiết lập nền tảng cho đất nước tiến gần hơn tới mục tiêu phía trước. 

Mối quan tâm hàng đầu của cán bộ quản lý vẫn là dự án đầu tư chứ không phải dự cảm phải tạo ra những cải biến sâu sắc để đất nước đi lên. 

Chúng vẫn chưa có nỗ lực căn bản và hệ thống để cùng toàn dân hiểu rõ đất nước hiện đang ở đâu trên chặng đường phát triển và sẽ đi đến đâu và đi thế nào trong chặng đường 30 năm phía trước.

Thách thức thứ ba là sự mắc kẹt trong "cạm bẫy năng lực". 

Trong tổng kết về phát triển, cạm bẫy năng lực được định nghĩa là niềm tin thái quá của nhà hoạch định chính sách vào tính vạn năng của những công cụ đã giúp họ thành công trong quá khứ. 

Cạm bẫy này không chỉ làm họ say sưa khai thác công cụ này mà còn làm họ sao nhãng nỗ lực đầu tư vào những yếu tố then chốt và căn bản, đặc biệt khi tình thế đã đổi thay làm công cụ cũ mất đi hiệu lực vốn có. 

Việt Nam đã dùng tối đa công cụ "ưu đãi" và đã thu được nhiều kết quả ấn tượng. Tuy nhiên mắc kẹt trong "cạm bẫy năng lực" với công cụ "ưu đãi" không chỉ khó đem lại thành công mong đợi mà còn có thể gây ra những hậu quả khôn lường. 

Kinh nghiệm có được từ chính sách ưu đãi dành cho các dự án luyện thép Formosa và lọc dầu Nghi Sơn cần được chia sẻ rộng khắp trong cán bộ và nhân dân như những bài học đắt giá.

Về dự thảo luật ĐKKT hiện Quốc hội đang thảo luận

Với khát vọng đẩy nhanh công cuộc phát triển, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong thí điểm xây dựng các ĐKKT là rất đáng trân trọng. Quyết tâm này sẽ đem lại thành công lớn nếu nó là biểu tượng của sự kết hợp giữa ý chí dân tộc và trí tuệ thời đại. 

Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để quyết tâm này thành công là nó tạo nên minh chứng rằng Việt Nam có thể vượt qua ba thách thức phát triển trên và bước vào giai đoạn phát triển mới, trong đó con người, thể chế, văn hóa cùng thị trường sẽ là những trụ vững vàng của công cuộc phát triển. 

Tầm nhìn chiến lược cùng con người, văn hóa và thể chế ưu tú sẽ là động lực chủ đạo để các ĐKKT và cả Việt Nam tiến rất nhanh về mục tiêu phía trước.

Dự thảo Luật ĐKKT hiện đang trình Quốc hội còn nhiều khiếm khuyết không thể bỏ qua. Nó không chỉ chưa tạo nền tảng cho các ĐKKT vượt qua các thách thức của mô hình phát triển hiện tại như đã trình bày ở trên mà còn làm cho các thách thức này thêm nghiêm trọng. 

Với cách tiếp cận của dự thảo này, các trụ cột con người, thể chế và văn hóa cũng như tầm nhìn chiến lược sẽ không mạnh lên trong khi "cạm bẫy năng lực" thiên lệch về "ưu đãi" sẽ càng thắt chặt. 

Cò đất, đầu cơ, cờ bạc, tội phạm và tham nhũng chắc chắn sẽ là tin hàng ngày về các ĐKKT nếu chúng ta thông qua dự luật này.

Cũng cần nói thêm, nhiều điều khoản trong dự luật hiện tại quá chi tiết mà lại thiếu ý nghĩa và không chiến lược. 

Chẳng hạn điều 41 (cửa hàng miễn thuế): "Một người được mua một lần trong 1 ngày và không quá 4 lần trong 30 ngày liên tục". Đặc biệt các điều khoản về miễn thuế thu nhập cá nhân gây thiệt thòi lớn cho ngân sách nhưng động lực khuyến khích lại hạn chế.

Một số đề xuất về xây dựng ĐKKT

Dự án xây dựng ĐKKT nên được đặc biệt coi trọng và cần được thiết kế hết sức thận trọng. Nó nên gồm hai đạo luật. Đạo luật thứ nhất là về Tổ chức và quản lý ĐKKT (Luật TCQL). Đạo luật thứ hai là Chính sách ưu đãi cho ĐKKT (Luật CSƯĐ)

Luật TCQL nên ra đời trước. Nó cho phép địa phương lập ĐKKT với mô hình quản lý có đẳng cấp quốc tế, có thể tương đồng với mô hình Singapore. 

Địa phương sẽ lựa chọn cán bộ ưu tú nhất từ trong tỉnh và ngoài tỉnh để bổ nhiệm vào bộ máy quản lý ĐKKT của mình. 

Bộ máy quản lý ĐKKT do vậy sẽ chỉ gồm những cán bộ giỏi, làm việc hết lòng và có tầm nhìn thôi thúc về tương lai. 

Lương và đãi ngộ cho các cán bộ này có mức cạnh tranh cao trên thị trường lao động. Đổi lại, các cán bộ này phải kê khai minh bạch mọi tài sản mình có và được giám sát chặt chẽ. Đồng thời, các thiết chế quản lý hiện đại sẽ được áp dụng. 

Đặc biệt thông tin về từng lô đất, người sở hữu và giao dịch từng ngày sẽ được thể hiện minh bạch mà người dân ở bất cứ đâu cũng có thể tiếp cận qua mạng Internet (kinh nghiệm Singapore). 

Khi Luật TCQL ra đời, Vân đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được áp dụng ngay trong khi tất cả các tỉnh khác đều có thể đăng ký cho một địa bàn của mình áp dụng mô hình này.

Luật CSƯĐ chỉ nên ra đời sau khi Luật TCQL đã tạo nên những thành quả sống động và tạo được niềm tin của nhân dân.

Các ưu đãi cần có nghiên cứu và tham khảo thấu đáo kinh nghiệm các nước. Chúng ta nên lập một hội đồng gồm những chuyên gia ưu tú soạn thảo luật này.

Thay lời kết

Mong ước của mọi thế hệ người Việt Nam là được nhìn thấy tương lai tươi sáng của đất nước mình. Nỗ lực xây dựng ĐKKT cần thấy hết sứ mệnh lớn lao của thử nghiệm tiên phong trong thực hiện ước mơ này. 

Xây dựng ĐKKT là bước đi đột phá, rất cần được trân trọng và ủng hộ, một khi nó có được những yếu tố nền tảng cốt yếu cho sự thành công. 

Đó là ánh mặt trời của sự minh bạch, bầu dưỡng khí của lòng dân, và nguồn sinh lực của hiền tài quốc gia và trí tuệ nhân loại.

TS. VŨ MINH KHƯƠNG (ĐHQG Singapore)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên